Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Các vấn đề sức khỏe trẻ em khác

Mách mẹ các loại trà thảo mộc tốt cho sức khỏe con yêu

bé uống trà thảo mộc

Trước giờ, khi nói đến các loại trà thảo mộc, chúng ta luôn đề cập đến những lợi ích của chúng với sức khỏe người lớn. Vậy với trẻ em thì sao? Liệu các bé có dùng được loại trà này? Đâu là loại sẽ phù hợp với trẻ? Nếu quan tâm, hãy tìm hiểu trong bài viết sau đây.

Thực tế, nhiều người vẫn cho rằng việc cho trẻ uống trà không tốt cho sức khỏe của bé. Bởi lẽ, chúng ta cũng lo sợ cơ thể trẻ sẽ khó tiêu hóa hay đào thải hết lượng caffeine hấp thu từ trà. Tuy nhiên, trái lại với suy nghĩ đó, trà thảo mộc lại rất có lợi cho sức khỏe của trẻ.

Nếu như trà truyền thống có nhiều caffeine không tốt, các loại trà thảo mộc mang lại những hợp chất có ích trong việc giải quyết các vấn đề sức khỏe ở trẻ nhỏ.

Dưới đây là danh mục các loại trà thảo mộc đã được Marry Baby tổng hợp và chia sẻ với bạn. Cùng tham khảo qua nhé!

1. Trà tía tô đất (Lemon Balm Tea)

trà tía tô đất

Tía tô đất là loại thảo dược thuộc họ bạc hà, được biết đến với nhiều lợi ích đặc biệt. Có thể liệt kê qua một vài điểm như:

  • Bảo vệ cơ thể chống lại tình trạng nhiễm virus, nấm và vi khuẩn
  • Tăng cường hoạt động của hệ thần kinh
  • Có ích trong việc giảm đau
  • Hỗ trợ các vấn đề về dạ dày
  • Giảm thiểu tình trạng mất ngủ

Có nhiều cách để bạn chuẩn bị một tách trà tía tô đất thật thơm ngon. Cách đầu tiên này được áp dụng nếu bạn sử dụng phần lá hoặc hoa. Điều cần làm là chuẩn bị ngay một ấm nước sôi, sau đó chỉ cần chế một chút nước sôi vào trong một bình thủy tinh có nắp đậy đã chứa sẵn hoa hoặc lá tía tô đất, lắc nhẹ và đổ nước này đi rồi mới đổ nước sôi vào pha trà. Đậy nắp và chờ khoảng 15 phút là có thể dùng được ngay. Lợi điểm của phương pháp này là giữ nguyên vẹn các loại tinh dầu trong hoa và lá tía tô đất.

Cách pha thứ hai, bạn có thể áp dụng phương pháp sắc. Cách làm này cũng giữ nguyên hương vị và tinh dầu có trong lá, rễ, thân hoặc hạt. Tất cả những bộ phận này của tía tô sẽ được cho vào nước và nấu sôi trong thời gian dài, khoảng 30 phút đến 1 giờ. Bằng phương pháp này, tinh dầu sẽ được lấy ra từ các bộ phận này dễ dàng hơn.

2. Trà gừng (Ginger Tea)

Trà gừng là cái tên cũng khá phổ biến trong danh mục các loại trà thảo mộc. Ngoài đem lại tác dụng trợ tiêu hóa, chữa loét dạ dày được nhiều người biết đến, trà gừng còn giúp giảm ho, cảm, chữa các bệnh đường hô hấp như viêm phế quản, ho gà, giảm buồn nôn và chống say tàu xe cực hiệu quả.

Để pha trà gừng, đầu tiên bạn chọn một miếng gừng nhỏ (kích thước tầm cỡ viên bi ve). Sau đó, gọt bỏ vỏ và giã nhuyên bằng cối. Cho gừng đã giã nhuyễn vào ấm cùng khoảng 1 – 2 chén nước và đun sôi trong vòng 10 – 15 phút. Trong quá trình đun, bạn cũng có thể thêm chút nước cốt chanh hoặc một thìa mật ong để giảm bớt vị mạnh của gừng. Nên dùng lửa nhỏ khi đun để tránh làm mất các thành phần tốt trong gừng.

3. Trà thì là (Fennel Tea)

trà thì là là một trong các loại trà thảo mộc

Trong các loại trà thảo mộc, trà thì là được biết là có thể cho trẻ nhỏ dùng được. Bên cạnh những tác dụng phổ biến như chữa đau bụng, rối loạn tiêu hóa, loại trà này còn nổi tiếng như là thuốc nhuận tràng tự nhiên. Hơn nữa, nhờ vào tính kháng khuẩn tốt nên loại trà này còn được dùng trong phòng bệnh hô hấp. Hàm lượng vitamin C đáng kể trong hạt thì là lại có tác dụng tăng cường sức đề kháng.

Cách chế biến loại trà này cũng rất đơn giản, bạn chỉ việc cho một muỗng cà phê hạt thì là và đun sôi với 200 ml nước. Sau khi đun khoảng 15 – 20 phút, bạn để nguội và lọc bỏ hạt trước khi cho trẻ dùng. Một điểm chú ý là nếu đun quá lâu, nhiệt độ sẽ ảnh hưởng đến các chất chống oxy hóa có lợi trong trà.

4. Trà bạc hà (Mint Tea)

Loại trà này có vị mạnh hơn rất nhiều so với những loại ở trên. Hương vị tươi mát, sảng khoái của trà mang lại rất có ích cho vị giác của trẻ, nhất là khi bé đang mắc một số bệnh. Điều đáng nói là trong trà bạc hà không có thành phần caffeine. Ngoài ra, việc cho trẻ dùng trà thảo mộc này sẽ giúp trợ tiêu hóa, rất tốt cho sức khỏe răng miệng.

Để thêm phần thơm ngon hơn, bạn có thể cho vào trà một ít mật ong. Trường hợp nếu con bạn thường xuyên gặp vấn đề về tiêu hóa, bạn nên cho bé uống một tách trà bạc hà ấm ít nhất một lần một tuần nhé!

5. Trà hoa cúc (Chamomile Tea)

trà hoa cúc là một trong các loại trà thảo mộc

Bên cạnh trà gừng, trà hoa cúc cũng được đề cập rất nhiều khi bàn về các loại trà thảo mộc. Bởi lẽ nó mang lại nhiều tác dụng tốt không chỉ cho người lớn mà cả trẻ em như: giúp giảm đau dạ dày, chữa chứng đầy hơi, khó tiêu, xua tan cảm giác hồi hộp, lo âu, cải thiện tình trạng mất ngủ, đặc biệt nó còn rất hữu ích khi trẻ bị hăm tã nữa đấy!

Thật dễ dàng để có một tách trà hoa cúc ấm tỏa hương thơm nhẹ dành cho bé trong thời tiết se lạnh này. Điều cần làm là bạn chỉ việc cho khoảng 2 muỗng cà phê hoa cúc khô vào trong ấm có chứa khoảng 250 ml nước. Đun sôi hỗn hợp lên khoảng 15 – 20 phút và lưu ý phải đậy kín khi đun. Lọc bỏ bã, để còn ấm và cho bé uống.

6. Hồng trà Nam Phi (Rooibos Tea)

Trà rooibos hay hồng trà Nam Phi rất có lợi cho sức khỏe của trẻ nhỏ. Với hàm lượng dồi dào vitamin C, loại trà này bảo vệ cơ thể bằng cách chống lại các gốc tự do, từ đó giúp trẻ xây dựng hàng rào miễn dịch vững chắc. Trà rooibos còn có đặc tính chống dị ứng và chống viêm hiệu quả nên chắc chắn những tác dụng này sẽ giúp ích cho trẻ trong việc chống lại một số loại bệnh.

Mách nhỏ cho bà mẹ nào đang có con phải vật lộn với giấc ngủ hàng đêm, một tách hồng trà Nam Phi sẽ giúp bé thư giãn và đi vào giấc ngủ nhanh hơn đấy!

7. Trà mâm xôi đỏ (Red Raspberry Tea)

các loại trà thảo mộc tốt cho bé

Khép lại danh mục các loại trà thảo mộc cho trẻ là trà mâm xôi đỏ. Loại trà này được biết đến vô cùng giàu dinh dưỡng, đặc biệt là sắt. Khoáng chất này góp phần hình thành nên các tế bào hồng cầu trong cơ thể con bạn, đồng thời cải thiện sức khỏe tổng thể của tim. Việc uống trà mâm xôi đỏ cũng đảm bảo cho sức khỏe và hoạt động bình thường của gan và thận.

Thành phần quả mâm xôi đỏ để pha trà khá dễ tìm hiện nay. Tuy nhiên, nếu bạn có ý định sẽ cho con dùng loại trà này lâu dài thì lời khuyên là nên chọn mua loại quả hữu cơ tại các địa chỉ cung cấp uy tín.

Các loại trà thảo mộc đều mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của trẻ. Tuy nhiên, con bạn vẫn có thể bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong trà. Vì vậy, hãy thận cẩn trọng khi cho trẻ dùng. Lưu ý là với những loại thảo mộc không rõ nguồn gốc, tốt nhất bạn không nên cho bé dùng!

Marry Baby

 

Categories
Thụ thai Chuẩn bị mang thai

Để dễ thụ thai, thử ngay các loại trà thảo mộc sau đây

các loại trà tăng khả năng sinh sản

Nhiều cặp vợ chồng vì muốn cải thiện khả năng sinh sản của mình mà tìm đến nhiều biện pháp khác nhau. Thế nhưng, bạn có biết rằng việc dùng các loại trà thảo mộc tự nhiên cũng là cách hỗ trợ đơn giản nhất hay không? Nếu chưa, hãy cùng tìm hiểu ngay qua bài viết sau đây.

Sự thật thì trà thảo mộc đã có mặt và được con người sử dụng từ hơn 2500 năm nay. Người ta đã tận dụng các loại hoa, vỏ cây, trái cây khô, lá… nhằm giúp tăng cường khả năng thụ thai của mình, đồng thời để chữa một số các vấn đề bệnh lý khác.

Cho đến nay, việc dùng các loại trà thảo mộc để tăng cường khả năng sinh sản cũng là hình thức khá phổ biến, nhất là trong trường hợp một số phụ nữ bị chẩn đoán là vô sinh hiếm muộn.

Một ưu điểm đáng nói nữa là những loại trà này đều có nguồn gốc hoàn toàn tự nhiên nên không chứa bất kỳ hóa chất độc hại nào và đảm bảo an toàn khi sử dụng. Dưới đây là danh mục 7 loại trà thảo mộc tốt cho vấn đề sinh sản mà Marry Baby đã tổng hợp và chia sẻ cùng bạn:

Các loại trà thảo mộc tự nhiên giúp tăng cường khả năng sinh sản ở nữ giới

1. Trà mâm xôi đỏ (Red Raspberry Tea)

Trong các loại trà thảo mộc thì mâm xôi đỏ được xem là nguồn cung dồi dào các dưỡng chất, đặc biệt nhất là sắt. Chính vì lẽ đó mà nó có khả năng cải thiện chất lượng trứng ở nữ giới.

Ngoài ra, với đặc tính làm săn se niêm mạc, trà mâm xôi đỏ cũng rất có ích cho tử cung. Bởi lẽ nó giúp ngăn tình trạng ra máu nhiều khi mang thai. Khi dùng, loại thảo dược này đem lại công dụng đặc biệt trong việc bảo vệ tử cung và các cơ xung quanh vùng xương chậu, từ đó mà làm giảm tối thiểu nguy cơ sảy thai.

Thêm một thông tin thú vị là loại trà này được nhiều chuyên gia khuyên dùng trong thai kỳ. Có rất nhiều thương hiệu khác nhau kinh doanh sản phẩm này trên thị trường. Tuy nhiên, bạn hãy đảm bảo chọn mua các sản phẩm có nguồn gốc hữu cơ.

2. Trà cỏ ba lá đỏ (Red Clover Tea)

các loại trà thảo mộc trà cỏ ba lá đỏ

Loại trà này chế biến từ hoa và lá của thảo mộc cỏ ba lá đỏ. Có thể nói, đây là loại thảo mộc vô cùng giàu vitamin và khoáng chất. Nó đem lại tác dụng thanh lọc máu và nuôi dưỡng buồng trứng của bạn.

Cỏ ba lá đỏ rất nổi tiếng là một tác nhân khử độc tuyệt vời và có thể loại bỏ bất kỳ loại độc tố nào ra khỏi cơ thể. Do vậy, việc tiêu thụ trà giúp đảm bảo việc thụ thai diễn ra suôn sẻ hơn.

Bên cạnh đó, trà cỏ ba lá đỏ còn có tác dụng duy trì, bảo vệ sức khỏe của gan và cân bằng nội tiết tố cho cơ thể. Thảo dược này hiện nay được nhiều người sử dụng để điều trị các vấn đề liên quan đến vô sinh như tắc ống dẫn trứng và kinh nguyệt không đều.

3. Trà kế sữa (Milk Thistle Tea)

Kế sữa là loại thảo mộc có công dụng cải thiện chức năng gan, đồng thời giúp khôi phục lại sự cân bằng nội tiết tố. Bạn có biết rằng, một lá gan khỏe mạnh là điều vô cùng cần thiết để đảm bảo sức khỏe sinh sản ở cả nam lẫn nữ? Thế nên việc tiêu thụ trà kế sữa sẽ giúp đảm bảo điều này. Hơn nữa, mẹ bầu uống trà kế sữa khi mang thai cũng được cho là có thể cải thiện tình trạng ốm nghén trong giai đoạn đầu của thai kỳ.

4. Trà cây trinh nữ (Chaste Tree Berry Tea)

uống trà thảo mộc

Nối tiếp danh mục các loại trà thảo mộc tốt cho việc sinh con là trà cây trinh nữ. Nó rất có lợi trong vấn đề giữ cân bằng nội tiết tố ở phụ nữ. Với trường hợp những người bị rối loại kinh nguyệt, trà cây trinh nữ chính là “cứu cánh” hữu hiệu cho bạn.

Loại trà này có tác dụng làm chậm sự phát triển của chứng lạc nội mạc tử cung. Đồng thời, nó cũng giảm triệu chứng của hội chứng tiền kinh nguyệt cũng như cơ hội hình thành bệnh u nang tử cung. Trà cây trinh nữ còn được biết là có thể kích hoạt quá trình rụng trứng bằng cách tăng tiết hormone sinh dục.

Nếu là người mới lần đầu dùng, có thể bạn sẽ chưa quen với vị đắng của trà. Vì vậy, lời khuyên là nên cho thêm mật ong vào để tạo vị ngọt dễ dùng hơn bạn nhé!

5. Tầm ma gốc lạ (Nettle Herbal Tea)

Tầm ma gốc lạ cũng là một trong những loại trà có nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể. So với các loại trà thảo mộc khác, trà tầm ma gốc lạ rất giàu vitamin C và sắt. Đây lại là hai nhân tố then chốt để phòng ngừa nguy cơ thiếu máu và mất máu nhiều.

Tình trạng thiếu máu sẽ làm suy giảm chất lượng trứng và dẫn đến vô sinh. Ngoài việc thúc đẩy sự sản sinh các tế bào máu, tầm ma gốc lạ cũng giúp các mô trong cơ thể phát triển. Hơn nữa, nó cũng hỗ trợ cho các chức năng gan và ổn định nội tiết tố.

Một điểm lưu ý là không nên dùng tầm ma gốc lạ chung với thuốc làm loãng máu (asipirin hoặc warfarin) vì nó cản trở tác dụng của thuốc.

6. Trà sâm Ấn Độ (Ashwagandha)

các loại trà thảo mộc sâm Ấn Độ

Cũng như các loại trà thảo mộc kể trên, trà sâm Ấn Độ cũng mang lại sự cân bằng nội tiết tố nữ. Thêm vào đó, nó cũng giúp tăng cường khả năng sinh sản bởi tác dụng điều chỉnh tuyến thượng thận và tuyến giáp. Một điểm thú vị nhỏ không thể bỏ qua là dùng loại trà này bạn cũng sẽ có một giấc ngủ ngon và sâu về đêm hơn đấy!

Không riêng gì nữ giới, sâm Ấn Độ cũng có khả năng cải thiện sức khỏe sinh sản cho cánh mày râu. Cụ thể là nó làm tăng ham muốn và số lượng tinh trùng ở nam giới. Bạn nên dùng loại trà này trước khi ăn sáng để có tác dụng tốt nhất.

7. Trà ích mẫu (Motherwort Tea)

Từ lâu, loại trà thảo mộc này đã được cho sử dụng để cải thiện sức khỏe phụ nữ sau sinh. Nó cũng hỗ trợ tốt trong việc điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt cùng với hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) và u xơ tử cung.

Bên cạnh việc cải thiện khả năng sinh sản, trà ích mẫu cũng đảm bảo thân nhiệt của bạn ổn định, đây là yếu tố rất cần thiết cho việc làm mẹ trong tương lai. Ngoài ra, ích mẫu cũng mang lại cảm giác thư giãn và hỗ trợ điều trị chứng trầm cảm sau sinh và lo âu trước khi mang thai.

Tuy nhiên, bạn nên ngừng việc uống trà ích mẫu ngay sau khi thụ thai. Bởi có một số ảnh hưởng tiêu cực đến thai kỳ chưa rõ ràng mà loại thảo mộc này có thể gây ra.

Cảnh báo một số loại trà thảo mộc cần tránh khi mang thai

Bạn nên cẩn thận vì đôi khi có một số loại trà cũng làm giảm khả năng sinh sản mà bản thân mình không hay biết, tiêu biểu như:

1. Trà cúc dại (Echinacea)

trà hoa cúc dại

Hoa cúc là một trong các loại trà thảo mộc dùng để trị bệnh, nhất là với trường hợp cảm lạnh hay suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy loại trà này có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, đặc biệt là gây vô sinh. Thêm vào đó, hoa cúc làm mất cân bằng nội tiết trong cơ thể khiến bạn khó thụ thai hơn.

2. Trà bạc hà (Pennyroyal)

Sự thật rằng loại trà thơm ngon này từ xa xưa đã được người Hy Lạp và La Mã dùng để ngừa thai. Vì vậy, nếu muốn có con, bạn nên tránh dùng trà bạc hà.

Một thông tin khác còn cho rằng mẹ bầu tiêu thụ thường xuyên loại trà này còn có thể dẫn đến sinh non, thậm chí sẩy thai.

3. Trà hương thảo (Rosemary)

các loại trà thảo mộc cần tránh

Loại trà này khá tốt cho hệ tiêu hóa và giúp điều trị chứng ợ nóng, nhức đầu và cao huyết áp. Tuy nhiên, trà này lại gây hại cho phụ nữ đã và đang muốn mang thai.

Nhiều chuyên gia cho rằng, nó có tác dụng làm co thắt tử cung, gây sảy thai. Đáng lo hơn dùng nhiều còn khiến trứng không thể thụ tinh, gây vô sinh.

Một điều cần lưu ý rằng, chỉ tiêu thụ các loại trà thảo mộc trên không thôi thì sẽ không đảm bảo cho bạn có khả năng sinh sản tốt. Thế nên bên cạnh đó, bạn nên duy trì một chế độ ăn uống và tập luyện tốt nữa nhé!

Marry Baby