Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Bệnh đường hô hấp

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì? Trẻ bị nhiễm RSV bao lâu thì khỏi?

Vừa qua, Bệnh viện Nhi Trung ương ghi nhận số lượng trẻ bị nhiễm một loại virus hợp bào hô hấp tăng 30% so với tháng trước. Loại virus này có tên là RSV, có khả năng gây ra các bệnh về hô hấp, và có tính lây lan nhanh.

Virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì, có nguy hiểm không? Và nếu trẻ em bị nhiễm RSV bao lâu thì khỏi? Cùng Marrybaby tìm hiểu xem nhiễm virus hợp bào hô hấp – RSV gây ra bệnh gì và nguy hiểm ra sao.

1. Virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì?

RSV (Respiratory Syncytial Virus) là một loại virus hợp bào hô hấp gây nhiễm trùng mũi, cổ họng; và đường hô hấp nói chung. 

2. Virus hợp bào hô hấp – RSV có lây không? Và lây lan qua đường nào?

Virus hợp bào hô hấp có khả năng lây lan; con đường lây bệnh chủ yếu là qua đường hô hấp.  

Cụ thể con đường lây lan RSV như sau:

  • Tiếp xúc với dịch mũi, nước bọt của người bệnh (ho và hắt hơi).
  • Chạm vào tay, chân của người mắc bệnh khi chưa được vệ sinh sạch sẽ.
  • Chạm vào vết thương, quần áo và vật dụng của người bệnh.

Theo thống kê của Hệ thống y tế Cleveland Clinic (Mỹ), hàng năm, trên khắp thế giới, RSV ảnh hưởng đến 64 triệu người; và gây ra hơn 160.000 ca tử vong hàng năm.

Virus hợp bào hô hấp (RSV) có thể sống và bám trên da và các bề mặt vật dụng trong vài giờ (khoảng 6 giờ). Người bị nhiễm virus này bắt đầu lây lan mạnh nhất trong vòng vài ngày đầu sau khi nhiễm bệnh. Từ lúc này đến sau đó vài tuần, virus vẫn có thể tiếp tục lây lan.

>> Cùng chủ đề Virus hợp bào hô hấp – RSV: Adenovirus là gì? Virus adeno gây bệnh gì ở trẻ em?

3. Đối tượng có nguy cơ cao bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV)

virus rsv là gì
Virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì và đối tượng nào sẽ dễ bị nhiễm bệnh?

Theo thông tin của Hệ thống y tế Cleveland Clinic (Mỹ) cho biết, các đối tượng khả năng bị nhiễm virus RSV cao là:

  • Trẻ sinh non.
  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi.
  • Trẻ em bị suy giảm hệ miễn dịch.
  • Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mắc bệnh tim hoặc phổi bẩm sinh.
  • Người cao tuổi, nhất là người từ 65 tuổi trở lên.
  • Người bị suy giảm miễn dịch bao gồm những người bệnh được ghép tạng; bị bệnh bạch cầu hoặc HIV/AIDS.
  • Người bị hen suyễn; suy tim sung huyết; mắc bệnh lý hô hấp mạn tính; hoặc mắc bệnh viêm phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).

>> Cùng chủ đề Virus hợp bào hô hấp (RSV): Virus VZV là gì? Một loại virus gây bệnh thủy đậu ở trẻ

4. Yếu tố nào làm tăng nguy cơ nhiễm RSV?

Các yếu tố làm tăng nguy cơ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV):

  • Trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi; hoặc trẻ nhỏ dưới 1 tuổi.
  • Trẻ bị sinh non hoặc mắc bệnh tim bẩm sinh, bệnh phổi.
  • Trẻ có hệ miễn dịch yếu, mới vừa trải qua quá trình điều trị.
  • Trẻ sơ sinh sống trong môi trường đông người, không sạch sẽ.

Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ còn non yếu, nên đây chính là đối tượng mà virus RSV dễ tấn công nhất. Do đó, cha mẹ cần đảm bảo thực hiện tiêm chủng cho con, cho con ăn uống đủ chất; tạo cơ hội cho con hoạt động thể chất thường xuyên,..

5. Trẻ bị nhiễm RSV có triệu chứng như thế nào và bao lâu thì khỏi?

Virus RSV là gì
Triệu chứng của trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì? Nhiễm virus hợp bào hô hấp bao lâu thì khỏi?

Khi trẻ em bị nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV), loại virus này bắt đầu đi vào hệ hô hấp (mũi, họng) và gây ra các rối loạn và triệu chứng giống cảm lạnh như:

  • Đau tai.
  • Sổ mũi, nghẹt mũi.
  • Ho, đau họng nhẹ, sau đó ho nặng, ho dữ dội.
  • Khó thở hoặc thở nhanh hơn bình thường, thở khò khè.
  • Sốt lúc bắt đầu bệnh. Tuy nhiên, sốt cao không có nghĩa là bệnh nặng hơn.

Trẻ em bị nhiễm RSV, các triệu chứng sẽ bắt đầu sau 4-6 ngày sau khi nhiễm bệnh. Các triệu chứng lần lượt xuất hiện theo từng giai đoạn.

  • Ở ngày đầu tiên và thứ hai biểu hiện sẽ ở mức độ nhẹ.
  • Các biểu hiện tăng dần mức độ trong 3 ngày tiếp theo. Ngày thứ 5 là nặng nhất.
  • Sau ngày bệnh nặng, bệnh tình bắt đầu suy giảm ở ngày thứ 6. Và từ ngày 7-10 bệnh sẽ thuyên  giảm và khỏi hẳn.

>> Cùng chủ đề virus RSV là gì: Trẻ bị sốt do viêm Amidan bao lâu thì khỏi bệnh?

6. Biến chứng của virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì?

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh CDC cho biết, người bệnh nhiễm RSV có thể diễn biến nặng hơn; và có thể gặp các biến chứng như:

  • Viêm phổi: RSV là nguyên nhân phổ biến nhất gây viêm tiểu phế quản hoặc viêm phổi ở trẻ sơ sinh. Những biến chứng này xảy ra khi virus lây lan đến đường hô hấp dưới. Các đối tượng như trẻ sơ sinh; trẻ nhỏ; người bị suy giảm miễn dịch; những người bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, tình trạng viêm phổi càng trở nên nghiêm trọng hơn.
  • Viêm tai giữa: Nếu virus xâm nhập vào khoảng trống phía sau màng nhĩ, bệnh nhân có thể bị nhiễm trùng tai giữa. Biến chứng này thường gặp nhất ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
  • Bệnh hen suyễn: Nếu trẻ nhỏ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp RSV ở mức độ nặng, về sau nguy cơ cao trẻ sẽ mắc bệnh hen suyễn.
  • Một số biến chứng khác về đường hô hấp khác như suy phổi; xẹp phổi; tràn khí màng phổi; ứ khí phổi…

7. Cách điều trị virus hợp bào hô hấp (RSV) thực hiện như thế nào?

7.1. Đối với trẻ nhiễm mà các biểu hiện nhẹ và không xảy ra biến chứng

Cha mẹ, người lớn có thể thực hiện việc chăm sóc tại nhà. Tuy nhiên, việc chăm sóc tại nhà cho trẻ cũng cần tuân thủ theo hướng dẫn từ bác sĩ, trong đó chú trọng:

  • Sử dụng nước muối sinh lý 2 tới 3 giọt để thực hiện nhỏ mũi rồi hút dịch cho trẻ.

  • Giữ không gian nơi trẻ nằm được trong sạch, đủ ẩm, tránh xa khói thuốc bởi đây có thể là tác nhân dẫn tới nguy cơ hen suyễn sau này.

  • Động viên, cho trẻ ăn uống bình thường, đầy đủ chất. Có thể chia các bữa ăn nhỏ hơn, cho ăn đồ mềm, nước. Đặc biệt, chú trọng bổ sung nước cho cơ thể trẻ để làm dịu họng và loãng đờm.

  • Chỉ dùng các thuốc được bác sĩ chỉ định để tránh có thể dẫn tới tác dụng phụ hoặc nguy cơ không tốt, tái khám theo lịch.

7.2. Đối với trẻ có dấu hiệu, biểu hiện bất thường

Trẻ nên được điều trị tại bệnh viện với những trường hợp dịch ra nhiều hoặc khò khè hay bội nhiễm,… bác sĩ có thể phải sử dụng cả kháng sinh hoặc trợ thở.

8. Cách phòng ngừa virus hợp bào hô hấp (RSV) cho trẻ em là gì?

cách phòng ngừa
Cách phòng ngừa Virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì?

Sau khi đã biết rõ về virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì, cũng như hình thức lây lan và các biến chứng có thể xảy ra. Từ đó, để không phải trị bệnh thì cách tốt nhất lúc này chính là phòng ngừa.

Cha mẹ có thể giảm nguy cơ mắc virus hợp bào hô hấp hoặc lây nhiễm ở trẻ như sau:

  • Đeo khẩu trang khi đến nơi đông người.
  • Tránh sờ tay lên mặt, mũi hoặc miệng bằng tay chưa rửa sạch.
  • Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng và nước trong ít nhất 20 giây.
  • Làm sạch và khử trùng các bề mặt mà bạn thường xuyên chạm vào.
  • Dùng khăn giấy để che miệng khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt khăn giấy đi và rửa tay sạch sẽ.
  • Tránh tiếp xúc gần gũi, chẳng hạn như hôn, bắt tay, dùng chung cốc và dụng cụ ăn uống với người khác. Nếu bạn hoặc họ bị bệnh.
  • Đối với trẻ nhỏ, đối tượng có nguy cơ cao nhiễm RSV. Cha mẹ tránh đưa trẻ đến nơi công cộng như siêu thị, trung tâm thương mại khi con đang không khỏe hoặc bị bệnh.

Trẻ bị nhiễm virus hợp bào hô hấp sẽ có biểu hiện tương tự như trẻ mắc Covid-19. Mặc dù vậy, trường hợp cha mẹ hoặc con (trẻ nhỏ) bị nghi ngờ nhiễm Virus hợp bào hô hấp (RSV) cần đến khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn sử dụng thuốc một cách hợp lý. 

>> Xem thêm: Bé bị viêm phế quản thở khò khè nguy hiểm như thế nào, mẹ cần làm gì?

Nội dung trên là tất cả những gì cha mẹ cần biết về virus hợp bào hô hấp (RSV) là gì, và cũng đã giải thích nếu trẻ bị nhiễm RSV bao lâu thì khỏi. Mong cho cha mẹ và các con mạnh khỏe!

By Huỳnh Phong

Senior Writer at HelloBacsi & MarryBaby

Expertise in healthcare, parenting and psychological content development, keyword research, and content planning to drive organic traffic and enhance online visibility.