Vậy vi khuẩn Mycoplasma là gì? Hãy đọc bài viết này để tìm ra câu trả lời cũng như cách điều trị loại vi khuẩn này cha mẹ nhé!
1. Vi khuẩn Mycoplasma là gì?
Mycoplasma là vi khuẩn gây nhiễm trùng ở các nơi khác nhau trên cơ thể; bao gồm đường hô hấp, tiết niệu và sinh dục. Hiện nay, vi khuẩn Mycoplasma là một nhóm vi khuẩn có kích thước nhỏ nhất; một số loài trong nhóm này gây bệnh cho cả con người và động vật.
Vi khuẩn Mycoplasma khá đặc biệt vì chúng không có thành tế bào. Đa số các loại kháng sinh được chế ra để tiêu diệt vi khuẩn bằng cách phá hủy thành tế bào của chúng. Tuy nhiên, vi khuẩn Mycoplasma không có thành tế bào nên các loại kháng sinh ấy hầu như vô hiệu.
Vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae (vi khuẩn gây ra bệnh viêm phổi) thường ảnh hưởng đến trẻ em trong độ tuổi đến trường từ 5 đến 9. Tuy nhiên, những năm gần đây, tần suất trẻ dưới 5 tuổi viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae ngày càng tăng. Các đợt bùng phát cũng thường xuyên xảy ra trong các môi trường tập thể như ký túc xá; hoặc trường học nơi vi khuẩn có thể dễ dàng lây lan từ người này sang người khác.
Vậy vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae là gì? Cha mẹ hãy đọc phần tiếp theo nhé!
2. Những chủng loại của vi khuẩn Mycoplasma là gì?
Có khoảng 200 loại vi khuẩn Mycoplasma, nhưng hầu hết chúng đều vô hại. Tuy nhiên trong số chúng có 3 loại tiêu biểu chuyên gây ra các bệnh nhiễm trùng ở người bao gồm:
- Mycoplasma pneumoniae: là nguyên nhân gây ra nhiễm trùng phổi được gọi là viêm phổi. Triệu chứng của bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae gây ra bao gồm cảm lạnh, khó chịu ở vùng ngực hoặc viêm phổi nhẹ và không cần nhập viện.
- Mycoplasma genitalium: sống trong cơ quan sinh sản và có thể lây lan qua đường tình dục. Hầu hết các triệu chứng khi nhiễm khuẩn do loại Mycoplasma này gây ra tương tự như triệu chứng của bệnh lây truyền qua đường tình dục. Ví dụ đau khi quan hệ tình dục; hoặc tiết dịch bất thường từ âm đạo hoặc dương vật.
- Mycoplasma hominis: sống trong đường tiết niệu và bộ phận sinh dục. Nó cũng gây nhiễm trùng ở những người có hệ thống miễn dịch yếu kém. Nhiễm trùng có thể truyền từ cha mẹ sang con trong khi sinh; đặc biệt là ở trẻ sinh non.
3. Những triệu chứng khi trẻ nhiễm vi khuẩn Mycoplasma
3.1 Triệu chứng khi trẻ nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae
Khi trẻ bị nhiễm Mycoplasma pneumoniae, thường có biểu hiện tại đường hô hấp và các triệu chứng toàn thân bao gồm:
- Biểu hiện tại đường hô hấp: ho, khò khè, sổ mũi, hắt hơi ….
- Biểu hiện ngoài đường hô hấp: đau đầu, phát ban, đỏ mắt, sốt , mệt mỏi…
Các triệu chứng phổ khác khi trẻ nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae bao gồm:
- Trẻ mắc bệnh sẽ cảm thấy đau đầu, sổ mũi, người mệt mỏi, lừ đừ, viêm họng kèm sốt nhẹ,… những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với bệnh cúm thông thường.
- Tình trạng sốt ở trẻ em thường không quá cao, chủ yếu dưới 39 độ C. Triệu chứng nổi bật nhất chính là ho liên tục và kéo dài. Ban đầu trẻ thường ho khan, sau đó chuyển sang ho có đờm.
Còn có nhiều trường hợp nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae dẫn đến các trường hợp nhiễm khuẩn hô hấp như: viêm họng, viêm hô hấp trên, viêm phế quản và viêm phổi. Đa phần các bệnh lý thường nhẹ; tuy nhiên có một tỉ lệ nhỏ nhiễm khuẩn do Mycoplasma pneumoniae gây viêm phổi nặng cần phải nhập viện để điều trị khi việc điều trị ngoại trú không thuận lợi.
Các triệu chứng khi nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae có thể kéo dài chỉ trong vài ngày hoặc đến một tháng. Triệu chứng cũng có thể xuất hiện trong hai tuần sau khi tiếp xúc với vi khuẩn.
>> Mẹ có thể tham khảo: Dấu hiệu viêm phổi ở trẻ sơ sinh và các biến chứng mẹ cần biết
3.2 Triệu chứng khi trẻ nhiễm vi khuẩn Mycoplasma genitalium và hominis
Nhiễm trùng với các loại mycoplasma khác liên quan đến các cơ quan sinh dục và sinh sản có thể gây ra các triệu chứng tương tự như nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục như:
- Nhiễm Mycoplasma ở trẻ sơ sinh vẫn có thể xảy ra khi người mẹ bị nhiễm trước đó; và trẻ được sinh qua ngã âm đạo.
- Đau khi quan hệ tình dục.
- Sưng niệu đạo (viêm niệu đạo).
- Dương vật hoặc âm đạo có nhiều khí hư.
- Đau khi đi tiểu (nhiễm trùng đường tiết niệu).
- Chảy máu từ âm đạo sau khi quan hệ tình dục.
4. Con đường lây nhiễm bệnh viêm phổi do Mycoplasma pneumoniae là gì?
Bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae lây truyền từ người sang người thông qua đường hô hấp. Nếu trẻ vô tình hít phải không khí mà người mắc bệnh hắt hơi, ho bắn ra các dịch hô hấp có chứa vi khuẩn gây bệnh thì trẻ sẽ bị lây nhiễm.
Do cơ chế lây truyền khá đơn giản nên việc nhiễm vi khuẩn gây viêm phổi này rất dễ lây lan ở những cộng đồng nhỏ như gia đình, cơ quan, trường học,…
Các yếu tố như khói thuốc lá, môi trường khói bụi ô nhiễm,…tuy không trực tiếp gây ra tình trạng nhiễm Mycoplasma cho trẻ nhỏ nhưng đây chính là những yếu tố khiến các triệu chứng của bệnh viêm phổi do nhiễm vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae thêm trầm trọng. Vì vậy trẻ bị viêm phổi do nhiễm Mycoplasma nên được đảm bảo sống trong môi trường sống trong lành, tránh xa sự ô nhiễm.
5. Cách chẩn đoán vi khuẩn mycoplasma là gì?
Trẻ em có thể cần chụp X-quang ngực để chẩn đoán nhiễm trùng Mycoplasma pneumoniae. Tuy nhiên, hình ảnh viêm phổi gây ra bởi vi khuẩn mycoplasma pneumonia trên phim X quang ngực không điển hình; chỉ có một số hình ảnh gợi ý; và có thể gặp trong những trường hợp viêm phổi do tác nhân khác gây ra.
Một số xét nghiệm có thể giúp chẩn đoán Mycoplasma pneumoniae là tác nhân gây viêm phổi bao gồm:
- Thử nghiệm nuôi cấy: Thử nghiệm này tìm kiếm sự phát triển của vi khuẩn Mycoplasma từ các mẫu mô hoặc máu. Cách này thường không được sử dụng cho các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp nhưng có thể giúp chẩn đoán các bệnh nhiễm trùng mycoplasma lây truyền qua đường tình dục.
- Xét nghiệm huyết thanh học: Xét nghiệm này là quan sát một mẫu máu của trẻ để tìm kháng thể và xem liệu hệ thống miễn dịch của trẻ có đang chống lại vi khuẩn Mycoplasma hay không.
- Xét nghiệm PCR (xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase): Trong xét nghiệm này, bác sĩ sẽ dùng một miếng gạc lấy chất lỏng, thường là từ mũi hoặc cổ họng của bé để phát hiện xem có vi khuẩn Mycoplasma hay không.
>> Mẹ có thể tham khảo: Trẻ bị viêm phổi có được tắm không? Lưu ý gì khi tắm cho trẻ
6. Cách chữa trị bệnh do vi khuẩn mycoplasma gây ra
Mặc dù nhiều loại kháng sinh không có hiệu quả trong việc tiêu diệt vi khuẩn Mycoplasma; nhưng nhóm kháng sinh Macrolide có hiệu quả trong việc loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể bé khi dùng theo chỉ dẫn của bác sĩ.
Vì vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae không có thành tế bào; cho nên để gây bệnh vi khuẩn sẽ trốn trong tế bào của biểu mô hô hấp của trẻ. Các kháng sinh muốn tiêu diệt được vi khuẩn này cần phải đi vào được tế bào biểu mô hô hấp.
Những loại kháng sinh có đặc tính này bao gồm các nhóm kháng sinh Macrolide, Fluoroquinolone, Tetracycline. Việc sử dụng nhóm kháng sinh nào và thời gian bao lâu; cha mẹ cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ.
Ngoài ra, cha mẹ có thể dùng thuốc không kê đơn để giảm các triệu chứng nếu trẻ bị nghẹt mũi hoặc bị ho.
Một số trường hợp nhiễm Mycoplasma có thể tự khỏi; vì vậy không phải lúc nào cũng cần điều trị. Đặc biệt nếu trẻ có các triệu chứng rất nhẹ.
Sau khi trẻ bắt đầu dùng kháng sinh, các triệu chứng thường sẽ giảm sau 2-3 ngày nhưng có thể mất vài tuần để khỏi hoàn toàn bệnh viêm phổi. Và cha mẹ cũng lưu ý đưa trẻ đến bệnh viện nếu bé vẫn còn các triệu chứng của bệnh dù đã dùng thuốc trong thời gian dài.
[inline_article id=225336]
Hy vọng qua bài viết này cha mẹ đã hiểu rõ thêm về vi khuẩn Mycoplasma là gì; và vi khuẩn Mycoplasma pneumoniae – nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi cho bé là gì. Hy vọng cha mẹ sẽ giảm bớt lo lắng vì bệnh viêm phổi do Mycoplasma đều có cách chữa trị nhé!