Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em

Mách mẹ thông thái cách chọn sữa tăng cường tiêu hóa và miễn dịch của bé ngay từ những ngày đầu

Nhìn chung, hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không khỏe mạnh như người lớn và cần có thời gian để hoàn thiện. Do đó, trong quá trình lớn lên, các bé thường khó tránh khỏi việc mắc một số bệnh truyền nhiễm khiến ba mẹ lo lắng. Trong bài viết sau, Marry Baby sẽ chia sẻ những thông tin hữu ích giúp bạn biết cách tăng cường hệ miễn dịch lẫn hệ tiêu hóa cho bé yêu từ những ngày đầu đời.

Tăng cường miễn dịch và tiêu hóa ở trẻ – Điều mẹ cần đặc biệt lưu tâm

miễn dịch của trẻ nhỏ

Hệ miễn dịch là một mạng lưới các tế bào và protein được tìm thấy trên khắp cơ thể. Đây có thể được ví như “tấm lá chắn” giúp bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh như vi khuẩn, virus… [2].

Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, hệ miễn dịch của bé vẫn chưa phát triển hoàn thiện. Khi mới sinh, hệ miễn dịch của bé thường rất tốt do bé nhận được các thành phần hỗ trợ miễn dịch từ mẹ thông qua nhau thai và sữa mẹ nếu được cho bú sau sinh [2]. Đây được xem là loại miễn dịch thụ động vì trẻ được cung cấp kháng thể chứ không tự tạo ra chúng [3]. Tuy nhiên, miễn dịch thụ động này không tạo ra sức đề kháng lâu dài cho trẻ và thường bắt đầu suy giảm sau khoảng 6 tháng [4].

Trái ngược với miễn dịch thụ động thì miễn dịch chủ động của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường rất yếu và cần thời gian để hoàn thiện [5], [6]. Do đó, trong quá trình lớn lên, trẻ thường không tránh khỏi nguy cơ mắc một số bệnh nhiễm trùng như tiêu chảy do virus, viêm phổi do virus hợp bào hô hấp, cúm… Vì vậy, việc chủ động thực hiện các giải pháp giúp tăng cường miễn dịch cho trẻ từ những ngày đầu sau sinh là rất quan trọng.

Để tăng cường hệ miễn dịch cho bé, mẹ sẽ cần “chăm chút” nhiều cho hệ tiêu hóa bởi hệ tiêu hóa và hệ miễn dịch được cho là có mối liên hệ mật thiết. Kết quả nghiên cứu cho thấy có khoảng 70 – 80% tế bào miễn dịch hiện diện ở đường ruột [7]. Điều này đồng nghĩa rằng khi hệ tiêu hóa gặp vấn đề thì hệ miễn dịch cũng sẽ chịu ảnh hưởng. Do đó, để giúp con có sức đề kháng tốt, ba mẹ cũng sẽ cần chú ý đến việc chăm sóc hệ tiêu hóa của trẻ, nhất là thông qua chế độ dinh dưỡng.

Mách mẹ cách chọn công thức sữa giúp tăng cường tiêu hóa và miễn dịch cho bé

sữa mẹ giúp tăng cường miễn dịch

Việc đảm bảo nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu là cần thiết đối với sự phát triển khỏe mạnh của trẻ sơ sinh. Hơn nữa, trẻ bú mẹ thường có khả năng miễn dịch thụ động lâu hơn [3]. Bởi trong sữa mẹ có chứa các dưỡng chất quan trọng có thể giúp trẻ chống lại mầm bệnh và hỗ trợ sự phát triển của hệ thống miễn dịch [2], [8]. Không những vậy, trong sữa mẹ còn chứa nhiều thành phần khác có lợi cho hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ sơ sinh.

Trường hợp không thể cho bé bú, mẹ có thể cân nhắc chọn cho con công thức sữa với thành phần dinh dưỡng giúp củng cố tiêu hóa và tăng cường sức đề kháng cho trẻ trong những năm đầu đời. Cụ thể, mẹ nên ưu tiên chọn cho bé các công thức sữa có chứa các dưỡng chất giúp củng cố hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa như:

  • HMO: Dưỡng chất có hàm lượng nhiều thứ ba trong sữa mẹ, chỉ sau lactose và chất béo. Trong đó, 5 HMOs nhiều nhất là 2’FL, 3-FL, LNT, 3’-SL và 6’-SL. Nhiều nghiên cứu đã phát hiện HMO có thể mang đến nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ sơ sinh, bao gồm thúc đẩy sự phát triển của lợi khuẩn, tăng cường sức khỏe đường ruột, ngăn ngừa sự bám dính của mầm bệnh, phát triển hàng rào biểu mô ruột, giảm nguy cơ nhiễm trùng và nâng cao khả năng miễn dịch cho trẻ [9].
  • Nucleotides: Hợp chất được tìm thấy với hàm lượng cao trong sữa mẹ. Vai trò của Nucleotides là tăng cường sản sinh tế bào miễn dịch và kháng thể, giúp trẻ củng cố hệ thống miễn dịch. Bên cạnh đó, hợp chất này còn mang đến lợi ích cho hệ tiêu hóa, tăng tốc độ phục hồi đường ruột sau tiêu chảy hoặc sau thời gian trẻ bú kém [10].
  • Lợi khuẩn: Bifidobacteria được công nhận là nhóm lợi khuẩn quan trọng đối với hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh. Đây là chủng lợi khuẩn chiếm ưu thế ở trẻ bú mẹ, có vai trò giúp trẻ cân bằng hệ vi sinh đường ruột và giảm nguy cơ mắc bệnh nhiễm trùng [11].

Hệ tiêu hóa và miễn dịch của trẻ nhỏ cần rất nhiều thời gian để hoàn thiện và khỏe mạnh như người lớn. Vì vậy, trong những năm tháng đầu đời, bé sẽ rất cần mẹ đầu tư “chăm chút” để giúp bé tiêu hóa tốt, đề kháng khỏe nhằm tạo nền tảng vững vàng cho sự phát triển trong tương lai.

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Tắm sữa mẹ cho con và những lợi ích có thể bạn chưa biết

 

Tắm sữa cho bé

Có thể nói, sữa mẹ chính là “nguồn dinh dưỡng vàng” dành cho con. Nó chính là “cực phẩm” mà thiên nhiên ban tặng, cung cấp cho trẻ nguồn dinh dưỡng thiết yếu cần cho sự phát triển của bé. Trẻ bú sữa mẹ tốt là thế, thế còn dùng sữa mẹ tắm cho con thì sao? Hãy cùng khám phá ngay nhé!

Điểm sơ qua một chút về thành phần của sữa mẹ, bao gồm: chất béo (chiếm khoảng 3 – 5%), protein (0,8 – 0,9%), carbohydrate (0,2%) cùng với nhiều loại vitamin và khoáng chất thiết yếu khác.

Điều đáng chú ý nhất trong sữa mẹ chính là chất béo, đây là thành phần có mặt trong hầu hết các loại mỹ phẩm dưỡng ẩm cho da và tóc. Vì vậy, có thể khẳng định tắm sữa mẹ rất có lợi cho trẻ sơ sinh.

Hiểu đúng về việc cho trẻ tắm sữa mẹ

Đừng nhầm lẫn rằng tắm sữa mẹ là cho trẻ đắm mình trong một bồn tắm đầy… sữa mẹ. Các mẹ có thể hiểu đúng là tắm cho trẻ bằng sữa mẹ đã pha loãng. Việc làm này mang lại rất nhiều lợi ích cho làn da của trẻ; chẳng hạn nó giúp chữa lành các chứng bệnh về da như chàm, vẩy nến, những vết trầy xước nhỏ, thậm chí là cả khi con bị bỏng nữa.

Lợi ích của việc tắm sữa mẹ cho con

các vấn đề về da của trẻ 732808213

Dưới đây là là một vài lợi ích của việc tắm sữa mẹ cho trẻ sơ sinh mà Marry Baby muốn chia sẻ cùng bạn:

1. Chữa lành mụn trứng cá và đốm

Lý do là trong sữa mẹ có chứa axit lauric, một loại axit béo cũng có mặt trong dầu dừa, có đặc tính kháng khuẩn và chống lại mụn trứng cá. Hơn nữa, axit này cũng giúp làm giảm các đốm và tình trạng đổi màu trên da bé. Một số trẻ sơ sinh bị mụn trứng cá vì sự hiện diện hormone của mẹ trong máu. Bạn có thể giải quyết tình trạng này bằng cách cho bé tắm sữa mẹ ít nhất hai lần một tuần.

2. Giữ ẩm cho làn da và giảm ngứa

Sữa mẹ còn có axit palmitic, một axit béo bão hòa, đóng vai trò như một loại kem dưỡng ẩm tuyệt vời. Bên cạnh đó, trong thành phần của sữa cũng chứa một axit béo omega là axit oleic có trong tế bào mô của cơ thể. Axit oleic mang lại tác dụng giữ ẩm cho da, đồng thời giúp chữa lành tình trạng da khô và chống lão hóa.

Thêm vào đó, một số axit béo khác như axit vaccenic có vai trò bảo vệ và nuôi dưỡng làn da; axit linoleic lại có tác dụng giữ ẩm, làm sáng, đồng thời giảm tình trạng viêm nhiễm. Do vậy, có thể khẳng định việc tắm sữa mẹ giúp chữa lành tình trạng da khô và giảm ngứa ở trẻ sơ sinh. Bật mí thêm là với những mẹ gặp tình trạng bị khô, nứt đầu ti thì nên thoa một vài giọt sữa mẹ lên vùng bị tổn thương sẽ cho kết quả bất ngờ.

3. Chữa lành vết bỏng nhẹ và vết côn trùng cắn

Sữa mẹ có một loại kháng thể là Immunoglobulin-A giúp chống lại vi khuẩn có hại và các tình trạng nhiễm trùng. Do đó, việc cho bé tắm sữa mẹ có thể làm lành những vết bỏng nhẹ, vết trầy xước hiệu quả. Ngoài ra, điều này còn giúp xoa dịu cơn đau và giảm kích ứng do côn trùng cắn.

4. Làm dịu mẩn ngứa và kích ứng da

Không chỉ chữa bỏng, các kháng thể trong sữa mẹ còn có khả năng làm dịu và chữa lành các vết phát ban do hăm tã. Do đó, nếu bé cưng bị hăm tã, mẹ nên cho bé tắm sữa mẹ một hoặc hai lần một tuần để giảm triệu chứng viêm.

Lượng sữa mẹ cần dùng bao nhiêu là hiệu quả nhất?

Để có kết quả tốt nhất thì nước tắm sau khi đã pha sữa mẹ nên có màu trắng đục, mực nước trong thau tắm ở mức vừa phải. Lý tưởng nhất là nên sử dụng một lượng sữa mẹ từ 180 đến 300ml.

Để có sữa pha tắm cho bé, sau mỗi cữ con bú, mẹ nên vắt hết sữa ra và trữ trong tủ lạnh dùng dần. Việc vắt sữa thường xuyên còn kích thích bầu ngực của mẹ tiết ra sữa nhiều hơn.

Cách tắm cho trẻ sơ sinh bằng sữa mẹ

cách tắm sữa mẹ cho bé 292623833

Một công thức tắm sữa mẹ tiêu chuẩn cần có nước ấm, 180 đến 300 ml sữa mẹ và thau tắm dành riêng cho trẻ. Bạn có thể sử dụng sữa mẹ mới được vắt hoặc sữa đã rã đông. Cho nước ấm vào thau, đổ sữa vào và khuấy đều cho đến khi nước tắm có màu trắng đục. Đặt trẻ vào bồn tắm, nhẹ nhàng khỏa nước lên cổ, mặt, tay chân và mình mẩy của con. Thấm khô nhẹ nhàng và đồng thời kết hợp sử dụng dầu dừa để giữ ẩm cho da.

Mẹo là bạn có thể thêm cả bột yến mạch vào nước để tăng cường hiệu quả!

Sữa mẹ hết hạn có thể sử dụng được không?

Đôi khi, các bà mẹ chúng ta hút sữa rồi cho vào tủ lạnh để giữ cho sữa không bị hỏng. Tuy nhiên, cũng như bao thứ khác, sữa mẹ cũng có hạn sử dụng. Sữa trữ đông dùng để tắm cho bé nên là loại không có mùi khó chịu hoặc có vị chua. Tránh sử dụng khi sữa đã bị mốc hoặc có mùi ôi. Đối với trường hợp bé bị ngứa nên trộn sữa mẹ cùng với bột yến mạch và cho bé tắm.

Có nên cho bé tắm sữa mẹ hàng ngày?

Việc tắm sữa mẹ mỗi ngày là không cần thiết, bạn chỉ nên cho con tắm từ 1 đến 2 lần mỗi tuần. Nếu con bạn bị hăm tã hoặc chàm ở mức độ nghiêm trọng, hãy cho con tắm sữa mẹ hai lần một tuần. Bạn có thể giảm số lần tắm tùy thuộc vào khả năng phục hồi làn da của bé.

Tắm sữa mẹ rất có ích trong việc điều trị các vấn đề về da khác nhau ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Bạn hãy nhớ rằng, các chất dinh dưỡng trong sữa mẹ không chỉ nuôi dưỡng làn da trẻ mà còn giúp cân bằng độ ẩm và sự mềm mại. Do đó, mẹ còn chần chừ gì mà không thử áp dụng ngay cho con mình nào!

MarryBaby