Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng có sao không? Cách nhận biết khi bé gặp vấn đề tiết niệu

Màu sắc của nước tiểu cũng là một tiêu chí dùng để đánh giá tình trạng sức khỏe của mỗi người. Do đó, khi phát hiện nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng, mẹ sẽ không tránh khỏi lo lắng không biết đâu là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này và liệu đây có phải là một dấu hiệu cảnh báo những bất thường đối với sức khỏe của trẻ hay không? 

1. Vì sao nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng?

Với trẻ sơ sinh, con có thể đi tiểu mỗi 3 giờ/lần, một số trẻ đi tiểu 4-6 lần/ngày. Trong trường hợp trẻ bị ốm, sốt hoặc thời tiết quá nóng nực, trẻ ít bú hơn, số lần đi tiểu có thể giảm xuống một nửa mà vẫn bình thường, bé đi tiểu không đau rát. 

Lúc này, nước tiểu của trẻ sẽ có màu vàng từ nhạt tới đậm. Trong đó, nước tiểu càng có màu sắc tối hơn thì chứng tỏ nước tiểu càng cô đặc hơn do trẻ không được cung cấp lượng dịch cần thiết. Thậm chí, mẹ có thể thấy nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng hoặc màu cam nhạt và thường bị nhầm lẫn với các vết máu.

Vì thế, nếu thấy nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng, mẹ có thể yên tâm rằng đây chỉ là các tinh thể urat có trong nước tiểu của trẻ do nước tiểu cô đặc. Tình trạng này sẽ kết thúc khi trẻ hấp thụ nhiều chất lỏng hơn. 

>>> Mẹ có thể quan tâm: Trẻ sơ sinh đánh hơi nhiều là bình thường hay bất thường?

2. Nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng có phải là do thức ăn?

Khi trẻ đến tuổi ăn dặm (trên 6 tháng) và được thử nhiều loại thức ăn khác nhau bên cạnh sữa mẹ, mẹ cũng sẽ thấy nước tiểu của trẻ có màu hồng.

Trên thực tế, một số loại thực phẩm mà chúng ta ăn hằng ngày vẫn có thể khiến màu sắc nước tiểu thay đổi và đây hoàn toàn là một điều bình thường. Tình trạng này sẽ chấm dứt ngay khi chúng ta không sử dụng thực phẩm này nữa. Vì thế, nếu trong thực đơn ăn dặm của bé có các nguyên liệu như thanh long đỏ, củ cải đường, quả mâm xôi, đại hoàng, dưa hấu ruột đỏ,… và thấy nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng thì mẹ đừng quá lo lắng mẹ nhé!

Thức ăn dặm có màu hồng, đỏ cũng có thể khiến nước tiểu con có màu hồng. Điều này bình thường mẹ nhé.

3. Khi nào thì cần đưa trẻ đến gặp bác sĩ?

Hầu hết các trường hợp trẻ sơ sinh đi tiểu ra nước màu hồng là tình trạng bình thường, mẹ không cần phải quá lo lắng. Tuy nhiên, mẹ cũng cần chủ động đưa trẻ đến các cơ sở y tế uy tín để được kiểm tra nếu:

  • Trẻ đi tiểu ít hơn 4 lần/ngày
  • Nước tiểu có lẫn với máu, dây máu (Đây không còn là một dấu hiệu bình thường nữa mà có thể là dấu hiệu của một số vấn đề về sức khỏe của trẻ như vùng da hăm tã xuất hiện vết loét chẳng hạn)
  • Tình trạng nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng kéo dài một thời gian liên tiếp không hết dù bé đã được bổ sung thêm chất lỏng và thay đổi khẩu phần ăn uống
  • Phần bụng của trẻ cứng hoặc sưng lên
  • Phân cứng hoặc phân quá lỏng
  • Phân có máu hoặc phân có màu trắng/đen sau khi trẻ kết thúc giai đoạn phân su

>>> Mẹ có thể tham khảo: Trẻ bị chảy nước dãi liên tục liệu có bình thường không?

4. Các bệnh lý tiết niệu ở trẻ sơ sinh

Không loại trừ trường hợp nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng xuất phát từ nguyên nhân bởi các bệnh lý tiết niệu ở trẻ. Nhưng trường hợp này hiếm có nguy cơ xảy ra. Các bệnh lý tiết niệu cần can thiệp ngoại khoa cần có các dấu hiệu bất thường khác và cần được chẩn đoán, kết luận bằng các xét nghiệm, cận lâm sàng.

Mẹ có thể tham khảo một số dấu hiệu nhận biết các bệnh lý tiết niệu ở trẻ sơ sinh như sau:

1. Hội chứng hẹp chỗ nối bể thận niệu quản

Dấu hiệu: Đau bụng vùng mạng sườn, nước tiểu có thể đục, nắn có thể thấy khối u vùng mạng sườn (do thận căng to).

2. Hẹp chỗ đổ bàng quang – niệu quản

Dấu hiệu: Nước tiểu của bé sơ sinh đục, nhiễm khuẩn tiết niệu (trẻ quấy khóc khi đi tiểu do tiểu buốt, tiểu rát), có thể nắn thấy có khối u ở một bên mạng sườn.

3. Bé sơ sinh tiểu ra màu hồng do thận niệu quản đôi

Dấu hiệu: Có thể gây đái rỉ liên tục nếu niệu quản lạc chỗ hoặc biểu hiện nhiễm khuẩn tiết niệu.

4. Luồng trào ngược bàng quang – niệu quản

Dấu hiệu: Bé không tiểu được, bụng căng cứng. Nước tiểu từ bàng quang luôn chảy ngược lên niệu quản gây giãn niệu quản và ứ đọng nước tiểu gây nhiễm khuẩn tiết niệu rồi suy thận.

5. Một số bệnh lý khác:

Trái ngược với dấu hiệu nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng hầu hết là bình thường. Các bệnh lý ngoại khoa khác đối với đường tiết niệu của trẻ còn có thể là thận đa nang, thận lạc chỗ, hẹp niệu quản, van niệu đạo,… thì dấu hiệu khó nhận biết hơn và cần theo dõi trong thời gian dài mới có thể nhận ra. Do đó, khi thấy bất kỳ biểu hiện khác lạ của trẻ khi đi vệ sinh, ba mẹ cần tham vấn ý kiến của bác sĩ để được tư vấn, chẩn đoán, điều trị kịp thời.

>>> Mẹ có thể tham khảo: Trẻ sơ sinh ngủ nhiều bú ít: Mẹo nào cho mẹ?

5. Các vấn đề tiêu hóa có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh?

nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng

Bên cạnh việc nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng, một số vấn đề liên quan đến tiêu hóa mà trẻ có thể gặp có thể kể đến như:

  • Nôn trớ: Trẻ sơ sinh thường bị ọc sữa, nôn trớ sau khi bú do cơ vòng giữa dạ dày và thực quản (ống từ miệng đến dạ dày) còn yếu và chưa trưởng thành. Đây là một tình trạng bình thường. Tuy nhiên, nếu trẻ nôn trớ quá nhiều, khạc ra một lượng lớn sữa sau hầu hết các lần bú, có thể thấy trẻ đang gặp các vấn đề về tiêu hóa như nôn trớ hoặc không dung nạp sữa (đối với trẻ bú sữa công thức).
  • Tiêu chảy: “Sản phẩm” trong lần đi tiêu đầu tiên của trẻ sơ sinh thường có màu xanh đen, được hình thành trong ruột trong quá trình phát triển của thai nhi và được gọi là phân su. Trẻ có thể đi tiêu phân su một vài lần sau khi chào đời và sau đó, trẻ sẽ đi tiêu bình thường (phân mềm, màu vàng xanh). Nếu mẹ thấy trẻ thường xuyên đi tiêu ra phân lỏng, có nước, đây là tình trạng trẻ bị tiêu chảy, có thể gây mất nước nguy hiểm đến sức khỏe.

Có thể thấy, nước tiểu trẻ sơ sinh có màu hồng hay hội chứng tã hồng là một điều vô cùng bình thường ở trẻ và mẹ không cần phải quá lo lắng vì điều này. Hãy quan sát quá trình đi tiểu của bé trong vài ngày để xem có các dấu hiệu bất thường hay không trước khi quyết định đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám, chẩn đoán và điều trị.