Categories
Tâm lý sau sinh Sau khi sinh

Loạn thần sau sinh còn nguy hiểm hơn trầm cảm sau sinh

Chúng ta có thể đã thường xuyên nghe về rối loạn trầm cảm sau sinh. Nhưng đó không phải là vấn đề tinh thần duy nhất mà một người mẹ mới sinh phải trải qua. Mặc dù ít gặp hơn so với trầm cảm sau sinh, nhưng loạn thần sau sinh có tác động lớn đến sự thay đổi về cảm xúc, suy nghĩ và hành vi, để lại những hậu quả nghiêm trọng.

Psychosis là gì? Loạn thần sau sinh là gì?

Loạn thần là tên gọi chung của tình trạng mất nhận thức, mất sự kết nối với thực tại, được đặc trưng bởi các triệu chứng ảo giác (nhìn hoặc nghe thấy những thứ không có thực), hoang tưởng (thể hiện niềm tin mạnh mẽ vào một điều rõ ràng là không có thực), ngôn ngữ, hành vi không phù hợp với hoàn cảnh.  

So với trầm cảm sau sinh, loạn thần sau sinh ít xảy ra hơn, cứ 1.000 phụ nữ sinh con sẽ có 2 người mắc bệnh. Các triệu chứng thường xảy ra trong vòng 1 tháng kể từ khi sinh bé, có thể xuất hiện sớm trong 2-3 ngày đầu, khởi phát nhanh. Loạn thần sau sinh có thể là biểu hiện dạng nặng của rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn lưỡng cực, nhưng cũng có thể không liên quan đến các nhóm rối loạn khí sắc này.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Tất tần tật các hội chứng tâm thần sau sinh

Dấu hiệu và triệu chứng rối loạn tâm thần sau sinh

Thông thường các triệu chứng loạn thần sau sinh xuất hiện trong vòng 4 tuần đầu sau sinh con hoặc có thể biểu hiện sớm trong vài ngày đầu. 

Ban đầu, dấu hiệu có thể chỉ đơn giản là lo lắng, thay đổi tâm trạng và mất ngủ. Ngay sau đó, các triệu chứng có thể trở nên nhiều hơn như:

  • Ảo giác: thường là các âm giọng nói không có thực, “nó” nói chuyện, khen ngợi, nhận xét hoặc chỉ trích, đe dọa người bệnh. Họ cũng có thể nhìn thấy những hình ảnh mà chúng không xuất hiện trong thực tế, mà đặc biệt bản thân người bệnh không có vấn đề về thính giác hoặc thị giác.
  • Hoang tưởng: Hoang tưởng là những suy nghĩ không phù hợp thực tế, nội dung rất phong phú như ghen tuông phi lý, lo lắng về việc bản thân mắc bệnh, hoặc đang bị ai đó theo dõi, uy hiếp khống chế, hoặc suy nghĩ bản thân mình là người quan trọng, nổi tiếng, được yêu thương quá mức. Hoặc ngược lại cho rằng bản thân là người phải chịu trách nhiệm cho mọi lỗi lầm của người khác,…Hoang tưởng có thể là hậu quả của ảo giác và gây ra những rối loạn liên quan đến hành vi, cảm xúc.
  • Ngôn từ khó hiểu: Lời nói lộn xộn, mất sự liên kết về hình thức, nội dung, thay đổi so với tình trạng trước đó của người bệnh
  • Hành vi không phù hợp: Hậu quả nguy hiểm có thể xảy ra như tự sát, kết thúc cuộc đời của người khác (thậm chí cả đứa con vừa mới sinh), đánh người,… Chúng là hậu quả của ảo giác, hoang tưởng.

Một số người bệnh loạn thần có biểu hiện của rối loạn trầm cảm chủ yếu, rối loạn lưỡng cực có thể biểu hiện thêm các triệu chứng:

– Cảm thấy phấn khích tột độ hoặc cực kỳ hạnh phúc.

– Tâm trạng rất tệ, bị trầm cảm và thường xuyên khóc lóc.

– Cảm xúc thay đổi thất thường.

– Cảm thấy sợ hãi và luôn nghi ngờ.

– Cảm thấy bồn chồn.

– Khó ngủ, ngủ không sâu, thời gian ngủ ít

Điều đáng lo ngại là những ai đang trải qua loạn thần sau sinh thường không nhận ra vấn đề của bản thân. Đó là lý do tại sao người thân hoặc những ai đang chăm sóc sản phụ phải để ý để sớm nhận ra các triệu chứng nhằm giúp họ được chăm sóc y tế kịp thời.

>>> Mẹ có thể xem thêm: “Giải cứu” mẹ khỏi chứng mất ngủ sau sinh

Rủi ro và nguyên nhân

Loạn thần sau sinh có các yếu tố ảnh hưởng phức tạp. Các bác sĩ tin rằng những thay đổi lớn về nội tiết tố trước và sau khi sinh con có thể là yếu tố kích hoạt chứng loạn thần sau sinh. Mẹ có nguy cơ cao có loạn thần sau sinh nếu:

 – Mẹ có các rối loạn tâm thần trước đó như rối loạn lưỡng cực, rối loạn trầm cảm chủ yếu, tâm thần phân liệt.

– Mẹ đã từng có loạn thần sau sinh.

Ngừng dùng thuốc điều trị các rối loạn tâm thần trước khi bệnh ổn định

– Thiếu ngủ

– Gia đình của mẹ có người mắc các rối loạn tâm thần

Làm gì để phòng tránh loạn thần sau sinh

Khoảng 1 trong số 20 phụ nữ mắc chứng bệnh này có thể làm hại bản thân hoặc con của họ. Nguy cơ tự tử có thể tăng lên rất nhiều trong năm đầu hoặc nhiều năm sau đó. May mắn là sự chuẩn bị từ trước và sau sinh sẽ giúp mẹ dễ dàng vượt qua cũng như phòng tránh chứng bệnh này.

1. Trước khi sinh con

Làm gì để phòng tránh và vượt qua rối loạn tâm thần sau sinh

– Hãy nói chuyện với bác sĩ về những bất ổn mẹ đang trải qua. Bác sĩ có thể giới thiệu mẹ đến một chuyên viên tâm lý để được tư vấn và điều trị.

– Hãy chia sẻ với bác sĩ về tiền sử rối loạn lưỡng cực hoặc rối loạn tâm thần sau sinh của bất kỳ thành viên nào trong gia đình (nếu có).

– Hãy chỉ ra các dấu hiệu bệnh cho những người thân để họ giúp mẹ nhận ra tình trạng bệnh (nếu có). Vì có thể mẹ sẽ không tự nhận thấy mình đang gặp vấn đề với loạn thần sau sinh.

– Theo dõi tâm trạng khi mang thai.

– Sắp xếp trước việc chăm sóc con lớn trong thời gian mẹ không thể tự xoay sở sau sinh.

2. Sau sinh

– Yêu cầu chồng hoặc người thân để ý đến các hành vi của mẹ.

– Ngủ đủ giấc.

– Đừng cảm thấy tội lỗi hoặc áp lực nếu khó cho con bú.

– Giảm thiểu người đến nhà, đặc biệt là trong vài ngày đầu sau sinh.

– Nên gặp bác sĩ thường xuyên để kiểm tra sức khỏe.

– Viết nhật ký cũng là một cách có thể giúp mẹ giải tỏa cảm xúc.

3. Vai trò của người thân

Bệnh nhân rối loạn tâm thần sau sinh cần được hỗ trợ để phục hồi nhanh hơn. Dưới đây là những cách đơn giản mà chồng, người thân hoặc người chăm sóc có thể giúp mẹ:

– Dành thời gian lắng nghe mẹ nhiều hơn.

– Bình tĩnh và sẵn sàng hỗ trợ.

– Chia sẻ việc nhà và nấu ăn.

– Giúp chăm trẻ và cho con bú vào ban đêm.

– Cố gắng để mẹ ngủ nhiều nhất có thể.

– Tạo bầu không khí vui vẻ, ấm áp nhất có thể.

– Hạn chế khách đến thăm nhà.

Bệnh nhân rối loạn tâm thần sau sinh cần được hỗ trợ để phục hồi nhanh hơn

Tóm lại, trong khi hầu hết những mẹ mới sinh chỉ trải qua sự thay đổi nhỏ về tinh thần thì vẫn có một số nhỏ gặp phải loạn thần sau sinh. Dù thế nào, điều quan trọng nhất chính là sự đồng hành và hỗ trợ của người thân, đặc biệt là người chồng để giúp mẹ sớm vượt qua rối loạn nguy hiểm này..