Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Viêm màng não ở trẻ em: Dấu hiệu, nguyên nhân và cách điều trị

Viêm màng não là một căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là đối với trẻ em. Nếu cha mẹ không phát hiện kịp thời thì bệnh có thể để lại nhiều biến chứng nặng cho trẻ. Vì thế, cha mẹ nên cần nắm rõ dấu hiệu mắc bệnh và cách ngăn ngừa bệnh viêm màng não cho bé.

Trong bài viết, cha mẹ sẽ biết rõ viêm màng não ở trẻ em là gì, nguyên nhân gây ra viêm màng não ở trẻ em, viêm màng não ở trẻ em có chữa được không; cùng nhiều vấn đề về viêm màng não khác nữa.

1. Phân biệt viêm não và viêm màng não ở trẻ em

Viêm màng não (Meningitis) là tình trạng viêm màng mềm (màng mỏng bao phủ não và tủy sống). Nguyên nhân do nhiều nguyên nhân như vi khuẩn, virus, nấm, bệnh,… Viêm màng não trở nặng có thể gây ảnh hưởng đến não.

Viêm màng não có thể bị nhầm lẫn với viêm não; tuy đây là 2 bệnh lý hoàn toàn khác biệt. Viêm não là tình trạng các tác nhân gây bệnh tấn công trực tiếp vào não; không phải màng não.

Hai nguyên nhân phổ biến gây viêm não bao gồm: Viêm não do virus Viêm não Nhật Bản, virus Herpes Simplex; và viêm màng não do vi khuẩn phế cầu, vi khuẩn Hib.

Trẻ nào có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não?

Trẻ có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não cao hơn nếu trẻ bị nhiễm trùng do một số loại virus, vi khuẩn hoặc nấm gây ra. Trẻ em có hệ thống miễn dịch suy yếu có nguy cơ mắc bệnh viêm màng não rất cao.

Theo CDC Hoa Kỳ, trẻ em dưới 1 tuổi có tỷ lệ mắc bệnh viêm màng não cao nhất; tiếp đến là thanh thiếu niên ở độ tuổi 16-23. Tuy nhiên, bệnh viêm màng não có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm đối tượng nào, từ trẻ em đến người lớn.

2. Nguyên nhân gây bệnh viêm màng não trẻ em

Hầu hết các trường hợp viêm màng não ở trẻ em là do vi khuẩn hoặc virus gây ra; nhưng một số trường hợp có thể là do một số loại thuốc hoặc bệnh tật.

Cả hai loại viêm màng não đều lây lan giống như hầu hết các bệnh nhiễm trùng thông thường khác. Chỉ cần người bị nhiễm bệnh chạm, hôn, ho hoặc hắt hơi vào người không bị nhiễm bệnh; người đó sẽ có nguy cơ mắc bệnh rất cao.

2.1 Viêm màng não do vi khuẩn

viêm màng não do vi khuẩn
Một số vi khuẩn gây viêm màng não ở trẻ em bao gồm liên cầu khuẩn nhóm B, E. coli, Streptococcus pneumoniae,…

Viêm màng não do vi khuẩn gây ra hiếm gặp nhưng thường nghiêm trọng; và có thể đe dọa tính mạng của trẻ nếu không được điều trị kịp thời.

Vi khuẩn gây ra viêm màng não ở trẻ em có nhiều loại. Ở trẻ sơ sinh, nguyên nhân phổ biến nhất là liên cầu khuẩn nhóm B, E. coli và ít phổ biến hơn là Listeria monocytogenes. Ở trẻ lớn hơn, vi khuẩn Streptococcus pneumoniae (phế cầu); và Neisseria meningitidis (não mô cầu) thường là nguyên nhân gây bệnh.

Trong một số trường hợp viêm màng não do vi khuẩn, trẻ bị nhiễm khuẩn vì vi khuẩn lây lan đến màng não do chấn thương đầu nghiêm trọng hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng. Trong đó gồm có nhiễm trùng tai nghiêm trọng (viêm tai giữa) hoặc nhiễm trùng xoang mũi (viêm xoang).

2.2 Viêm màng não do virus

nguyên nhân do virus
Một số virus gây viêm màng não ở trẻ em bao gồm virus cảm lạnh, tiêu chảy, lở loét và cúm

Viêm màng não do virus (còn gọi là viêm màng não vô trùng) phổ biến hơn viêm màng não do vi khuẩn và thường ít nghiêm trọng hơn.

Có nhiều loại virus gây viêm màng não phổ biến, trong đó có virus cảm lạnh, tiêu chảy, lở loét và cúm.

3. Dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng viêm màng não trẻ em

3.1 Dấu hiệu, triệu chứng và biến chứng viêm màng não trẻ em

Các triệu chứng viêm màng não ở trẻ em sẽ khác nhau, tùy thuộc vào độ tuổi và nguyên nhân gây bệnh của trẻ. Các triệu chứng có thể bắt đầu vài ngày, sau khi trẻ bị cảm lạnh và sổ mũi, hoặc tiêu chảy và nôn mửa. Tuy nhiên, các triệu chứng cũng có thể xuất hiện đột ngột tuỳ từng trẻ.                                                                                                                                        

Ở trẻ em sơ sinh, các triệu chứng viêm màng não bao gồm:

  • Sốt.
  • Co giật.
  • Bú kém.
  • Cáu gắt.
  • Nôn mửa.
  • Cong lưng. 
  • Tính cách thay đổi.
  • Sẩn hồng ban rải rác.
  • Khóc liên tục không ngừng.
  • Ngủ nhiều hơn bình thường.
  • Thóp phồng ở trẻ dưới 1 tuổi, cổ cứng ở trẻ trên 1 tuổi

>> Cha mẹ có thể tham khảo: Trẻ sơ sinh bị nóng đầu nhưng không sốt phải làm sao?

Dấu hiệu viêm màng não ở trẻ em
Dấu hiệu, triệu chứng viêm màng não phổ biến là sốt, co giật, đau đầu,…

Ở trẻ em từ 1 tuổi trở lên, các triệu chứng của viêm màng não bao gồm:

  • Sốt.
  • Co giật.
  • Đau cổ.
  • Cứng cổ.
  • Đau đầu.
  • Đau lưng.
  • Hay cáu gắt.
  • Dễ buồn ngủ.
  • Không chịu ăn.
  • Ý thức suy giảm.
  • Buồn nôn và ói mửa.
  • Phát ban lốm đốm đỏ tím.
  • Mắt nhạy cảm với ánh sáng.

Trẻ bị sốt lúc nóng lúc lạnh là một trong những dấu hiệu của bệnh viêm màng não. Vậy cách chữa trị là gì?

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh viêm màng não có thể giống như triệu chứng của nhiều loại bệnh khác. Vì vậy khi thấy trẻ có các triệu chứng trên, hãy đưa trẻ đi khám để chắc chắn trẻ mắc bệnh gì và có cách chữa trị phù hợp. 

3.2 Biến chứng của viêm màng não ở trẻ em

Các biến chứng của viêm màng não do vi khuẩn ở trẻ em và người lớn có thể nghiêm trọng. Chúng bao gồm các vấn đề về thần kinh, chẳng hạn như mất thính giác; các vấn đề về thị lực; co giật và khuyết tật học tập. Vì mất thính giác là một biến chứng phổ biến, những trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn cần được kiểm tra thính giác sau khi khỏi bệnh.

Một số trẻ bị viêm màng não do vi khuẩn có thể cần được truyền dung dịch qua đường tĩnh mạch và thuốc để tăng huyết áp. Một số trẻ có thể cần thêm oxy hoặc thở máy nếu khó thở.

Tim, thận và tuyến thượng thận cũng có thể bị ảnh hưởng nếu trẻ bị viêm màng não; tùy thuộc vào nguyên nhân gây nhiễm trùng. Mặc dù một số trẻ mắc các biến chứng về thần kinh khi bị viêm màng não; nhưng hầu hết những trẻ được chẩn đoán và điều trị nhanh chóng đều hồi phục hoàn toàn.

3.3 Khi nào cần đưa trẻ bị viêm màng não đến bác sĩ?

Đưa trẻ đến gặp bác sĩ khi trẻ:

  • Chưa tiêm vắc xin.
  • Tiếp xúc với người bị viêm màng não.
  • Các triệu chứng không thuyên giảm hoặc trở nên tồi tệ hơn.

4. Chẩn đoán và liệu pháp đặc trị viêm màng não ở trẻ em

4.1 Viêm màng não ở trẻ em có chữa được không?

Nếu được phát hiện sớm và điều trị thích hợp, viêm màng não ở trẻ em hoàn toàn có thể chữa khỏi; tránh được những ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe như nguy cơ biến chứng và di chứng về sau như điếc, mù lòa, co giật, yếu liệt tay chân,…

Thời điểm phát hiện bệnh rất quan trọng, và ảnh hưởng đến thời gian điều trị trong bao lâu.

4.2 Cách chẩn đoán viêm màng não ở trẻ em

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ hỏi cha mẹ về các triệu chứng và tiền sử sức khỏe của bé. Sau đó, bác sĩ sẽ khám sức khỏe cho trẻ. Đôi khi bác sĩ sẽ thực hiện một vào xét nghiệm để chẩn đoán bệnh viêm màng não ở trẻ em, chẳng hạn như:

  • Chọc dò thắt lưng (vòi cột sống): Xét nghiệm này được thực hiện bằng cách đặt một cây kim vào lưng dưới, cụ thể là ống tuỷ sống của trẻ. Đây là khu vực xung quanh tủy sống. Sau đó bác sĩ sẽ đo áp lực trong ống sống và não. Một lượng nhỏ dịch não tủy (CSF) được lấy ra và gửi đi xét nghiệm để xem có não và tuỷ sống của trẻ có bị nhiễm trùng hay gặp các vấn đề khác hay không.
  • Xét nghiệm máu: Loại xét nghiệm này có thể giúp chẩn đoán cơ thể bé có vi khuẩn, virus gây viêm màng não hay không. 
  • CT scan hoặc MRI:  Đây là những bài kiểm tra cho thấy hình ảnh của não. Chụp CT đôi khi được thực hiện để tìm các nguyên nhân khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như viêm màng não. MRI có thể cho thấy những thay đổi viêm trong màng não. Hai phương thức xét nghiệm này chỉ cung cấp thêm thông tin; nưng không thể chẩn đoán viêm màng não ở trẻ em.
  • Gạc mũi, họng hoặc trực tràng: Những xét nghiệm này giúp chẩn đoán loại virus gây viêm màng não.

4.3 Liệu pháp đặc trị viêm màng não ở trẻ em

Việc điều trị viêm màng não ở trẻ em sẽ tùy thuộc vào các triệu chứng, tuổi tác và tình hình sức khỏe chung của trẻ. Nó cũng sẽ phụ thuộc vào tình trạng bệnh của trẻ nghiêm trọng như thế nào.                                         

Việc điều trị sẽ khác nhau tùy theo loại viêm màng não. Các liệu pháp điều trị viêm màng não ở trẻ em theo loại bao gồm:

  • Viêm màng não do vi khuẩn: Điều trị viêm màng não do vi khuẩn cần được bắt đầu càng nhanh càng tốt. Bác sĩ sẽ cho trẻ dùng thuốc kháng sinh IV (tiêm tĩnh mạch) để tiêu diệt vi khuẩn. Trẻ cũng sẽ được uống thuốc corticosteroid. Thuốc steroid sẽ giúp bé giảm sưng, viêm và giảm áp lực tích tụ trong não. Steroid cũng làm giảm nguy cơ mất thính giác và tổn thương não. 
  • Viêm màng não do virus: Hầu hết trẻ bị viêm màng não do virus đều tự khỏi mà không cần điều trị. Trong một số trường hợp, bác sĩ sẽ tiến hành điều trị một số phương pháp giúp trẻ giảm bớt các triệu chứng. Không có thuốc điều trị virus gây viêm màng não, ngoại trừ virus Herpes simplex. Virus này được điều trị bằng thuốc kháng virus đường tĩnh mạch. Trẻ sơ sinh và trẻ em có hệ thống miễn dịch suy yếu có thể cần phải ở lại bệnh viện.
  • Viêm màng não do nấm: Trẻ có thể được tiêm thuốc kháng nấm đường tĩnh mạch.
  • Viêm màng não lao: Trẻ sẽ được điều trị bằng một đợt thuốc kéo dài hơn 1 năm. Điều trị được thực hiện với một số loại thuốc trong vài tháng đầu tiên. Tiếp theo là các loại thuốc khác trong thời gian còn lại.

4.4 Chăm sóc tại nhà cho trẻ em bị viêm màng não

Khi trẻ đang trong quá trình phục hồi sau khi áp dụng liệu pháp chữa trị bệnh viêm màng não, trẻ cũng cần:

  • Nghỉ ngơi tại giường.
  • Bổ sung oxy hoặc máy thở nếu trẻ khó thở.
  • Tăng lượng nước nạp vào cơ thể hoặc dung dịch IV trong bệnh viện.
  • Cho trẻ uống thuốc hạ sốt và nhức đầu. Không cho trẻ dưới 19 tuổi uống aspirin hoặc thuốc có chứa aspirin trừ khi có chỉ định của bác sĩ; vì trẻ có nguy cơ mắc hội chứng Reye – một loại bệnh ảnh hưởng đến não và gan.

Hãy nói chuyện với bệnh viên, bác sĩ của trẻ về những rủi ro, lợi ích và tác dụng phụ có thể xảy ra của tất cả các phương pháp điều trị trước khi tiến hành chữa trị cho bé.

5. Cách phòng ngừa viêm màng não ở trẻ em

5.1 Tiêm chủng

Tiêm chủng ngừa định kỳ có thể ngăn ngừa đường dài bệnh viêm màng não ở trẻ em. Cho trẻ tiêm vắc-xin Hib, sởi, quai bị, bại liệtphế cầu khuẩn có thể bảo vệ chống lại bệnh viêm màng não do những vi khuẩn này gây ra.

Trẻ em cũng nên chủng ngừa vắc-xin liên hợp viêm màng não mô cầu (MenACWY) khi được 11 hoặc 12 tuổi, tiêm nhắc lại ở tuổi 16. Trẻ em trên 11 tuổi chưa được tiêm chủng ngừa cũng nên được chủng ngừa. Đặc biệt nếu trẻ sắp đến trường đại học, trường nội trú hoặc những nơi khác mà trẻ sẽ sống gần với những người khác.

Trẻ em từ 2 tháng đến 11 tuổi cũng nên tiêm MenACWY khi trẻ nằm trong những trường hợp dưới đây:

  • Mắc một số loại rối loạn miễn dịch
  • Sống trong một thời điểm, nơi bùng phát bệnh.
  • Sống hoặc đi du lịch đến các quốc gia nơi nhiễm trùng phổ biến.

Một loại vắc-xin não mô cầu mới hơn có tên là MenB cũng bảo vệ trẻ em chống lại một loại vi khuẩn não mô cầu mà các loại vắc-xin cũ chưa có. Trẻ em từ 10 tuổi trở lên có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn nên tiêm vắc xin này; tốt nhất là từ 16 đến 18 tuổi, thời điểm trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao nhất. Quyết định tiêm vắc-xin MenB nên có sự đồng thuận từ cả cha mẹ và bác sĩ.

>> Cha mẹ có thể tham khảo: Trẻ em cần tiêm phòng những chủng nào?

5.2 Giữ gìn vệ sinh sạch sẽ

Trẻ em và người lớn nên rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, và khi làm việc, tiếp xúc gần với trẻ em (chẳng hạn như ở nhà trẻ). Tránh tiếp xúc gần với bạn bè, người thân có dấu hiệu mắc viêm màng não và không dùng chung đồ ăn, thức uống hoặc dụng cụ ăn uống.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể kê thuốc kháng sinh cho trẻ em tiếp xúc gần với người bị viêm màng não do vi khuẩn để giúp ngăn ngừa nhiễm trùng.

[inline_article id=]

Trên đây là tất tần tật những điều cha mẹ cần biết về viêm màng não ở trẻ em. Viêm màng não có thể do vi khuẩn, virus, nấm hoặc một số loại bệnh gây ra. Viêm màng não do virus gây ra có thể tự khỏi nhưng do vi khuẩn gây ra thì khá nguy hiểm. Cha mẹ cần để ý trẻ có những dấu hiệu của viêm màng não ở trẻ em hay không để chữa trị kịp thời.

By Huỳnh Quế Trân

Tác giả Huỳnh Quế Trân đang phụ trách sản xuất các bài viết cho chuyên mục Mẹ và Bé cũng như Đời sống sức khỏe gia đình. Với sứ mệnh gián tiếp chăm sóc các thiên thần nhỏ và mẹ bầu, chị không ngừng cung cấp những chủ đề hữu ích và thiết thực dành cho các độc giả của MarryBaby.