Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Mẹ đang cho con bú ăn gì để tránh đầy hơi cho bé?

Mẹ đang cho con bú ăn gì để tránh đầy hơi cho bé
Cùng “bỏ túi” danh sách những món thực phẩm lý tưởng dành cho mẹ đang cho con bú

Chế độ dinh dưỡng dành cho một người mẹ đang cho con bú cũng không khác khi mang thai là mấy. Thậm chí, mẹ còn phải ăn uống cẩn thận hơn để đảm bảo bé không bị đầy hơi, chướng bụng hay dị ứng với các thành phần từ thực phẩm được hòa vào trong sữa mẹ. Để giảm tình trạng đau bụng rất thường xảy ra với trẻ sơ sinh, mẹ nên chọn những loại thực phẩm ít gây chướng bụng, đầy hơi. Dưới đây là nhưng gợi ý tốt cho mẹ:

Các loại trái cây

Các mẹ đang cho con bú nên ăn nhiều trái cây và rau, nhưng không nên ăn quá nhiều bất kỳ loại rau hay trái cây nào. Bởi nhóm thực phẩm này chứa rất nhiều chất xơ và việc ăn quá đà bất kỳ loại rau hay quả nào cũng có thể khiến mẹ và bé dễ dàng bị đầy hơi. Đặc biệt, mẹ nên giảm bớt các loại trái cây thuộc họ cam chanh như bưởi, cam, quýt, quả tắc… Những loại quả sau đây ít gây đầy bụng hơn và mẹ có thể ăn thường xuyên hơn để bổ sung vitamin cùng các khoáng chất:

  • Táo: Cung cấp vitamin C, A, canxi, sắt và folate
  • Đu đủ: Giàu vitamin A, C, E, K, folate, nước và đặc biệt, đu đủ xanh giúp kích thích sản xuất sữa mẹ.
  • Bơ: Giàu DHA cần thiết cho sự phát triển trí não của bé, canxi, vitamin D, E, A, K và chất xơ.
  • Lê: Chứa vitamin A, C, K, PP, B9 và nhiều khoáng chất như kali, kẽm, đồng, sắt, canxi, i-ốt.

Các loại củ

Các loại củ và rễ thực vật thường được ăn để chống đầy hơi. Mẹ có thể bổ sung những món này vào chế độ ăn của mình để giúp bé cưng giảm tình trạng đau bụng, đầy hơi. Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý rằng nhiều loại củ có thể gây táo bón nếu ăn quá nhiều. Hãy đảm bảo một chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ tất cả các nhóm thực phẩm nhưng tránh tập trung quá nhiều vào bất cứ món nào. Với các loại củ, mẹ có thể chọn trong các gợi ý sau:

  • Cà rốt: Giàu beta-carotene, tiền chất giúp sản xuất vitamin A tốt cho thị lực. Cà rốt cũng cung cấp thiamin, niacin, vitamin B6. Loại củ này cũng giàu chất xơ và các vitamin C, K và các khoáng chất như canxi, sắt, kali, đồng, phốt pho.
  • Khoai lang: Cung cấp vitamin A, C, canxi và sắt. Những dưỡng chất quan trọng khác trong khoai lang gồm có kali, vitamin B6 và chất xơ.

[inline_article id=87017]

Rau quả

Các loại rau quả là phần không thể thiếu trong chế độ ăn của một người mẹ đang cho con bú. Đối với các mẹ có bé thường xuyên bị đầy hơi, đau bụng, hãy giảm bớt những thức ăn như dứa, cải bắp, súp lơ xanh, các loại đậu hạt và củ cải. Thay vào đó, một số lựa chọn dưới đây sẽ tốt hơn cho bạn:

  • Bí đỏ: Chứa canxi, mangan, kali tốt cho sự phát triển của xương bé. Bí đỏ cũng mang đến vitamin A, chất xơ, kali và các chất chống oxy hóa.
  • Măng tây: Chứa một loại carbohydrate tên gọi là  raffinose có thể giúp giảm đầy hơi.
  • Cần tây: Rất giàu kali và natri, các chất giúp kháng viêm, giảm huyết áp.
  • Cà tím: Rất giàu folate, vitamin C, niacin, các loại vitamin B, đồng, sắt, kali, mangan.
  • Bắp: Giàu vitamin B và folate, chất xơ và chứa lượng vừa phải các chất khoáng, magie, phốt pho.
  • Bí ngòi: Giàu folate, vitammin A và kali.
  • Nấm: Giàu vitamin nhóm B, canxi, sắt, magie, mangan, kali, natri và kẽm.

Chất đạm từ động vật

Những loại thực phẩm cung cấp protein cũng là một phần không thể thiếu trong chế độ ăn của các bà mẹ đang cho con bú. Protein là nền tảng để xây dựng các cơ bắp khoe mạnh của bé. Thế nên, mẹ đừng quên bổ sung đủ lượng chất đạm từ động và thực vật trong bữa ăn hàng ngày của mình. Tuy nhiên, các chất đạm từ động vật sẽ dễ chuyển hóa hơn đạm từ thực vật nên mẹ hãy ưu tiên cho các thực phẩm như:

  • Trứng
  • Thịt

Các loại trà

Mặc dù các loại thực phẩm chứa caffeine không được khuyến khích khi đang cho con bú, mẹ vẫn có thể uống một luông vừa phải. Những loại trà giúp giảm sự khó chịu ở đường tiêu hóa bao gồm:

  • Trà hoa cúc
  • Trà bồ công anh
  • Trà thì là
  • Trà thảo quả

Ngoài chế độ dinh dưỡng, việc mẹ chú trọng massage, giúp bé ợ hơi cũng giúp giảm bớt hơi thừa trong bụng, giúp bé dễ chịu và giảm đau bụng. Đừng quên áp dụng những bí quyết này mỗi ngày bên cạnh việc ăn uống khoa học để bé không còn bị khó chịu, quấy khóc vì đầy hơi nữa, mẹ nhé.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Mẹ ít sữa phải làm sao khắc phục?

Dù biết sữa mẹ là lựa chọn hàng đầu cho trẻ sơ sinh trong 6 tháng đầu đời nhưng không phải lúc nào việc nuôi con bằng sữa mẹ cũng thuận lợi. Có những trường hợp mẹ ít sữa, sữa không đủ cho bé bú khiến nhiều mẹ hết sức lo lắng, băn khoăn không biết mẹ ít sữa phải làm sao để bé nhận đủ dưỡng chất. Nếu cũng đang rơi vào tình cảnh này, hãy cùng tìm câu trả lời trong bài viết này nhé!

Những dấu hiệu cho thấy mẹ ít sữa

Trước khi tìm lời đáp cho câu hỏi “Mẹ ít sữa phải làm sao?”, hãy bắt đầu bằng việc tìm hiểu cách nhận biết tình trạng ít sữa. Nhiều mẹ thắc mắc tại sao mình lại thuộc nhóm ít sữa khi mà sữa vẫn về ướt áo? Thực ra, những dấu hiệu như cương sữa, xuống sữa khi bé bú, sữa thấm ướt áo không phải là dấu hiệu đáng tin cậy để khẳng định mẹ có đủ sữa cho con. Dù không bà mẹ nào muốn mình thuộc vào nhóm các mẹ ít sữa, đây là một sự thật vẫn xảy ra. Làm thế nào để xác định được mẹ ít sữa?

  • Dựa vào lượng phân bé thải ra: Nếu mỗi ngày mẹ thay ít nhất 5 lần tã có phân của bé thì mới có thể tin tưởng bé bú đủ sữa.
  • Dựa vào lượng nước tiểu của bé: Nếu mẹ thay 8 đến 10 lần tã ướt mỗi ngày, đó là cơ sở để biết mẹ có đủ sữa hay không. Ngoài ra, nếu bé bú đủ sữa thì nước tiểu thường trong suốt hoặc chỉ có màu vàng nhẹ.
  • Cách bé mút và nuốt trong suốt quá trình bú mẹ: Nếu bé chỉ mút và mút rất nhanh, điều này cho thấy sữa mẹ không đủ. Nếu sữa mẹ về nhiều, bé sẽ mút và nuốt chậm rãi.
  • Dựa vào biểu hiện của bé sau khi bú: Bé vẫn khóc và cáu kỉnh sau khi bú xong, có thể là do vẫn còn đói bụng.
  • Cân nặng của bé: Không có chỉ báo nào đáng tin cậy hơn chỉ số tăng cân của bé. Trung bình, trong tháng đầu bé tăng khoảng 1kg và tiếp tục tăng cân ở các tháng tiếp theo. Nếu mẹ thấy bé vẫn không lên cân, hoặc lên dưới 500 g thì cần kiểm tra lại nguồn sữa của mình.

Nguyên nhân dẫn tới sữa mẹ ít

  • Cho uống kết hợp sữa mẹ và sữa công thức: Do sữa công thức đã cung cấp một phần năng lượng cho bé, nên bé không cần nhiều sữa mẹ. Bé càng ít bú mẹ, sữa mẹ càng ít được sản xuất ra.
  • Không cho bú thường xuyên: Trong những ngày đầu tiên, bé cần bú mỗi 2 giờ 1 lần. Nếu mẹ để thời gian giữa các lần bú kéo dài quá lâu, cơ thể sẽ không nhận được tín hiệu phải sản xuất thêm sữa, kết quả là mẹ đã ít sữa lại càng ít.
  • Thời gian cho bú quá ngắn: Ví dụ, bạn cho bé bú chỉ 5 phút mỗi bên ngực. Thời gian này không đủ để bé tiếp cận được đến lớp sữa đục có chứa nhiều chất béo và các chất dinh dưỡng cần thiết khác. Bé cũng không kịp làm cạn bầu ngực của mẹ. Chỉ khi ngực mẹ cạn sữa thì cơ thể mới phát tín hiệu để sản xuất thêm sữa.
  • Dùng núm vú giả: Bé sơ sinh thường có nhu cầu mút rất nhiều. Nhưng nếu ngậm núm vú giả thường xuyên, bé sẽ giảm cảm giác muốn mút khi bú mẹ, vì phản xạ mút của bé đã được núm vú giả thỏa mãn. Bé càng ít mút sữa, sữa càng ít được tiết ra.

Mẹ ít sữa phải làm sao?

Những bước dưới đây sẽ giúp mẹ cải thiện tình trạng ít sữa một cách hiệu quả.

  • Cho con bú đúng tư thế: Hãy tạo cho bé và mẹ một tư thế thoải mái nhất để không đau lưng, đau ngực còn bé con lại chẳng vui khi tuti. Lưu ý, bé cần ngậm hầu hết quầng vú của mẹ, môi dưới bé sẽ hơi trề ra. Đây là tư thế giúp bé bú được nhiều sữa mẹ nhất.
  • Cho bé bú đến khi mẹ cạn sữa: Với những mẹ vốn ít sữa, hãy kiên nhẫn cho bé bú đến khi nào bé tự nhả vú mẹ. Nếu được mẹ hãy cho bé bú cả 2 bên ngực trong mỗi lần.
  • Cho bé bú sữa mẹ hoàn toàn: Hãy hạn chế cho bé bú kết hợp cả sữa công thức. Nếu mẹ không gặp bất kỳ vấn đề nào về sức khỏe, chắc chắn tình trạng ít sữa sẽ được cải thiện khi thực hiện đúng các lời khuyên ở đây.
  • Hạn chế cho bé dùng núm vú giả: Bé sẽ muốn mút sữa mẹ nhiều hơn để đáp ứng phản xạ của mình.
  • Vắt sữa mẹ giữa các lần cho bé bú: Đừng thất vọng khi mẹ chẳng vắt được tí sữa nào hoặc có nhưng rất ít. Nếu thường xuyên sử dụng máy vắt sữa giữa các lần cho con bú, sữa mẹ sẽ được kích thích tiết ra nhiều hơn. Trong những lần đầu tiên vắt sữa, mẹ có thể sẽ cảm thấy khá đau ngực do chưa quen sử dụng máy vắt. Tuy nhiên, khi sữa đã về đủ nhiều, mẹ sẽ cảm thấy sự kiên trì của mình được đền bù xứng đáng.
  • Mẹ cần nghỉ ngơi đủ và để tinh thần thư thái: Không nên tạo quá nhiều áp lực cho bản thân, mẹ cần tin tưởng mình sẽ có đủ sữa cho con.
  • Uống nhiều nước: Nước là nguyên liệu tối cần thiết để tạo sữa. Do đó, mẹ đừng quên uống đủ từ 2 lít nước mỗi ngày.

Qua những chia sẻ trên, hy vọng mẹ đã hiểu được nguyên nhân và biết cách khắc phục tình trạng ít sữa. Hãy kiên nhẫn thực hiện theo những mẹo sau, dù ít hay nhiều thì Marry Baby vẫn tin rằng mẹ sẽ thành công “gọi sữa về”!

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Cai sữa cho bé: Mẹ có chắc mình làm đúng?

Cai sữa là một trong những giai đoạn khó khăn cho cả mẹ và bé. Bởi bé đã quen thuộc với mùi vị thơm ngon từ nguồn sữa mẹ, trong khi đó mẹ sẽ không thể nào kìm lòng nổi mỗi khi thấy con khóc đòi bú. Hơn nữa, tâm lý và sức khỏe của trẻ cũng sẽ bị ảnh hưởng nếu mẹ chọn sai thời điểm, sai cách thức. MarryBaby mách mẹ những điều cần biết khi cai sữa cho bé. Đừng bỏ lỡ nhé!

Sai lầm khi cai sữa cho bé
Cai sữa là khoảng thời gian khó khăn với cả mẹ và bé

1/ Cai sữa cho bé: Khi nào cần?

Không có thời điểm bắt buộc mẹ phải cai sữa cho bé. Chọn thời điểm nào đều do quyết định của mẹ, nhưng các chuyên gia khuyến cáo mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời, hoặc có thể đến khi bé 24 tháng tuổi nếu bạn vẫn có khả năng cho bé bú mẹ.

Những mẹ đang có vấn đề về sức khỏe, hoặc mất sữa, lượng sữa tiết ta ít dần theo thời gian không còn đủ dưỡng chất cho sự phát triển của trẻ nên chủ động cai sữa cho bé. Ngoài ra, nếu bé có những dấu hiệu sau, mẹ cũng nên cân nhắc việc cai sữa cho bé:

– Đầu trẻ cứng cáp hơn, không cần mẹ dùng tay đỡ gáy khi bé.

– Trẻ đã có khả năng kiểm soát hoạt động của đầu, cổ.

– Không cần trợ giúp, bé vẫn có thể ngồi.

– Bé có thể nhai thức ăn bằng cơ hàm.

– Cân nặng tăng gấp đôi so với lúc mới sinh.

– Bé quấy khóc ngay cả khi vừa được cho bú no.

– Thời gian bú lâu hơn bình thường.

– Bé thích cho đồ vật hoặc tay vào miệng.

– Bé hay giật mình khóc đòi ăn vào buổi tối.

– Bé tò mò khi thấy người khác ăn.

2/ Mách mẹ bí quyết cai sữa cho bé

Ngoài những nỗ lực của mẹ, việc cai sữa có thành công hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào trẻ. Nhiều trẻ cai sữa rất dễ nhưng cũng có trẻ rất khó. Mẹ không nên áp dụng theo một khuôn khổ nào hay bắt chước cách cai sữa cho bé của những bà mẹ khác.

Cai sữa cho bé là cả một quá trình gian nan, khi việc bú mẹ dường như đã thành thói quen không thể từ bỏ của bé. Mẹ nên bắt đầu cai sữa một cách từ từ, dù bé đang ở độ tuổi nào. Tuyệt đối không nên đột ngột chấm dứt hẳn cho bé bú vì điều này có thể gây ảnh hưởng đến cả mẹ và bé. Gửi con về nhà ngoại hay đi đâu đó một thời gian để bỏ bú bé có thể dễ làm bé rơi vào trạng thái hỗn loạn vì không có mẹ bên cạnh. Thay vì vậy, mẹ có thể tham khảo những cách cai sữa cho bé sau:

– Bỏ bớt một cữ bú cho con

Thay vì cắt đi nguồn sữa một cách đột ngột, mẹ hãy thử bỏ một cữ bú của trẻ trong ngày và bắt đầu quan sát. Chuẩn bị một bình sữa đựng sữa mẹ hay sữa công thức để thay thế cho việc bú mẹ. Lặp lại tại cùng thời điểm trong nhiều ngày, liên tục từ 1-2 tuần để bé có thời gian kịp thích nghi với sự thay đổi. Cách này cũng giúp nguồn sữa mẹ tự điều chỉnh và giảm đi.

Cai sữa đêm cho bé
Không dứt khoát cai sữa cho bé hoàn toàn, nhưng bé từ 6 tháng tuổi mẹ có thể tập cho trẻ quen dần với việc không bú đêm

– Giảm lượng thời gian cho bé bú

Với bé từ 6 tháng tuổi trở lên, mẹ có thể cho bé bú ngắn hơn so với bình thường trong mỗi cữ bú. Đồng thời, cho bé ăn dặm thêm các loại bột sữa, đồ ăn dặm. Với những bé dưới 6 tháng tuổi, mẹ nên cho bé uống thêm sữa công thức để đảm bảo trẻ nhận đủ những dưỡng chất cần thiết.

– Trì hoãn, làm trẻ phân tâm

Cách này chỉ áp dụng được đối với bé hơn 12 tháng tuổi và đòi hỏi mẹ phải có tính kiên nhẫn và kiên quyết cao. Trì hoãn ở đây có nghĩa là khi bé đòi bú mẹ hãy cố gắng hoãn lại một cữ bú. Có thể làm một điều gì đó để trẻ phân tâm hay hẹn thêm một thời gian nữa sẽ cho con bú. Tuy nhiên, mẹ cũng cần lưu ý khi đã hứa với con sẽ cho bé bú, mẹ nên thực hiện. Trì hoãn lâu có thể làm trẻ mất lòng tin vào mẹ.

[inline_article id=82681]

3/ Lưu ý dành cho mẹ

Cai sữa cho bé trong một vài trường hợp có thể diễn biến phức tạp hơn, khi bé tỏ ra không hào hứng với “thử thách” này. Mẹ nên đặc biệt lưu ý, có thể tạm thời dừng việc cai sữa lại nếu nhận thấy bé có những dấu hiệu sau:

– Bé có cảm giác sợ xa mẹ nhiều hơn.

– Bé cáu kỉnh, khóc lóc nhiều hơn.

– Thường xuyên bị giật mình thức giấc vào ban đêm.

– Bé đột ngột thân thiết hơn với một món đồ chơi hoặc đồ vật nào đó. Chẳng hạn như thú bông, hoặc chăn, mền.

– Bé thường xuyên mút ngón tay, núm vú cao su.

– Bé bị đau bụng, táo bón, bỏ ăn hoặc biếng ăn hơn trước.

– Bé có vẻ xa cách, tách biệt hơn

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ: Mâu thuẫn xưa và nay

Nuôi con bằng sữa mẹ: Quan niệm xưa và nay
Không phải kinh nghiệm nuôi con bằng sữa mẹ nào cũng đúng đâu mẹ nhé!

1/ Muôn kiểu gọi sữa về

Phần lớn các mẹ sau khi sinh thường chưa có sữa cho con bú ngay nên thường áp dụng những kinh nghiệm được truyền lại từ ngày xưa: dùng lược và lá mít chải ti cho sữa nhanh về, ủ cơm nếp, ủ rượu… Thậm chí có mẹ chồng còn dùng cả quần đùi của con trai hơ than bồ kết để chà lên ngực con dâu nhằm làm mẹo cho sữa nhanh về. Không biết kết quả đến đâu nhưng chị Hoàng Anh (Thủ Đức) chia sẻ: “Mình sinh mổ, sau sinh vẫn cho con ti nhưng sữa chưa về chưa ra nhiều, ngực cũng không căng lên. Bà nội thì xót cháu không có sữa bú nên làm đủ cách, từ chải lá mít đến mát xa, nhào nặn đủ cách khiến các nang sữa của mình bị vỡ và tắc sữa ngay ngày thứ 3 sau sinh. Lúc bị áp-xe đến bác sĩ siêu âm mới biết nguyên nhân. Lúc đấy vừa đau vừa giận bản thân không cương quyết vì thật ra đến ngày thứ 3 sau sinh nếu cho bé bú mẹ thì sữa sẽ tự động về mà không cần phải nhào nặn gì cả”

Cũng như chị Hoàng Anh, chị Minh Đào (quận 7, TPHCM) thì tưởng mẹ chồng làm “bùa” gì vì lấy quần đùi của chồng hơ nóng rồi chà lên ngực. “Sữa thì chưa thấy đâu nhưng mình sinh xong vừa đau vết mổ vừa đau ngực ê ẩm, mà nói thì bà không nghe bảo không thương con. Cho con bú là điều tự nhiên nhưng cũng khiến mình ức chế vì mâu thuẫn với các bà lắm”.

[inline_article id=108289]

Thực tế theo các chuyên gia y tế, lượng sữa mẹ đều như nhau, bất kể bạn sinh mổ hay sinh thường. Mẹ sau khi sinh mổ cho con bú ngay trong một giờ đầu sau sinh hoàn toàn không có hại, nhưng cần người trợ giúp để đỡ bé được bú trong tư thế thoải mái nhất. Sữa sẽ về nếu mẹ kiên trì cho con bú. Tuỳ theo cơ địa từng mẹ mà có người sẽ tràn trề sữa nhưng có người cũng chỉ vừa đủ sữa cho bé bú, các mẹ đừng quá lo lắng nhé.

2/ Dinh dưỡng sau khi sinh: Những món ăn lợi sữa 

– Quan niệm xưa:

Dường như trong tiềm thức của hầu hết những mẹ ruột, mẹ chồng hay bà nội bà ngoại thì móng giò hầm đu đủ là món ăn lợi sữa nhất. Cứ mẹ nào sinh xong cũng được “nhồi” món móng giò. Bên cạnh đó, những “truyền miệng” lợi sữa được lưu truyền hầu hết là các món khiến các mẹ sữa tăng cân vùn vụt như: cơm nếp, khoai lang, sữa ông thọ nóng…

Món ăn lợi sữa
Bị ép ăn liên tục trong thời gian dài vô tình làm món móng giò trở thành nỗi ám ảnh của các mẹ sau sinh

– Sự thật:

Thực tế, để cơ thể được phục hồi nhanh chóng, các mẹ sau sinh cần có chế độ ăn uống đầy đủ dưỡng chất, cân bằng, đa dạng các loại thực phẩm giàu sắt và đạm như: thịt lợn, thịt bò, thịt gà, cá, trứng… Đặc biệt, mẹ cũng nên ăn nhiều rau xanh và trái cây. Điều này giúp cơ thể sản xuất ra sữa mẹ đều đặn, giúp mau lành vết mổ và phòng chống thiếu máu, thiếu sắt.

3/ Nuôi con bằng sữa mẹ nên không cần máy hút?

Cuộc sống hiện đại nên nhiều mẹ chọn giải pháp vừa cho con bú vừa hút sữa để người nhà cho bé bú lúc mẹ vắng nhà. Tuy nhiên, khi thấy con dâu bỏ ra gần 5 triệu mua máy hút sữa, cô Thanh Danh (TPHCM) phàn nàn cho rằng con dâu không biết tiết kiệm, phí tiền đua đòi theo bạn bè. Theo cô thì: “Không phải chỉ tốn kém mà vắt sữa ra còn không vệ sinh, sữa cất tủ lạnh xong lại cho con bú không còn chất dinh dưỡng. Đã thế còn phí thời gian hút xong cất đầy tủ lạnh đem cho người khác”

Thực tế, việc các mẹ hút sữa trữ tủ lạnh để cho bé bú khi không có mẹ ở nhà rất phổ biến. Chuyện các mẹ hút sữa trữ đông để cho những bé thiếu sữa còn trở thành một nét văn hoá đẹp của các mẹ bỉm sữa với nhau. Đặc biệt, theo các bác sĩ, sữa trữ đông để tủ lạnh thường có thể sử dụng đến 6 tháng, còn khi trữ vào tủ đông chuyên dụng có thể bảo quản được 1 năm. Chính vì vậy tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi nhà mà các mẹ có thể lựa chọn cách nuôi con sữa mẹ khác nhau, miễn là các bé đều được hưởng nguồn sữa mẹ quý giá ít nhất trong 1 năm đầu đời.

[inline_article id=80438]

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Tập thể dục có ảnh hưởng đến chất lượng sữa mẹ?

Giải mã lời đồn thổi

Nhiều bà mẹ được khuyên không nên cho con bú sau khi luyện tập thể dục, thể thao. Điều này làm dấy lên suy nghĩ rằng việc vận động làm thay đổi chất lượng của sữa mẹ. Thực tế, việc cho con bú sữa mẹ và tập thể dục thể thao nên được tiến hành song song với nhau để đạt được mục tiêu dáng đẹp, người khỏe cho các bà mẹ. Việc cho con bú kết hợp với tập luyện sẽ giúp bạn tiêu hao nhiều calorie hơn. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, bé từ chối bú mẹ ngay sau khi luyện tập phần nhiều là do không thích vị mồ hôi của mẹ mà thôi. Chỉ cần trì hoãn một chút để vào phòng tắm hay rửa sạch bầu ngực với xà phòng và nước trước khi cho bé bú là được.

Tập thể dục có ảnh hưởng gì đến sữa mẹ?
Để có nguồn sữa mẹ dồi dào, người mẹ rất cần tập thể dục, thể thao để duy trì sức khỏe

Tìm niềm vui trong luyện tập

Việc luyện tập khi đang có con nhỏ sẽ gặp khá nhiều trắc trở, chẳng hạn như bạn sẽ không có đủ quỹ thời gian cho những bài tập dài. Vậy thì, hãy thay đổi chiến thuật bằng những bài tập cường độ cao trong thời gian ngắn và chia làm nhiều lần tập trong ngày. Chẳng hạn, bạn chỉ có 5 phút trong lúc bé đang nằm tự chơi để tập luyện thì hãy áp dụng một bài tập 5 phút cho vùng bụng, sau đó, vào lần tự chơi tiếp theo của bé, bạn lại dành 5 phút cho vùng đùi, mông… Cứ như vậy, 6 lần 5 phút sẽ biến thành 30 phút luyện tập hiệu quả. Với lựa chọn này, bạn cũng có rất nhiều bài tập khác nhau để thử sức. Rất nhanh, bạn sẽ thấy rằng lối sống năng động trước khi sinh con đã trở lại.

[inline_article id=128294]

Đảm bảo chất lượng sữa mẹ khi tập luyện

Dinh dưỡng là nền tảng vô cùng quan trọng cho sức khỏe của người mẹ, đồng thời cũng làm nên dòng sữa mẹ chất lượng cho bé. Tuy việc giữ vóc dáng là một trong những mục tiêu quan trọng nhất khi tập luyện thể dục, bạn không nên quá kiêng khem trong ăn uống vì nó sẽ làm giảm chất lượng sữa mẹ. Hãy duy trì một chế độ ăn phong phú, nhiều màu sắc và giàu dinh dưỡng, nên nhớ là giàu các chất dinh dưỡng chứ không phải là giàu năng lượng nhé. Bạn chỉ cần bổ sung thêm khoảng 1 chén cơm và thêm 1 miếng thức ăn trong mỗi món ăn trong bữa ăn hàng ngày mà thôi.

[inline_article id=108262]

Một điều nữa, đó là luôn ghi nhớ rằng, bạn phải bổ sung nước đầy đủ nước trong suốt thời gian cho con bú. Nước là thành phần chính của sữa mẹ và cơ thể bạn bị mất nước nhiều hơn khi tập luyện, do đó, bạn luôn cần bù đắp lượng nước đã thất thoát qua mồ hôi. Ngoài lựa chọn tốt nhất là nước tinh khiết hay nước khoáng, bạn cũng có thể uống sữa, nước ép trái cây và một ít nước ngọt.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Sữa mẹ có chống được dị ứng?

Sữa mẹ giúp bảo vệ hệ tiêu hóa của bé

Các nghiên cứu cho thấy rằng, sữa mẹ là lựa chọn tốt nhất cho bé trong những tháng đầu đời, không chỉ bởi thành phần dinh dưỡng hoàn hảo mà còn bởi, bé yêu sẽ được bảo vệ tốt nhất khỏi nguy cơ dị ứng đối với một số loại thực phẩm, trong đó có sữa bò. Cho con bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời có thể giúp bé trì hoãn việc tiếp xúc với những thực phẩm có thể gây dị ứng như sữa bò, các loại hạt, trứng và lúa mì. Đối với những trẻ có nguy cơ dị ứng cao, việc bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời còn giúp giảm nguy cơ eczema.

Sữa mẹ giúp ngăn ngừa nguy cơ dị ứng
Sữa mẹ dễ tiêu hóa và mang lại những kháng thể quý giá cho bé

Sữa mẹ sẽ tạo thành lớp màng bảo vệ ruột của bé, ngăn ngừa những mảnh thức ăn có kích thước siêu nhỏ “thất thoát” vào trong máu của bé. Một số mảnh thức ăn này có thể kích thích phản ứng của các tế bào bạch cầu, khiến bạch cầu tấn công chúng và gây ra những phản ứng dị ứng như tiêu chảy, nhảy mũi, mẩn ngứa và khiến bé quấy khóc, không ngủ.

[inline_article id=90421]

Một số lưu ý giúp ngừa dị ứng khi cho bé bú mẹ

Nếu bạn và gia đình có tiền sử dị ứng, tốt nhất nên tránh một số loại thực phẩm mà bản thân bạn hoặc bố của bé có phản ứng dị ứng khi con đang còn trong những tháng đầu đời. Chẳng hạn, nếu bạn bị dị ứng phấn hoa, hãy tránh uống các viên phấn ong vì những chất có trong đó có thể gây nguy hiểm cho bé. Một số loại thực phẩm có khả năng gây dị ứng cao bao gồm: các sản phẩm từ sữa bò, bột mì, trái cây họ cam – chanh, các loại hạt, bắp và hải sản có vỏ. Ngoài ra, nếu bạn đang sử dụng viên uống đa vi chất thì hãy theo dõi xem bé có bị ảnh hưởng bởi thành phần sắt trong viên uống không nhé.

[inline_article id=58220]

Việc nuôi con bằng sữa mẹ có thể giúp bé trở nên mạnh mẽ trước những nhân tố dễ gây dị ứng khi lớn lên, vì vậy, bạn nên cố gắng duy trì việc cho con bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu đời. Để đảm bảo con được cung cấp đầy đủ dưỡng chất, bạn cần một chế độ dinh dưỡng đa dạng, bao gồm đầy đủ các nhóm thực phẩm quan trọng như cơm – bánh mì, rau – củ – trái cây – các loại đậu, thịt – cá- trứng, chất béo, sữa (nếu bạn và bé không nằm trong nhóm có nguy cơ dị ứng cao). Ngoài ra, các bà mẹ đừng quên uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ để cơ thể sản xuất nhiều sữa cho bé.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Bé mọc răng có ảnh hưởng đến việc cho con bú?

Băn khoăn lớn nhất của các mẹ có lẽ là các bé mọc răng sẽ thích cắn. Nhiều bà mẹ thậm chí còn nghĩ đến việc cai sữa khi con đến giai đoạn mọc răng. Tuy nhiên, điều này không hề có lợi cho bé. Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì mẹ nên cho con bú hoàn toàn trong 6 tháng đầu và nên kéo dài đến khi bé tròn 1 tuổi hoặc lâu hơn. Vậy mẹ nên xử lý những vấn đề mình đang băn khoăn như thế nào?

Cho con bú khi bé mọc răng
Cho con bú trong các thời điểm bé đang mọc răng, bạn sẽ cần áp dụng một số bí quyết để giảm khó chịu cho bé và cho chính mình

Cho bé bú đúng cách

Bất kể là bé mọc răng hay không, khi cho bé ngậm vú mẹ đúng cách, miệng bé sẽ mở rộng và phần lợi sẽ cách xa quầng vú. Trong lúc đó, răng hàm dưới của bé sẽ được che bởi phần lưỡi và không tiếp xúc trực tiếp với bầu ngực của mẹ. Như vậy, bé sẽ không cắn mẹ. Nhưng nếu bé chỉ ngậm phần đầu ngực thì khả năng cắn mẹ do ngứa lợi sẽ dễ xảy ra.

Chú ý thời điểm bé mọc răng

Các bà mẹ có kinh nghiệm đều thấy rằng, thử thách thường xảy ra vào lúc bé đang mọc răng chứ không phải khi những chiếc răng đã lú hẳn ra. Thực chất, vì trong quá trình mọc răng, bé thường cảm thấy khó chịu và đôi khi, bé sẽ muốn tự thay đổi tư thế bú mẹ để giảm bớt sự khó chịu ở những vùng lợi đang sưng vì mọc răng. Để giảm khó chịu cho chính mình, các bà mẹ nên chú ý đến thời điểm bé mọc răng. Hãy duy trì việc cho con bú đúng tư thế. Ngoài ra, bạn cũng có thể áp dụng một số mẹo để giảm khó chịu trong những thời điểm này:

Trước khi cho bé bú:

  • Cho bé nhai khăn vải ướp lạnh hay một món đồ chơi chuyên dùng cho trẻ mọc răng để bé thỏa mãn cảm giác muốn nhai, cắn.
  • Nếu con bạn đã bắt đầu ăn thức ăn thì có thể cho bé gặm một món ăn có độ cứng và ướp lạnh như bánh mì nướng hay một miếng trái cây đông lạnh. Tuy nhiên, với bất kỳ lựa chọn nào bạn cũng nên chú ý để bé không bị hóc, nghẹn.
  • Bạn có thể dùng ngón tay để massage vùng lợi của bé
  • Dùng thuốc giảm đau cho bé. Tuy nhiên, bạn cần hỏi ý kiến bác sỹ trước khi đưa ra quyết định này.

Trong lúc cho con bú:

  • Hãy thử điều chỉnh các tư thế cho con bú khác nhau và đảm bảo rằng bé thực sự cảm thấy thoải mái.
  • Đảm bảo cho bé ngậm vú mẹ đúng cách để giảm khó chịu cho cả mẹ và bé.
  • Mẹ có thể đặt ngón tay vào miệng của bé trước khi kết thúc cữ bú để bé không cắn phải môi hay lưỡi của mình khi rời khỏi núm vú mẹ.

Sau khi bé bú:

  • Rửa sạch đầu ngực với nước mát
  • Sử dụng kem bôi ngực dành cho các mẹ đang cho con bú để giảm đau rát và các vấn đề hác như nứt cổ gà.

Phải làm gì khi bé thích cắn?

Thỉnh thoảng, các bé đang mọc răng sẽ cắn mẹ khá đau. Để tránh tình trạng này, bạn nên cho con bú đúng cách, đỡ trọng lực của bé trên cánh tay hoặc gối cho con bú. Bạn có thể cân nhắc việc vắt sữa và cho con bú từ bình hoặc cốc uống khi đến thời kỳ mọc răng.

[inline_article id=79153]

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Điểm danh 7 sai lầm thường gặp khi cho con bú

Sai lầm khi cho con bú
Dưới đây là 7 sai lầm các mẹ thường mắc phải khi cho con bú. Ghi vào sổ tay ngay mẹ ơi

Sai lầm #1/ Để con tự túc

Với tất cả trẻ sơ sinh, bú mẹ gần như là một phản xạ cơ bản nhất. Bé có thể mút bất cứ thứ gì chạm vào vòm miệng cũng như có phản xạ tìm và quay đầu khi được vuốt ve miệng hoặc má. Tuy nhiên, dù được trang bị “tận răng” như vậy, bé cưng vẫn cần sự trợ giúp của mẹ để đảm bảo việc bú cho bé diễn ra thuận lợi hơn. Để bắt đầu, mẹ có thể dùng tay vuốt nhẹ vào má hoặc đảo đầu ti quanh miệng bé để thu hút sự chú ý của con.

Sai lầm #2/ Cho con bú rất đau

Núm vú của mẹ có thể trở nên nhạy cảm hơn trong giai đoạn cho con bú, bởi sự gia tăng nồng độ hoóc-môn. Tuy nhiên, việc cảm thấy đau khi cho bé bú là một dấu hiệu bất thường và mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc những người có kinh nghiệm. Thông thường, chỉ trong trường hợp cho bú sai tư thế hoặc ngực có vấn đề, mẹ mới cảm thấy đau.

Sai lầm #3/ Thời gian cho bú quá lâu

Không giúp bé bổ sung thêm chất dinh dưỡng, việc cho bú quá lâu ngược lại sẽ khiến bé dễ gặp các vấn đề tiêu hóa như đầy bụng, khó tiêu, thường xuyên nôn trớ… Trong vài ngày đầu tiên khi bé mới chào đời, thời gian mẹ cho bé bú có thể dài hơn. Tuy nhiên, tới ngày thứ 5 sau khi sinh, khi sữa mẹ về nhiều hơn, thời gian bú mẹ sẽ rút ngắn hơn, khoảng 10 phút cho mỗi bên ngực.

Sai lầm #4/ Cho con “tuti” khi mẹ đang tức giận

Có thể mẹ không biết, nhưng khi tức giận, cơ thể sẽ tiết ra một lượng lớn noradrenalin và adrenaline. Sự kết hợp giữa 2 loại hoóc-môn này không chỉ ảnh hưởng đến tâm trạng, nhịp tim của mẹ mà còn tác động tiêu cực đến chất lượng sữa. Thường xuyên bú loại sữa kém chất lượng này có thể làm khả năng miễn dịch và tiêu hóa của bé bị suy giảm.

Vì vậy, trong thời gian cho bé bú, mẹ nên hạn chế tối đa việc tức giận. Sau khi giận, mẹ nên chờ từ nửa ngày đến 1 ngày, vắt bớt phần sữa đầu tiên và dùng khăn lau sạch đầu ti trước khi cho bé bú.

Sai lầm #5/ Bỏ qua phần sữa non quý giá

Sữa non là phần sữa tiết ra trong tuần đầu sau sinh, thường có màu vàng sậm và rất giàu protein. Ngoài ra, trong sữa non còn chứa một lượng lớn chất dinh dưỡng, không chỉ giúp bổ sung dinh dưỡng mà còn tăng sức đề kháng của cơ thể, giúp bé chống lại bệnh tật. Vắt bỏ phần sữa non trước khi cho bé bú là sai lầm nhiều mẹ thường mắc phải. Rút kinh nghiệm ngay, mẹ nhé!

Sai lầm #6/ “Nhất bên trọng, nhất bên khinh”

Do sự bất đồng giữa 2 bầu ngực mẹ nên việc bé đặc biệt “yêu thích” bên này hơn bên kia rất bình thường. Tuy không ảnh hưởng đến sức khỏe của bé, nhưng việc bú lệch một bên sẽ khiến bầu ngực mẹ mất cân xứng.

Sai lầm #7/ Cho bú ngay sau khi vừa tập thể dục

Sau khi tập thể dục hoặc vận động mạnh, cơ thể mẹ sẽ sản sinh a-xít lactic, có thể làm sữa dễ bị chua, ảnh hưởng đến khẩu vị của trẻ. Tốt nhất, nếu vừa vận động xong, mẹ nên vắt ra một ít sữa, sau đó nghỉ ngơi khoảng 30 phút để lượng a-xít lactic giảm rồi mới cho bé bú.

[inline_article id=110525]

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Nguyên tắc ăn cho 2 người khi cho con bú

Mẹ ăn gì, con “ăn” nấy

Tuy cơ chế sản xuất sữa để cho con bú sẽ được “bật công tắc” một cách tự động bởi các hormone trong suốt thai kỳ, người mẹ vẫn luôn cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng của mình, bởi nó là yếu tố quyết định chất lượng của dòng sữa được tạo ra.

Khi bạn còn mang thai, những chất dinh dưỡng từ bữa ăn của bạn sẽ đi vào cơ thể bé thông qua nhau thai và dây rốn. Khi bé đã ra đời, sữa mẹ chính là con đường trung gian vận chuyển những chất dinh dưỡng mẹ hấp thụ vào cơ thể bé. Như vậy, những gì mẹ ăn cũng chính là những gì bé sẽ được nhận.

Dinh dưỡng khi cho con bú 2
Bạn nên ăn đa dạng, từ thịt, cá, trứng, rau xanh, trái cây đến các loại gia vị tự nhiên như tiêu, gừng, hành… để giúp bé xây dựng khẩu vị tinh tế ngay từ khi còn bú mẹ

Dinh dưỡng tốt, nguồn sữa dồi dào

Một chế độ ăn với những thực phẩm lành mạnh không chỉ cung cấp năng lượng, vitamin và khoáng chất, nó còn giúp cho hormone của bạn cân bằng. Các hormone là một trong những chìa khóa khởi động quá trình sản xuất sữa trong cơ thể. Chính vì vậy, từ xa xưa người ta đã chú trọng việc lựa chọn đúng thực phẩm giúp lợi sữa cho các bà mẹ sau sinh.

[inline_article id=3542]

Dòng sữa đầu đời ảnh hưởng đến dinh dưỡng trong tương lai

Nếu ngay từ lúc còn bú mẹ, bé đã được tiếp xúc với đa dạng các loại hương vị khác nhau thì khi lớn lên, bé sẽ quen thuộc với những hương vị đó và ít kén ăn hơn. Đồng thời, các bà mẹ hãy nhớ bổ sung thêm những loại thực phẩm mà mẹ muốn bé sẽ yêu thích sau này như rau xanh, trái cây…

Những nguyên tắc để có chế độ ăn “chuẩn” khi cho con bú

Để có được dòng sữa giàu dinh dưỡng, bạn đừng quên bổ sung những nhóm chất quan trọng như protein, chất béo, canxi, carbohydrate… Nếu như khi mang thai, bạn chỉ cần bổ sung thêm khoảng 300 calories thì khi đang nuôi con bằng sữa mẹ, bạn sẽ cần gia tăng lượng năng lượng bổ sung lên khoảng 500 calories. Một cách tổng quát, mỗi ngày sẽ cần:

  • 5 phần thực phẩm giàu canxi
  • 3-4 phần rau lá xanh
  • Trên 3 phần ngũ cốc
  • 3 phần thực phẩm chứa protein
  • 2 phần thực phẩm giàu vitamin C
  • Tối thiểu 1 phần thực phẩm giàu chất sắt
  • Tối thiểu 1 phần trái cây/rau

Bạn cũng sẽ cần một nguồn chất béo có lợi như các loại cá béo, dầu thực vật hoặc các loại hạt chứa dầu như hạnh nhân, mè…

[inline_article id=108262]

Đồng thời, bạn đừng quên bổ sung nước cho cơ thể. Nước là thành phần quan trọng để tạo nên sữa mẹ và nếu để cơ thể bị thiếu nước thì hệ thống các cơ quan sản xuất sữa cũng sẽ bị ảnh hưởng.

>> Những thảo luận có liên quan:

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Có nên ăn món đậm gia vị khi cho con bú?

Là một bà mẹ trẻ, có thể bạn lo lắng về nhiều khía cạnh liên quan đến chuyện cho con bú sữa mẹ và không ít những kinh nghiệm dân gian dễ làm bạn rối trí. Hẳn bạn từng được khuyên nên tránh ăn các món nhiều gia vị nếu đang cho con bú. Nhưng điều này liệu có đúng?

Có nên ăn gia vị khi cho con bú
Các món ăn nhiều gia vị liệu có ảnh hưởng đến nguỗn sữa mẹ?

Sự thật là thức ăn bạn nạp vào trong thai kỳ và giai đoạn tiết sữa tác động lớn lên sức khỏe của cục cưng, và lượng tiêu thụ một số thực phẩm thực sự có khả năng thay đổi hương vị của sữa mẹ. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng có thể gây hại cho con.

Khi nào không nên ăn món có gia vị nồng?

Cơ thể người là một hệ thống phức tạp bao gồm nhiều bộ phận, và mỗi cơ thể lại khác nhau. Nếu em bé nhà hàng xóm không gặp bất cứ rắc rối nào dù người mẹ nuốt vội nuốt vàng những món ăn nhiều gia vị, trong khi con của bạn lại trái ngược, bạn cũng đừng lo lắng.

Tốt nhất nên kiểm tra xem bé thấy dễ chịu hơn với những thực phẩm nào, và gắn bó với chúng suốt thời gian còn lại của giai đoạn tiết sữa. Giống như trong lúc mang thai, việc nạp vào những thức ăn giàu dinh dưỡng, vitamin và chất khoáng cũng quan trọng suốt thời kỳ cho con bú. Mẹ nên bổ sung trái cây và rau vào chế độ ăn uống của mình. Tránh xa thực phẩm đã qua chế biến và đóng gói chứa các chất phụ gia hóa học nhé.

Nếu gần đây bạn ăn nhiều món đậm gia vị, và nếu muốn kiểm tra khả năng tiếp nhận của bé yêu trước những thực phẩm này, bạn nên chú ý các triệu chứng sau:

-Bé hay gây gổ nhặng xị và bị kích thích trong thời gian bú sữa mẹ.

-Con bắt đầu khóc sau khi bú sữa mẹ.

-Bé vùng vẫy trên đùi bạn, không chịu bú mẹ.

Nếu cục cưng nhà bạn đặc biệt để lộ bất kỳ triệu chứng nào trong số trên suốt thời kỳ bú sữa mẹ, có khả năng bé không thấy thoải mái với các món đậm đà gia vị.

Mẹ ăn gia vị, khi nào nên?

Có lẽ bạn không xa lạ gì với mùi vị cũng như đặc tính đào thải cholesterol ấn tượng của tỏi, nhưng hóa ra gia vị này còn có nhiều lợi ích hơn thế. Một nghiên cứu thực hiện trên những phụ nữ đang cho con bú cho thấy việc các bà mẹ ăn tỏi trong giai đoạn tiết sữa thực tế có thể giúp thúc đẩy cảm giác thèm ăn ở trẻ. Các nhà nghiên cứu nhận ra khi sữa của mẹ có vị/mùi tỏi, em bé có khuynh hướng bú mẹ lâu hơn.

Ở nhiều nước như Thái Lan, Mexico, Ấn Độ và Trung Quốc, gia vị và ớt là thành phần quen thuộc trong khâu chuẩn bị thức ăn hàng ngày, và các bà mẹ nơi đây thường không cần thay đổi chế độ ăn uống của mình trong thời kỳ cho con bú.

[inline_article id=105787]