Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Top sai lầm của mẹ khiến bé 1 tuổi biếng ăn

1/ Bắt đầu cho trẻ ăn dặm không đúng cách

Rất nhiều chị em tập cho bé ăn dặm bằng bột ăn dặm chế biến sẵn và duy trì chế độ ăn này quá lâu. Đây là sai lầm của rất nhiều bà mẹ khiến con biếng ăn vài tháng sau đó. Mẹ sẽ tự hỏi, có hàng ngàn bà mẹ khác cũng bắt đầu việc ăn dặm như vậy, tại sao tình trạng biếng ăn lại rơi vào bé nhà mình? Nhưng liệu mẹ có chú ý xem kỹ thành phần của loại bột ăn dặm mình chọn? Trong nhiều loại bột ăn dặm có chứa đường và gia vị, khiến khẩu vị của bé bị “định hình” một cách không lành mạnh ngay từ giai đoạn mới bắt đầu biết ăn thực phẩm. Nếu đã quen với hương vị bột ăn dặm chế biến sẵn, bé có thể sẽ khó chấp nhận các loại thực phẩm khác. Các bé 1 tuổi biếng ăn còn có thể là do mẹ không chịu đổi hương vị thức ăn thường xuyên dẫn đến bé quá ngán món cũ nhưng lại không quen với các món mới.

Bé 1 tuổi biếng ăn
Bé 1 tuổi biếng ăn là hiện tượng khá phổ biến

Nếu nhà bạn có một bé 1 tuổi biếng ăn thì nên ngưng cho bé ăn bột mà nên thử nấu cháo cho bé hoặc thử cơm nát, mì, nui và các món khác. Lúc đầu là cháo trắng, sau đó thêm rau củ quả, và vài tuần sau thêm chất đạm cho bé, giúp bé làm quen dần với món ăn, với mùi vị món ăn và giúp men tiêu hóa hoạt động và hấp thu thức ăn được tốt hơn. Với những đứa trẻ biếng ăn dạng này, cơ thể thường thiếu vitamin và khoáng chất, vì vậy mẹ cần chú ý lựa chọn những thực phẩm giàu vitamin A, B, C, D và kẽm để kích thích cảm giác ngon miệng nhiều hơn. Chú ý, không cho bé ăn quá nhiều gia vị, đặc biệt là ở giai đoạn mới ăn dặm vì lúc này thận và các cơ quan tiêu hóa, bài tiết của bé vẫn còn khá non nớt.

[inline_article id=749]

2/ Cho bé ăn dặm sớm

Rất nhiều bé 1 tuổi biếng ăn là do mẹ cho bé ăn dặm quá sớm, cụ thể là ăn dặm khi bé chưa được 6 tháng tuổi. Lúc này bé chưa đủ men tiêu hóa để hấp thu các chất dinh dưỡng, dễ gây bé khó chịu khi ăn, lâu ngày bé sẽ trở nên biếng ăn. Đặc biệt, từ sau 1 tuổi nhu cầu dinh dưỡng sẽ thay đổi, bé không còn cần lượng dinh dưỡng nhiều như thời gian trước nên mẹ sẽ càng có cảm giác là con biếng ăn.

3/ Không cho bé ngồi ngay ngắn khi ăn

Đây là sai lầm của rất nhiều cha mẹ, thường lấy ti vi ra để “dụ dỗ” con ăn hoặc bồng con đi khắp nơi để đút cháo cho con. Mẹ tập cho con thói quen này khiến bé không chịu ăn, hoặc ngậm thức ăn lâu nếu thiếu thứ kể trên. Chỉ mất vài tháng từ khi mới bắt đầu ăn dặm đến khi tình trạng bé 1 tuổi biếng ăn xảy ra do nguyên nhân trên. Việc tập cho con thói quen vừa xem ti vi vừa ăn không những khiến con biếng ăn mà còn làm yếu hệ tiêu hóa của trẻ, vì do mải xem ti vi nên men tiêu hóa của trẻ không tiết ra đúng thời điểm khiến bé ăn không tiêu, táo bón, đi phân nhầy hoặc sống. Điều này cũng khiến hệ miễn dịch của bé kém, hay bị bệnh và tăng trưởng chậm.

4/ Không chú ý đến khẩu vị của con

Nhiều trẻ thích những món mềm, nhưng nhiều bé khác lại thích nhai, gặm thức ăn, thậm chí là ngay khi mới bắt đầu làm quen với việc ăn dặm. Nhiều mẹ áp dụng một công thức cho ăn cứng nhắc, chẳng hạn đến tháng thứ 7 thì phải cho ăn cháo lợn cợn, tháng thứ 9 thì phải cho con ăn cơm nát khi cho ăn dặm kiểu Nhật hay bé tự chỉ huy hoặc ngược lại, không cho bé ăn cơm trước 2 tuổi theo phương pháp ăn dặm truyền thống. Nhưng điều quan trọng hơn cả mà mẹ đã quên, đó là không nên có bất kỳ một hình thức ép buộc nào ở đây. Cho con ăn theo đúng khả năng nhai, nuốt và sở thích ăn uống, tôn trọng dấu hiệu đói, no của bé là kim chỉ nam tốt nhất mà mẹ nên áp dụng trong cả quá trình tập ăn dặm lẫn ăn uống về sau.

[inline_article id=20452]

 

5/ Không cho bé ăn chung với bữa cơm gia đình

Nhiều bé 1 tuổi biếng ăn là do không được ăn cùng cả nhà. Rất nhiều bà mẹ có tâm lý e ngại, không muốn cho con nhỏ ăn chung với cả gia đình vì sợ bé nghịch ngợm, vày thức ăn. Điều này là hoàn toàn sai lầm, vì vốn dĩ trẻ con rất thích bắt chước, bé sẽ ăn ngon hơn khi thấy mọi người trong gia đình ai cũng ăn uống ngon lành. Vì vậy, khi trẻ được 1 tuổi, mẹ nên tập cho con làm quen với việc ăn uống cùng cả gia đình.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Bổ sung kẽm cho trẻ qua những món ngon khó cưỡng

Vai trò của kẽm đối với sức khỏe của trẻ

Kẽm là một chất có tác động trực tiếp đến hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch của trẻ. Thế nên thiếu kẽm sẽ khiến trẻ biếng ăn, suy dinh dưỡng và dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn. Mẹ cần nhanh chóng bổ sung kẽm cho trẻ nếu không muốn con bị:

– Biếng ăn, ăn không ngon miệng
– Bị táo bón, phân khô, đi ngoài khó khăn
– Suy yếu hệ miễn dịch, dễ mắc các bệnh liên quan đến đường hô hấp
– Dễ bị tổn thương da nhưng khó lành.
– Rối loạn thị giác, tóc rụng nhiều
– Thiếu kẽm cũng dẫn đến lượng canxi được vận chuyển vào não bị hạn chế, ảnh hưởng đến tinh thần của trẻ.

Nếu trẻ có những biểu hiện như trên, mẹ nên nhanh lên kế hoạch bổ sung kẽm cho trẻ. Phương pháp đơn giản và tự nhiên nhất là thêm vào thực đơn những món ăn giàu kẽm. Giai đoạn 1-3 tuổi trẻ cần 3mg kẽm/ngày. Giai đoạn 4-8 tuổi cần 5mg kẽm/ngày.

[inline_article id=139864]

Mẹ có thể tham khảo những món ăn cung cấp nhiều kẽm như bên dưới.

1/ Cháo đậu xanh hải sản (đặc biệt là tôm và ngao)

Các loại đậu và hải sản chứa hàm lượng kẽm khá cao. Một báo cháo hải sản sẽ giúp cho bữa tối của con vừa dễ ăn, vừa giàu dinh dưỡng

Bổ sung kẽm cho trẻ
Cháo đậu xanh hải sản là một lựa chọn tốt để bổ sung kẽm cho trẻ

2/ Canh thịt bò, cải bó xôi

Cứ 100g thịt bò thì có 12,3mg kẽm. Và cứ trong 100g cải bó xôi nấu chín thì có 0,8 mg kẽm. Vậy là chỉ với một tô cháo đã có thể bổ sung kẽm cho trẻ khoảng 13,1 mg. Một gợi ý thật lý tưởng để bổ sung kẽm cho trẻ!

Lưu ý, cải bó xôi rất mau chín, mẹ cần nấu thịt bò trước và bỏ rau vào sau để không làm mất vị ngon.

Canh thịt bò rau bó xôi
Bó xôi là một loại rau giàu chất dinh dưỡng quan trọng như canxi, kẽm, axit folic…

3/ Ức gà, đùi gà hầm bí đỏ, đậu trắng

Cách làm món này cũng không có gì phức tạp. Mẹ chỉ cần cắt thịt gà thành miếng vừa ăn, trộn gia vị và ướp chung với đậu trắng trong vòng 1 tiếng. Sau đó, cho thịt gà vào một quả bí đỏ Nhật đã bỏ ruột và đem hấp cách thủy. Món này vừa giàu kẽm, lại vừa đẹp mắt sẽ khiến con ăn ngon miệng lắm đấy.

Bổ sung kẽm cho trẻ
Bí đỏ là món ăn giàu dinh dưỡng và thơm ngon, giúp bổ sung kẽm cho trẻ hiệu quả

Bí đỏ là một món ăn giàu dinh dưỡng và lại thơm ngon. Không chỉ có thể làm các món mặn như đút lò, canh, súp, mẹ còn có thể thực hiện những món ngọt như bánh bí đỏ, chè bí đỏ… để bé yêu đổi món mỗi ngày.

4/ Hàu sữa nướng phô mai

Hàu sữa đứng vị trí số 1 trong bảng các món ăn giàu kẽm nhất. Một con hàu vừa phải có chứa khoảng 5,5 mg kẽm. Một vài con hàu ngon vị biển cùng phô mai thơm lừng không chỉ bổ sung kẽm cho trẻ mà con sẽ đem lại nguồn năng lượng dồi dào cho các thiên thần nhỏ vô cùng năng động.

Bổ sung kẽm cho trẻ
Hàu là một trong những loại thực phẩm giàu kẽm nhất trong tự nhiên

Ngoài món hàu phô mai, mẹ còn có thể chế biến món cháo hàu, hàu nướng mỡ hành, hàu đúc trứng vô cùng thơm ngon để bé yêu luôn có những món ăn mới lạ mỗi ngày.

5/ Nấm sốt Thịt 

Đây cũng là món ăn khá dễ làm và dễ ăn cho cả trẻ ăn dặm và trẻ lớn. Trong mỗi 100g nấm và thịt có khoảng 6mg kẽm. Hơn nữa, hương  vị của nấm rất thơm ngon và dễ ăn, các bé rất dễ chấp nhận món ăn này.

Bổ sung kẽm cho trẻ
Thịt bò giàu chất sắt và protein kết hợp cùng nấm giàu kẽm mang lại cho bé món ăn thật thơm ngon và giàu dinh dưỡng

6/ Giá đỗ

Giá lớn lên từ các loại đậu nên cũng chứa lượng kẽm dồi dào. Kì diệu hơn nữa là, sau khi nảy mầm, hàm lượng kẽm còn tăng lên gấp nhiều lần. Bên cạnh đó, giá đỗ còn chứa men tiêu hóa tự nhiên, kích thích hệ tiêu hóa của trẻ. Mẹ có thể nấu canh giá đỗ với thịt hoặc giá đỗ xào để bổ sung kẽm cho trẻ. Ngoài ra, giá đỗ còn có thể dùng để ăn kèm những món như bún, bánh cuốn, phở…

Bổ sung kẽm cho trẻ
Giá đỗ chứa hàm lượng kẽm dồi dào

Hàm lượng kẽm trong thực phẩm rất đa dạng và khác nhau nên mẹ có thể tùy ý lựa chọn thực đơn phù hợp với khẩu vị của bé nhà mình.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Có nên cho bé uống dầu dừa?

Theo các mom, mình có nên cho bé uống 1 muỗng canh dầu dừa mỗi ngày không ạ? vì mình nghe nói dầu dừa rất tốt cho người lớn như mượt tóc, chống oxy hoá, tốt cho tim mạch và làm đẹp da nên mình nghĩ bé cũng vậy

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé uống sữa tươi: Chuyện không đơn giản!

So với sữa mẹ, sữa tươi có lượng đạm rất cao, thậm chí gấp đôi. Hệ tiêu hóa non nớt của các bé dưới 1 tuổi khó có thể tiêu hóa được hàm lượng đạm cao này và có thể bị “quá tải”. Hơn nữa, lượng vitamin C và sắt trong sữa tươi khá ít, không đáp ứng đủ nhu cầu dinh dưỡng của bé. Vì vậy, các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo mẹ nên cho bé uống sữa tươi khi bé bước qua năm đầu đời.

Lưu ý khi cho bé uống sữa tươi
Uống sữa tươi không đúng cách có thể gây hại cho sức khỏe của bé

1/ Bé bao nhiêu tuổi, uống bấy nhiêu

Dù chứa nhiều chất dinh dưỡng nhưng sữa tươi không thể thay thế bữa ăn hàng ngày của trẻ. Vì vậy, song song với uống sữa, bé vẫn cần được bổ sung dưỡng chất từ thực phẩm.

– Bé 1-2 tuổi: Tổng nhu cầu về sữa của bé trong giai đoạn này khoảng 500-700 ml/ ngày. Tuy nhiên, mẹ chỉ nên cho bé uống từ 200-300 ml sữa tươi, còn lại nên xen kẽ với sữa công thức để chế độ dinh dưỡng của bé thêm đa dạng.

– Bé từ 2 tuổi trở lên: Khả năng hấp thụ thức ăn của bé đã tốt hơn và có thể tiêu thụ khoảng 300ml-500ml sữa/ ngày. Uống nhiều hơn 500 ml sữa mỗi ngày có thể làm bé bị đầy bụng, khó tiêu

– Bé từ 4-8 tuổi: Kết hợp với chế độ ăn uống đầy đủ, bé trong giai đoạn này có thể uống khoảng 600 ml sữa/ ngày.

2/ Cho bé uống sữa theo tình trạng cân nặng

Các bé từ 1-2 tuổi có thể trạng bình thường nên uống sữa nguyên kem, giàu chất béo cực tốt cho sự phát triển trí não của trẻ. Mẹ cũng nên lưu ý chọn sữa cho bé tùy theo tình trạng cân nặng, bởi nếu không chú ý, bé cưng sẽ có nguy cơ bị béo phì.

Trẻ trên 2 tuổi hoặc những bé thừa cân béo phì nên cho bé uống sữa tách béo một phần hoặc tách béo toàn phần. Bé có cân nặng bình thường có thể uống sữa không đường để hạn chế lượng đường cơ thể hấp thụ.

Với các bé suy dinh dưỡng, thấp còi, mẹ nên cho bé uống thêm sữa vào các bữa phụ, hoặc có thể sử dụng sữa chuyên dụng cho trẻ còi xương, suy dinh dưỡng theo hướng dẫn của bác sĩ.

3/ Khi nào nên cho bé uống sữa?

Trước bữa ăn chính 2 giờ, mẹ không nên cho bé uống sữa tươi hay bất kỳ đồ ăn vặt khác. Vì có thể làm bé no và lười ăn. Tốt nhất, nên cho bé uống sữa sau bữa ăn khoảng 1-2 giờ.

Uống một cốc sữa ấm vào buổi tối trước khi đi ngủ cũng sẽ giúp bé ngủ ngon hơn. Hơn nữa, uống sữa vào ban đêm sẽ giúp cơ thể dễ hấp thu canxi và các dưỡng chất quan trọng, giúp bé phát triển chiều cao tối ưu.

 [inline_article id=56890]

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

6 món ăn vặt giúp “thổi” chiều cao cho bé

Thực đơn ăn tăng chiều cao: Phô mai

Phô mai có giá trị dinh dưỡng cao, chứa nhiều loại protein, lipid đường, vitamin và các khoáng chất rất tốt cho sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, phô mai còn là thực phẩm giàu canxi với hàm lượng chất này cao hơn gấp 6 lần sữa. Khi sử dụng, phô mai tạo ra kiềm, giúp giảm độ axit ở miệng, giúp ngăn chặn sâu răng, trong phô mai còn có thêm thành phần vitamin D giúp trẻ dễ hấp thu vào xương và giúp tăng chiều cao cho bé.

Mẹ có thể cho bé yêu nhâm nhi bữa phụ bằng những miếng phô mai đóng gói sẵn có hình tam giác, xếp trong hộp tròn. Tuy nhiên, để tăng khẩu vị cho bé, mẹ có thể bổ sung vào thực đơn ăn vặt món phô mai que với lớp vỏ giòn tan bên ngoài và vị dẻo dẻo, béo ngậy bên trong. Món này được bày bán ở nhiều cửa hàng đồ ăn vặt nhưng để đảm bảo dinh dưỡng và an toàn vệ sinh thực phẩm mẹ cũng có thể chế biến tại nhà.

[inline_article id = 1091]

Thực đơn ăn tăng chiều cao: Sữa chua

Sữa chua được chế biên từ sữa cũng là thực phẩm giàu canxi, nhưng nhờ chứa axit lactic và khả năng giữ lại canxi nên sữa chua có tác dụng hơn hẳn sữa thông thường về vai trò thúc đẩy quá trình hấp thụ canxi trong cơ thể. Đây cũng là thực phẩm giàu vitamin D rất cần thiết cho sự phát triển chiều cao của cơ thể. Ngoài ra sữa chua còn chứa men tiêu hóa, giúp trẻ tiêu hóa thức ăn tốt hơn đồng thời, giúp cơ thể trẻ được thanh mát. Mẹ có thể cho bé nhâm nhi bữa phụ bằng sữa chua kết hơph với các loại trái cây như dâu tây, chuối,… để tăng thêm hương vị thơm ngon, hấp dẫn của món ăn.

Món ăn vặt giúp bé tăng chiều cao
Sữa chua giàu vitamin D và canxi là những thành phần cần thiết cho sự phát triển chiều cao của cơ thể trẻ.

Thực đơn ăn uống tăng chiều cao: Nước cam

Không chỉ nổi tiếng với hàm lượng vitamin C cao mà cam còn là một trong số những loại trái cây giàu canxi. Cứ 180g cam nguyên chất cung cấp tới 160% nhu cầu vitamin C và mỗi 100g cam tươi có thể cung cấp 40 mg khoáng chất canxi hấp thụ vào xương, giúp trẻ phát triển chiều cao, tăng cường sức đề kháng. Bên cạnh đó, cam còn chứa nhiều vitamin A và chất xơ. Được uống một cốc cam ép tươi ngon, mát lành sau một giấc ngủ trưa hoặc sau những buổi vui chơi, hoạt động chắc chắn là điều mà bé nào cũng thích. Và loại thức uống này lại còn giúp tăng chiều cao cho bé nữa chứ!

Những món ăn giàu canxi: Sữa hạnh nhân

Theo chỉ số dinh dưỡng thì trong 28,3 gam hạnh nhân có chứa tới 75mg canxi. Vì thế, hạnh nhân là thực phẩm bổ sung canxi cho cơ thể phát triển chiều cao cực hiệu quả. Không chỉ vậy, loại hạt này còn giàu vitamin E, các khoáng chất: phốt pho, sắt, kẽm, magiê… và nhiều chất bổ dưỡng khác. Với hàm lượng chất béo cao có lợi, chất béo không chuyển hóa, sử dụng hạt hạnh nhân trong thực đơn ăn vặt mỗi ngày cũng rất tốt cho sự phát triển não bộ ở trẻ nhỏ.

Mẹ có thể chế biến đơn giản bằng cách hạnh nhân rang muối và bơ ăn rất thơm ngon hoặc có thể trổ tài bằng món sữa hạnh nhân thơm ngon, ngọt bùi cho bé.

Khoai lang

Các mẹ đừng nên xem thường loại thực phẩm quen thuộc này nhé, bởi nó rất có ích cho sức khỏe đặc biệt là hỗ trợ tiêu hóa và cung cấp một hàm lượng canxi dồi dào tạo điều kiện cho trẻ phát triển chiều cao một cách toàn diện nhất đấy.

Bên cạnh các chất dinh dưỡng tốt khác thì 1 củ khoai lang cung cấp khoảng 55mg canxi và một củ khoai lang có khoảng 76mg chất này. Do đó, các mẹ nên sử dụng khoai lang làm nguyên liệu để chế biến nên cho trẻ nhâm nhi. Nếu bé không thích ăn khoai lang luộc hay nướng, mẹ có thể mua khoai dạng sấy cho bé thưởng thức.

[inline_article id = 127573]

Những món ăn giàu canxi: Các loại đậu

Nói chung các loại đậu như đậu đỏ, đậu xanh, đậu nành, đậu phộng, mè,… đều là những thực phẩm giàu canxi rất tốt cho sức khỏe. Đây còn là nguồn nguyên liệu phong phú chế biến thành nhiều món ăn vặt thơm ngon, hấp dẫn khiến trẻ nhỏ phải mê tít như: chè, nước đậu, sữa đậu, các loại bánh nhân đậu…

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 1-3 tuổi ăn bao nhiêu là đủ?

Khẩu phần dinh dưỡng cho bé 1-3 tuổi
Trong độ tuổi này, bé đã có thể tự ăn nên bạn nên chuẩn bị những khẩu phần vừa tay để ăn bốc hoặc xúc bằng muỗng

Về cơ bản, khẩu phần dinh dưỡng cho bé ở độ tuổi này bằng khoảng 1/4 so với một người trưởng thành. Tuy nhiên, tùy theo mức độ tăng trưởng, các hoạt động hàng ngày của bé mà bố mẹ đo lường nhu cầu dinh dưỡng và quyết định cho bé ăn uống như thế nào.

Dưới đây là một bảng khẩu phần tham khảo cho những vị phụ huynh đang có con trong độ tuổi 1-3. Bạn đã chuẩn bị cho con những khẩu phần đủ dinh dưỡng hay chưa? Bạn có đang “ép” con ăn quá nhiều? Hãy cùng điểm qua kích thước khẩu phần của các nhóm thực phẩm thường gặp nhất nhé!

 

Nhóm thực phẩm Số khẩu phần trong ngày Kích thước 1 khẩu phần dinh dưỡng
Năng lượng từ mỗi khẩu phần
Ngũ cốc  6 phần

– 1/4 – 1/2 lát bánh mì

-4 muỗng canh cơm, ngũ cốc, mì đã nấu chín

-20 g ngũ cốc khô

-1 – 2 bánh cracker

 250 calories
Rau  2 – 3 phần

 1 muỗng canh rau đã nấu chín/ 1 năm tuổi

VD: Bé 3 tuổi cần ăn 3 muỗng canh rau nấu chín trong 1 phần ăn

 75 calories
Trái cây  2 – 3 phần

 -22 g trái cây đóng hộp hoặc nấu chín

-1/2 miếng trái cây chín

-1/4 – 1/2 ly nước ép

 75 calories
Sữa và thực phẩm từ sữa  2 – 3 phần

 -1/2 ly sữa

-1 viên phô mai

-1/3 hộp yogurt

 300 – 450 calories
Thịt, cá, trứng, sữa, đậu hũ  2 phần

 -2 muỗng canh thịt băm

– 1/2 quả trứng (lấy cả lòng trắng, lòng đỏ)

 200 calories
Các loại hạt: Đậu, lanh…  2 phần  2 muỗng canh hạt đã ngâm và nấu chín  200 calories
Bơ đậu phộng  1 phần  1 muỗng canh  95 calories

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Thức ăn nhẹ cho bé đi nhà trẻ

Sự đa dạng là gia vị của cuộc sống. Về mặt dinh dưỡng, nguồn thức ăn đa dạng là cách tốt nhất đảm bảo cho bé đầy đủ dưỡng chất phát triển hoàn thiện trong giai đoạn này. Vì vậy, điều quan trọng đầu tiên là mẹ nên chuẩn bị mọi thứ từ tối trước đó như ủi/là quần áo, hộp đồ ăn, các túi gói đồ ăn… sẵn sàng trước. Điều đó có thể giúp mẹ giảm cảm giác căng thẳng và bận rộn vào buổi sáng.

Đến phần lựa chọn thức ăn vặt đem theo cho bé, mẹ hãy tham khảo tháp dinh dưỡng cho bé tập đi. Ở giai đoạn này, bé nên có 3 bữa chính và 2-3 bữa ăn nhẹ bổ dưỡng mỗi ngày. Thức ăn nhẹ bổ dưỡng là một phần quan trọng trong chế độ ăn, giúp bổ sung dưỡng chất hấp thu cho cơ thể mỗi ngày.

1. Trái cây tươi: Mẹ nên duy trì thường xuyên các loại trái cây tươi như táo, lê, quýt, chuối… trong các bữa ăn nhẹ của bé. Mẹ có thể chọn các loại trái cây nhiều màu sắc, cắt nhỏ và để sẵn cho bé thỏa thích “tận hưởng” bữa ăn của mình.

Thức ăn vặt cho bé đi nhà trẻ
Các loại trái cây nhiều màu sắc dễ dàng kích thích vị giác của bé

2. Bánh quy lạt/ bánh gạo, phô mai viên hoặc cắt lát: Mẹ nên lưu ý chọn các loại bánh ít muối, tránh quá mặn sẽ không tốt cho bé. Bánh gạo cũng là một gợi ý hấp dẫn cho bé.

Thức ăn vặt cho bé
Nhấm nháp bánh quy là sở thích đặc biệt của bé

3. Bánh mì / bánh cuộn: 1 lát nhỏ bánh mì nâu, bánh ngọt cắt thành các khoanh nhỏ sẽ kích thích vị giác của bé, mẹ có thể thêm 1 lát phô mai hoặc bơ đậu phộng để thức ăn nhẹ thêm phần hấp dẫn. Tuy nhiên mẹ nên lưu ý nếu bé có tiền sử bị dị ứng với các thành phần từ đậu phộng (lạc).

Thức ăn vặt cho bé đi nhà trẻ

4. Sữa chua: Đây là nguồn thực phẩm tuyệt vời cho bé, tuy nhiên loại thực phẩm này lại khá bất tiện trong việc di chuyển và bảo quản. Mẹ có thể mua các loại sữa chua đóng hộp và gửi trước ở trường để các cô có thể cho bé ăn trong bữa ăn xế. Cần lưu ý lựa chọn các loại sữa chua ít đường, tránh các loại quá ngọt, không tốt cho răng của bé.

Thức ăn vặt cho bé đi nhà trẻ

5. Bánh nhân trái cây khô, bánh chuối : Nếu bánh do chính tay mẹ làm sẽ khiến bé rất thích thú. Mẹ hãy tranh thủ thời gian rảnh rỗi cuối tuần, chuẩn bị cho bé một lát bánh mì ngọt nhẹ, dùng kèm 1 ly sữa ấm để bé có thêm năng lượng cho ngày cuối tuần năng động.

Lưu ý: Bé dưới 5 tuổi rất dễ bị mắc nghẹn nên các mẹ hãy lưu ý đừng để bé ăn các loại đậu, hạt, bắp rang… tránh trường hợp sẽ gây nghẹn cho bé nhé.

Theo nghiên cứu, 1000 ngày đầu tiên tính từ ngày đầu tiên của thai kỳ đến khi bé tròn 2 tuổi là quãng thời gian duy nhất để mở ra cửa sổ cơ hội cho sức khỏe và tương lai của bé. Chính vì vậy, các bé độ tuổi này cần được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ và thích hợp.

Để có thêm thông tin, mời mẹ tham khảo các bài viết tại https://www.marrybaby.vn/g/1000-ngay-dau-doi/

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Khẩu phần ăn của bé trong giai đoạn tập đi

Khẩu phần của bé

Bánh mì, ngũ cốc và khoai tây: Cung cấp năng lượng giúp bé học và chơi

Khẩu phần khuyến nghị mỗi ngày:

  • 1-3 tuổi: 4 khẩu phần
  • 3-5 tuổi: 4-6 khẩu phần

1 khẩu phần ăn của bé được tính là 1 trong những loại sau:

  • Một lát bánh mì hoặc 1 cuộn bánh mì nhỏ
  • Một chén ngũ cốc ( khoảng 30g các loại ngũ cốc khác nhau)
  • 2 lát bánh quy kem
  • Một chén khoai tây loại vừa

Những bé năng động có thể cần thêm nhóm thực phẩm này để cung cấp đủ năng lượng hoạt động cho bé.

Lưu ý: Khẩu vị của nhiều bé có thể khác nhau. Mẹ có thể cho bé khẩu phần ăn ít hơn nhưng cho bé ăn thường xuyên hơn.

Khẩu phần ăn dặm 1
Bánh mì cung cấp tinh bột – nguồn năng lượng giúp bé học và vui chơi cả ngày dài

Rau củ quả: Cung cấp vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe của bé

Khẩu phần khuyến nghị mỗi ngày

  • 1-3 tuổi: 2-4 khẩu phần
  • 3-4 tuổi: 4 khẩu phần hoặc có thể dùng thêm
  • Bé hơn 5 tuổi: 5 khẩu phần

1 khẩu phần ăn của bé được tính là một trong những loại sau:

  • 1 phần trái cây tươi cỡ trung bình
  • 1 ly nước ép trái cây nguyên chất nhỏ không thêm đường – pha loãng với nhiều nước
  • 1 phần trái cây tươi xắt nhỏ hoặc 1 phần salad trái cây
  • 3 muỗng trái cây tráng miệng nhuyễn
  • 2 muỗng cơm rau củ hoặc 3 muỗng tráng miệng salad
  • 1 tô súp rau củ

Rau củ quả, đặc biệt là các loại có màu xanh đậm giúp cung cấp vitamin & khoáng chất thiết yếu cho cơ thể.

Khẩu phần ăn dặm 2
Rau củ quả, đặc biệt là các loại có màu xanh đậm giúp cung cấp vitamin và khoáng chất thiết yếu cho cơ thể

Sữa, phô mai và sữa chua: Cung cấp canxi cho hệ xương và răng khỏe

Khẩu phần khuyến nghị mỗi ngày

  • 1-3 tuổi: 3 khẩu phần
  • 3-5 tuổi: 3 khẩu phần

1 khẩu phần được tính là một trong những loại sau:

  • 1 ly sữa béo
  • 1 hũ sữa chua
  • 1 phần phô mai cỡ hộp diêm (1 oz hay 28,3g)
  • 2 miếng phô mai
  • 1 phần pudding sữa
  • 2 phần pho mát tươi

Sữa ít béo ( low fat milk) không phù hợp để là loại thức uống chủ yếu cho bé dưới 2 tuổi. Mẹ có thể dần dần tập cho bé dùng sau 2 tuổi để giúp bé làm quen với nhiều thực phẩm khác nhau. Sữa tách béo ( skimmed milk) không phù hợp cho bé dưới 5 tuổi.

Khẩu phần ăn dặm 3
Sữa chua, một trong những thực phẩm ưa thích của bé

Thịt, cá, và các loại thức ăn thay thế khác: Cung cấp protein để bé phát triển khỏe mạnh

Khẩu phần khuyến nghị mỗi ngày

  • 1-3 tuổi: 2 khẩu phần ăn nhỏ
  • 3-5 tuổi: 2 khẩu phần

1 khẩu phần được tính là một trong những loại sau:

  • 1 phần thịt bò nhỏ
  • 2 miếng thịt luộc hoặc nướng
  • 2 miếng gà
  • 1 phần Phi lê cá
  • 2 quả trứng
  • 6 muỗng cơm đậu/đậu lăng nướng…

Nhóm thức ăn trên đỉnh tháp dinh dưỡng

Nhóm thức ăn như đồ ngọt, socola, bánh, thức uống có gas, bánh mặn.. thuộc nhóm thức ăn nằm trên đỉnh tháp dinh dưỡng.

Mẹ không nên để nhóm thức ăn này trở thành 1 phần của chế độ ăn hằng ngày của bé. Thức ăn hoặc đồ uống ngọt không tốt cho răng của bé.

 

Theo nghiên cứu, 1000 ngày đầu tiên tính từ ngày đầu tiên của thai kỳ đến khi bé tròn 2 tuổi là quãng thời gian duy nhất để mở ra cửa sổ cơ hội cho sức khỏe và tương lai của bé. Chính vì vậy, các bé độ tuổi này cần được cung cấp nguồn dinh dưỡng đầy đủ và thích hợp.

Để có thêm thông tin, mời mẹ tham khảo các bài viết tại https://www.marrybaby.vn/g/1000-ngay-dau-doi/

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Những thức ăn không dành cho trẻ dưới 1 tuổi

Trẻ sơ sinh 4 đến 6 tháng không được ăn gì?

Từ 4 đến 6 tháng là giai đoạn một số trẻ đã bắt đầu ăn dặm. Tuy nhiên, nếu không vì lý do gì đặc biệt thì mẹ nên hoãn quá trình tập ăn dặm lại. 6 tháng đầu đời, sữa mẹ hoặc sữa công thức nên là loại thực phẩm duy nhất của bé.

Dinh dưỡng cho trẻ 6 đến 12 tháng: Những món “cấm”

-Mật ong: Mật ong có thể chứa vi khuẩn Clostridium botulinum. Hệ thống ruột của người lớn có thể ngăn ngừa sự phát triển của loại vi khuẩn này, nhưng trong đường ruột của trẻ em, mầm mống của chúng có thể phát triển thành một loại độc tố gây nguy hiểm đến tính mạng.

Sữa bò và sữa đậu nành: Luôn cho trẻ dùng sữa mẹ hoặc sữa bột cho đến khi bé được 1 tuổi. Trước khi tròn 1 tuổi, ruột của bé không thể tiêu hóa được chất đạm có trong sữa bò và sữa đậu nành khi bé chưa được một tuổi, và cũng vì vậy mà trẻ không có được đầy đủ những dưỡng chất cần thiết. Lượng khoáng chất trong sữa bò/sữa đậu nành lúc này có thể làm tổn hại đến thận của bé yêu.

[inline_article id=58699]

-Những miếng thức ăn lớn: Những miếng thức ăn với kích cỡ lớn hơn một hạt đậu có thể mắc kẹt trong cổ họng trẻ nhỏ. Những loại rau củ như cà rốt, cần tây và đậu xanh nên được cắt thật nhỏ hoặc nấu xong rồi cắt. Đối với những loại trái cây như nho, cà chua cherry hay dưa, ta cũng nên cắt thành từng miếng nhỏ bằng hạt đậu trước khi cho bé ăn. Nên cắt thịt hoặc phô mai thành những miếng thật nhỏ hoặc nghiền vụn chúng ra. Những loại thức ăn này tuy rất quan trọng trong dinh dưỡng cho trẻ nhưng với hàm răng còn chưa đầy đủ, trẻ khó có thể nghiền được chúng.

-Những loại thức ăn nhỏ và cứng: như kẹo ngậm, thuốc ho, các loại quả hạch và bỏng ngô đều có khả năng khiến bé bị hóc, nghẹn. Các loại hạt tuy không đủ to để có thể gây nghẹn, nhưng lại có thể mắc kẹt trong đường thở của bé và gây viêm nhiễm.

Dinh dưỡng cho trẻ cần tránh gì2
Trong dinh dưỡng cho trẻ dưới 1 tuổi cần chú ý đến độ an toàn, tránh những loại thức ăn cứng

-Những loại thức ăn mềm, dính: như kẹo marshmallow, thạch rau câu hoặc kẹo gôm có thể mắc kẹt lại trong cổ họng trẻ nhỏ.

-Bơ đậu phộng: bơ đậu phộng và các loại bơ khác thường rất dính và có thể gây khó khăn cho trẻ nhỏ khi nuốt.

[inline_article id=176]

Để tránh hóc, nghẹn, mẹ cần lưu ý:

● Tránh cho trẻ ăn khi đang đi xe.

● Nếu mẹ cho bé ngậm thuốc kích thích mọc răng, hãy nhớ coi chừng bé cẩn thận vì nó có thể làm tê liệt cổ họng và cản trở việc nuốt của bé.

Những thức ăn dễ gây dị ứng: Các bác sỹ trước đây thường hay khuyên các bậc phụ huynh phải chờ cho đến khi bé được một tuổi hoặc lớn hơn thì mới cho trẻ ăn những loại thức ăn có khả năng gây dị ứng, đặc biệt là đối với trẻ có nguy cơ dị ứng cao. Tuy nhiên, Viện Hàn Lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) mới đây đã thay đổi khái niệm này. Những nghiên cứu gần đây cho thấy bé vẫn có thể phát triển các triệu chứng dị ứng cho dù có đợi cho bé tới một tuổi hay không.

Tuy vậy thì đây vẫn là một cách làm hay, cha mẹ nên từ từ cho bé làm quen với nhiều loại thức ăn hơn, cứ cách vài ngày sẽ cho bé ăn thử một món mới để chắc chắn bé không dị ứng với nó. Và nếu tin rằng bé có khả năng bị dị ứng thức ăn – ví dụ như gia đình thường bị dị ứng thức ăn hoặc bé nhà bạn chàm bội nhiễm nghiêm trọng – bố mẹ hãy hỏi ý kiến bác sỹ để tìm ra cách tốt nhất trong việc cho trẻ ăn những loại thực phẩm dễ gây dị ứng cho trẻ như trứng, sữa, đậu phộng, lúa mì, đậu nành, các loại hạt, cá và hải sản.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

Chế độ dinh dưỡng cho bé 1-3 tuổi

Không còn phải ăn những món được đặc chế cho riêng mình, bé 1-3 tuổi đã có thể tham gia vào bữa ăn của gia đình như một người lớn thực thụ. Những bé trong giai đoạn này cũng đang dần hình thành thói quen ăn uống. Vì vậy, một chế độ dinh dưỡng đa dạng và phong phú trong giai đoạn này sẽ rất quan trọng với trẻ.

Tùy vào cân nặng của trẻ, nhu cầu năng lượng mỗi ngày có thể sẽ khác nhau. Trung bình, bé cần bổ sung 100-110 calorie cho mỗi kg cân nặng của mình. Chẳng hạn, một bé nặng khoảng 11 kg sẽ cần khoảng 11x 100 (110) = 1100 – 1210 calorie mỗi ngày.

Chế độ dinh dưỡng cho bé
Để bảo đảm cho sự phát triển của con, mẹ nên đảm bảo khẩu phần ăn mỗi ngày của bé đủ các nhóm chất quan trọng

1/ Tầm quan trọng của sữa

Không còn là nguồn cung cấp chính chất dinh dưỡng cho sự phát triển của trẻ, nhưng hàm lượng canxi, vitamin D có trong sữa các loại vẫn rất quan trọng đối với sự hình thành hệ xương và răng của trẻ. Từ 1-2 tuổi, để đảm bảo cho sự phát triển trí não của trẻ, mẹ nên cho bé uống sữa nguyên kem. Sau 2 tuổi, ngoài sữa, mẹ có thể cho bé ăn thêm những thực phẩm được chế biến từ sữa để đáp ứng nhu cầu canxi ngày càng tăng của bé.

Bên cạnh bữa ăn hàng ngày, trẻ từ 1-2 tuổi cần bổ sung khoảng 200 – 300ml để đáp ứng nhu cầu phát triển của mình. Từ 2-3 tuổi, bé sẽ cần khoảng 300 – 400 ml sữa mỗi ngày. Mặc dù tốt và cần thiết cho sự phát triển của trẻ, nhưng mẹ cũng không nên cho bé uống quá 500 ml sữa mỗi ngày đâu nhé! Không chỉ khiến con dư thừa canxi, hàm lượng đạm trong sữa còn khiến bé bị đầy bụng, và không muốn ăn thêm bất cứ món nào khác. Như vậy, khả năng bé bị thiếu chất là rất cao mẹ nhé!

2/ Vai trò của chất đạm

Chất đạm đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các tế bào, và tham gia vào quá trình chuyển hóa các chất trong cơ thể. Thiếu đạm là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến trẻ còi cọc, chậm lớn. Giống như lượng calorie mỗi ngày, nhu cầu đạm của bé cũng phụ thuộc rất lớn vào trọng lượng của trẻ. Theo đó, cứ mỗi kg cân nặng, bé cần được bổ sung khoảng 2-2,5g đạm mỗi ngày.

Thành phần đạm trong một số loại thực phẩm (trong 100 gram):

– Các loại thịt (thịt lợn, gà, bò): 20-21 g

– Tôm, cua, cá: 16-18 g

– Trứng: 13-14 g

– Đậu hũ: 9g

[inline_article id=44603]

3/ Chất béo, thành phần không thể thiếu

Ngoài tham gia đóng góp một phần năng lượng cho những hoạt động mỗi ngày của cơ thể, chất béo còn đóng vai trò quan trọng vào sự hình thành và phát triển các tế bào não của trẻ. Đặc biệt, trong giai đoạn từ 1-2 tuổi, bổ sung đầy đủ lượng chất bé cần thiết là điều kiện tiên quyết ảnh hưởng đến khả năng phát triển trí não của trẻ.

Trẻ từ 1-3 tuổi cần khoảng 33 – 45 gram chất béo mỗi ngày, tương đương khoảng 1, 2 muỗng cà phê dầu ăn. Ưu tiên những loại chất béo có nguồn gốc từ thực vật, nhưng cũng không nên cắt giảm nguồn chất béo từ động vật của con, mẹ nhé!

4/ Tinh bột

Tinh bột là nguồn cung cấp năng lượng chủ yếu cho các hoạt động hàng ngày của trẻ. Nếu không được cung cấp đủ lượng tinh bột cần thiết, trẻ sẽ trở nên mệt mỏi, uể oải, thiếu sức sống…

Từ 150- 200g gạo mỗi ngày là đủ cho nhu cầu tinh bột mỗi ngày của trẻ. Nếu cho bé ăn bún, phở các loại, mẹ nên cắt giảm bớt nhu cầu gạo của bé. Dư thừa tinh bột rất dễ dẫn đến tình trạng thừa cân béo phì ở trẻ, mẹ nên cẩn thận.

[inline_article id=82141]

5/ Rau xanh và các loại trái cây

Ngoài tác dụng bổ sung một lượng chất xơ dồi dào giúp ngăn ngừa táo bón và những bệnh về đường ruột, rau xanh và các loại trái cây còn giúp bổ sung thêm một lượng vitamin và khoáng chất cần thiết cho quá trình phát triển của trẻ.

Vì vậy, mẹ nên thêm ít nhất 50g rau xanh và khoảng 150 g trái cây trong thực đơn mỗi ngày của con nhé!

>>> Xem thêm thảo luận có chủ đề liên quan:

MarryBaby