Khi bé bị viêm tai giữa, điều quan trọng là mẹ cần điều trị bệnh cho con theo chỉ định từ bác sĩ. Những mẹo chữa viêm tai giữa cho bé chỉ để mẹ tham khảo vì chưa có cơ sở nghiên cứu khoa học. Trước khi áp dụng để hỗ trợ chữa bệnh cho con, mẹ cần tham khảo ý kiến của bác sĩ.
1. Biểu hiện viêm tai giữa ở trẻ
Viêm tai giữa là tình trạng nhiễm trùng tai giữa thường gặp ở trẻ nhỏ. Có đến hơn 80% trẻ nhỏ từng bị viêm tai giữa trong 3 năm đầu đời. Hầu hết trẻ viêm tai giữa đều có biểu hiện đau tai và nghe kém. Trẻ sơ sinh và trẻ dưới 2 tuổi có thể biểu hiện dụi hoặc giật tai, quấy khóc, cáu kính, ngủ không ngon giấc. Ngoài ra, các triệu chứng khác cũng có thể gặp như sốt, sổ mũi, chán ăn, khó chịu…
Trẻ có thể khóc nhiều và kéo tai bị ảnh hưởng, đặc biệt là vào ban đêm khi nằm. Một số trẻ có thể bị đau tai dữ dội, tuy nhiên cũng có trường hợp viêm tai giữa không gây ra bất kỳ biểu hiện đặc biệt nào.
2. Viêm tai giữa có cần thiết dùng kháng sinh không?
Hầu hết các trường hợp viêm tai giữa ở trẻ đều do virus gây ra và có thể tự khỏi sau 2-3 ngày. Do đó, các khuyến cáo cập nhật về điều trị viêm tai giữa ở trẻ là trì hoãn kháng sinh. Trong thời gian chờ đợi, cha mẹ có thể cho trẻ uống thuốc giảm đau như acetaminophen hoặc ibuprofen với liều lượng khuyến nghị.
Nếu các triệu chứng viêm tai giữa xấu đi hoặc không cải thiện sau 48 – 72 giờ, trẻ cần sử dụng thuốc kháng sinh để điều trị. Khi đó, cần tuân thủ đơn thuốc của bác sĩ, cho trẻ dùng đủ liều lượng và thời gian ngay cả khi các triệu chứng đã cải thiện. Việc tự ý bỏ thuốc giữa chừng có thể làm tăng nguy cơ tái phát viêm tai giữa trong tương lai.
Lưu ý, những trường hợp sau đây có thể cần dùng kháng sinh ngay từ đầu để trị viêm tai giữa:
– Trẻ dưới 6 tháng tuổi.
– Trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi bị viêm tai giữa cấp cả hai bên tai.
– Trẻ bị viêm tai giữa nặng với biểu hiện đau nhức kéo dài hơn 48 giờ hoặc sốt trên 39 độ C.
>> Xem thêm: 7 dấu hiệu viêm tai giữa ở trẻ sơ sinh cần đặc biệt chú ý
3. Cách điều trị viêm tai giữa cho bé tại nhà khoa học
Khi chăm sóc trẻ bị viêm tai giữa tại nhà, cha mẹ có thể thực hiện một số cách dưới đây:
– Cho trẻ sử dụng thuốc hạ sốt, giảm đau không kê đơn: Đối với trẻ 6 tháng tuổi trở lên, cha mẹ có thể cho con uống acetaminophen để giảm đau hoặc hạ sốt khi trẻ sốt trên 38,5 độ C. Trường hợp trẻ dưới 6 tháng tuổi cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho trẻ dùng bất kỳ loại thuốc nào.
– Chườm ấm: Chườm ấm có thể giúp giảm đau do viêm tai giữa ở trẻ nhỏ.
– Khuyến khích trẻ uống nhiều nước: Cha mẹ có thể cho con uống nước lọc hoặc các loại nước hoa quả. Với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé bú nhiều hơn bằng cách tăng số lần bú để bù nước cho con, đặc biệt là khi sốt cao.
– Cho trẻ ăn thức ăn mềm, dễ nuốt: Cha mẹ có thể chia nhỏ các bữa ăn và cho bé ăn từ từ, bởi bé có thể chán ăn, quấy khóc, dễ nôn mửa…
– Vệ sinh mũi họng cho trẻ thường xuyên
4. Mẹo dân gian chữa viêm tai giữa cho bé
Một số mẹo dân gian có thể giúp giảm triệu chứng viêm tai giữa ở trẻ. Tuy nhiên, các phương pháp không được kiểm chứng hay nghiên cứu, chỉ là lời truyền miệng lại từ ông bà, trước khi thực hiện cần tham khảo ý kiến của bác sĩ bởi nó không an toàn và dễ nhiễm khuẩn.
4.1. Mẹo chữa viêm tai giữa cho bé với lá mơ lông
Lá mơ lông được tìm thấy ở nhiều địa phương tại nước ta với đặc điểm nhận dạng là dựa vào màu sắc của mặt lá, lớp lông nhỏ trên cả hai mặt và mùi đặc trưng. Theo Y học cổ truyền, lá mơ lông có đặc tính sát khuẩn, giải độc, ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn gây bệnh. Nhờ đó, dân gian xưa đã dùng lá mơ lông để chữa viêm tai giữa.
Cách làm như sau:
– Rửa sạch lá bằng nước sạch hoặc nước muối pha loãng, sau đó để ráo nước.
– Hơ trên lửa cho lá mềm.
– Cuốn lá theo chiều dọc, rồi nhẹ nhàng đưa lá vào trong tai. Thực hiện trong 10 phút rồi lấy ra, có thể áp dụng mỗi ngày kết hợp với vệ sinh tai đúng cách để rút ngắn quá trình điều trị.
Lá mơ lông có thể giúp chữa viêm tai giữa cho bé.
4.2. Dùng mật ong chữa viêm tai giữa cho bé
Mật ong có những đặc tính kháng khuẩn, có thể dùng để chữa viêm tai giữa cho trẻ. Cách thực hiện như sau:
– Để tai bé hướng lên phía trên.
– Chuẩn bị một tờ giấy dài, phết mật ong lên bề mặt giấy rồi cuộn lại.
– Dùng lửa thật nhỏ nhỏ hơ một đầu giấy. Phần không đốt để vào trong ống tai, lưu ý phải đặt thẳng với lỗ tai để có thể xông hơi ra ngoài. Chú ý không được để mật ong rơi vào trong tai của bé, có thể gây bỏng.
– Thực hiện 1 – 2 lần trong ngày và liên tiếp trong vòng một tuần để đạt kết quả tốt nhất.
>> Xem thêm: Trẻ uống mật ong hàng ngày có tốt không? Nên cho trẻ dùng sáng hay tối?
4.3. Sử dụng rau diếp cá tươi
Rau diếp cá có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn, đặc biệt hiệu quả khi dùng chữa viêm tai giữa. Cha mẹ có thể:
– Lấy một lượng rau diếp cá tươi vừa đủ dùng rửa thật sạch và để ráo nước.
– Dùng cối giã nhuyễn hoặc dùng máy xay xay nát rau diếp cá. Cho phần rau đã giã vào một miếng khăn sạch sau đó vắt lấy nước.
– Để nước vừa chắt được vào bình thủy tinh sạch, đậy kín.
– Lấy 1 miếng bông thấm nước lá diếp cá rồi nhỏ 1 ít vào tai. Thực hiện đều đặn kết hợp với vệ sinh tai đúng cách để giúp bé nhanh khỏi.
5. Khi nào cần đến gặp bác sĩ khi bé bị viêm tai giữa?
Viêm tai giữa có thể tự khỏi sau 2-3 ngày, tuy nhiên cha mẹ không nên chủ quan trong trường hợp nhiễm trùng tai kéo dài hoặc nhiễm trùng tai giữa nghiêm trọng lặp đi lặp lại. Điều này có thể gây ra các biến chứng như giảm thính lực…
Ngoài ra, các triệu chứng nên cảnh giác bao gồm:
– Đau tai tăng lên hoặc cảm giác đầy tai.
– Chảy dịch từ tai, có thể kết hợp với sốt cao liên tục dù đã dùng thuốc hạ sốt.
– Trẻ nôn nhiều lần trong ngày, nghe khó, quấy khóc…
– Các dấu hiệu bệnh của trẻ không cải thiện sau 2 ngày điều trị.
Nếu gặp phải tình trạng nêu trên, cha mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị chuyên khoa tai mũi họng…
>> Xem thêm: Cách lấy ráy tai khô cứng cho bé an toàn, hiệu quả và không đau
6. Cách phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ
Một số biện pháp giúp phòng ngừa viêm tai giữa ở trẻ mà ba mẹ nên áp dụng bao gồm:
– Cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời: Sữa mẹ chứa kháng thể cùng nhiều dưỡng chất quan trọng giúp bé tăng cường sức đề kháng, chống lại bệnh tật, bao gồm viêm tai giữa.
– Tránh để trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá vì nguy cơ nhiễm trùng tai: Bởi trong gia đình có người hút thuốc lá, trẻ hít phải khói thuốc thường xuyên có thể khiến cho hệ thống đường hô hấp bị phù nề, làm tắc ống thông và dẫn đến viêm tai giữa.
– Giữ gìn vệ cho trẻ: Bằng cách rửa tay bé kỹ và thường xuyên, vệ sinh đồ chơi của trẻ nhằm ngăn chặn sự lây lan của vi khuẩn, giảm thiểu nguy cơ viêm tai giữa cũng như các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp khác…
– Đưa trẻ đi tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch: Tiêm vaccine cúm mỗi năm một lần và vaccine ngừa phế cầu càng sớm càng tốt (từ 6 tuần tuổi) nhằm giảm nguy cơ viêm tai giữa.
>> Xem thêm: 6 cách phòng ngừa tai trẻ sơ sinh có mùi hôi mẹ cần biết
Viêm tai giữa rất phổ biến ở trẻ nhỏ. Mặc dù đây là bệnh lành tính, song cha mẹ không nên chủ quan và tự ý cho trẻ dùng thuốc tại nhà. Thay vào đó, cần theo dõi sát triệu chứng bệnh, thực hiện các biện pháp chăm sóc giảm nhẹ triệu chứng. Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa trước khi cho bé dùng thuốc hoặc áp dụng các biện pháp dân gian chữa viêm tai giữa.
[key-takeaways title=””]
[/key-takeaways]