Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề về thần kinh

Vì sao trẻ bị đau đầu buồn nôn, sốt nhẹ? Hướng xử lý

Không chỉ người lớn mà trẻ nhỏ cũng có thể bị đau đầu. Đây là một hiện tượng tương đối phổ biến và không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau đầu buồn nôn thì đây có thể là một dấu hiệu bất thường trong sức khỏe của con và cần kịp thời can thiệp, xử lý.

Khi thấy trẻ bị đau đầu buồn nôn, chóng mắt, cha mẹ cần quan sát các biểu hiện sức khỏe của con để có thể chăm sóc đúng cách; và kịp thời đưa con đến bệnh viện chẩn đoán, điều trị. 

1. Nguyên nhân trẻ bị đau đầu buồn nôn

Đau đầu ở trẻ em rất phổ biến và có nhiều mức độ khác nhau nhưng thường không nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu trẻ bị đau đầu buồn nôn thì đây là dấu hiệu ba mẹ không nên chủ quan và cần đưa con đi khám.

Sau đây là một số nguyên nhân chính gây nhức đầu ở trẻ mà bạn cần lưu ý:

1.1 Do vấn đề đường tiêu hóa

Viêm dạ dày ruột (gastroenteritis) là bệnh viêm ruột gây ra các dấu hiệu như:

  • Tiêu chảy (phân lỏng).
  • Bé bị chuột rút cơ bắp, và co thắt dạ dày.
  • Trẻ bị đau đầu chóng mặt, đôi khi nôn mửa (nôn ói).

Cách xử lý: Không có cách điều trị cụ thể cho bệnh viêm dạ dày ruột và hầu hết trẻ em có thể được điều trị tại nhà. Đảm bảo bé uống đủ nước và không có dấu hiệu bị mất nước.

1.2 Trẻ bị đau đầu buồn nôn do ngộ độc thực phẩm

Trẻ bị ngộ độc thức ăn sẽ dẫn đến tình trạng trẻ bị đau đầu buồn nôn sau khi ăn.

Bên cạnh đó, nitrat là một chất bảo quản thực phẩm được tìm thấy trong các loại thịt đã qua xử lý như thịt xông khói, xúc xích; hoặc chất phụ gia có trong bột ngọt cũng có thể gây đau đầu ở trẻ em. Ngoài ra, nếu trẻ nhỏ uống nhiều soda, đồ uống thể thao cũng có thể bị nhức đầu.

Cách xử lý: Mẹ nên hạn chế cho con ăn những thực phẩm không lành mạnh.

>> Mẹ có thể tham khảo: Khi trẻ bị trúng thực nên làm gì trước hết?

1.3. Viêm đường hô hấp, cảm lạnh

Trẻ bị đau đầu, buồn nôn có thể do các bệnh cảm cúm, sốt hoặc bị nhiễm trùng xoang.

Cảm cúm là bệnh do virus Influenza gây ra; trẻ bị cảm cúm thường đau nhức đầu và cơ thể, đau họng, sốt và các triệu chứng hô hấp.

Cách xử lý: Hãy cho trẻ nghỉ ngơi nhiều; bù nước; và sử dụng một số loại thuốc hạ sốt (như Tylenol) hoặc thuốc giảm ho, thuốc long đờm.

Sốt là khi nhiệt độ cơ thể của trẻ cao hơn bình thường. Đó là dấu hiệu cơ thể bé đang chống lại nhiễm trùng một cách tự nhiên. Trẻ bị sốt có thể thấy đau đầu, mệt mỏi, đổ mồ hôi hoặc ớn lạnh.

Cách xử lý: Hãy cho trẻ uống nhiều nước và sử dụng thuốc hạ sốt. Trường hợp trẻ bị sốt trên 38 độ C kéo dài, không thuyên giảm kể cả khi đã dùng thuốc hạ sốt; cha mẹ đưa bé đến bệnh viện thăm khám với bác sĩ nhé.

Nhiễm trùng xoang là tình trạng viêm hoặc sưng của mô lót bên trong xoang. Tình trạng này có thể khiến trẻ bị đau đầu, buồn nôn.

Cách xử lý: Vệ sinh mũi của trẻ sạch sẽ, và theo sát phác đồ điều trị của bác sĩ.

1.4. Viêm màng não vô khuẩn hoặc do virus ở trẻ em

trẻ bị đau đầu buồn nôn
Trẻ bị buồn nôn, đau đầu là biểu hiện của viêm màng não

Viêm màng não là tình trạng viêm màng bao xung quanh não và tủy sống (màng não).

Ngoài biểu hiện trẻ bị đau đầu, buồn nôn; viêm màng não còn có các triệu chứng như sau:

  • Sốt (triệu chứng quan trọng).
  • Cứng cổ.
  • Chán ăn.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Hay bị nhầm lẫn, trạng thái tinh thần thay đổi.
  • Có đốm tròn nhỏ giống phát ban (chấm xuất huyết).
  • Thiếu năng lượng, rất buồn ngủ hoặc khó để tỉnh giấc.

Cách xử lý: Khi nghi ngờ trẻ bị đau đầu, buồn nôn kèm những triệu chứng của viêm màng não, cha mẹ hãy đưa bé đến thăm khám với bác sĩ để được chẩn đoán và có phác đồ điều trị phù hợp. Hơn nữa, hãy giúp trẻ giữ gìn vệ sinh sạch sẽ và tiêm chủng đúng lịch trình.

>> Xem thêm: Viêm màng não ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

1.5. Viêm não

Viêm não tình trạng não bị viêm và nhiễm trùng do vi-rút hoặc vi khuẩn; do thuốc men hoặc do trục trặc hệ thống miễn dịch.

Trẻ bị viêm não không chỉ đau đầu, buồn nôn, mà còn có dấu hiệu:

  • Sốt.
  • Yếu cơ.
  • Co giật.
  • Đau khớp.
  • Cổ bị cứng.
  • Nhạy cảm với ánh sáng.
  • Triệu chứng thần kinh: Khó nói, khó di chuyển, mất ý thức; nói sảng, lú lẫn.

Cách xử lý: Viêm não là một tình trạng hiếm gặp, có tính nghiêm trọng; trẻ sẽ cần được chăm sóc kịp thời. Do đó, cha mẹ cần đưa bé đi gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Hơn nữa, cha mẹ có thể phòng ngừa bằng cách cho trẻ đi vắc xin viêm não Nhật Bản, phế cầu…

1.6 Nhiễm độc chì

Nhiễm độc chì xảy ra khi chì tích tụ trong cơ thể, thường trong nhiều tháng hoặc nhiều năm. Ngay cả một lượng nhỏ chì cũng có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng.

Trẻ em dưới 6 tuổi đặc biệt dễ bị nhiễm độc chì, tình trạng này có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển thể chất và tinh thần.

Dấu hiệu trẻ bị nhiễm độc chì:

  • Táo bón.
  • Đau bụng.
  • Ăn mất ngon.
  • Kém tăng trưởng.
  • Đau khớp và yếu cơ.
  • Trẻ bị đau đầu, buồn nôn và ói mửa.
  • Cảm thấy mệt mỏi hoặc dễ cáu kỉnh.

Cách xử lý: Tốt nhất, cha mẹ nên hạn chế đến mức tối đa việc trẻ bị tiếp xúc với chì. Hơn nữa, canxi, sắt và vitamin C là những thành phần quan trọng của chế độ ăn uống lành mạnh và cũng giúp giảm lượng chì mà cơ thể hấp thụ. Bác sĩ có thể đề nghị vitamin tổng hợp có chất sắt cho trẻ không nhận đủ các chất dinh dưỡng quan trọng này trong chế độ ăn uống.

>> Xem thêm: 5 lời khuyên đắt giá khi sử dụng vitamin tổng hợp cho bé

1.7. Ngộ độc carbon monoxide

Carbon monoxide (CO) là một loại khí độc, không màu, không vị, không mùi được tạo ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn nhiên liệu có chứa carbon, chẳng hạn như gỗ, than củi, xăng, than đá, khí tự nhiên hoặc dầu hỏa.

Hít thở khí carbon monoxide làm giảm khả năng vận chuyển oxy của máu. Nồng độ oxy thấp có thể dẫn đến chết tế bào, bao gồm cả tế bào trong các cơ quan quan trọng như não và tim.

Một số triệu chứng phổ biến nhất khi bị ngộ độc carbon monoxide bao gồm:

  • Hụt hơi, đau ngực.
  • Trẻ bị đau đầu, chóng mặt, buồn nôn.
  • Nhịp tim của trẻ tăng nhanh hoặc không đều.
  • Mất thính giác, mờ mắt. mất phương hướng hoặc dễ nhầm lẫn.

Cách xử lý: Cha mẹ hãy giữ bình tĩnh nhưng hành động nhanh chóng. Rời khỏi khu vực và hít thở không khí trong lành ngay lập tức. Ngắt nguồn carbon monoxide nếu cha mẹ có thể làm một cách an toàn; không gây nguy hiểm cho bản thân hoặc người khác.

1.8 Chấn thương đầu khiến trẻ bị đau đầu, buồn nôn

Trẻ nhỏ thường hiếu động và có nguy cơ bị té ngã nhiều hơn người lớn. Vì vậy, các vết sưng tấy và bầm tím vùng đầu có thể gây đau đầu ở trẻ. Hơn nữa, vấn nạn bạo lực gia đình hoặc bạo lực học đường cũng cần chú ý; đặc biệt khi thấy bé có vết bầm mà không rõ nguyên nhân.

Nếu tai nạn không nghiêm trọng thì hầu hết các chấn thương ở đầu chỉ ở mức nhẹ. Tuy nhiên, nếu con ngã và đầu bị va đập mạnh thì không nên chủ quan.

Khi trẻ bị đau đầu buồn nôn hay có dấu hiệu lừ đừ, mệt mỏi sau khi té, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám càng sớm càng tốt vì chấn thương đầu lúc này có thể trở nên nghiêm trọng hơn.

>> Xem thêm: Trẻ sơ sinh ngã từ trên giường xuống đất, mẹ phải làm gì?

1.9 Trẻ bị đau đầu, buồn nôn do chứng đau nửa đầu

trẻ bị đau đầu buồn nôn
Chứng đau nửa đầu có thể dẫn đến tình trạng trẻ đau đầu buồn nôn

Trẻ bị đau đầu buồn nôn có thể là triệu chứng điển hình của bệnh đau nửa đầu. Tương tự như người lớn, trẻ em cũng có thể bị đau nửa đầu và hội chứng này thường là do di truyền.

Các triệu chứng của đau nửa đầu bao gồm:

  • Đau bụng.
  • Làn da nhợt nhạt.
  • Nhói hoặc đau đầu.
  • Buồn nôn, nôn mửa.
  • Đau đầu nặng hơn khi vận động.
  • Nhạy cảm với ánh sáng và âm thanh.

Cách xử lý: Đắp một chiếc khăn ướt, mát lên trán của trẻ và khuyến khích trẻ nghỉ ngơi trong phòng tối, yên tĩnh. Cân nhắc cho bé dùng thuốc giảm đau không kê đơn như acetaminophen hoặc ibuprofen.

>> Cha mẹ nên tham khảo: Trẻ bị sưng mí mắt trên: Nguyên nhân và cách phòng ngừa

1.10 Yếu tố tâm lý

Tình trạng căng thẳng, lo lắng vì áp lực học tập hoặc các mối quan hệ với cha mẹ, thầy cô và bạn bè đều có thể góp phần gây ra chứng đau đầu ở trẻ. Hơn nữa, trẻ em có thể biết mình đau đầu nhưng thường khó nhận ra cảm giác buồn, cô đơn hoặc trầm cảm.

Trong trường hợp này, bên cạnh việc chăm sóc sức khỏe của con thì cha mẹ cũng cần quan tâm đến cảm xúc của trẻ nhiều hơn để góp phần làm giảm chứng đau đầu do căng thẳng.

Nhìn chung, tình trạng trẻ bị đau đầu thường không nghiêm trọng nhưng nếu bé bị đau đầu buồn nôn do chấn thương, ngộ độc thực phẩm hoặc bệnh lý nào đó thì sẽ cần được chăm sóc y tế kịp thời.

>> Cha mẹ có thể tham khảo: Trầm cảm ở tuổi dậy thì: Nguyên nhân, dấu hiệu và cách điều trị

2. Khi nào cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Mẹ nên ghi lại các biểu hiện lâm sàng của trẻ bị đau đầu, buồn nôn để bác sĩ có thể chẩn đoán chính xác nhất

Vì tình trạng trẻ bị đau đầu buồn nôn có thể là biểu hiện của những biến chứng nguy hiểm về sức khỏe nên trong một số trường hợp, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kịp thời chẩn đoán và can thiệp:

  • Trẻ bị đau đầu, buồn nôn và nói lắp bắp.
  • Gia đình có tiền sử bị mắc bệnh thần kinh.
  • Tần suất đau ngày một tăng (hơn 3 lần/tuần).
  • Trẻ trở nên lờ đờ, uể oải, mệt mỏi và buồn ngủ.
  • Cơn đau ngày một nghiêm trọng, kéo dài liên tục.
  • Nhiệt độ, nhịp thở, mạch hoặc huyết áp bất thường.
  • Trẻ cảm thấy đau mỗi khi vận động, ho, cúi người hoặc gắng sức làm gì đó.
  • Tình trạng buồn nôn đau đầu có thể đi kèm với sốt, hiện tượng đau cứng cổ.
  • Trẻ bị mất thăng bằng, mất sức cơ ở các chi, gặp các vấn đề về thị lực, chóng mặt hoặc mất ý thức.
  • Trẻ trở nên đau đầu buồn nôn sau khi gặp một chấn thương nào đó, đặc biệt là chấn thương ở vùng đầu.
  • Trẻ thay đổi tính cách – hành động, thường xuyên cảm thấy buồn hoặc chán nản, thay đổi tâm trạng nhanh chóng từ vui sang buồn hoặc buồn sang hạnh phúc.

Trẻ bị đau đầu buồn nôn có thể là dấu hiệu cảnh báo vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Vì thế, không nên chủ quan mà hãy theo dõi trẻ, tìm ra nguyên nhân và hướng xử lý phù hợp mẹ nhé!

By Dung Nguyễn

Dung Nguyễn - Content Writer với 2 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mẹ và bé. Châm ngôn trong công việc: "Mọi bài viết hay trước tiên cần bắt đầu từ bài viết đúng"