Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

6 dấu hiệu bé đã sẵn sàng để ăn dặm mẹ nên chú ý

Ăn dặm là một trong những cột mốc phát triển thú vị về thói quen ăn uống của trẻ trong năm đầu tiên. Khi bé có dấu hiệu đã sẵn sàng ăn dặm, mẹ sẽ nhận biết được thời điểm để đa dạng hóa thực đơn dinh dưỡng của con ngoài sữa.

Cũng như lúc buồn ngủ, trẻ thường có thói quen dụi mắt, báo hiệu khi nào cho bé ăn dặm, trẻ cũng biểu hiện những hành vi cư xử nhất định. Nếu vẫn còn băn khoăn khi nào cho bé ăn dặm, mẹ nên tham khảo 6 dấu hiệu bé đã sẵn sàng ăn dặm sau!

1. Độ tuổi thích hợp để cho bé ăn dặm

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo mẹ nên tập cho bé ăn dặm khi bé đã đủ 6 tháng tuổi. Và mẹ tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 4 tháng tuổi tập ăn dặm.

Khi bé được 6 tháng tuổi, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng thiết yếu, nhưng sẽ không đầy đủ dưỡng chất. Do đó, mẹ cần bổ sung cho bé từ 180–230ml sữa mỗi ngày; ăn dặm từ 2-3 bữa/ngày.

Tuy nhiên, mỗi bé có sự phát triển và thói quen ăn uống khác nhau. Vì vậy, không có thời điểm hoàn hảo để tập các bé ăn dặm đúng theo kế hoạch; có bé ăn sớm, có bé lại rất trễ.

Thay vì căn cứ vào thời gian, mẹ có thể quan sát dấu hiệu bé đã sẵn sàng để ăn dặm ngày sau đây.

2. Các dấu hiệu trẻ đã sẵn sàng để ăn dặm

Dấu hiệu bé đã sẵn sàng để ăn dặm
6 dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm, mẹ lưu về ngay nhé!

2.1 Bé vẫn bị đói sau khi bú sữa

Khi trẻ có dấu hiệu đã sẵn sàng để ăn dặm, mẹ sẽ thấy bé thường xuyên đói, dù mới vừa bú xong hoặc vẫn bú đủ và no như thường ngày. Đó là dấu hiệu tốt cho thấy bé đang bắt đầu muốn ăn thêm món khác; giúp bé no lâu hơn.

Dấu hiệu cho thấy bé đói, đã sẵn sàng để ăn dặm thêm:

  • Há miệng, lè lưỡi.
  • Chu môi như muốn bú sữa.
  • Quay đầu từ bên này qua bên kia.
  • Đưa bàn tay, mút ngón tay hoặc đưa nắm đấm vào miệng.

Đến gần 6 tháng, trẻ bắt đầu khóc đòi ăn đêm; điều này có thể làm cả mẹ lẫn con nhiều đêm mất ngủ. Đây cũng là một trong những dấu hiệu đáng ghi nhận cho thấy trẻ đã sẵn sàng để ăn dặm.

2.2 Bé ngả người về phía trước khi thấy đồ ăn

Bất cứ khi nào có cơ hội tiếp xúc với đồ ăn, bàn tay nhỏ xinh của bé đều cố gắng chụp lấy, giữ lại và không thể kiềm chế hành vi bỏ vào miệng. Trẻ cầm thức ăn cho vào miệng không có nghĩa là trẻ đã có thể ngay lập tức ăn được chất rắn; mẹ cứ phải tập từ từ nhé!

2.3 Bé biết giữ đầu thẳng và có thể tự ngồi

Dấu hiệu trẻ đã sẵn sàng để ăn dặm và muốn tập ăn dặm là khi bé đã có thể kiểm soát đầu và cổ tốt; đặc biệt là có thể ngồi lên ngay cả khi không được cha mẹ hỗ trợ.

2.4 Bé há miệng để nhận thức ăn từ thìa

Một trong những cách hay và thú vị nhất đó là thử độ sẵn sàng của bé với chiếc thìa. Đưa thìa gần miệng trẻ, nếu bé cố gắng mở miệng thay vì dùng phản xạ của trẻ sơ sinh và đẩy muỗng ra; điều này đồng nghĩa với câu trả lời khi nào cho bé ăn dặm đó các mẹ.

[inline_article id = 98940]

2.5 Bé có phản xạ nuốt, không tự đẩy thìa ra khỏi miệng

Đây là dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm rất điển hình, mẹ sẽ thấy bé có phản xạ nuốt thay vì tự đẩy thìa ra khỏi miệng.

2.6 Bé thể hiện sự thích thú đối với thức ăn mẹ đưa

Mỗi lần chuẩn bị nấu ăn hay đang dùng bữa cùng cả nhà, mẹ có cảm thấy như có ai đó theo dõi? Không ai khác, đó chính là ánh mắt thèm thuồng của bé trong nhà.

Bất cứ một cử động nào của mẹ trong lúc ăn uống đều được bé theo dõi rất nhiệt tình. Lúc này, mẹ có thể sẽ cảm thấy rất tội nghiệp cho con vì thèm nhưng không ăn được gì. Dấu hiệu bé đã sẵn sàng để ăn dặm này cũng đáng để lưu ý mẹ nhé!

>> Xem thêm: Bảng thời gian cho bé ăn dặm trong ngày mẹ nên nắm rõ

3. Những nguyên tắc mẹ cần biết khi cho bé ăn dặm

Nguyên tắc ăn dặm mẹ cần nhớ
Dấu hiệu bé đã sẵn sàng để ăn dặm

Ngoài tìm hiểu khi nào cho bé ăn dặm, mẹ xem thêm hướng dẫn và lưu ý khi giới thiệu thức ăn dặm cho bé sau đây.

Nên bắt đầu ăn dặm bằng bột nhuyễn: Vì lúc này hệ tiêu hoá của bé vẫn còn rất non nớt và nhạy cảm. Do đó, ăn dặm dạng bột nhuyễn mịn sẽ là khởi đầu an toàn và phù hợp cho bé; đặc biệt là trong giai đoạn chuyển tiếp từ việc bú sữa hoàn toàn sang ăn dặm. 

Từ từ chuyển ăn dặm bằng bột thành thức ăn đặc: Đầu tiên, mẹ có thể cho bé ăn bằng bình tập ăn dặm hoặc bằng thìa. Sau một thời gian, mẹ có thể cho bé thử 1-2 thìa cà phê thức ăn rắn xay nhuyễn, chẳng hạn như ngũ cốc trộn với sữa công thức và sữa mẹ. Mẹ nên dùng thìa nhựa, mềm để tránh làm tổn thương nướu răng của bé. Bắt đầu với một lượng nhỏ trên đầu thìa.

Nếm trước nếu bé thờ ơ và không buồn ăn thức ăn từ thìa: Mẹ nên để bé ngửi và nếm một ít trước khi muốn bé hợp tác ăn dặm. Tập ăn 1 lần/ngày, vào bất cứ thời điểm nào, nhưng đừng chọn lúc bé đang mệt hoặc cáu kỉnh. Trẻ có thể ăn rất ít trong thời gian đầu, vì vậy mẹ nên cho trẻ thời gian để trải nghiệm và làm quen. Việc tập giữ thức ăn, nhai và nuốt vẫn còn quá mới với trẻ.

Vẫn phải cho bé bú đều đặn: Sữa vẫn là nguồn dinh dưỡng chính của bé trong 12 tháng đầu đời. Dù là sữa mẹ hay sữa công thức; cả hai đều cung cấp những vitamin quan trọng; cùng rất nhiều sắt và protein ở dạng đơn giản, dễ tiêu hóa. Thực phẩm đặc và rắn không thể bổ sung đủ cho bé những dưỡng chất cần thiết trong năm đầu tiên.

>> Xem thêm: 12 thực phẩm ăn dặm cho bé bổ dưỡng và cách chế biến

4. Mách mẹ cách tập cho bé ăn dặm món mới

Cách tập cho bé ăn dặm món mới
Cách tập khi thấy dấu hiệu bé sẵn sàng để ăn dặm

Khi bắt đầu giới thiệu món mới, mẹ phải đợi ít nhất 3 ngày để bé làm quen; sau đó mới tiếp tục tập cho bé ăn món khác. Hơn nữa, qua cách này, mẹ sẽ hạn chế tối đa nguy cơ bé bị dị ứng thực phẩm. Dấu hiệu thường là tiêu chảy, nôn mửa; sưng phù khuôn mặt, thở khò khè hoặc phát ban. Nếu gia đình bạn đã từng có tiền sử bị dị ứng, rất có thể bé  cũng vậy.

Để bảo đảm an toàn, mẹ không nên cho bé tập ăn những món dễ gây dị ứng ngay từ đầu như đậu nành, trứng, lúa mì, cá và các loại hạt.

Mỗi bé có một khẩu vị riêng, nhưng hầu hết đều theo quy trình sau: ăn thức ăn xay nhuyễn hoặc nửa lỏng nửa đặc; sau đó, ăn thức ăn nghiền. Và bắt đầu ăn thức ăn thái miếng nhỏ và tự cầm tay ăn.

Tất cả em bé sinh ra đều thích đồ ngọt; vì vậy những loại trái cây mềm, không gây hóc hay nghẹn; mẹ có thể cho bé tập ăn ngay từ đầu. Đừng vì mình không thích món đó mà không cho bé ăn.

Đừng ngạc nhiên khi thấy phân của bé đổi màu, có mùi khi bé bắt đầu tập ăn dặm. Vào khoảng thời gian này, bạn cũng có thể cho bé tập uống nước để ngăn ngừa tình trạng táo bón ở trẻ em. 6 tháng tuổi, bé đã có thể uống khoảng 60-120ml nước mỗi ngày tùy nhu cầu.

>> Xem thêm: Nên cho bé ăn dặm vào giờ nào trong ngày khi tròn 6 tháng?

5. Mẹ cần chuẩn bị gì để tập cho bé ăn dặm?

Một chiếc ghế tập ăn; thìa nhựa không chứa BPA; mềm dẻo vừa đủ để không gây tổn thương cho hệ răng nướu của bé, bát đĩa nhựa, ly nhựa cho bé tập cầm uống nước.

Để chế biến thức ăn cho con, mẹ cần máy xay, đồ nghiền thức ăn. Mẹ có thể cần cả hộp đựng thức ăn đông lạnh phân theo khẩu phần cho bé trữ trong tủ lạnh. Mẹ cũng có thể tận dụng khay đá để chứa thịt; cá xay chia theo từng bữa; bọc giấy bảo quản và trữ trên tủ đông.

>> Mẹ đã biết: 8 nguyên tắc vàng giúp bé ăn dặm theo phương pháp BLW “trăm trận trăm thắng”

Qua bài viết, MarryBaby hy vọng mẹ đã biết khi nào cho bé ăn dặm;cũng như chú ý đến dấu hiệu trẻ muốn ăn dặm; và cách để tập ăn dặm cho bé. Chúc mẹ có một khoảng thời gian chăm sóc con thật vui vẻ, đầy ý nghĩa.

Categories
Sự phát triển của trẻ Dinh dưỡng cho bé Năm đầu đời của bé

Khi nào cho bé ăn dặm: Thời điểm bắt đầu và các cữ ăn trong ngày của con yêu!

Khi nào cho bé ăn dặm?

Bạn có thể bắt đầu cho bé ăn dặm vào bất kỳ thời điểm nào trong khoảng 4 tháng tuổi đến 6 tháng tuổi nếu bé đã sẵn sàng. Trước đó, sữa mẹ hoặc sữa bột sẽ cung cấp toàn bộ lượng calo và dưỡng chất cần thiết cho bé và hệ tiêu hóa chỉ có thể xử lý các thức ăn ở dạng rắn khi bé được gần 6 tháng tuổi.

Khi nào cho bé ăn dặm
Tập cho trẻ ăn dặm

Trả lời cụ thể cho câu hỏi khi nào cho bé ăn dặm, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên cho con bú sữa mẹ trong ít nhất 6 tháng, mặc dù một số bé thích ăn dặm sớm hơn một chút.

Làm sao biết bé đã sẵn sàng ăn dặm?

Mặc dù có câu trả lời chung cho câu hỏi khi nào cho bé ăn dặm là bé từ 4 tháng tuổi. Nhưng liệu bé nhà bạn đã thích hợp chưa? Nếu thích hợp, bé sẽ có những dấu hiệu rõ ràng khi đã sẵn sàng ăn các thức ăn không phải là chất lỏng. Các dấu hiệu như sau:

  • Giữ vững đầu: Bé có thể giữ đầu mình ở vị trí thẳng đứng.
  • Không còn “phản xạ nhả thức ăn”: Để giữ thức ăn trong miệng và nuốt thì bé phải ngưng dùng lưỡi đẩy thức ăn ra ngoài.
  • Có thể ngồi vững: Bé phải ngồi thẳng lưng thì mới dễ dàng nuốt thức ăn.
  • Chuyển động nhai: Miệng và lưỡi bé phát triển đồng bộ với hệ tiêu hóa. Để bắt đầu ăn dặm, bé phải biết đưa thức ăn về phía sau khoang miệng và nuốt. Khi bé học nuốt, bạn sẽ thấy bé chảy nước dãi ít hơn. Tuy nhiên, nếu bé đang mọc răng thì vẫn chảy nhiều nước dãi.
  • Tăng cân mạnh: Hầu hết các bé đều sẵn sàng ăn dặm khi đạt trọng lượng gấp đôi lúc mới sinh (hoặc nặng gần 7kg) và từ 4 tháng tuổi trở lên.
  • Nhu cầu dinh dưỡng tăng cao: Bé trông có vẻ đói dù đã uống sữa bột hoặc bú mẹ tám lần mỗi ngày.
  • Tò mò với thức ăn của bạn: Bé có thể nhìn chăm chăm vào tô cơm của bạn hoặc giơ tay giành lấy khi bạn đưa thức ăn vào miệng.

Quan sát dấu hiệu con yêu có thể ăn dặm là bạn dễ dàng trả lời câu hỏi khi nào cho bé ăn dặm rồi phải không nào!

Bắt đầu cho bé ăn dặm như thế nào?

Với hầu hết trẻ, bạn có thể bắt đầu bằng cách nghiền nhỏ các loại thức ăn. Thường thì các bà mẹ có thói quen cho trẻ ăn dặm bắt đầu bằng ngũ cốc nhưng chưa có gì chứng minh bé nên ăn món gì trước thì tốt hơn. Bạn có thể bắt đầu tập cho bé ăn dặm bằng các loại thực phẩm được nghiền nhỏ như khoai lang, bí, chuối, đào và lê.

Trước tiên, bạn cho bé bú rồi cho ăn một hoặc hai muỗng thức ăn được nghiền nhỏ. Nếu bạn muốn bắt đầu với ngũ cốc, nên trộn với sữa bột hoặc sữa mẹ để tạo thành một hỗn hợp sền sệt và dùng muỗng bằng nhựa mềm đút cho bé để tránh gây tổn thương nướu, bắt đầu cho ăn với một chút thức ăn ở đầu muỗng.

Nếu bé có vẻ không hứng thú với việc cho ăn bằng muỗng thì có thể cho bé ngửi và nếm thử thức ăn hoặc chờ cho đến khi bé muốn ăn. Đừng cho bột ngũ cốc vào bình sữa vì như vậy bé sẽ không nhận thức được rằng thức ăn phải được ăn từ muỗng và phải ngồi ăn.

Khi bắt đầu, nên cho bé ăn mỗi ngày một lần vào bất kỳ thời điểm nào khi hai mẹ con cảm thấy tiện, nhưng đừng cho ăn khi bé mệt mỏi hoặc bực bội. Lúc đầu bé có thể không ăn nhiều nhưng nên cho bé một thời gian để làm quen. Một số bé cần phải tập làm quen với việc giữ thức ăn trong miệng và nuốt.

Khi bé đã quen với thực đơn mới, có thể cho bé ăn vài muỗng cà phê một ngày. Nếu bé đang ăn ngũ cốc, mẹ có thể dần dần bớt lượng chất lỏng để thức ăn sệt hơn. Khi bé có thể ăn nhiều hơn, nên tăng thêm một cữ ăn dặm.

Làm sao biết được khi nào bé đã no?

Mỗi cữ bé có thể ăn lượng thức ăn khác nhau nên đó không phải là tiêu chuẩn để biết khi nào bé đã no. Nếu bé ngả người ra phía sau, quay mặt khỏi thức ăn, bắt đầu chơi với muỗng hoặc không chịu mở miệng thì có thể bé đã ăn đủ. Thỉnh thoảng bé sẽ ngậm miệng vì chưa ăn xong nên hãy cho bé thời gian để nuốt.

Bé ăn dặm: Làm quen thức ăn dặm (Phần 2)
Mẹ nên để ý khi nào trẻ đã no, tránh ép trẻ ăn quá nhiều.

Có cần phải tiếp tục cho bé bú mẹ hoặc bú bình không?

Bé cần phải uống sữa cho đến khi được một tuổi. Sữa mẹ và sữa bột công thức cung cấp các vitamin quan trọng, sắt và protein ở dạng dễ tiêu hóa. Thức ăn dặm không thể cung cấp tất cả dưỡng chất từ sữa mẹ hoặc sữa bột trong năm đầu. Bạn nên để ý xem bé cần bao nhiêu sữa mẹ hoặc sữa bột sau khi bắt đầu ăn dặm.

Cho bé làm quen với thức ăn mới như thế nào?

Mẹ nên thử cho bé làm quen với thức ăn mới một cách chậm rãi, mỗi lần chỉ cho làm quen với một loại rồi chờ ít nhất ba ngày mới cho ăn loại tiếp theo. Như vậy, bạn sẽ biết được liệu bé có bị dị ứng với loại thức ăn nào đó hay không. Dấu hiệu dị ứng bao gồm tiêu chảy, nôn mửa, mặt sưng phù, thở khò khè hoặc nổi mẩn đỏ. Nếu gia đình có tiền sử bị dị ứng hoặc bé bị dị ứng khi tập ăn, nên chờ ít nhất một tuần trước khi cho bé ăn thức ăn mới.

Nên hỏi bác sĩ về các loại thức ăn dặm và thời điểm cho ăn. Để an toàn, bác sĩ có thể khuyên bạn đừng nên cho bé ăn quá sớm các loại thực phẩm dễ gây dị ứng như đậu nành, các sản phẩm từ sữa tươi, trứng, lúa mì và cá.

Mặc dù cho bé làm quen với việc ăn nhiều loại thức ăn là tốt nhưng cũng cần thời gian để bé làm quen với mùi vị và cảm giác mới. Quá trình cho bé làm quen với thức ăn thường theo thứ tự như sau:

  • Thức ăn nghiền mịn hoặc sền sệt
  • Thức ăn xay nhỏ hoặc nghiền nhỏ
  • Thức ăn xắt nhỏ

Nếu bé đang ăn ngũ cốc và sắp làm quen với rau củ hoặc trái cây, nên cho thêm vài muỗng các loại thức ăn này khi cho bé ăn ngũ cốc. Tất cả thức ăn phải ở dạng sệt vì ở giai đoạn này bé sẽ ép thức ăn lên vòm miệng rồi nuốt xuống.

Nếu bạn cho bé ăn các loại thức ăn dặm được chế biến sẵn, nên múc một ít ra đĩa nhỏ rồi cho bé ăn. Nếu bạn lấy trực tiếp từ hũ cho bé thì bạn sẽ không thể để dành phần còn lại vì đã bị nhiễm khuẩn từ miệng bé thông qua muỗng cho ăn. Ngoài ra, bạn phải bỏ tất cả những hũ thức ăn sẵn trong vòng một đến hai ngày kể từ khi mở nắp.

Một số phụ huynh có thể khuyên bạn nên bắt đầu cho bé ăn dặm bằng rau củ thay vì trái cây để bé không bị nghiện đồ ngọt. Tuy nhiên, khi sinh ra thì bé nào cũng thích vị ngọt nên bạn không cần quá quan tâm đến thứ tự các món ăn dặm. Ngoài ra, đừng loại bỏ món nào ra khỏi thực đơn của bé chỉ vì bạn không thích món đó. Lưu ý, không cho bé ăn các loại thức ăn có thể gây nghẹn.

Nếu bé quay mặt đi khi được cho ăn một món nào đó thì đừng ép bé, thử lại sau khoảng một tuần. Bé có thể không bao giờ thích khoai lang hoặc sẽ thay đổi suy nghĩ nhiều lần và cuối cùng thì lại mê món khoai lang.

Đừng ngạc nhiên nếu phân của bé có màu và mùi khác khi bắt đầu ăn dặm. Nếu từ trước đến giờ bé chỉ bú mẹ thì bạn có thể nhận thấy phân bé có mùi nặng hơn rất nhiều so với lúc trước dù bé chỉ ăn vài mẩu thức ăn nhỏ. Điều này là hoàn toàn bình thường. Nếu phân của bé có vẻ quá cứng, nên cho bé ăn các loại rau củ quả khác ngoài gạo và chuối vì 2 loại này có thể góp phần gây táo bón,.

Vào khoảng thời gian này, bạn cũng có thể tập cho bé uống nước để hạn chế táo bón mặc dù lượng nước cần thiết vẫn được lấy từ sữa mẹ hoặc sữa bột. Bạn có thể cho bé uống 50 – 100ml nước mỗi ngày bằng ly tập uống.

Mỗi ngày bé nên ăn dặm mấy cữ?

Lúc đầu bé chỉ nên ăn dặm một cữ một ngày, đến khoảng 6 tháng tuổi đến 7 tháng thì tăng lên 2 cữ một ngày. Khi được 8 tháng bé có thể ăn ba cữ một ngày. Thực đơn mỗi ngày của bé 8 tháng tuổi có thể bao gồm:

  • Sữa mẹ hoặc sữa bột được tăng cường sắt
  • Ngũ cốc được tăng cường sắt
  • Các loại rau củ màu vàng, cam và xanh
  • Trái cây
  • Một lượng protein nhỏ từ các loại thực phẩm như thịt gia cầm, đậu hũ và thịt
Bổ sung rau củ vào thực đơn ăn dặm sẽ giúp hệ tiêu hoá của bé phát triển

Vẫn có một số thực phẩm mà bạn chưa nên cho bé ăn như mật ong có thể gây ngộ độc cho trẻ dưới một tuổi.

Mẹ có cần tới các dụng cụ đặc biệt khi cho bé ăn dặm không?

Khi cho bé ăn dặm, bạn nên cho bé ngồi trên ghế cao được thiết kế cho trẻ em, dùng muỗng nhựa để bảo vệ phần nướu nhạy cảm của bé, ngoài ra còn cần yếm, đĩa, tô nhựa và một tấm lót trên sàn sẽ giúp hạn chế thức ăn vương vãi. Bạn cũng nên cho bé làm quen với ly tập uống khi bé bắt đầu ăn dặm.

Nếu bạn tự chế biến thức ăn cho bé thì phải có công cụ để nghiền thức ăn như máy xay sinh tố hoặc máy nghiền thức ăn trẻ em. Bạn cũng cần dụng cụ đựng thức ăn để trữ trong tủ lạnh. Một số phụ huynh dùng khay làm đá hoặc các vật tương tự để trữ hoặc đông lạnh từng khẩu phần riêng biệt cho bé.

Nên cho bé ăn ở đâu?

Bạn nên cho bé ngồi ăn dặm ở một chỗ chắc chắn, ổn định, thoải mái và ở độ cao thuận tiện nhất với bạn. Lúc đầu, bạn có thể dùng ghế trong xe em bé, chỉ cần đảm bảo là bé ngồi thẳng để có thể nuốt thức ăn. Khi bé có thể tự ngồi, bạn nên dùng ghế cao ở gần bàn. Bé cũng có thể tham gia bữa cơm gia đình và bạn có thể vừa ăn vừa đút cho bé, như vậy bạn cũng đỡ mất công dọn dẹp sau khi bé ăn.

[inline_article id=147889]

Làm sao để giúp bé phát triển thói quen ăn uống lành mạnh?

  • Đừng chỉ cho bé ăn mãi các loại thức ăn nhạt nhẽo, nhàm chán.
  • Tự làm thức ăn cho bé, nếu bạn mua thức ăn đóng hộp thì nên kiểm tra bảng thành phần: càng ít nguyên liệu càng tốt.
  • Tập cho bé ăn các loại rau củ

Khi nào cho bé ăn dặm không phải là câu hỏi quá khó để trả lời. Tuy nhiên, bạn hãy đọc kỹ và đối chiếu thông tin này với việc quan sát con trẻ để chọn thời điểm thích hợp cho bé yêu nhà mình ăn dặm, bạn nhé!