Tuy nhiên, nếu mẹ theo dõi trẻ và thấy trẻ 4 tuổi khó ngủ thường xuyên (nhiều hơn 3 lần/tuần) và tình trạng này lặp đi lặp lại trong vài tháng, có thể trẻ đang gặp chứng rối loạn giấc ngủ và cần có hướng xử trí phù hợp.
Vai trò của giấc ngủ ngon đối với sự phát triển của trẻ?
Có thể thấy, giấc ngủ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của trẻ trong giai đoạn 1-5 tuổi. Việc ngủ đủ giấc sẽ tạo tiền đề cho sự phát triển của trẻ trong những năm đầu đời, giúp con phát triển toàn diện nhất.
Khi trẻ đi ngủ, bộ não của con sẽ bắt đầu quá trình nạp lại năng lượng. Do đó, tình trạng trẻ 4 tuổi khó ngủ kéo dài có thể ảnh hưởng đến não bộ, khiến con có khả năng tập trung và ghi nhớ kém hơn, ảnh hưởng đến kết quả học tập và cuộc sống của con về sau.
Hơn nữa, một giấc ngủ ngon còn giúp cơ thể trẻ có thể cân bằng các hormone tiết ra, hạn chế tình trạng hormone kích thích cảm giác thèm ăn được tiết ra quá mức khiến trẻ thừa cân, béo phì.
Không chỉ vậy, việc ngủ đủ giấc là một cách giúp con phát triển thể chất hiệu quả bởi vào ban đêm, từ 22 giờ đến 2 giờ sáng là thời điểm hormone tăng trưởng tiết ra nhiều nhất. Đi ngủ sớm và ngủ sâu có thể giúp trẻ cao lớn hơn.
Đặc biệt, giấc ngủ còn đóng vai trò hỗ trợ các cơ quan trong cơ thể hoạt động, giúp tăng cường sức đề kháng ở trẻ, hạn chế trẻ mắc các bệnh lý nguy hiểm. Việc trẻ 4 tuổi khó ngủ có thể khiến trẻ yếu ớt, chậm phát triển so với bạn bè đồng trang lứa.
Trong những năm đầu đời, trẻ sẽ cần ngủ nhiều hơn người lớn để có thể phát triển tốt nhất và toàn diện nhất. Vậy với trẻ 4 tuổi, cần ngủ bao nhiêu tiếng một ngày?
Theo đó, trẻ sơ sinh (4 đến 12 tháng) cần ngủ 12 đến 16 giờ, trẻ mới biết đi (1 đến 2 tuổi) cần ngủ 11 đến 14 giờ và trẻ em (3 đến 5 tuổi) cần ngủ 10 đến 13 giờ. Thời gian này bao gồm cả giấc ngủ dài vào ban đêm và những giấc ngủ ngắn trong ngày, chẳng hạn như ngủ trưa.
Thông thường, chứng rối loạn giấc ngủ và tình trạng khó ngủ về đêm của trẻ có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau như do trẻ không quen ngủ xa mẹ, trẻ có sự thay đổi về chỗ ngủ, chế độ dinh dưỡng chưa phù hợp,…
Trong đó, một số nguyên nhân khiến trẻ 4 tuổi khó ngủ thường gặp nhất có thể kể đến như:
Căng thẳng
Mẹ đừng tưởng rằng trẻ còn nhỏ thì không gặp các vấn đề về tâm lý mẹ nhé! Trẻ vẫn có thể bị căng thẳng do bị bạn bè nghỉ chơi, bị bố mẹ la mắng hoặc phải liên tục ăn những món ăn mà mình không thích,… Và tình trạng căng thẳng này có thể khiến trẻ mất ngủ, ngủ không ngon giấc, khiến trẻ hay tỉnh dậy giữa đêm.
Caffeine
Caffeine từ các loại nước ngọt và nước tăng lực có thể là nguyên nhân khiến trẻ 4 tuổi khó ngủ. Các loại thức uống này sẽ tác động trực tiếp đến hệ thần kinh của trẻ, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ của con.
Cảm thấy không thoải mái
Quá đói hoặc quá no trước khi đi ngủ, phải ngủ trong một không gian chật hẹp, giường ngủ không đủ êm ái,… là những yếu tố có thể ảnh hưởng đến trẻ, khiến con cảm thấy không thoải mái và từ đó dẫn đến khó ngủ.
Mất cân đối giữa các giấc ngủ
Ngủ trưa quá nhiều sẽ làm trẻ 4 tuổi khó ngủ về đêm do trẻ không còn cảm thấy buồn ngủ nữa. Tình trạng này kéo dài sẽ làm rối loạn nhịp sinh học của trẻ và khiến trẻ mất ngủ.
Vừa trải qua những thay đổi lớn trong cuộc sống
Các vấn đề về tâm lý ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng đối với chất lượng giấc ngủ của trẻ em. Trong một vài trường hợp, trẻ 4 tuổi khó ngủ là do vừa trải qua những thay đổi lớn, chẳng hạn như bố mẹ vừa ly hôn hoặc gia đình vừa chuyển nhà đến một địa phương khác, trẻ vừa chuyển trường, trẻ vừa được tập cho ngủ một mình…
Ác mộng
Những cơn ác mộng diễn ra thường xuyên sẽ khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, ám ảnh với việc đi ngủ. Lúc này, trẻ sẽ bắt đầu phản kháng, cố gắng chống lại cơn buồn ngủ đang ập đến và dẫn đến việc thức khuya, không chịu đi ngủ để không phải gặp ác mộng.
Những nỗi sợ
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trẻ 4 tuổi khó ngủ chính là trẻ có những nỗi sợ đang lấn át trong tâm trí của con. Trẻ sợ phải ngủ một mình vì vừa xem một bộ phim kinh dị, trẻ sợ phải ngủ riêng vì sợ bố mẹ không còn thương mình,… Những nỗi sợ có thể trở thành rào cản tâm lý và ảnh hưởng đến giấc ngủ của trẻ mỗi đêm.
Sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ
Ánh sáng xanh phát ra từ tivi hoặc điện thoại, máy tính bảng cũng là một trong những nguyên nhân gây mất ngủ đối với cả trẻ em và người lớn mà mẹ không nên xem thường.
Chế độ dinh dưỡng không phù hợp
Chế độ dinh dưỡng kém lành mạnh, không bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cũng có thể khiến trẻ 4 tuổi khó ngủ. Cụ thể:
Thiếu canxi sẽ gây nên tình trạng đau nhức xương khớp và ảnh hưởng trực tiếp đến giấc ngủ của trẻ.
Thiếu hụt nguồn cung cấp magie sẽ khiến các cơ quan bên trong cơ thể hoạt động kém hiệu quả hơn và khiến trẻ mệt mỏi, khó ngủ.
Trẻ 4 tuổi khó ngủ về đêm còn có thể là do thiếu protein. Protein động vật có chứa lượng acid amin để hình thành các chất dẫn truyền thần kinh hoá học trong não bộ (GABA, endorphin, serotonin…) để giải tỏa căng thẳng, áp lực của trẻ. Vì vậy, việc thiếu protein có thể khiến sức khỏe tinh thần của trẻ xuống dốc và dẫn đến mất ngủ, ngủ không ngon giấc.
Ngoài ra, mẹ cũng nên cung cấp lượng chất béo cần thiết cho trẻ bởi chất béo có thể giúp các noron thần kinh được hình thành và phát triển một cách tốt nhất. Hơn nữa, chất béo còn có công dụng hỗ trợ các dưỡng chất khác được phát triển một cách tốt nhất.
Thiếu hụt vitamin D cũng có thể khiến trẻ khó hấp thụ canxi và dẫn đến tình trạng trẻ 4 tuổi khó ngủ.
Sắt và kẽm: 2 dưỡng chất này đóng vai trò đặc biệt quan trọng với giấc ngủ của trẻ. Thiếu sắt sẽ gây nên tình trạng mệt mỏi, căng thẳng, lo lắng, ngủ không ngon giấc. Thiếu kẽm cũng khiến hệ miễn dịch giảm sút, trẻ hay bệnh và khóc về đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Tác dụng phụ của thuốc
Trẻ 4 tuổi khó ngủ, mất ngủ có thể do ảnh hưởng từ một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc dùng để điều trị chứng rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD) và thuốc chống trầm cảm.
Bí quyết giúp trẻ dễ ngủ hơn và ngủ ngon hơn
Nếu trẻ 4 tuổi khó ngủ kéo dài, sức khỏe thể chất và tinh thần của con sẽ bị ảnh hưởng. Con không chỉ uể oải, mệt mỏi, kiệt sức, không thể tập trung vào các hoạt động hằng ngày mà còn dễ cảm thấy không vui, thường xuyên quấy khóc.
Do đó, mẹ có thể áp dụng một số bí quyết để giúp trẻ ngủ ngon hơn như:
Trò chuyện cùng con mỗi ngày: Khi mẹ trò chuyện cùng con, mẹ có thể lắng nghe tâm tư tình cảm của trẻ, giúp con giải tỏa những căng thẳng, áp lực mà còn đang gặp phải. Đây là một cách rất hiệu quả để mẹ có thể khắc phục tình trạng trẻ 4 tuổi khó ngủ.
Dành thời gian ở bên trẻ nhiều hơn trước khi ngủ: Nếu trẻ khó ngủ do cảm giác bất an, sợ hãi, bố mẹ nên dành thời gian ở bên trẻ để trò chuyện, trấn an con, mang đến cho con cảm giác an tâm hơn. Sự hiện diện của bố mẹ và người lớn trước khi trẻ đi vào giấc ngủ sẽ là một cách để dỗ dành, xoa dịu tâm lý lo sợ của trẻ và giúp con nhanh chóng chìm vào giấc ngủ.
Bố trí không gian phòng ngủ thoải mái: Để hạn chế và cải thiện tình trạng trẻ 4 tuổi ngủ không ngon giấc, mẹ nên chú ý hơn đến không gian phòng ngủ của con. Nhiệt độ phòng ngủ không quá nóng hoặc không quá lạnh, nệm ngủ êm ái, không gian yên tĩnh,… là những yếu tố có thể giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Hạn chế cho trẻ sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ: Không cho trẻ xem tivi hoặc chơi game, sử dụng các thiết bị điện tử, điện thoại trước khi ngủ sẽ giúp trẻ dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn.
Không cho trẻ ngủ trưa quá mức: Để tránh tình trạng trẻ khó ngủ về đêm, nên cho trẻ ngủ trưa từ 30-45 phút, tránh để trẻ ngủ quá 60 phút mẹ nhé.
Tập thể dục: Các hoạt động thể chất được chứng minh là có khả năng mang đến giấc ngủ ngon và sâu hơn. Do đó, mẹ có thể khuyến khích trẻ tập một số bài tập thể dục nhẹ khoảng 30-60 phút mỗi ngày và cần lưu ý tránh để trẻ vận động mạnh trong vòng hai giờ trước khi đi ngủ.
Tránh các nội dung không phù hợp: Không nên cho trẻ xem các loại phim ảnh, sách báo kinh dị, có tính chất bạo lực hoặc tiêu cực để tránh trẻ 4 tuổi khó ngủ do sợ hãi.
Thay đổi chế độ ăn uống: Mẹ nên xây dựng một thực đơn ăn uống lành mạnh, khoa học, cân bằng giữa các nhóm dưỡng chất. Ngoài ra, nên tránh cho trẻ sử dụng các loại thực phẩm có chứa caffeine để giúp trẻ ngủ ngon hơn.
Không cho thú cưng vào phòng ngủ của trẻ: Các loại thú cưng có thể tạo ra tiếng ồn khiến trẻ không thoải mái. Do vậy, để tránh trẻ 4 tuổi khó vào giấc ngủ, mẹ nên hạn chế để trẻ ngủ cùng thú cưng mẹ nhé!
Duy trì khung giờ sinh hoạt chuẩn: Mỗi ngày, nên cho trẻ đi ngủ cùng một khung giờ để tạo một thói quen tốt cho cơ thể. Như vậy đến đúng giờ, trẻ sẽ tự cảm thấy buồn ngủ và dễ đi vào giấc ngủ hơn.
Trẻ 4 tuổi khó ngủ có thể khiến mẹ lo lắng. Tuy nhiên, tình trạng này hoàn toàn có thể khắc phục được nên hãy từ từ cùng con xây dựng một lối sống lành mạnh và cố gắng để có một giấc ngủ ngon, chất lượng mẹ nhé!
Để có những chiếc gối vừa êm vừa tốt cho bé dùng trong tiết trời nóng bức, mẹ có thể tìm hiểu cách làm gối đậu xanh và may những chiếc gối nhỏ xinh cho bé yêu dùng.
Theo Đông y, vỏ đậu xanh phơi hay sấy khô dùng làm ruột gối đem lại công dụng mát đầu, thông kinh lạc, giữ cho vùng đầu gáy được thoáng khí, sáng mắt… Việc cho trẻ dùng loại gối này đem lại rất nhiều lợi ích như: giúp bé ngủ ngon, tránh đổ mồ hôi trộm, hạn chế nguy cơ nóng sốt.
Trong bài viết này, Marry Baby sẽ hướng dẫn bạn cách làm gối vỏ đậu xanh kèm những lưu ý khi dùng để đảm bảo sức khỏe bé yêu.
Cách làm gối vỏ đậu xanh cho bé có giấc ngủ ngon
1. Cách sơ chế vỏ đậu xanh làm gối cho bé
Để có vỏ đậu xanh làm gối cho bé, mẹ có thể nhờ người bán giá đỗ hỏi mua giúp vỏ đậu xanh của cơ sở làm giá hoặc đặt mua trên các trang bán hàng online uy tín.
Trước khi dùng vỏ đậu xanh để làm gối cho bé, mẹ nên nhặt hết các tạp chất lẫn trong vỏ đậu (nếu có). Sau khi nhặt sạch, mẹ nên rửa (đãi) lại nhiều lần cho sạch bụi bẩn và phơi khô. Lưu ý là mẹ không nên phơi dưới trời nắng to vì dễ khiến vỏ đậu giòn, nhanh bị vụn.
2. Kích thước để may ruột gối cho bé
Nếu muốn tự tay may cho con những chiếc gối nằm xinh xắn, đáng yêu mà băn khoăn chưa biết kích cỡ của ruột gối ra sao mới phù hợp, bạn có thể tham khảo các gợi ý sau:
Trẻ 0 – 18 tháng tuổi: kích thước ruột gối vào khoảng 25 x 35cm.
Trẻ 18 tháng đến 3 tuổi: Ruột gối dành cho bé nên có kích thước 30 x 40cm.
Với các bé 3 – 5 tuổi: kích thước ruột gối vào khoảng 35 x 45cm là phù hợp.
Trẻ 5 – 8 tuổi: Mẹ nên may ruột gối cho bé có kích thước vào khoảng 40 x 55cm. Đây là kích thước gần gần tương đương với gối của người lớn.
Lưu ý là để may ruột gối cũng như bao gối cho bé, mẹ nên dùng vải cotton 100%, vải tơ tằm, line… tránh dùng vải có chất liệu nilon sẽ gây hầm bí, khiến con dễ bị hăm. Với vỏ gối, mẹ nên tăng thêm kích thước ở mỗi bề lên khoảng 5 – 10cm là vừa.
3. Nhồi ruột gối vỏ đậu xanh
Vỏ đậu xanh sau khi phơi khô, bạn có thể nhồi gối cho bé hoặc trộn với bông gòn theo tỷ lệ 1:1 để tăng độ đàn hồ cho gối.
Mẹ chỉ nên nhồi gối cho bé có độ cao phù hợp. Cụ thể với các bé từ 0 – 12 tháng tuổi: mẹ chỉ nên nhồi sao cho độ cao của ruột gối không quá 2cm. Với các bé từ 1 – 3 tuổi, độ cao gối không nên vượt quá 3cm mẹ nhé.
Việc cho bé dùng gối quá cao thực chất không tốt cho sức khỏe cột sống của trẻ vì có thể gây cong vẹo cột sống.
Những lưu ý khi cho trẻ dùng gối vỏ đậu xanh
Với các bé còn nhỏ, mẹ nên làm vài cái gối cho con luân phiên sử dụng mỗi khi gối bị bẩn. Trường hợp bị ọc sữa hay nôn trớ làm ướt gối, mẹ nên dùng bàn chải gột sạch rồi dùng sữa tắm hoặc xà bông dành riêng cho trẻ em để giặt. Sau khi giặt nên phơi thật khô mới cho bé dùng lại, để tránh ẩm mốc sinh sôi gây hại cho bé.
Mỗi tuần, mẹ nên phơi ruột gối để hạn chế tối đa nguy cơ nấm mốc phát triển. Một lưu ý không nên bỏ qua là trước khi cho bé dùng gối, mẹ nên dùng thử để xem gối có gây ngứa ngáy không, mùi của gối có dễ chịu rồi mới cho bé dùng.
Trong thời gian cho bé sử dụng gối vỏ đậu xanh, nếu nhận thấy bé yêu bị phát ban, ngứa hay xuất hiện dấu hiệu khác lạ nơi vùng da tiếp xúc với gối, mẹ cần cho trẻ dùng gối khác để tìm ra nguyên nhân. Ngoài ra, mẹ nên thay vỏ gối sau mỗi 3 – 5 ngày sử dụng để đảm bảo vệ sinh giấc ngủ cho bé.
Marry Baby tin rằng với những chia sẻ ở trên, mẹ đã có thể dễ dàng may cho bé yêu một bộ gối vỏ đậu xanh cho con dùng.
Trẻ sơ sinh thường rất nhạy cảm với các yếu tố xung quanh mình, nhất là khi chúng cảm nhận được sự vắng bóng của cha mẹ nên sẽ sinh ra quấy khóc. Vì vậy, bạn đừng quá ngạc nhiên bởi điều tương tự cũng xảy ra khi bạn cho trẻ nằm nôi đấy.
Để dỗ trẻ sơ sinh vào giấc ngủ chẳng phải là điều dễ dàng, nhất là với những ai mới lần đầu làm bố mẹ. Bạn có thể phải thử nhiều cách khác nhau từ ẵm bồng, hát ru hay đặt bé vào nôi và đung đưa nhè nhẹ. Nếu chẳng may bé nhà bạn lại không thích nằm nôi thì điều này lại càng khó khăn hơn nữa.
Thực tế là có rất nhiều trẻ khi được đặt vào nôi hoặc cũi đều quấy khóc phản đối. Nếu bạn có con rơi vào trường hợp trên, những chia sẻ trong bài viết dưới đây có thể là cứu cánh đắc lực cho bạn.
Những nguyên nhân trẻ khóc khi nằm nôi
Các chuyên gia đã thống kê có ba lý do chính khiến trẻ “ghét” nằm nôi, bao gồm:
Một điều đặc biệt là trẻ sơ sinh và những trẻ dưới một tuổi có khả năng phân biệt được những gương mặt khác nhau. Điều này có thể giải thích rằng, trẻ đã hình thành một mối dây liên kết giữa những người mà bé nhìn thấy nhiều nhất và cả những người mà bé ở gần bên cạnh trong một khoảng thời gian dài.
Do vậy, nếu không tìm thấy những gương mặt thân quen ở gần mình, trẻ sẽ cảm thấy lo lắng, bất an. Đó là lý do vì sao khi bạn đặt trẻ vào trong nôi hoặc cũi và liền rời đi, chúng sẽ quấy khóc. Trẻ sơ sinh luôn cần được vỗ về, vì vậy mà bố mẹ cần phải luôn có mặt kịp thời để xoa dịu bé!
2. Trẻ gặp vấn đề về trào ngược dạ dày
Trào ngược dạ dày không chỉ gặp ở người trưởng thành mà cả trẻ sơ sinh cũng thường mắc phải. Có nhiều trẻ sơ sinh có thói quen ngủ nằm nghiêng một bên thay vì nằm ngửa. Nếu bạn nhận thấy con mình cũng nằm ngủ nghiêng, có nguy cơ cao bé đang phải đối mặt với vấn đề trào ngược dạ dày hoặc đau bụng. Do đó, khi bạn đặt trẻ nằm vào trong nôi với tư thế ngửa, vấn đề này sẽ xảy ra. Đó là nguyên do tại sao bé hay khóc thét ngay sau khi được đặt vào nôi.
3. Trẻ muốn được ôm ấp nhiều hơn
Trẻ sơ sinh thường cảm thấy được an toàn trong vòng tay của cha mẹ và vì thế chúng không muốn rời khỏi không gian ấm áp và an toàn này. Theo thời gian, một loại phản xạ sẽ dần hình ở trẻ. Một khi bé cảm nhận được sự tách rời khỏi bố mẹ, phản xạ này sẽ được kích hoạt khiến chúng cảm thấy không an toàn. Do đó, khi bạn đặt trẻ nằm vào trong nôi, chúng có xu hướng vẫn bám lấy bạn mà không có ý định buông ra.
Đâu là những giải pháp cho vấn đề trên?
Marry Baby mách nhỏ cùng mẹ những mẹo hay để khắc phục tình trạng trẻ vừa nằm nôi đã tỏ ra khó chịu và quấy khóc khiến các mẹ phải đau đầu:
1. Hãy để con có thời gian làm quen
Bạn không thể đột ngột ngay tức khắc buộc trẻ sơ sinh phải làm quen với việc chìm vào giấc ngủ mà thiếu bố mẹ ở cạnh bên. Hãy cho các bé một chút thời gian để điều chỉnh những thay đổi cho đến khi trẻ đã quen với việc ngủ một mình. Dù rằng, điều này có thể phải mất vài tuần hoặc thậm chí vài tháng, điều quan trọng là bạn phải thật kiên nhẫn.
2. Ở cạnh bên con khi bé quấy khóc
Hầu như trẻ sơ sinh không muốn tách rời khỏi bố mẹ của mình. Do đó, bạn nên cố gắng ở bên cạnh bé nhiều nhất có thể để trẻ không có cảm giác cô đơn hay bị bỏ rơi. Thay vì đặt trẻ nằm vào nôi rồi rời đi ngay, hãy ngồi cạnh bé trên một chiếc ghế sát với nôi cho đến khi bé ngủ thiếp đi. Bằng cách này, trẻ sẽ dần quen với việc nằm nôi. Bạn thậm chí có thể treo áo khoác hoặc bất kỳ chiếc áo mỏng nào của bạn ở gần nôi hoặc cũi để tạo cảm giác gần gũi, an toàn khi trẻ nhận biết được mùi hương quen thuộc từ mẹ.
3. Chỉ xem xét việc cho trẻ nằm nôi vào buổi tối
Đêm là thời gian trẻ có xu hướng ngủ lâu hơn. Do vậy, bạn nên cho bé vào nôi khi bé đang chuyển sang trạng thái buồn ngủ. Lúc này, trẻ sẽ bớt cáu kỉnh hơn và từ đó dễ dàng chìm vào giấc ngủ.
Mặc dù cũng có nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên cho trẻ sơ sinh nằm nôi hay không nhưng không thể phủ nhận một điều nôi giúp bé có giấc ngủ dài hơn. Nếu như bạn có gặp tình huống trẻ quấy khóc khi vừa đặt vào nôi, thì hy vọng rằng bài viết sẽ cho bạn những thông tin hữu ích nhất!
Có thể mẹ không biết, nhưng hầu hết giấc ngủ của trẻ sơ sinh có thể diễn ra ở những nơi ồn ào nhất, hoặc nhiều ánh sáng nhất. Bé cưng trải qua 9 tháng trong bụng mẹ, và đó không phải là một nơi yên tĩnh đâu bạn nhé! Thực tế, những âm thanh như nhịp tim của mẹ, tiếng hoạt động của hệ tiêu hóa, và các chức năng khác trong cơ thể cũng khá ồn ào. Thậm chí, theo nghiên cứu, những âm thanh đều đều, lặp đi lặp lại như tiếng quạt máy lại có thể khiến giấc ngủ của trẻ sâu hơn rất nhiều. Tuy nhiên, chỉ cần qua hết giai đoạn này, khi bé đã quen dần với môi trường bên ngoài, và có một lịch trình ngủ nhất định, một tiếng động nhỏ cũng có thể khiến giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn.
2. Trẻ sơ sinh được “cài đặt” để thức dậy vào ban đêm
Mẹ có thể sẽ cảm thấy mệt mỏi khi cứ phải thức dậy giữa đêm để dỗ và cho con bú. Tuy nhiên, hơn 95% các bà mẹ có con nhỏ dưới 12 tháng tuổi cũng phải chịu chung “số phận” với bạn. Trung bình, các bé phải thức ít nhất 3 lần vào mỗi đêm, và điều sự gián đoạn giấc ngủ của trẻ lúc này là rất bình thường. Thậm chí, theo một số chuyên gia về sự phát triển của trẻ sơ sinh, những bé thường xuyên thức dậy vào ban đêm thường có khả năng nhận thức và sự đồng cảm nhiều hơn.
3. Bé cũng nằm mơ khi ngủ
Trong giấc ngủ của trẻ, không chỉ số lần nằm mơ, thậm chí thời gian mơ của bé cưng còn nhiều hơn cả người lớn. Ở người lớn, chỉ có khoảng 20% thời gian ngủ cho một giấc mơ, trẻ sơ sinh thậm chí “tiêu tốn” 50% thời gian ngủ của mình để mộng mơ.
4. Quấn khăn khi ngủ có thể giúp con ngon giấc
Việc quấn khăn cho bé sẽ tạo ra một áp lực nhẹ xung quanh cơ thể bé, tạo cho bé cảm giác an toàn như cảm giác khi con nằm trong bụng mẹ. Tuy nhiên, mẹ nên lưu ý, không phải bé nào cũng thích bị bó buộc trong lớp khăn.
5. Trẻ sơ sinh “ồn ào” khi ngủ
Khi ngủ, bé có thể nấc, tạo ra tiếng huýt gió hoặc thậm chí tiếng nuốt nước bọt ừng ực trong cổ họng. Ngoài ra, bởi vì bé dành phần lớn thời gian của mình để nằm mơ, nên cũng sẽ có một số tiếng động con gây ra khi nằm mơ nữa mẹ nhé!
6. Bé có thói quen… đập đầu
Được biết đến như một hành vi tự an ủi ở trẻ sơ sinh, hành vi đập đầu xuống giường của trẻ thường bắt đầu khi bé được 6 tháng tuổi, và phổ biến ở những bé 18-24 tháng tuổi. Mặc dù thói quen này thường sẽ biến mất khi bé 3 tuổi, nhưng đây có thể là một dấu hiệu bất thường về sức khỏe của con. Mẹ nên trao đổi thêm với bác sĩ nếu bé có thói quen này.
7. Cho con đi ngủ sớm thế nào mới chuẩn?
Đối với trẻ nhỏ, 30-36 tháng tuổi, việc bắt bé đi ngủ sớm hơn so với đồng hồ sinh học của bé có thể gây ảnh hưởng xấu về hành vi. Bé có thể “biểu tình” bằng màn la hét, chạy tới chạy lui hoặc thậm chí có thể thức hàng giờ để quấy phá.
Cho bé đi ngủ không đúng giờ có thể gây ra tình trạng giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn, lâu dần có thể khiến bé mắc chứng khó ngủ, sẽ dễ gặp vấn đề về cảm xúc và hành vi sau khi lớn lên.
Giấc ngủ của trẻ sẽ thay đổi, tùy thuộc vào độ thích nghi với mức gia tăng hoóc-môn của cơ thể. Thông thường, hoóc-môn sẽ gia tăng vào buổi chiều tối, khoảng hơn 7 giờ. Nếu mẹ đợi khoảng 1 tiếng rưỡi sau đó mới bắt đầu cho bé ngủ, giấc ngủ của trẻ sẽ dễ dàng đến hơn. Tuy nhiên, với những bé có thời điểm gia tăng lượng hormone trễ hơn, mẹ cần tính toán lại thời gian cho giấc ngủ của bé, cho bé ngủ trễ hơn.
8. Nhu cầu giấc ngủ của trẻ theo độ tuổi
Không chỉ thời gian bắt đầu giấc ngủ, việc ngủ bao nhiêu lâu cũng rất quan trọng. Tùy từng bé sẽ có thời gian ngủ khác nhau, có thể ngủ trưa nhiều nên ngủ tối ít hoặc ngược lại, nhưng mẹ nên đảm bảođể giấc ngủ của trẻ sâu và đủ.
MarryBaby mách mẹ mức thời gian trung bình bé cần để ngủ mỗi ngày, bao gồm ban ngày và đêm:
Tuổi
Ban đêm
Ban ngày
Tổng thời gian
2
10 – 12 tiếng
1 – 3 tiếng
13 tiếng
3
9 – 12 tiếng
1 – 3 tiếng
12 – 13 tiếng
4
9 – 12 tiếng
0 – 2,5 tiếng
11 – 12 tiếng
5
8 – 11 tiếng
0 – 2,5 tiếng
10 – 11 tiếng
6
10 – 11 tiếng
Không cần
10 – 11 tiếng
7
10 – 11 tiếng
Không cần
10 – 11 tiếng
8
10 – 11 tiếng
Không cần
10 – 11 tiếng
Hầu hết trẻ em đều cần ngủ nhiều, thậm chí nhiều hơn mức ba mẹ cho phép. Tuy nhiên, nếu bé có thói quen ngủ ít, hoặc không muốn đi ngủ trước 10 giờ tối, bé có thể đang bị khó ngủ, hoặc mất ngủ.
Đối với trường hợp này, mẹ có thể giúp con có thói quen đi ngủ “quy củ” bằng cách thiết lập một thời khóa biểu ngủ nghỉ hợp lý. Ánh sáng dịu nhẹ sẽ giúp gia tăng lượng hormon điều hòa nhịp sinh học, mẹ chỉ cần kéo dài vừa đủ khoảng thời gian giãn cách để giấc ngủ của trẻ nhẹ nhàng kéo tới.
Tùy thuộc vào độ tuổi và thói quen, mỗi bé sẽ có quãng thời gian “ngủ ngày” khác nhau.
Đây là những trường hợp điển hình, nhưng không phải trẻ nào cũng như vậy. Luôn nhớ rằng mỗi trẻ đều có thói quen ngủ của riêng mình.
Từ những điều thú vị đó, MarryBaby sẽ mách bạn cách chăm chút giấc ngủ của trẻ nhỏ nhé!
Chăm chút giấc ngủ ngày của con
Tập cho bé ngủ theo giờ cố định: Khi được khoảng ba hay bốn tháng tuổi, mẹ có thể giúp bé tạo nên một chu kỳ ngủ phù hợp với thói quen ngủ tự nhiên của bé.
Nhận biết dấu hiệu buồn ngủ: Bé có dụi mắt hoặc bực dọc vào giữa buổi sáng hoặc sau khi ăn trưa không? Bé có thường ngủ vào đầu giờ chiều không? Bạn có nhận thấy một sự khác biệt về sự tỉnh táo và tâm trạng khi bé ngủ nhiều hoặc ít hơn bình thường không? Mẹ nên ghi lại những tín hiệu ngủ và thời gian ngủ của bé trong một hoặc hai tuần. Điều này sẽ giúp bạn biết được chu kỳ ngủ của bé và biết khi nào bé sắp ngủ. Chẳng hạn như, nếu bé luôn tỏ ra cáu gắt và sẵn sàng đi ngủ lúc 10 giờ sáng, mẹ có thể dỗ cho trẻ ngủ trước khi trẻ quá mệt mỏi. Bắt đầu dỗ cho bé ngủ khoảng 15 phút trước các tín hiệu ngủ của trẻ xuất hiện. Cho trẻ ăn, thay tã, đung đưa nhẹ nhàng, và nói nhỏ giọng. Như vậy trẻ đã sẵn sàng ngủ khi cơn mệt mỏi ập đến.
Duy trì thời gian biểu cho giấc ngủ của trẻ: Tính nhất quán chính là mục tiêu của bạn. Cố gắng cho trẻ đi ngủ vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Nếu hôm qua bé ngủ trưa lúc 3 giờ chiều và hôm nay lại ngủ ngay sau khi ăn trưa, bé sẽ khó tạo thành chu kỳ ngủ ổn định. Mẹ nên tránh những hoạt động gây ảnh hưởng thói quen ngủ trưa của bé. Nói cho mọi người biết khi nào bé sắp ngủ, và nên hạn chế mọi người đến thăm trong khoảng thời gian ngủ của bé. Đặc biệt, nếu bé thường xuyên ngủ trưa ở nhà trẻ, mẹ cũng nên duy trì thói quen ngủ trưa đúng giờ khi bé ở nhà vào cuối tuần.
Không quá căng thẳng khi bé “phá luật”: Bạn sẽ không thể thu xếp để cuộc sống cả gia đình xoay quanh chu kỳ ngủ của bé, đặc biệt khi bạn còn có những đứa con khác. Vì vậy, thỉnh thoảng nếu bé có ngủ trễ hoặc không ngủ, mẹ cũng đừng quá lo lắng. Nếu bé đã tập thành một thói quen ngủ cố định, bé sẽ có thể dễ dàng trở lại chu kỳ cũ nếu lỡ bị gián đoạn. Để thiết lập một chu kỳ ngủ cho bé, mẹ phải thử rất nhiều lần, và chu kỳ này có thể thay đổi khi bé lớn lên. Mẹ nên thường xuyên đánh giá nhu cầu và thói quen ngủ của bé để điều chỉnh chu kỳ ngủ cho phù hợp.
Dỗ ngủ bằng hành động cố định: Theo các chuyên gia, việc thực hiện một số hoạt động như tắm, bú sữa mẹ trước khi ngủ sẽ giúp bé đi vào giấc ngủ dễ dàng hơn. Nó sẽ gửi một tín hiệu rằng thời điểm ngủ sắp tới, nên bé sẽ sẵn sàng nghỉ ngơi. Đối với giấc ngủ ngày, bạn chỉ cần cử chỉ âu yếm hoặc một bài hát ngắn là đủ. Vì thực tế, thời gian ngủ trưa của bé thường không nhiều bằng buổi tối.
Ngoài ra, để giúp bé ngủ ngon mỗi ngày mẹ có thể tham khảo thêm những mẹo đặc biệt sau đây nữa nhé!
Mẹo giúp bé ngủ ngon mỗi ngày
1. Xem lại chế độ ăn uống
Đừng cho bé ăn đồ ngọt vào buổi tối vì nó có thể khiến bé dư thừa năng lượng và “tăng động” suốt đêm. Bánh quy, kẹo, ngũ cốc cũng là những thứ cần tránh trước giờ ngủ của con. Bữa ăn tối vừa phải và đủ chất sẽ đảm bảo cho giấc ngủ của trẻ thoải mái suốt đêm. Nếu không, bé có thể thức giấc và đòi ăn nhẹ. Điều này sẽ ảnh hưởng xấu đến thói quen ngủ và ăn uống của bé.
Mẹ nên chọn những món ăn phù hợp vào buổi tối và cho bé ăn thêm món tráng miệng, đồ ăn vặt. Có thể là các sản phẩm từ sữa ít đường hoặc một quả chuối, nguồn cung cấp lượng magie tuyệt vời để cơ thể sản sinh melatonin và làm bé dễ ngủ.
2. Phương pháp tập cho bé tự ngủ
Có nhiều phương pháp tập cho bé ngủ khác nhau, và mỗi phương pháp sẽ phù hợp với từng bé. Để con khóc rồi tự ngủ hoặc cùng ngủ với con là sự lựa chọn của bạn. Có rất nhiều nguồn tham khảo trực tuyến để bạn xác định được phương pháp phù hợp nhất với giấc ngủ của trẻ nhỏ.
3. Việc “xả nước” mỗi đêm của bé
Khoảng 20% trẻ em dưới 5 tuổi tè dầm vào buổi đêm. Mặc dù việc này thường không có liên quan đến vấn đề thể chất hay tinh thần nghiêm trọng nào, nhưng có một số trường hợp hiếm hoi bé sẽ cần được điều trị. Đó có thể là do bị giun sán, nhiễm trùng đường tiết niệu, rối loạn giấc ngủ của trẻ… Những trường hợp này cần được sự thăm khác của các bác sĩ nhi khoa.
4. Ảnh hưởng của công nghệ
Một nghiên cứu trên tạp chí Nhi khoa cho thấy, nếu như đặt điện thoại hay máy tính bảng gần nơi bé ngủ hoặc đặt dưới gối, chắc chắn bé sẽ bị mất ngủ. Đặc biệt, không chỉ gây khó ngủ, ánh sáng phát ra từ màn hình cũng sẽ làm xáo trộn giấc ngủ và làm ảnh hưởng sức khỏe của bé. Tiếp xúc với ánh sáng như vậy mỗi đêm có thể dẫn đến nhiều bệnh ảnh hưởng bởi phong cách sống như tiểu đường, tim và béo phì.
5. Ngủ ngày
Trong khoảng thời gian ngắn này, bé sẽ phát triển trí não và thể chất. Ngủ ngày rất cần thiết vì nó là lúc để bé được nghỉ ngơi và tăng trưởng. Tuy nhiên, khi đã đủ lớn để ngủ đủ từ đêm đến sáng, bé sẽ không cần phải ngủ trưa nữa. Thông thường, khi được 2 tuổi, bé sẽ không cần phải ngủ thêm vào buổi sáng, và khi được 4 tuổi thì sẽ không ngủ vào buổi chiều nữa.
Với nhiều trẻ, không ngủ vào buổi chiều có thể sẽ gây ra hành vi giận dữ – tức giận, cộc cằn hoặc nhõng nhẽo trong giai đoạn chuyển đổi này.
6. Thú bông và núm vú giả
Những món đồ này có ý nghĩa rất đặc biệt với bé và dần sẽ rất gắn bó với bé vì nó mang lại cảm giác thoải mái, thân thuộc đặc biệt là khi phải ở một mình. Về lý thuyết, khi lớn lên, bé sẽ trở nên độc lập, tự tin nên sẽ không còn cần đến chúng nữa. Mặc dù thỉnh thoảng, bạn sẽ cần phải giúp bé để thói quen đó và làm quen với những thứ mới mẻ hơn.
7. Giấc ngủ của trẻ ở tuổi đến trường: Mẹ nên nhắc nhở bé khi cần thiết
Nếu bạn để cho con mình được quyền tự quyết thời gian ngủ, bé sẽ rất dễ tạo ra cho mình một thói quen ngủ và dậy trễ. Nếu muốn việc tạo lập thói quen phát huy tác dụng tốt, bạn nên có một vài bước can thiệp. Linh động nhưng có kiểm soát, đó là những lưu ý chính để duy trì thói quen ngủ khoa học.
Khi bé lớn lên, bạn có thể từ từ giảm sự kiểm soát của mình và giúp bé dần có trách nhiệm với giấc ngủ cũng như nề nếp của bản thân.
Ở tuổi tiểu học, bé cần ngủ khoảng 9,5 tiếng, nhưng có thể nhiều hơn. Vào lứa tuổi trung học, thời gian ngủ đã gần với giấc ngủ của người trưởng thành, khoảng 7-8 tiếng mỗi ngày. Lưu ý, chất lượng luôn quan trọng hơn số lượng, và để tạo ra chất lượng cần thiết cho giấc ngủ, bạn nên sắp xếp nhà cửa khoa học, tránh để con tiếp xúc với những tác nhân có thể làm “nhiễu” thói quen ngủ như TV, loa đài hay máy tính. Nên để chúng bên ngoài phòng ngủ của con.
Ngoài ra, việc ngủ chung với trẻ sẽ giúp con ngủ ngon hơn và giúp mẹ dễ dàng cho bé bú hơn. Tuy vậy, việc cho trẻ ngủ chung cũng ẩn chứa nguy cơ cho bé như hội chứng đột tử ở trẻ và các tai nạn gây tử vong khác. Do đó, để bé ngủ cạnh mẹ được an toàn, bạn cũng cần tuân theo một số nguyên tắc vàng giúp bé ngủ ngon và an toàn nhé!
Bé ngủ bên cạnh mẹ sao cho an toàn?
1. Một số lưu ý khi cho bé ngủ chung
Trẻ dưới 8 tháng tuổi không thể tự thoát ra nếu bị gối, chăn, mùng mền đè lên. Do đó bạn nên bỏ hết các loại gối, chăn vật dụng không cần thiết ra khỏi giường ngủ để tránh trường hợp những vật này làm bé bị ngạt thở.
Nếu điều kiện cho phép, bạn có thể sử dụng loại giường dành cho trẻ sơ sinh.
Chọn loại nệm phẳng hoặc nệm cứng vì nếu đệm quá mềm dễ làm bé lăn tròn và che đường thở. Ngoài ra nệm mua cần phải vừa khít giường sao cho không để khoảng trống giữa giường đệm để tránh trong quá trình ngủ bé có thể cọ quậy di chuyển vào lọt vào khoảng trống này.
Nếu một bên giường có tường thì tốt nhất bạn nên để bé nằm giữa bạn và tường để tránh quá trình ngủ bé không bị lăn xuống sàn hoặc sử dụng tấm chắn ở giường để bé không lăn xuống.
Đặt trẻ nằm ngửa khi ngủ, không cho bé nằm sấp (bạn có thể sử dụng gối chặn ở hai bên người bé để giữ tư thế ngủ của bé không lăn nằm sấp xuống)
Quần áo của bạn cần gọn gàng, không nên mặc đồ ngủ có dây thắt hay dải ruy băng và khi ngủ nên quấn tóc gọn gàng tránh trường hợp váy ngủ hoặc tóc của bạn phủ đè lên người bé trong khi bạn đang ngủ.
2. Những trường hợp trẻ không nên ngủ chung
Tuy bé ngủ cùng bố mẹ mang lại những lợi ích nhưng có một số trường hợp không nên để trẻ ngủ chung với người lớn. Những trường hợp này bao gồm:
Người lớn hút thuốc lá; uống rượu, bia hoặc các chất kích thích, gây nghiện do khói thuốc có hại, ngoài ra bố hoặc mẹ đang chịu ảnh hưởng của các chất kích thích sẽ không làm chủ được mình, thiếu tỉnh táo có thể vô tình gây hại cho bé.
Đang bị bệnh, đang trong quá trình điều trị bệnh. Lúc này, hệ miễn dịch và sức đề kháng của bé còn rất yếu nên dễ bị lây nhiễm bệnh từ người lớn.
Khi người lớn mệt mỏi, dễ ngủ say, giấc ngủ sâu mà quên việc có trẻ nhỏ đang nằm ngủ cạnh mình, vô tình gác tay, chân, trùm chăn đắp làm bé bị ngạt thở…
Khi bé đã lớn hơn một chút, bạn có thể dùng nôi cho bé nằm và đặt nôi trong phòng ngủ để bạn tiện chăm sóc. Dần dần khi bé vững hơn, bạn có thể cho bé ngủ riêng.
Hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng” ở trẻ nhỏ
1. Hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng” là gì?
Hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng” có tên tiếng Anh là “night terror” hoặc “sleep terror”. Đây là một dạng rối loạn giấc ngủ mà bé sẽ bất chợt giật mình thức giấc một cách hoảng loạn rồi khóc, la hét, rên rỉ, nói lí nhí hay vùng vẫy tay chân với đôi mắt mở to nhưng lại không thực sự tỉnh táo và kiểm soát được hành vi của mình. Lúc này bé đang ở trong trạng thái lẫn lỗn giữa mê và tỉnh. Vì vậy bé sẽ không nhận thức được sự hiện diện của bạn cũng như phản xạ lại những gì bạn nói hay làm.
Trong thực tế, các nhà nghiên cứu nghĩ rằng hội chứng này là do một trục trặc bí ẩn nào đó giữa các lần chuyển đổi giai đoạn trong giấc ngủ. Có khoảng 6% các bé gặp phải hội chứng này tại một vài thời điểm và thường bắt đầu vào những năm đầu đời lúc bé biết đi, chuẩn bị đi học và tiếp tục cho đến khi lên 7 tuổi hoặc thậm chí là tuổi vị thành niên.
Sự hoảng loạn, gián đoạn giấc ngủ của trẻ có thể kéo dài từ 5 đến 45 phút và khi nó qua đi, bé sẽ ngủ lại một cách đột ngột và không nhớ gì cả.
2. Phân biệt hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng” với những cơn ác mộng?
Không giống như hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng”, cơn ác mộng sẽ làm cho bé tỉnh táo hơn, bé có thể nhớ ít nhiều giấc mơ của mình và đôi khi bé sẽ nói về nó. Khi tỉnh giấc, bé sẽ tìm kiếm và cảm thấy yên tâm hơn khi có bạn bên cạnh.
Thông thường, giấc ngủ của một người sẽ bao gồm hai giai đoạn khác nhau là REM , rapid eye movement – mi mắt cử động nhanh và NREM, non-rapid eye movement – mi mắt hầu như không cử động.
Khi ngủ, cơ thể ta thực hiện tuần tự những chu kì lặp đi lặp lại của REM và NREM. Nếu như giấc ngủ của trẻ có ác mộng chủ yếu diễn ra vào giai đoạn REM, lúc sáng sớm sau 2 giờ sáng thì hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng” lại diễn ra vào giai đoạn NREM, trong 1/3 thời gian đầu tiên của giấc ngủ, tức từ lúc nửa đêm cho đến tầm 2 giờ sáng. Trong thời gian này, cơ thể có thể cử động chân tay một cách vô thức.
Cách dễ nhất để biết sự khác biệt giữa hai hiện tượng này là vào sáng hôm sau, bạn hãy hỏi bé về những gì diễn ra tối qua và nếu bé tỏ ra kích động hơn, nghĩa là bé vừa trải qua cơn ác mộng. Nếu bé không nhớ gì hết, có lẽ bé đã gặp phải “giấc ngủ kinh hoàng”.
3. Bạn nên làm gì nếu bé gặp phải hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng”?
Đừng cố gắng để đánh thức bé dậy và không nên hy vọng rằng những nỗ lực của bạn có thể dỗ dành bé, mang lại cho bé cảm giác tốt hơn. Vì khi bé đang trải qua nỗi kinh hoàng khi ngủ, bé thực sự sẽ không thể bình tĩnh lại. Bạn càng cố gắng ôm giữ bé, bé lại càng phản ứng quyết liệt hơn.
Trừ khi bạn nhận thấy nguy cơ có thể làm tổn thương bé, bạn có thể nói chuyện một cách bình tĩnh với bé rồi đặt mình vào giữa bé và bất cứ thứ gì nguy hiểm cho bé, chẳng hạn đầu giường của bé cho đến khi “cơn bão” đi qua chứ không nên tác động trực tiếp lên bé.
Trước khi đi ngủ, bạn cần chuẩn bị sẵn những gì cần thiết cho những người bị mộng du, đề phòng trường hợp bé của bạn có thể ở trạng thái này hoặc té/lăn ra khỏi giường trong “nỗi kinh hoàng” của mình. Nhặt tất cả đồ chơi hoặc đồ vật ở trên sàn nhà mà bé có thể dẫm phải khi di chuyển, chốt chặt các cánh cửa ở đầu mỗi cầu thang và đảm bảo các cửa sổ và cửa ra vào đều đã được khóa kỹ.
4. Nguyên nhân và cách ngăn chặn hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng”?
Không có cách nào có thể ngăn chặn dứt điểm hội chứng “giấc ngủ kinh hoàng” vì không ai biết chính xác nguyên nhân gây ra hội chứng này. Nỗi kinh hoàng này không phải là do vấn đề về tâm lý hay do bé thất vọng về điều gì đó gây ra.
Nỗi sợ hãi về đêm này có thể do căng thẳng, bệnh tật, giờ giấc ngủ thất thường hoặc thiếu/mất ngủ. Giải quyết bất kỳ vấn đề nào khác liên quan đến giấc ngủ của trẻ, như thức dậy vào giữa đêm và đảm bảo rằng bé có một thói quen sinh hoạt ngủ nghỉ điều độ và ngủ đủ giấc có thể giúp bé tránh được những “ông kẹ” ban đêm.
Một số loại thuốc hoặc chất caffeine cũng có thể góp phần tạo ra nỗi sợ hãi ban đêm của bé. Cũng có nhiều khả năng là bé bị ảnh hưởng bởi thành viên nào đó trong gia đình có những biểu hiện tương tự.
Trong một số trường hợp, nỗi sợ hãi ban đêm có thể do việc ngưng thở khi ngủ, một rối loạn nghiêm trọng nhưng thể khắc phục được. Hiện tượng này là do ở vùng hầu họng của bé có các tổ chức phần mềm xung quanh đường thở như lưỡi, amidan, khẩu cái mềm, lưỡi gà… được nâng đỡ bởi các cơ vận động vùng hầu họng. Khi ngủ, các cơ này giãn ra làm hẹp đường thở và làm ngừng sự di chuyển của không khí trong quá trình hô hấp khi ngủ. Điều này làm cho bé khó thở và khiến giấc ngủ của trẻ bị gián đoạn.
Chăm sóc trẻ đã khó, bảo đảm cho giấc ngủ của trẻ sâu và đủ còn khó hơn rất nhiều. Với những bé khó chiều, chỉ cần làm con ngủ được đã là thành công rất lớn của mẹ. Vì vậy, đôi khi mẹ không để ý đến sự an toàn, môi trường nơi bé con đang yên giấc. Mẹ có biết mình nên tuyệt đối không cho bé ngủ ở vị trí dưới đây chưa?
Tuyệt đối không để trẻ ngủ ở ghế sofa!
Ghế sofa, mềm và êm ái, nhưng lại chính là nơi nguy hiểm nhất đối với trẻ sơ sinh khi ngủ. Trong hơn 9000 trường hợp trẻ sơ sinh tử vong liên quan đến giấc ngủ của trẻ giữa năm 2004-2012, gần 13% tai nạn xảy ra ở ghế sofa, và đa số nạn nhân là các bé dưới 3 tháng tuổi.
Nguy cơ dẫn đến tử vong từ chuyện cho trẻ ngủ ở ghế sofa: Trẻ nằm ngủ ở tư thế úp mặt, hoặc bị chèn ép bởi một người nằm bên. Ngay cả với giấc ngủ ngắn, ghế sofa cũng nên nằm trong danh sách cấm kỵ để thực hiện hóa giấc ngủ của bé.
Để giúp bé ngủ ngon và giảm thiểu nguy cơ của hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), mẹ nên làm theo hướng dẫn an toàn cho giấc của bé sau:
Luôn đặt bé nằm ngủ trên lưng, chứ không phải úp mặt xuống, cả những lúc nghỉ và ban đêm. Với những trẻ đã có thể trở mình, mẹ không cần quá lo lắng nếu trẻ thay đổi tư thế qua lại trong lúc ngủ.
Trẻ sơ sinh nên ngủ ở giường, cũi, nôi có bề mặt phẳng, đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho sự an toàn. Không bao giờ để bé ngủ trên ghế sofa.
Chỗ ngủ của bé nên thông thoáng vừa đủ, không đặt quá nhiều chăn gối, thú bông hay đồ chơi.
Nơi an toàn nhất cho giấc ngủ của bé là giường cũi hoặc nôi, và nên ở cùng phòng với ba mẹ.
Các cách khác để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh bao gồm: Cho con bú càng lâu càng tốt, cho bé ngậm vú giả trong những giấc ngủ trưa và trước khi đi ngủ, tiêm phòng đúng lịch cho con, giữ phòng của bé ở nhiệt độ mát mẻ – không quá nóng hay quá lạnh, cuối cùng không bao giờ để hơi thuốc lá tiếp xúc với bầu không khí của bé con.