Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Dinh dưỡng cho trẻ tập đi và mẫu giáo

“Dụ” trẻ ăn cà rốt ngon lành với 7 món cực hấp dẫn

Bí quyết dụ trẻ ăn cà rốt

Trong vô vàn các loại rau củ thì cà rốt luôn được các bà mẹ ưu tiên lựa chọn thêm vào chế độ ăn của bé yêu. Dù được cho là mang lại nhiều giá trị sức khỏe nhưng không phải đứa trẻ con nào cũng “mê mẩn” loại thực phẩm này. Chính vì vậy, để chiêu dụ con ăn cà rốt, bạn cần phải có bí quyết riêng.

Trẻ mới biết đi và trẻ nhỏ là các đối tượng ăn uống khá “cầu kỳ”. Việc dụ cho bé dùng rau củ sẽ là một thách thức không hề nhỏ. Thế nên nhiều bậc phụ huynh đã kỳ công chế biến những bữa ăn ngon miệng, trình bày hấp dẫn để thu hút bé cưng. Nếu chưa biết cách nào để dụ con ăn cà rốt, bạn có thể tham khảo 7 món ăn thú vị dưới đây. Hãy nhanh chân vào bếp cùng Marry Baby nào!

Bật mí 4 lợi ích tuyệt vời khi bạn cho bé ăn cà rốt

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia dinh dưỡng khuyên nên ưu tiên chọn cà rốt cho bữa ăn dặm của bé. Tất cả là vì những lý do sau đây:

1. Cà rốt giúp sáng mắt

Vitamin A được tìm thấy khá nhiều trong cà rốt. Dưỡng chất này có vai trò quan trọng trong việc cải thiện thị lực, cũng như ngăn ngừa các vấn đề liên quan đến mắt, chẳng hạn như quáng gà. Ngoài vitamin A, lượng beta-carotene dồi dào trong thành phần còn giúp giảm nguy cơ thoái hóa điểm vàng ở trẻ lên đến 40%.

2. Cải thiện tiêu hóa và ngăn ngừa táo bón

lợi ích khi cho trẻ ăn cà rốt

Ăn cà rốt không chỉ làm thúc đẩy cơ thể trẻ bài tiết các enzyme tiêu hóa mà còn giúp ruột hoạt động tốt. Nhờ nguồn chất xơ tuyệt vời, bé sẽ tránh được tình trạng táo bón hoặc chứng rối loạn tiêu hóa.

3. Khắc phục vấn đề tiêu chảy

Tác dụng này của cà rốt đến từ chất pectin có trong thành phần. Khi đến ruột, nó trương nở tạo thành dạng keo làm dịu nhu động ruột, nhờ vậy hạn chế được tiêu chảy. Hơn nữa, chất này cũng tạo điều kiện cho lợi khuẩn phát triển, lấn át tác động của các hại khuẩn tại đường ruột.

4. Kháng giun

Tình trạng nhiễm giun rất phổ biến ở trẻ nhỏ, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của trẻ. Theo đó, giun bám vào thành ruột và ăn dần các chất dinh dưỡng mà cơ thể bé hấp thụ.

Cà rốt có chứa lưu huỳnh nên trẻ ăn cà rốt sẽ giúp nhuận tràng làm đẩy giun ra ngoài. Bên cạnh đó, các vitamin và khoáng chất sẽ cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ.

Mách mẹ cách làm các món ăn ngon từ cà rốt cho bé thích mê

Cà rốt là nguyên liệu có thể dễ dàng thêm vào trong bất kỳ món ăn nào, dù là món mặn hay ngọt. Dưới đây là một vài công thức chế biến cà rốt đơn giản và dễ thực hiện:

1. Salad cà rốt

salad cà rốt

Salad cà rốt mát lành vừa bổ dưỡng lại ngon miệng rất thích hợp cho những ngày thời tiết oi bức. Để trẻ nhận được đầy đủ tác dụng của cà rốt, mẹ nên làm món ăn này thường xuyên nhé!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 2 quả táo xắt nhỏ
  • 3 bát cà rốt xắt nhỏ
  • 200 gram dứa nghiền
  • 3 thìa súp nho khô
  • 1/4 cốc sữa chua hương vani
  • 1/4 cốc sữa chua nguyên chất
  • 1 thìa súp nước cốt chanh
  • Phô mai

Cách thực hiện

Trộn phần táo xắt nhỏ đã được chuẩn bị với một ít nước ép dứa. Chuẩn bị riêng một chiếc bát lớn, trộn chung cà rốt, phần táo ở trên, nho khô, dứa nghiền với nhau. Tiếp đến bạn thêm nước cốt chanh, phô mai, sữa chua và một chút muối vào trộn đều. Bỏ trong ngăn mát tủ lạnh khoảng một giờ. Món salad này sẽ ngon hơn khi dùng lạnh.

2. Súp cà rốt

cho trẻ ăn cà rốt nấu súp

Đây là một trong những công thức đơn giản và ngon miệng dành riêng cho trẻ mới biết đi. Đảm bảo bé yêu nhà bạn sẽ thích mê mà không hề biết mình đã ăn cà rốt.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 1 thìa súp bơ thực vật
  • 1 thìa súp dầu ô liu
  • 1 cọng cần tây
  • 1 củ hành tây xắt nhỏ
  • 2 tép tỏi băm nhuyễn
  • 5 bát cà rốt xắt nhỏ
  • 1 nhánh rau mùi tây
  • 4 bát nước dùng xương hầm
  • 2 bát nước lọc
  • Gia vị các loại

Cách thực hiện

Thêm bơ thực vật và dầu ô liu vào chảo nóng. Chờ đến khi bơ tan chảy hết thì cho hành tây và cần tây vào xào đến khi chín. Tiếp tục cho tỏi và rau mùi tây và đảo đều trong vài giây.

Khi xào xong, bạn cho phần cà rốt xắt nhỏ, nước dùng xương, nước lọc vào nấu. Lưu ý đun với ngọn lửa nhỏ cho đến khi cà rốt mềm. Bạn có thể nêm nếm với gia vị cho vừa ăn. Sau cùng, bạn cho hỗn hợp vừa nấu vào máy xay sinh tố để làm mịn món ăn. Nên cho trẻ dùng ngay khi đồ ăn còn nóng các mẹ nhé!

3. Sinh tố cà rốt

sinh tố cà rốt

Một chiêu khác để dụ trẻ ăn cà rốt là làm món sinh tố từ nguyên liệu này. Ngoài sinh tố, bạn cũng có thể làm thêm món nước ép cà rốt để đổi vị cho bé. Cả hai món trên đều vô cùng tốt cho sức khỏe nhưng cũng không kém phần hấp dẫn.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Để làm ra một cốc sinh tố cà rốt thơm ngon, bạn cần:

  • 1 bát cà rốt đã được cắt nhỏ
  • 1/2 bát chuối được cắt nhỏ
  • 1/2 cốc sữa chua
  • 1/2 cốc sữa tươi
  • 1/2 bát dứa tươi băm nhỏ
  • 1 thìa súp hạt quả óc chó
  • 1 nhúm hạt nhục đậu khấu

Cách thực hiện

Cách làm rất đơn giản, bạn cho toàn bộ những nguyên liệu đã chuẩn bị ở trên vào máy xay sinh tố, trộn đều đến khi thu được hỗn hợp mịn. Tùy vào bé nhà bạn mà có thể phục vụ lạnh hoặc dùng ngay.

4. Muffin cà rốt

cho trẻ ăn cà rốt với bánh muffin

Muffin trong tiếng Anh nghĩa là một loại bánh mì có nhân với kích thước nhỏ. Món ăn này hiện cũng khá phổ biến ở nước ta. Nếu “thiên thần nhí” ở nhà hảo ngọt, bạn có thể lén dụ trẻ ăn cà rốt bằng món bánh nướng xốp thơm ngon, lạ miệng này đấy!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 2 bát bột mì trắng nguyên chất
  • 2 thìa cà phê bột quế
  • 1/4 thìa cà phê gừng và hạt nhục đậu khấu
  • 2/3 bát đường nâu
  • 1/2 thìa cà phê muối
  • 2 thìa cà phê bột nở
  • 2 bát cà rốt nghiền
  • 2 bát dừa nạo
  • 1/2 bát dứa tươi
  • 2 quả trứng gà
  • 170 gram sữa chua đặc
  • 1/4 cốc sữa tươi
  • 1/3 cốc dầu dừa

Cách thực hiện

Đầu tiên cần làm nóng lò nướng đến khoảng 200°C. Chuẩn bị một chiếc bát lớn, thêm đường, bột mì, bột nở và muối, khuấy đều tay rồi tiếp tục thêm vào đó dừa và cà rốt. Để yên sang một bên, chuẩn bị một chiếc bát khác, cho trứng, sữa chua, sữa tươi, dầu dừa vào trộn đều.

Phối trộn cả 2 hỗn hợp trong hai chiếc bát trên với nhau. Sau khi xong, múc hỗn hợp cuối cùng này cho vào khay bánh muffin. Nướng trong vòng 21 phút ở nhiệt độ 200°C là được.

5. Cơm cà rốt

cơm cà rốt

Món ăn ngon tuyệt này sẽ là lựa chọn không thể bỏ qua cho bữa trưa hoặc tối. Bé mới biết đi nhà bạn chắc chắn sẽ dần mê ăn cà rốt nhờ món cơm này đấy!

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • Một bát nước dùng hầm từ rau củ hoặc nước hầm xương
  • 1 cốc nước ép cà rốt
  • 2 thìa súp bơ thực vật
  • 1/2 củ hành tây
  • 1 bát gạo hạt dài
  • 1/4 bát phô mai Parmesan nghiền
  • 3 thìa súp rau mùi tây

Cách thực hiện

Cho nước hầm rau củ hoặc nước xương hầm, nước ép cà rốt và 2 bát nước lọc vào trong chảo, khuấy đều, đem đun với ngọn lửa nhỏ. Chuẩn bị một chảo khác đun bơ cho tan chảy rồi thêm hành tây vào xào đều, nêm bằng một chút muối và tiêu cho có vị. Kế đến cho gạo vào và đảo đều trong vòng 4 phút.

Hỗn hợp nước dùng vừa chuẩn bị ở trên, bạn cho một nửa phần vào gạo rồi khuấy đều đến khi nước dùng thấm đều hết. Lặp lại bước này bằng cách thêm nửa phần nước dùng còn lại vào rồi nấu đến khi cơm chín.

Cho vào cơm một thìa cà phê phô mai và trộn đều là bạn đã có ngay một đĩa cơm thơm ngon cho bé.

6. Cà rốt phô mai viên

trẻ ăn cà rốt và phô mai

Món ăn này khá phù hợp khi dùng làm món tráng miệng hoặc để trẻ nhâm nhi vào thời gian rảnh. Độ giòn của cà rốt cùng với hương thơm béo ngậy của phô mai sẽ làm cho vị giác của trẻ bùng nổ.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

Để làm ra món cà rốt phô mai viên, bạn cần:

  • 1 bát cà rốt đã gọt vỏ, bào nhuyễn
  • 1 bát phô mai cheddar (loại chuyên dùng trong làm bánh) nghiền mịn

Cách thực hiện

Cho cà rốt vào tô cùng phô mai rồi trộn đều. Dùng muỗng múc kem xúc hỗn hợp thành từng viên tròn nhỏ, đặt vào khay, dùng màng bọc thực phẩm bao lại rồi cho vào ngăn đá để lạnh 1 giờ. Món ăn này nếu được dùng để phết lên bánh mì sẽ vô cùng tuyệt vời đấy! Cà rốt phô mai viên sẽ thích hợp với trẻ lớn đã có thể dùng cà rốt sống các mẹ nhé!

7. Bánh cà rốt

bánh cà rốt

Nếu những công thức chế biến các món ăn trên chưa “đủ đô” để dụ trẻ ăn cà rốt, bạn có thể thử bằng món bánh cà rốt hấp dẫn. Cách làm cũng khá đơn giản.

Nguyên liệu cần chuẩn bị

  • 2 củ cà rốt bào mịn
  • 280 gram bột mì
  • 1/2 thìa cà phê baking soda
  • Bột quế
  • 150 gram đường trắng
  • 4 quả trứng
  • Hạt óc chó
  • Chanh và vỏ cam băm nhuyễn

Cách thực hiện

Trộn bột mì, baking soda, bột quế và cà rốt thật đều rồi để riêng. Trong một chiếc bát khác, bạn trộn 150 gram đường trắng và 4 quả trứng, sau đó dùng máy đánh trứng đánh đều cho đến khi nổi bọt. Bạn có thể cho thêm hạt óc chó vào hỗn hợp, thêm vỏ chanh, vỏ cam và một ít bơ vào trộn đều tới khi cảm thấy bột sệt là được.

Trước đó, hãy làm nóng lò nướng ở 180°C. Đợi khi nhiệt độ lò đã ổn định, bạn cho bánh vào khuôn rồi đem nướng khoảng 30 – 35 phút. Bí quyết để bánh cà rốt thơm ngon hơn là phết một lớp kem phô mai lên bề mặt rồi hãy thưởng thức.

Bạn thấy đấy, mỗi món ăn của con chất chứa vô vàn tình yêu thương của bạn dành cho bé. Vì vậy, bạn có thể tham khảo những công thức mà chúng tôi gợi ý để làm ra các món ăn từ cà rốt thật ngon dành tặng bé yêu nhé!

Marry Baby

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Vấn đề về tiêu hóa

10 loại thực phẩm là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ mẹ cần biết

Bé ăn rau xanh giúp giảm táo bón

Táo bón là một trong những vấn đề thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nhiều bậc cha mẹ lại cho rằng nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do cơ địa của bé hoặc do con lười uống nước. Thế nhưng, chúng ta lại không hề biết rằng một trong những lý do quan trọng dẫn đến tình trạng táo bón xảy ra ở trẻ chính là từ chế độ ăn uống, dinh dưỡng hằng ngày của con. Có những loại thực phẩm mà con tiêu thụ thường xuyên chính là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ.

Táo bón ở trẻ được cho là phổ biến và không mấy nghiêm trọng. Thế nhưng nếu không được quan tâm và chăm sóc đúng mức thì tình trạng này kéo dài sẽ gây ảnh hưởng đến tâm lý cũng như sức khỏe của các bé.

Bài viết này, Marry Baby muốn chia sẻ cùng bạn những loại thực phẩm có thể là nguyên nhân gây ra chứng táo bón ở trẻ, cũng như làm thế nào để phòng ngừa một cách hiệu quả nhất. Đừng bỏ qua nhé!

Chọn món ăn không hợp lý cũng có thể là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ

Với những trẻ đã bắt đầu ăn thức ăn đặc rồi thì những dấu hiệu như: khó đại tiện, giảm số lần đi tiêu (dưới 3 lần một tuần), phân khô cứng, đôi khi có lẫn máu, hậu môn của trẻ bị sưng đỏ sau khi đi vệ sinh… là những dấu hiệu cảnh báo chứng táo bón ở các bé.

Một trong số những nguyên nhân chính là việc bố mẹ cho trẻ tiêu thụ quá nhiều một vài loại thực phẩm sau đây:

1. Protein có trong sữa công thức và sữa mẹ

Một số loại protein trong sữa (đặc biệt là sữa bò) không được cơ thể trẻ dung nạp tốt cũng có thể là nguyên nhân gây ra chứng táo bón. Bên cạnh đó, nó cũng có thể gây ra các triệu chứng khác kèm theo như buồn nôn, chán ăn, khó chịu…

Chính vì vậy, nếu mẹ cho bé dùng sữa công thức thì phải thật thận trọng với vấn đề này. Không chỉ vậy, trẻ cũng có thể bị dị ứng với vài loại protein hiện diện trong sữa mẹ, lúc này bạn cần phải xem xét lại chế độ ăn uống của mình.

2. Thức ăn công thức

sữa công thức là nguyên nhân gây táo bón

Những năm đầu đời, đôi khi mẹ cũng sẽ bắt đầu cho trẻ sử dụng các loại thức ăn công thức như bột ăn dặm hoặc sữa. Tuy vậy, những loại sản phẩm này thường chứa những thành phần khiến trẻ bị khó tiêu hoặc thậm chí dẫn đến táo bón. Riêng với loại sữa công thức, ngoài chứa những thành phần protein phức tạp như đã đề cập ở trên, vài loại trong số đó còn có lactose, một loại đường có thể làm tăng khí và gây hiện tượng đầy hơi.

3. Gạo

Cơm và cháo là hai loại thực phẩm rắn mà hầu hết các bà mẹ thường sử dụng như là những món ăn đầu tiên cho con. Lưu ý rằng một số bé có thể sẽ thấy khó tiêu hóa các thực phẩm được nấu từ gạo và có thể bị táo bón.

4. Cà rốt

ăn cà rốt cũng có thể gây táo bón 676575697

Thoạt nghe có vẻ lạ, bởi lẽ cà rốt khi được dùng sống hoặc ở dạng nước ép thường tốt cho trẻ. Trái lại, nếu bạn cho trẻ sử dụng cà rốt hấp, đây có thể là  nguyên nhân gây táo bón cho bé. Lý do có thể giải thích là việc tiêu thụ cà rốt hấp khiến cho phân cứng rắn, từ đó trẻ khó đi tiêu hơn.

5. Chuối xanh (chuối sống)

Chuối chín được cho là rất tốt cho hệ tiêu hóa của trẻ thì ngược lại chuối xanh lại là nguyên nhân gây táo bón cho trẻ. Hơn nữa, chuối sống còn gây ra một số vấn đề về dạ dày ở trẻ. Chuối sống và kể cả loại chưa chín kỹ đều có chứa tinh bột khiến trẻ khó tiêu hóa. Vì vậy, mẹ cần lưu ý tránh dùng loại thực phẩm này trong bất kỳ món ăn nào của bé nhé!

6. Táo

ăn nhiều táo dễ gây táo bón

Thật bất ngờ, vì từ lâu táo được biết với công dụng làm đặc phân và thường được dùng trong các trường hợp như tiêu chảy. Thế nhưng món táo hấp lại có thể gây táo bón cho bé. Vì vậy, mẹ không nên cho bé ăn món táo hấp. Ngoài ra, một lý do vì sao không nên cho trẻ ăn táo là vì bản thân loại trái cây này có chứa protein pectin có tác dụng làm cứng phân.

7. Phô mai

Một trong những loại thực phẩm có thể trở thành nguyên nhân gây táo bón cho trẻ nên được kể đến là phô mai. Mặc dù vô cùng giàu vitamin cùng các khoáng chất thiết yếu và cũng được xem là một loại siêu thực phẩm cho trẻ, thế nhưng do có rất ít chất xơ mà việc tiêu thụ phô mai có thể khiến trẻ mắc chứng táo bón.

8. Bánh mì và sản phẩm từ bột mì

Bột mì là lúa mì đã loại bỏ đi phần lớn thành phần chất xơ có lợi cho đường ruột. Trong khi đó, việc bổ sung chất xơ chính là chìa khóa cho vấn đề táo bón.

9. Khoai tây

Nếu bạn cho trẻ ăn khoai tây kèm với các loại rau xanh khác thì đây là một điều rất tốt cho sức khỏe. Trái lại, nếu bạn để trẻ tiêu thụ khoai tây chiên hoặc dùng khoai tây với bơ hoặc sốt kem thì chúng có thể lại là nguyên nhân gây táo bón cho bé.

10. Sữa chua

ăn sữa chua là nguyên nhân gây táo bón 1067005868

Sữa chua chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho hệ tiêu hóa non nớt của trẻ. Thế nhưng, nó cũng có tác dụng liên kết với các chất trong thực phẩm và đôi khi có thể gây táo bón ở trẻ em.

Mẹ có thể làm gì để ngăn chứng táo bón tìm đến con yêu đây?

tạo thói quen đi vệ sinh cho trẻ 1018192189

Để phòng ngừa táo bón cho trẻ, các mẹ nên thực hiện một số biện pháp sau đây:

  • Trường hợp nếu con bạn đã qua ngưỡng 6 tháng tuổi, bạn có thể cho bé uống nước bằng muỗng với từng ngụm vừa phải. Còn với những trẻ dưới 6 tháng, các bé nên được bổ sung nước thông qua nguồn sữa mẹ bằng việc tăng cữ bú và thời gian bú. Khi trẻ lớn dần, bạn có thể bắt đầu với những thực phẩm có nhiều nước và giàu chất xơ. Việc tiêu thụ đủ nước và chất xơ sẽ cải thiện nhu động ruột của bé.
  • Với trẻ lớn, hãy đảm bảo có chất xơ trong chế độ ăn uống hằng ngày của con. Một số loại thực phẩm gợi ý vừa thơm ngon, lại tốt cho trẻ và kích thích tiêu hóa như mận, quả mọng, ngũ cốc nguyên hạt. Ngoài ra, mẹ nên tập cho trẻ ăn các loại rau xanh để phòng ngừa các nguyên nhân gây táo bón.
  • Rèn luyện thói quen đi vệ sinh cho bé. Nếu trẻ đã ngồi bô được, bố mẹ nên khuyến khích con tập đi vệ sinh khoảng 5 – 10 phút vào cùng một thời điểm hằng ngày. Điều này sẽ giúp lấy lại phản xạ đi tiêu cho trẻ, rất cho lợi cho hệ tiêu hóa của bé.

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra chứng táo bón khó chịu cho bé yêu, một trong số đó lại đến từ những việc ăn uống và những loại thực phẩm mà chúng ta cho là tốt. Việc thay đổi chế độ ăn uống của bé và khuyến khích con vận động thường xuyên là biện pháp tốt để chữa táo bón và các vấn đề liên quan đến hệ tiêu hóa nữa. Tuy nhiên, nếu tình trạng không thuyên giảm mà có xu hướng tồi tệ hơn, bạn nên đưa con đi khám sớm để được can thiệp y tế kịp thời!

MarryBaby