Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Bệnh đường hô hấp

Bệnh hen suyễn ở trẻ em có nguy hiểm không? Xin bố mẹ đừng chủ quan!

Hen suyễn là một chứng bệnh khá phổ biến hiện nay. Đặc biệt, bệnh hen suyễn ở trẻ em nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm. Nhằm giúp bố mẹ hiểu rõ hơn, MarryBaby xin được chia sẻ sâu hơn trong bài viết này.

Bệnh hen suyễn là gì?

Bệnh hen suyễn ở trẻ em là chứng bệnh hô hấp mạn tính, hay còn gọi là hen phế quản. Đây chính là tình trạng đường dẫn khí bao gồm phổi và đường hô hấp bị viêm do các tác nhân kích thích. Từ đó khiến phế quản bị sưng phù, xuất hiện chất nhầy gây tắc nghẽn, dẫn đến hiện tượng ho, khò khè, khó thở.

Triệu chứng của bệnh hen suyễn ở trẻ em

Bệnh hen suyễn ở trẻ em

Một vài dấu hiệu và triệu chứng của bệnh hen suyễn có thể khiến trẻ khó chịu, ảnh hưởng đến các hoạt động vui chơi cũng như giấc ngủ, việc học tập của trẻ. Dưới đây là một số dấu hiệu bệnh hen suyễn cụ thể:

  • Biểu hiện đầu tiên dễ nhận thấy là trẻ thường xuyên bị ho, cơn ho tái phát nhiều lần, đặc biệt ho nhiều về đêm
  • Thở khò khè
  • Tức ngực
  • Hụt hơi, khó thở. Hoặc có lúc thở nhanh và thở gấp khi chạy bộ, leo cầu thang…

Hầu như những triệu chứng này bố mẹ thường chủ quan, vì nghĩ rằng cơn ho xuất hiện là do thời tiết thay đổi hay trẻ bị cảm lạnh. Tuy nhiên, mẹ phải đặc biệt chú ý, nếu kéo dài mãi không hết, cần đưa trẻ đến bệnh viện để được kiểm tra kịp thời. Việc điều trị sớm sẽ giúp kiểm soát các biến chứng nguy hiểm cũng như ngăn ngừa được những tổn thương đến phổi của bé.

Nguyên nhân gây bệnh hen suyễn ở trẻ em

Bệnh hen suyễn ở trẻ em bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau:

  • Yếu tố di truyền: Tình trạng hen suyễn ở trẻ có thể do di truyền, bố mẹ có tiền sử dị ứng hoặc bị hen suyễn.
  • Yếu tố môi trường: Các tác nhân từ môi trường như khói thuốc lá, ô nhiễm không khí, tiếp xúc với lông chó, lông mèo, phấn hoa.
  • Dị ứng với thức ăn: Đối với cơ địa những bé dễ bị dị ứng, khi ăn một số thực phẩm như hải sản, nhộng tằm, đậu phộng… có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn cao hơn.
  • Ngoài ra còn do một số yếu tố như thời tiết thay đổi, xuất hiện không khí lạnh.

Bệnh hen suyễn kiêng ăn gì?

1. Thực phẩm chứa sulfite

Nếu không muốn tình trạng hen suyễn của con trở nên tồi tệ hơn, mẹ nên “vạch” ra danh sách những thực phẩm cần tránh. Trong đó phải kể đến những loại thực phẩm có chứa sulfite. Sulfite được xem là chất phụ gia giúp bảo quản và duy trì màu sắc của thực phẩm.

Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, sulfite có khả năng kích ứng ở phổi, khiến bệnh nhân hen suyễn khó thở. Vì vậy, trong thực đơn hàng ngày của bé, mẹ nên nói “không” với những thực phẩm chứa sulfite như:

  • Món ăn muối chua: dưa cải muối, cà muối, măng muối…
  • Đồ ăn nhanh.
  • Đồ ăn đông lạnh.
  • Nước trái cây, nước uống và rau quả đóng hộp.

2. Hải sản

Cá biển và một số loại hải sản vỏ cứng như tôm, sò, cua, ốc… có thể khiến tình trạng hen phế quản của bé trở nên nặng hơn. Đặc biệt, đối với những bé có cơ địa dị ứng từ trước thì mẹ càng phải chú ý hơn trong việc cho bé ăn hải sản.

Ngoài ra, lòng trắng trứng, bột mì, đậu phộng, đậu nành… cũng là những thực phẩm bé bị hen suyễn nên hạn chế sử dụng.

Bệnh hen suyễn nên ăn gì?

Dưới đây là những thực phẩm trẻ bị bệnh hen suyễn nên ăn:

  • Thực phẩm giàu magie (Mg): Vi chất này giúp làm giãn các cơ bao quanh khí quản nên rất tốt đối với trẻ bị hen. Các loại thực phẩm giàu magie bạn có thể bổ sung nếu trước đó trẻ không bị dị ứng bao gồm rau xanh, ngũ cốc nguyên cám, cà chua, sữa…
  • Vitamin C: Với trẻ bị hen phế quản, lượng vitamin C ít hơn 50% so với trẻ không bị bệnh. Việc bổ sung vitamin C sẽ giúp làm giảm tình trạng tắc nghẽn đường hô hấp và các loại rau quả bạn nên mua: cà chua, cam, quýt, bưởi…
  • Mật ong: Với trẻ trong độ tuổi tiền dậy thì, mật ong là thực phẩm rất tốt, có thể sử dụng trị nhiều loại bệnh vì có chất kháng khuẩn tự nhiên, làm giảm tình trạng viêm và còn làm loãng đờm để dễ dàng tống xuất ra ngoài. Với trẻ bị bệnh hen suyễn, mật ong giúp ngăn ngừa cơn hen tái phát và tăng cường chức năng hô hấp cho trẻ.

Bệnh hen suyễn có lây không?

Không ít người thắc mắc và lo lắng liệu bệnh hen suyễn có lây nhiễm? Thực tế, hen suyễn không phải do virus hay vi khuẩn gây ra, nên những ai tiếp xúc với bệnh nhân hen suyễn sẽ không có nguy cơ mắc bệnh này.

Bệnh hen suyễn có di truyền không?

Mặc dù hen suyễn không phải là bệnh truyền nhiễm nhưng nó có tính di truyền trong trường hợp cả bố và mẹ đều có tiền sử mắc bệnh hen. Cụ thể, những trẻ có bố mẹ từng bị hen suyễn, tỷ lệ mắc bệnh cao hơn 30% so với những đứa trẻ của các cặp vợ chồng bình thường.

Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không?

Bệnh hen suyễn ở trẻ em
Bệnh hen suyễn có nguy hiểm không?

Câu trả lời là “có”, nếu bố mẹ không kịp thời phát hiện và vô hình chung để bệnh của con diễn tiến trở nặng hơn:

  • Ho nhiều về đêm khiến con mất ngủ, cơ thể khi nào cũng cảm thấy mệt mỏi.
  • Ảnh hưởng từ bệnh hen suyễn, chức năng phổi của trẻ có thể bị suy giảm.

Bệnh hen suyễn có chữa được không? Cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em

Như đã nói ở trên, hen suyễn là chứng bệnh hô hấp mạn tính nên khó có thể chữa trị dứt điểm. Tuy nhiên, bố mẹ đừng quá lo lắng. Bởi chúng ta vẫn có thể kiểm soát được mức độ nếu bệnh được phát hiện sớm và nghe theo lời khuyên của bác sĩ.

Theo đó, cách chữa bệnh hen suyễn ở trẻ em sẽ được bác sĩ chỉ định tùy thuộc vào mức độ bệnh và tần suất xuất hiện cơn hen của trẻ. Có hai oại thuốc thường được sử dụng trong điều trị hen suyễn ở trẻ:

  • Thuốc cắt cơn dạng hít hoặc xịt, được chỉ định sử dụng khi trẻ lên cơn hen.
  • Thuốc phòng ngừa cơn hen được sử dụng mỗi ngày đối với những trẻ bị hen suyễn nặng.

Giảm nguy cơ mắc bệnh hen suyễn nhờ bú mẹ

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Groningen (Hà Lan) vừa công bố kết quả nhiên cứu quan trọng về việc giảm nguy cơ bị bệnh hen suyễn cho trẻ nếu được bú sữa mẹ thường xuyên sau khi sinh.

Các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu của 960 trẻ em từ 4-12 tuổi đang phải sử dụng thuốc hen suyễn. Tiến sĩ Anke Maitland-van der Zee và các cộng sự đã nhận thấy trẻ bú mẹ giảm rủi ro bệnh hen suyễn tăng nặng đến 45% ở những trẻ được bú sữa công thức.

bệnh hen suyễn
Cho con bú kéo dài không chỉ tốt cho bé mà còn có lợi cho mẹ

Tiến sĩ Zee giải thích thêm: “Các thay đổi về thành phần và hoạt động của toàn bộ hệ gien đường ruột trong giai đoạn đầu đời có thể tác động đến hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh. Chính sự thay đổi này có thể gián tiếp dẫn đến thay đổi về tình trạng bệnh hen suyễn sau này”.

Trước đó, năm 2016, các bác sĩ tại Bệnh viện nhi đồng Basel thuộc Đại học Basel (Thụy Sĩ) cũng đã tiến hành phân tích dữ liệu của gần 370 trẻ sơ sinh. Những thông tin về hồ sơ di truyền, tần suất và biểu hiện của những vấn đề liên quan đến hô hấp, tình trạng bú mẹ trong năm đầu tiên của trẻ được cung cấp khiến nhiều bà mẹ ngạc nhiên.

Kết quả của nghiên cứu cho thấy trong số những trẻ mang biến thể gen 17q21 (đột biến gen được chứng minh làm tăng nguy cơ hen suyễn) thì nguy cơ xuất hiện các triệu chứng hen suyễn thấp hơn 27% ở những tuần trẻ có bú mẹ khi so với những tuần trẻ không được cho bú mẹ.

Cách chăm sóc trẻ bị hen suyễn

trẻ bị bệnh hen suyễn

Bên cạnh chú ý đến chế độ ăn uống của trẻ, bố mẹ cần lưu ý một vài điều sau đây để đảm bảo sức khỏe của con:

  • Hạn chế tối đa để trẻ tiếp xúc với tác nhân từ môi trường như khói bụi, khói thuốc lá…
  • Khuyến khích con tập thể dục mỗi ngày để nâng cao thể chất và tăng cường sức đề kháng.
  • Không nuôi thú cưng có lông trong nhà.
  • Thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ.
  • Khi thời tiết thay đổi, giữ ấm cơ thể cho trẻ.
  • Hạn chế tiếp xúc với máy lạnh.
  • Để giảm các cơn hen, mẹ có thể thử sử dụng máy phun sương trong phòng ngủ của bé, kê đầu và cổ của bé khoảng 30 độ hoặc hơn khi bé ngủ để giúp bé dễ thở hơn.

[inline_article id=84397]

Thúy Tâm