Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Chăm sóc trẻ

Trẻ 18 tháng: Sự phát triển và chế độ dinh dưỡng khoa học

Nay em bé của mẹ đã là trẻ 18 tháng tuổi. Con đã đạt được những cột mốc phát triển đáng tự hào. Con có thể tự đi lại, tự uống nước bằng ly, nhớ và gọi tên một số đồ vật xung quanh.

Sự phát triển của trẻ 18 tháng tuổi

1. Các chỉ số chiều cao, cân nặng của trẻ 18 tháng

Theo bảng chiều cao cân nặng chuẩn của WHO (Tổ chức Y tế Thế giới), ở nhóm trẻ 18 tháng tuổi, trung bình bé trai nặng 10,9kg, bé gái nặng 10,2kg.

Chiều cao trung bình của bé trai là 82,3cm, của bé gái là 80,7cm.

2. Các mốc phát triển của trẻ 18 tháng tuổi

Đây là những cột mốc quan trọng về khả năng nhận thức, sự phát triển trí não và năng lực tư duy của trẻ 18 tháng tuổi.

Trẻ 18 tháng biết làm gì với các cột mốc phát triển về thể chất?

Bé 18 tháng tuổi biết làm gì? Ở thời điểm này, bé có thể đứng vững hơn trên chân của mình, thích leo trèo lên tất cả đồ nội thất trong nhà. Ngoài ra, bé còn có những khả năng sau:

  • Kéo đồ chơi trong khi đi
  • Có thể chạy hoặc leo lên cầu thang với sự hỗ trợ.
  • Có thể ném bóng tuy không chính xác mục tiêu.
  • Có thể tự cởi quần áo.
  • Bé biết uống nước bằng cốc mà không cần đến ống hút và ăn bằng thìa, nhưng biết cầm thìa đúng cách để đưa thức ăn vào miệng.
  • Bé sẽ có ít nhất mười chiếc răng.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Các giai đoạn phát triển của trẻ, hành động ngay nếu con có nguy cơ chậm phát triển

cột mốc phát triển của trẻ 18 tháng

Trẻ 18 tháng tuổi biết làm gì với sự phát triển về nhận thức?

  • Hiểu công dụng của một số đồ vật: Trẻ 18 tháng tuổi đã hiểu được chức năng của một số vật dụng trong nhà. Ví dụ, bé biết rằng điện thoại là để giao tiếp. Khi mẹ đưa cho bé chiếc thìa, bé biết dùng nó để tự xúc ăn.
  • Biết 2 vật giống nhau là một đôi: Bé có xu hướng xếp những vật giống nhau cạnh nhau hoặc đi hai chiếc dép giống nhau vì bé biết rằng 2 vật như nhau sẽ tạo thành một đôi.
  • Biết làm theo các mệnh lệnh: Khi được yêu cầu “ngồi xuống”, bé sẽ ngồi. Khi nghe nói “lại đây”, bé sẽ đứng dậy và đi về phía người nói. Nhìn chung, trẻ 18 tháng tuổi có thể hiểu các mệnh lệnh và thực hiện ngay lập tức. 
  • Biết tên đồ vật hoặc bộ phận trên cơ thể: Khi hỏi “mũi ở đâu?”, bé chỉ đúng bộ phận này của cơ thể. Bé cũng có thể xác định định đúng các bộ phận còn lại. Việc dạy một nhóm từ có liên kết về nội dung như các cơ quan trên cơ thể, các dụng cụ nhà bếp… sẽ giúp trẻ nhớ nhiều từ hơn.
  • Có thể bắt chước các hành động phức tạp: Trẻ 18 tháng tuổi thường quan sát kỹ các hành động của bố mẹ và bắt chước theo thường xuyên. Chẳng hạn bé sẽ giả vờ thái rau (khi chơi trò đồ hàng) hoặc giả vờ cạo râu nếu đóng vai bố (chơi trò đóng kịch).
  • Chỉ vào thứ trẻ muốn: Nếu muốn nhờ mẹ lấy đồ chơi từ kệ thì bé sẽ chỉ về phía món đồ. Trẻ 18 tháng tuổi đã biết chỉ tay vào một thứ gì đó để thể hiện mong muốn có nó.
  • Viết nguệch ngoạc: Khi đưa cho bé một cây bút chì màu, bé sẽ vẽ nguệch ngoạc trên giấy một cách chăm chỉ dù chưa thể tạo ra những hình vẽ ý nghĩa. 
  • Đóng kịch với đồ chơi: Bé có thể nhặt một con gấu bông, vuốt ve nhẹ nhàng hoặc giả vờ nói chuyện với nó. Trò chơi này giúp phát huy trí tưởng tượng và tính sáng tạo ở bé nên cần được khuyến khích bằng cách thỉnh thoảng mẹ có thể tham gia chơi cùng con.

Trẻ 18 tháng tuổi biết làm gì với sự phát triển về mặt xã hội, cảm xúc và ngôn ngữ?

Mẹ thắc mắc bé 18 tháng tuổi biết làm gì khi con đang dần hoàn thiện kỹ năng tương tác xã hội, biểu lộ cảm xúc và ngôn ngữ? Sau đây là câu trả lời dành cho mẹ:

  • Biết thể hiện sự giận dữ: Nếu trước đây, khi bị lấy đi đồ chơi, bé chỉ biết gào khóc thì nay là một cơn giận dữ thật sự như khóc to, nằm lăn ra sàn, đập tay đập chân.
  • Có thể nói “xin chào” để đáp lại lời chào của người khác: Khi ai đó nói “xin chào” với bé, bé biết đáp lại tương tự “xin chào”.
  • Cười đáp lại nụ cười của người khác: Giờ đây, bé đã hiểu cười là điều cần thiết để gắn kết mọi người và trẻ 18 tháng tuổi sẽ thường xuyên cười với bất kỳ ai cười với bé.
  • Cảm thấy lo lắng khi ở gần người lạ: Khi xung quanh là những gương mặt mới, bé có vẻ hơi lo lắng và cảnh giác trước sự hiện diện của họ. Nếu người lạ cố gắng đến gần hoặc chạm vào bé, bé có thể sẽ khóc.
  • Thể hiện tình cảm với những người thân quen: Trẻ mới biết đi thường thể hiện sự yêu mến bằng nụ cười và những cái ôm, đặc biệt là đối với những người chăm sóc bé hoặc anh chị em trong gia đình.
  • Có thể nói được nhiều từ đơn: Trẻ 18 tháng biết ít nhất khoảng 10-20 từ đơn, giúp bé có thể bộc lộ cảm xúc hoặc suy nghĩ của chúng trong giao tiếp.
  • Biết lắc đầu để thể hiện “không”: Với những gì không muốn hoặc không cần, bé sẽ lắc đầu để từ chối.
  • Yêu thích ba hoặc mẹ hơn: Hôm nay, mẹ có thể là người thân thiết nhất với bé, ngày mai bé lại từ chối mẹ và bám theo ba. Trẻ nhỏ thường “quăng cục lơ” với ba hoặc mẹ và theo người còn lại mà không có lý do rõ ràng. Bé có thể chỉ chịu để ba chải đầu hoặc muốn mẹ đưa bé lên giường mỗi tối.

Đôi khi những chuyến đi công tác hoặc sự xa cách khác có thể là nguyên nhân dẫn tới điều này ở bé. Đừng cố gắng làm bé yêu thích mình bằng những món quà vì điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu. Cách tốt nhất là hãy để mọi thứ diễn ra tự nhiên vì đây chỉ là cảm xúc nhất thời của bé.

sự phát triển của trẻ

3. Các vấn đề thường gặp ở trẻ 18 tháng

Trẻ 18 tháng chưa biết nói có sao không?

Cố gắng đừng lo lắng nếu trẻ 18 tháng chưa biết nói. Mỗi bé sẽ có một độ tuổi học nói khác nhau; con có thể cần thêm thời gian và đây có thể chưa phải là dấu hiệu ảnh hưởng đến sự phát triển của con.

Nếu trẻ 18 tháng chỉ nói ít hơn 6 từ, mẹ hãy nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để biết cần phải làm gì trong trường hợp này.

Ngoài việc nói được từ ngữ, có rất nhiều dấu hiệu khác cho thấy trẻ 18 tháng rất thích giao tiếp:

  • Khi con muốn một thứ gì đó, trẻ sẽ chỉ vào vật đó. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy trẻ 18 tháng muốn giao tiếp:
  • Trẻ 18 tháng có thể làm theo các hướng dẫn đơn giản như: “Nhặt con gấu bông lên”.
  • Bé sẽ hiểu rất nhiều từ đơn, và có lẽ một số cụm từ gồm hai từ, chẳng hạn như “mang giày” hoặc “đưa mẹ”. Trẻ 18 tháng có thể cố gắng sao chép những từ mẹ nói và cử chỉ mà mẹ thực hiện.
  • Khi mẹ đang đọc truyện cùng con; con có thể nhận ra và chỉ vào các đồ vật và hình ảnh trong sách.
  • Trẻ 18 tháng cũng sẽ thích các giai điệu thiếu nhi và thậm chí có thể cố gắng bắt chước khi mẹ hát chúng.
  • Trong khi chơi, trẻ 18 tháng sẽ lảm nhảm một mình.

Trẻ 18 tháng biếng ăn: Mẹ cần làm gì? 

Trước khi biết mẹ cần phải làm gì khi trẻ 18 tháng biếng ăn; mẹ hãy điểm qua một số nguyên nhân dẫn đến tình trạng này nhé:

Những nguyên nhân thường gặp khiến trẻ 18 tháng không chịu ăn, biếng ăn là:

  • Trẻ mọc răng: Nếu trẻ đang mọc những chiếc răng sữa cuối cùng thì lợi của trẻ dễ bị sưng, đau nên trẻ thường bị chán ăn, bỏ bữa.
  • Trẻ không được bú sữa mẹ: Những trẻ phải dùng sữa công thức ngay từ nhỏ thường có hệ tiêu hóa yếu hơn. Vì vậy, khi lớn lên trẻ có thể bị biếng ăn.
  • Thói quen chăm sóc trẻ không tốt: Nếu cha mẹ ép trẻ ăn quá nhiều, không thay đổi thực đơn một cách linh hoạt, tạo thói quen cho trẻ đi ăn rong, xem tivi khi ăn, cho trẻ ăn vặt trước bữa chính,… thì bé cũng dễ bị chán ăn.
  • Trẻ kén ăn, lựa chọn món mình thích: Trẻ 18 tháng bắt đầu biết lựa chọn những món ăn mà mình yêu thích. Nếu cha mẹ không tìm hiểu tới thói quen, sở thích ăn uống của bé thì con sẽ dần dần bị biếng ăn.
  • Trẻ mắc bệnh lý đường tiêu hóa: Nếu trẻ bị nhiễm ký sinh trùng, bị đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy, táo bón,… sẽ thường cảm thấy ăn không ngon miệng, lâu dần dẫn tới tình trạng lười ăn và biếng ăn.

Mẹ cần làm gì khi chăm sóc cho trẻ 18 tháng biếng ăn?

  • Xây dựng một chế độ ăn uống hợp lý. Bổ sung các khoáng chất cần thiết cho trẻ (vi chất kẽm, selen, crom, vitamin C, vitamin B1 và B6,…)
  • Chờ tới khi trẻ cảm thấy đói: Việc này giúp bé ăn ngon miệng hơn, không cần phải thúc ép, hạn chế tình trạng bỏ ăn.
  • Không ép trẻ ăn: Nếu ép trẻ ăn, con sẽ sợ hãi mỗi khi đến bữa ăn. Vì vậy, thay vì bắt ép trẻ, cha mẹ nên tôn trọng khẩu vị của bé.
  • Không cho trẻ ăn vặt trước bữa ăn: Việc cho trẻ 18 tháng tuổi ăn vặt thường xuyên sẽ không tốt cho trẻ. Khi ăn đồ ăn vặt, bé sẽ cảm thấy no, lười ăn khi đến bữa. Ngoài ra, đồ ăn vặt cũng không tốt cho hệ tiêu hóa, dễ gây sâu răng,… khiến bé lười ăn hơn.
  • Không kéo dài bữa ăn: Nên đảm bảo thời gian ăn uống của trẻ là cố định. Cụ thể, bữa chính không kéo dài quá 30 phút và bữa phụ không kéo dài quá 20 phút.
  • Cho trẻ vận động: Việc tiêu hao nhiều năng lượng sẽ kích thích bé nhanh đói, thèm ăn hơn và ăn uống ngon miệng hơn.
  • Mẹ có thể cho trẻ vận động bằng các trò chơi như đá bóng, đuổi bắt,…

Hướng dẫn cách chăm sóc cho trẻ 18 tháng tuổi

1. Dinh dưỡng cho trẻ 18 tháng

dinh dưỡng cho bé 18 tháng tuổi

Trẻ 18 tháng tuổi uống bao nhiêu sữa 1 ngày? Trẻ từ 1-2 tuổi cần ăn 3 bữa chính và ít nhất 2 bữa phụ mỗi ngày. Hãy cố gắng cho bé uống khoảng 550-750ml sữa mỗi ngày, chia ra 3 cữ. Bên cạnh đó, mẹ hãy cho con ăn dặm thêm các thực phẩm đặc như cháo, thịt, rau củ quả hầm nhừ để tăng khẩu vị của trẻ nhé.

Bé 18 tháng tuổi ăn cơm được chưa? Trẻ 18, 19 tháng tuổi đã có thể tập cho ăn cơm nát hoặc cơm nhão vì lúc này con đã có khoảng 10 cái răng gồm 4 răng cửa dưới và trên cùng 2 răng hàm. Một số bé thậm chí còn có nhiều răng hơn.  

Tập cho con ăn cơm quá trễ đôi khi bỏ qua giai đoạn trẻ tập nhai. Trẻ không biết nhai thường chỉ ăn thức ăn xay nhuyễn, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng biếng ăn vì không thể cảm nhận hết hương vị của thức ăn. Bên cạnh đó, trẻ lười nhai hoặc không biết nhai sẽ có cơ hàm yếu kém phát triển. 

Bé 18 tháng tuổi ăn gì?

Trong giai đoạn 1 tuổi rưỡi, bé cần được bổ sung các chất dinh dưỡng quan trọng, chẳng hạn như canxi, sắt, chất béo tốt, protein… Những thực phẩm tốt cho sự phát triển của con mẹ có thể đưa vào thực đơn cho trẻ 18 tháng tuổi bao gồm:

  • Sữa.
  • Phô mai.
  • Sữa chua.
  • Các loại thịt nạc (gà, heo, bò).
  • Trái cây tươi xắt nhỏ (chuối, táo, bơ, dưa hấu…).
  • Rau củ quả (bí đỏ nghiền, khoai lang, cà rốt…).
  • Các sản phẩm từ đậu nành (sữa đậu nành, đậu phụ non…).
  • Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, mẹ nên cho con uống đủ nước lọc để giảm nguy cơ táo bón ở trẻ em.

Muốn tập cho con ăn cơm nát, mẹ có thể tham khảo thêm thực đơn cho trẻ 18 tháng tuổi.

2. Hoạt động để trẻ 18 tháng tuổi phát triển tốt

Không chỉ tạo một môi trường đầy đủ điều kiện dưỡng nuôi và tràn đầy yêu thương, mẹ hoặc bố cần thường xuyên chơi với con. Một số hoạt động tốt cho trẻ 18 tháng như:

  • Thường xuyên cho bé đi bộ để rèn luyện cơ chân và cơ hông cứng cáp hơn.
  • Đọc sách cho con nghe, kể chuyện dựa trên tranh ảnh bằng các từ ngữ đơn giản, dễ hiểu.
  • Chơi trò giả vờ với bé như gọi điện thoại, nấu ăn…
  • Chơi trò xếp hình, xếp khối, nhận diện đồ vật theo hình dạng, màu sắc, công dụng…
  • Chơi trò đá bóng, ném bóng.
  • Chơi trò kéo đẩy bằng các loại xe kéo, xe đẩy.
  • Chơi trò trốn tìm hoặc giấu đồ vật cho bé đi tìm.

3. Giấc ngủ của trẻ 18 tháng tuổi

Trẻ 18 tháng tuổi có thời gian ngủ dao động khoảng 11 đến 14 tiếng mỗi ngày, gồm giấc ngủ dài xuyên đêm và giấc ngủ trưa. Đây cũng là thời điểm trẻ rơi vào tình trạng thoái triển giấc ngủ lần nữa và thường sẽ kéo dài từ 2 đến 4 tuần. Biểu hiện là trẻ sẽ khó ngủ và có thái độ khó chịu, quấy khóc khi bị bắt đi ngủ.

Sự thoái triển giấc ngủ thường liên quan đến sự phát triển của não bộ cũng như các cột mốc thể chất và là dấu hiệu đáng mừng của sự tăng trưởng. Vì vậy mẹ đừng quá lo lắng mà hãy cố gắng xoa dịu bé bằng cách dỗ dành hay hát ru để bé dễ ngủ hơn.

Bên cạnh giấc ngủ, một số vấn đề sau liên quan đến sức khỏe của bé có thể mẹ quan tâm:

4. Chăm sóc răng miệng cho bé

Ngay từ khi trẻ mọc những chiếc răng sữa đầu tiên, mẹ cần quan tâm đến việc chăm sóc răng miệng cho bé để tránh các bệnh lý về răng, nướu. Hơn nữa, hàm răng còn ảnh hưởng đến hình dạng khuôn mặt của bé về sau rất nhiều.

Ở tuổi này, mẹ cần cho bé đi khám răng định kỳ và dạy bé đánh răng đúng cách.

[inline_article id=184562]

5. Giáo dục trẻ

giáo dục cho trẻ

Dưới đây là 6 mẹo để giúp trẻ 18 tháng tuổi phát triển tốt hơn.

Có những cuộc trò chuyện ý nghĩa: Trẻ 18 tháng tuổi đã hiểu “không” và một số từ ngữ nhất định. Mẹ hãy thường xuyên trò chuyện với bé, đặt câu hỏi cho bé lựa chọn như “có” hoặc “không”. Điều này sẽ giúp trau dồi kỹ năng giao tiếp của trẻ 18 tháng tuổi.

Làm gì khi trẻ ăn vạ? Ở tuổi này trẻ thường giận dỗi, ăn vạ. Làm gì khi trẻ ăn vạ? Để hạn chế tình trạng này xảy ra, mẹ hãy đặt ra một số quy tắc như: ăn, ngủ đúng giờ, hạn chế ăn bánh kẹo nhưng được ăn thêm trái cây…

Mở rộng vòng tròn giao tiếp của bé: Hãy cho bé vui chơi cùng các bé khác để giúp con phát triển kỹ năng xã hội. 

Để bé tự lập: Trẻ 18 tháng tuổi sẽ thích tự xúc ăn, tự uống nước bằng ly và muốn tự mang giày. Đừng khó chịu nếu hành động của con còn vụng về khiến cơm rơi vãi khắp bàn ăn, nước đổ ướt áo. Theo thời gian bé sẽ làm tốt hơn.

Dạy bé đồng cảm: Bé 18 tháng tuổi bắt đầu biết cảm nhận và đồng cảm với người khác. Để giúp bé 18 tháng tuổi biết đồng cảm, mẹ hãy:

  • Nhờ con giúp những việc lặt vặt trong nhà vừa sức bé.
  • Nói về những cảm xúc của người khác: “Bạn My đang buồn vì con đã lấy búp bê của bạn ấy. Hay là mình trả lại búp bê cho Mi, rồi sau đó mình chọn món đồ chơi khác, con nhé?”.
  • Gợi ý cho trẻ cách cách an ủi người khác: “Bạn My té đau kìa. Mình hãy xoa xoa cho bạn hết đau nhé!”.
  • Bố mẹ làm gương cho bé: Trẻ 18 tháng tuổi thường học cách giải quyết vấn đề bằng cách bắt chước theo hành động của bố mẹ và những người thân trong gia đình. Vì thế khi trẻ thấy người lớn biết giữ bình tĩnh và không hề bỏ cuộc khi đối mặt với một thử thách nào đó, trẻ sẽ học theo.

18 tháng tuổi là giai đoạn quan trọng hình thành một số tính cách đầu đời của bé. Vì thế rèn luyện cho bé 18 tháng tuổi những thói quen tốt, những lối suy nghĩ tích cực, tư duy độc lập, biết cảm thông, chia sẻ chính là mẹ đã giáo dục những kỹ năng sống cần thiết cho con.

Lời khuyên của bác sĩ để trẻ 18 tháng tuổi phát triển tốt

1. Lưu ý đối với bé

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (CDC), những dấu hiệu sau có thể phản ánh tình trạng chậm phát triển ở trẻ 18 tháng tuổi.

  • Không thể đi mặc dù với sự trợ giúp.
  • Không biết thể hiện mong muốn bằng cách chỉ vào người, đồ vật.
  • Không biết bắt chước các hành động từ người khác.
  • Không nhận ra người hoặc đồ vật quen thuộc.
  • Biết ít hơn 6 từ.
  • Không thể phân biệt người lạ, người quen.
  • Đánh mất các kỹ năng mà trẻ từng có.

Hãy cho bé đi khám nếu con có bất kỳ dấu hiệu nào trên đây mẹ nhé.

2. Cách chăm sóc bản thân dành cho mẹ

Ngoài việc hiểu thêm về trẻ 18 tháng tuổi, mẹ cũng cần biết về cách chăm sóc cho chính mình:

  • Vận động cơ thể: Mẹ hãy cố gắng duy trì vận động thể chất một cách nhất quán, ít nhất tập từ 3 đến 4 lần trong tuần; với thời gian cho mỗi lần tập ít nhất là 30 phút.
  • Ăn uống lành mạnh: Thực phẩm lành mạnh cung cấp năng lượng cho cơ thể của mẹ. Mẹ hãy dành vài phút để lên kế hoạch về những thực phẩm dự trữ trong tủ lạnh mỗi tuần để có thể tạo ra những bữa ăn nhanh chóng, lành mạnh và dễ dàng.
  • Duy trì sự kết nối: Đừng để lịch trình bận rộn vắt kiệt thời gian dành cho gia đình và bạn bè. Hãy cố gắng lên lịch để kết nối thường xuyên với bạn đời hoặc bạn bè.
  • Chăm sóc sức khỏe: Mẹ sẽ không để con mình bỏ lỡ lần khám sức khỏe định kỳ hàng năm — vì vậy đừng để sức khỏe của chính mình sa sút! Hãy lên lịch kiểm tra sức khỏe hàng năm, làm các xét nghiệm thích hợp, tiêm phòng cúm và kiểm tra thị lực. Và đến nha sĩ để khám và làm sạch răng hàng năm.
  • Ưu tiên giấc ngủ: Các bà mẹ thường bị cuốn vào tâm lý “làm xong việc trước khi trẻ thức dậy”. Nhưng các bà mẹ không nên bỏ qua giấc ngủ. Hãy tránh xa thức ăn, rượu, những cuộc trò chuyện gây khó chịu về mặt cảm xúc và các chất kích thích trước thời gian ngủ.
  • Giữ kết nối với chính mình: Là một người mẹ, thật dễ dàng để đánh mất bản thân trong những thói quen của cuộc sống gia đình: giặt là, chuẩn bị bữa ăn, thanh toán hóa đơn, dọn dẹp, v.v. Hãy để lại một phần cho bản thân, hãy theo đuổi sở thích. Chúng ta luôn phát triển trong suốt cuộc đời của mình và duy trì kết nối với những đam mê là điều giúp chúng ta sống trọn vẹn và vui vẻ.

Trẻ 18 tháng tuổi cần thời gian để khám phá và lĩnh hội thế giới xung quanh. Trừ khi bé có bất kỳ dấu hiệu chậm trễ nào, nếu không mẹ hãy cứ an tâm với hành trình nuôi dạy con.

Hương Lê

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Liều thuốc cho bệnh “ăn vạ”

Ăn vạ là “căn bệnh”kinh niên” ở trẻ em. Bố mẹ càng nuông chiều thì bệnh này càng trở nặng. Làm thế này để “điều trị” dứt điểm bệnh ăn vạ cho bé? Các bậc phụ huynh có thể tham khảo ngay gợi ý sau đây của Marry Baby để áp dụng cho con trẻ nhé.ăn vạ

Nguyên nhân khiến trẻ ăn vạ

Muốn trị bất cứ bệnh gì chúng ta cũng phải tìm được ra nguyên nhân gây bệnh! Tương tự, muốn trị trẻ hay ăn vạ thì cha mẹ cũng nên chịu khó tìm hiểu nguyên nhân tại sao con lại như thế.

1. Bé không được đáp ứng đúng nhu cầu

Ba mẹ cần hiểu được nhu cầu cơ bản của bé như ăn, ngủ, đi vệ sinh, muốn được chở che, quan tâm. Điều này sẽ giúp ba mẹ biết làm thế nào để con không tiếp tục ăn vạ nữa, nếu không muốn nghe bé khóc lóc, mè nheo.

Ví dụ như bé khóc gắt ngủ nhưng ba mẹ hiểu sai là con đòi ăn thì càng cho ăn, bé càng khóc dữ dội. Nếu lúc này ba mẹ hiểu đúng nhu cầu của con và đưa bé vào phòng để cho bé ngủ, hát ru con ngủ, kể chuyện cho bé nghe trước khi đi ngủ  thì bé sẽ nín khóc ngay.

2. Bé cảm thấy ít được quan tâm

Bất kỳ cô, cậu nhóc nào cũng muốn được ba mẹ để ý và nâng niu chăm sóc. Để bé không mè nheo, tốt hơn hết là mẹ đừng đợi đến lúc bé hỏi: “Mẹ có yêu con không” mà nên thể hiện sự quan tâm một cách chủ động để bé luôn cảm thấy được ba mẹ hỗ trợ và thấu hiểu. Tuy nhiên, bạn không nên thể hiện sự chú ý khi bé đang nhõng nhẽo và nuông chiều bé không đúng lúc.

3. Bé cảm thấy bất lực

Khi bé cảm thấy mình không có chút ảnh hưởng nào đến ba mẹ, chắc chắn con sẽ dùng đến biện pháp mít ướt. Vì thế, đầu tiên, ba mẹ nên cho bé thấy bạn đang lắng nghe nhưng chưa thể đáp ứng yêu cầu của con. Tiếp đến, bạn khuyến khích bé sử dụng giọng nói bình thường một cách tự tin thay vì giọng khóc lóc đầy thất thế. Xa hơn, bạn cần chỉ cho con thấy rằng con hoàn toàn có thể đạt được điều con muốn nếu thật bình tĩnh và biết cách thuyết phục.

ăn vạ
Bé khóc có thể do con đang gặp áp lực

4. Bé muốn khóc

Có thể bé đang bị dồn nén quá nhiều áp lực. Trẻ nhỏ có thể cảm thấy căng thẳng vì những chuyện như tập ngồi bô, mẹ mới sinh em bé, nhà có người giúp việc mới… Lúc này, bạn cần chia sẻ và quan tâm nhiều hơn đến cảm xúc của bé.

[inline_article id=35549]

5. Bé được nuông chiều

Thông thường, nếu trẻ ăn vạ vài lần và “dọa” được ba mẹ thì chắc chắn bé sẽ tiếp tục thực hiện chiêu này để có được thứ mình muốn. Vì thế, ba mẹ không nên thỏa hiệp với các đòi hỏi không hợp lý của con. Thay vào đó, bạn có thể tìm giải pháp để trấn an bé, ví dụ như giải thích cho con hiểu rằng thứ con muốn thật sự không tốt cho sức khỏe, nó sẽ làm con bị đau… hoặc ba mẹ có thể đưa ra các phương án thay thế cho bé tự chọn.

Bạn không cần phải quá căng thẳng về những tình huống khóc mếu thường xuyên diễn ra. Đừng quá tập trung vào việc giải quyết vấn đề, mà quan trọng hơn cả là lắng nghe cảm xúc của mình. Trên hết, bạn luôn yêu bé. Khi bạn ôm con vào lòng và thủ thỉ với bé, mọi hờn lẫy sẽ kết thúc mau chóng mà thôi.

Ăn vạ có tính di truyền

Nhiều cha mẹ tự trách mình khi con ăn vạ, song các nhà khoa học tiết lộ rằng đây là vấn đề thuộc về di truyền chứ không hẳn do giáo dục.

Trong nhiều thập niên, người ta vẫn nghĩ thói hung hăng, ăn vạ ở trẻ được hình thành là do sống trong môi trường xấu. Các nghiên cứu trước đây đã chỉ ra rằng ngay từ lúc sơ sinh, đặc biệt là độ tuổi từ 2-4 tuổi, trẻ rất dễ nhiễm tật hư ảnh hưởng đến tính cách sau này.

Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Montreal, Canada vừa tìm ra những sự khác biệt quan trọng về cả tần suất lẫn tỷ lệ những cơn giận dữ của trẻ dựa trên mối tương tác giữa di truyền và môi trường. Cuộc khảo sát được thực hiện trên những đứa trẻ sinh đôi cùng trứng, sinh đôi khác trứng và những đứa trẻ bình thường. Kết quả là yếu tố môi trường sống giống hay khác nhau ảnh hưởng rất ít đến tính hay ăn vạ của trẻ.

Thay vào đó, yếu tố di truyền chi phối chủ yếu xu hướng phát triển của trẻ. Theo đó một số trẻ sẽ bình tĩnh, điềm đạm hơn, trong khi một vài trẻ khác lại hay gào khóc và phản đối thái quá khi không vừa ý điều gì. Trẻ từ 1,5 tuổi đến 4 tuổi có thể cắn, đấm đá và vật lộn trên sàn để giải phóng cơn nóng giận của mình.

Mặc dù vậy, di truyền cũng không quyết định toàn bộ và mãi mãi cho quá trình phát triển của trẻ. Các bậc cha mẹ cần lưu ý một số điều để giúp con giảm bớt tính hung hăng, hay nóng giận và ăn vạ.

ăn vạ
Ăn vạ cũng có thể do di truyền

Hầu hết trẻ nhỏ, trẻ vị thành niên và kể cả người lớn đều dễ cáu kỉnh khi bị áp lực tâm lý, từ đó hình thành thói quen phản kháng. Càng bị đè nén trẻ càng dễ hung hăng. Vì vậy, các bạn nên chú ý giữ mối quan hệ giữa cha mẹ – con cái, anh chị em và bạn bè của trẻ sao cho hài hòa, ít xung đột.

Bạn không nên cấm đoán trẻ mà cần khéo léo hướng con quan tâm đến nhiều chủ đề khác thay vì xoáy sâu vào mối xung đột. Đặc biệt, bạn đừng để cả nhà rơi vào cuộc chiến lẩn quẩn “mè nheo – không cho – ăn vạ – nhượng bộ – ngày càng ăn vạ” giữa trẻ và người lớn.

Có nên cho trẻ sơ sinh đi ngủ sớm? Ép trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ đi ngủ sớm cũng là một nguyên nhân gây mất ngủ và tạo thói quen càu nhàu, phản kháng của trẻ. Buổi tối, một đứa trẻ chưa buồn ngủ mà bị bắt nằm im trên giường sẽ ở trong tâm trạng đè nén, đến khi trẻ mệt mỏi thật sự thì cũng không tài nào ngủ được, lúc ấy cơn cáu giận sẽ bùng nổ khó mà xoa dịu. Nếu cứ kéo dài như vậy ngày này qua ngày khác, tình trạng này sẽ là một cơn khủng hoảng thật sự cho tất cả mọi người đấy. Vậy bạn đã biết làm thế nào để đối mặt một cách thông minh trước trẻ có “gen ăn vạ” rồi chứ?

[inline_article id=173056]

Ăn vạ là “căn bệnh” mà mọi trẻ nhỏ đều dễ dàng mắc phải. Việc của cha mẹ là cần tìm cách thuyết phục và giáo dục con đúng cách để bé luôn cảm thấy được quan tâm, yêu thương. Mặt khác có thể giúp trẻ nhận ra một điều, đôi khi không phải thứ cứ muốn là được và con phải chấp nhận điều đó.

MarryBaby