Hầu hết phụ nữ đều từng bị u nang buồng trứng một vài lần trong đời. Bạn có thể cảm thấy nó hoặc không. Căn bệnh này đa phần là vô hại, tuy nhiên biến chứng cũng có thể xảy ra.
U nang buồng trứng là gì?
Buồng trứng là một phần trong hệ thống sinh sản của nữ giới. Chúng nằm ở bụng dưới, ở hai bên tử cung. Phụ nữ có 2 buồng trứng sản xuất trứng và các hormone estrogen, progesterone.
Đôi khi, một túi đầy dịch gọi là u nang sẽ phát triển ở một bên buồng trứng. Trong hầu hết trường hợp, u nang không đau và không có triệu chứng.
Nguyên nhân u nang buồng trứng
Các nguyên nhân phổ biến nhất của u nang buồng trứng bao gồm:
♦ Các vấn đề về nội tiết tố. U nang cơ năng thường tự khỏi mà không cần điều trị. Chúng có thể do các vấn đề nội tiết tố gây ra hoặc do bạn sử dụng thuốc giúp rụng trứng.
♦ Lạc nội mạc tử cung. Phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung có thể phát triển một loại u nang buồng trứng được gọi là u nội mạc tử cung. Các mô lạc nội mạc tử cung có thể bám vào buồng trứng và hình thành khối u. Những u nang này có thể gây đau khi quan hệ tình dục và trong kỳ kinh nguyệt.
♦ Thai kỳ. U nang buồng trứng thường phát triển trong giai đoạn đầu của thai kỳ để hỗ trợ thai kỳ cho đến khi hình thành nhau thai. Đôi khi u nang vẫn còn trên buồng trứng cho đến khi mang thai sau này và có thể cần phải cắt bỏ.
♦ Nhiễm trùng vùng chậu nghiêm trọng. Nhiễm trùng có thể lây lan đến buồng trứng và ống dẫn trứng và gây ra các u nang.
Các loại u nang buồng trứng
Có nhiều loại u nang buồng trứng, chẳng hạn u nang bì, lạc nội mạc tử cung dạng u nang… Tuy nhiên, u nang cơ năng là loại phổ biến nhất. Có hai dạng u nang cơ năng là nang bọc noãn và nang hoàng thể.
♦ Nang bọc noãn: Vào kỳ kinh, một quả trứng sẽ phát triển trong một túi nang. Đa phần túi nang này sẽ vỡ ra và giải phóng trứng. Nếu túi nang không vỡ, dịch bên trong sẽ hình thành u trong buồng trứng, và bao bọc quả trứng nên mới gọi là ”bọc noãn”.
♦ Nang hoàng thể: Lúc này túi nang đã vỡ và giải phóng trứng, nhưng sau đó túi nang lại không thoái hóa và teo nhỏ mà tiếp tục phát triển, tích tụ chất lỏng hoặc máu bên trong, hình thành u nang hoàng thể.
Các loại u nang buồng trứng khác bao gồm:
♦ U nang bì: hình thành trong buồng trứng, bên trong có thể chứa lông, chất béo và các mô khác.
♦ U nang thanh dịch: hầu hết là lành tính. Khối u nang này phát triển bên ngoài buồng trứng.
♦ U nội mạc tử cung: các mô mọc bên trong tử cung có thể phát triển ra bên ngoài và kết nối với buồng trứng, hình thành khối u.
Một số người còn bị hội chứng buồng trứng đa nang. Nghĩa là buồng trứng chứa rất nhiều u nang nhỏ, khiến buồng trứng phình to. Nếu không được điều trị, buồng trứng đa nang có thể gây vô sinh.
Các dấu hiệu u nang buồng trứng
U nang buồng trứng đôi khi không có triệu chứng gì. Tuy nhiên, khi khối u lớn hơn thì bạn có thể nhìn thấy một số dấu hiệu u nang buồng trứng sau:
- Chướng bụng hoặc sưng bụng
- Đau khi đại tiện
- Đau xương chậu trước hoặc trong kỳ kinh
- Giao hợp đau
- Đau lưng dưới hoặc đùi
- Đau ngực
- Buồn nôn và nôn mữa
Các biểu hiện u nang buồng trứng nặng hơn cần được cấp cứu bao gồm:
- Đau khủng khiếp vùng xương chậu
- Sốt
- Chóng mặt, bất tỉnh
- Thở dồn dập
Các triệu chứng nặng này xuất hiện là do một khối u bị vỡ hoặc một buồng trứng bị xoắn. Cả hai tình trạng này đều nguy hiểm và phải được điều trị ngay.
U nang buồng trứng có nguy hiểm không?
Hầu hết u nang buồng trứng là lành tính và tự mất đi mà không cần can thiệp. Các u này thường ít hoặc không có triệu chứng. Tuy nhiên trong trường hợp hiếm, u nang có thể phát triển thành ác tính (ung thư).
♦ Xoắn buồng trứng cũng là một biến chứng hiếm của u nang buồng trứng. Lúc này một khối u lớn khiến cho buồng trứng bị xoắn hoặc lệnh khỏi vị trí ban đầu. Nguồn máu cung cấp cho buồng trứng bị cắt đứt. Nếu không được điều trị ngay, các mô buồng trứng có thể bị tổn thương nặng hoặc chết, có thể phải cắt bỏ buồng trứng.
Một số triệu chứng báo hiệu khối u đã biến chứng: tiểu dắt, tiểu khó vì khối u phát triển to chèn ép vào bọng đái, chướng bụng, táo bón vì khối u đã chèn ép trực tràng, có thể gây phù hai chi dưới vì khối u chèn ép hệ tĩnh mạch. Triệu chứng này có thể gây tổn thương, hoại tử mô buồng trứng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người bệnh.
♦ Vỡ khối u cũng là một biến chứng hiếm, gây đau dữ dội hoặc nội xuất huyết. Biến chứng này làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và đe dọa tính mạng nếu không được điều trị.
U nang buồng trứng kích thước bao nhiêu thì mổ?
Chẩn đoán:
Các thủ thuật để phát hiện u nang buồng trứng bao gồm kiểm tra xương chậu, siêu âm, chụp cắt lớp CT, chụp cộng hưởng từ MRI.
Vì phần lớn u nang sẽ biến mất sau một vài tuần hoặc vài tháng, nên bác sĩ sẽ không lập tức yêu cầu chữa trị. Thay vào đó, họ sẽ yêu cầu bạn cách vài tuần hoặc vài tháng lại đi siêu âm để đánh giá khối u.
Nếu khối u tăng về kích cỡ, bác sĩ có thể yêu cầu làm các kiểm tra thêm như: kiểm tra xem bạn có mang thai không, kiểm tra nồng độ hormone, xét nghiệm máu.
Điều trị u nang buồng trứng:
U nang buồng trứng cần được điều trị nếu nó không tiêu đi mà còn phình to ra. Các cách thức điều trị bao gồm:
♦ Thuốc tránh thai: Nếu bạn thường xuyên bị tái xuất hiện u nang, bác sĩ có thể kê thuốc tránh thai để ngăn rụng trứng, từ đó ngăn hình thành khối u mới và giảm nguy cơ ung thư buồng trứng. Nguy cơ ung thư cao hơn ở phụ nữ tiền mãn kinh.
♦ Phẫu thuật nội soi ổ bụng: Nếu không phải là ung thư thì bác sĩ có thể nội soi để cắt bỏ khối u. Các bác sĩ sẽ lựa chọn cắt bỏ nếu khối u lớn hơn 5cm đường kính. Như vậy để trả lời cho câu hỏi: U nang buồng trứng kích thước bao nhiêu thì mổ là lớn hơn 5cm nhé bạn.
♦ Mổ cắt bỏ khối u: Nếu khối u lớn thì bác sĩ sẽ rạch bụng để cắt bỏ. Qua kiểm tra sinh thiết, nếu phát hiện đó là ung thư, bác sĩ có thể cắt bỏ tử cung và cả buồng trứng.
U nang buồng trứng có gây vô sinh?
U nang buồng trứng không thể phòng ngừa, tuy nhiên đi khám phụ khoa định kỳ có thể phát hiện sớm u nang. Bạn cũng nên đi khám khi phát hiện chu kỳ kinh bất thường, đau xương chậu thường xuyên, chán ăn, sụt cân bất thường, đầy bụng.
U nang không được điều trị có thể làm giảm khả năng sinh sản. Tình trạng này thường phổ biến nếu bị buồng trứng đa nang hoặc u nội mạc tử cung. Các loại u nang cơ năng, u nang bì hoặc u nang thanh dịch thì không ảnh hưởng khả năng sinh sản trừ khi chúng quá lớn.
Việc loại bỏ các khối u nang lớn sẽ giúp cơ hội mang thai tăng cao hơn.
Bao lâu sau khi mổ thì có thể quan hệ trở lại và thụ thai?
Để trả lời cho câu hỏi Mổ u nang buồng trứng kiêng quan hệ bao lâu thì thời gian an toàn để quan hệ trở lại là 4-6 tuần nhé bạn.
– Nếu là phẫu thuật nội soi thì một dụng cụ kim loại sẽ được đưa qua cổ tử cung để tiến hành cắt bỏ khối u. Vì cổ tử cung sẽ phải giãn ra một chút, cho nên nó cần thời gian để lành. Nếu bạn bất chấp mà quan hệ khi cổ tử cung chưa lành, bạn sẽ bị chảy máu âm đạo hoặc nhiễm trùng cổ tử cung và tử cung. Do đó phụ nữ cũng không nên dùng tampon sau khi trải qua nội soi.
– Nếu là phẫu thuật mở ổ bụng hoặc xương chậu thì không cần phải kiêng, nhưng bạn nhất thiết phải hỏi bác sĩ để nắm được thời gian an toàn nhất cho việc quan hệ. Trong trường hợp cắt bỏ buồng trứng và tử cung, thì môi trường âm đạo dễ bị khô nên cần sử dụng dầu bôi trơn khi quan hệ.
Việc phẫu thuật mở ổ bụng hoặc xương chậu có thể để lại sẹo và gây kết dính, khiến việc đậu thai khó hơn. Nếu ống dẫn trứng bị tổn hại thì cũng tăng rủi ro khó thụ thai. Do đó tay nghề của bác sĩ phẫu thuật là rất quan trọng.
Phải làm gì khi u nang buồng trứng xuất hiện trong thai kỳ?
Hầu hết u nang không ảnh hưởng tới thai kỳ của bạn. Chẳng hạn, loại u xuất hiện phổ biến nhất trong thai kỳ là u hoàng thể cũng thường biến mất vào tam cá nguyệt thứ 2. Các loại u nang khác có thể tiếp tục phát triển, thậm chí gây đau, nhưng vẫn không ảnh hưởng thai kỳ. Bác sĩ sẽ xếp lịch siêu âm thường xuyên để theo dõi khối u này.
Nếu khối u bị vỡ thì dịch chảy ra cũng tự tiêu tán và u sẽ tự lành. Bạn chỉ cần được kê thuốc giảm đau và tiếp tục theo dõi. Nếu phát hiện viêm nhiễm, chảy máu nhiều, xoắn buồng trứng hoặc thai kỳ bị ảnh hưởng, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật.
Biến chứng nặng nhất của u nang buồng trứng là khối u chèn ép thai nhi ở các tháng cuối thai kỳ, dọa sảy thai hoặc phải chấm dứt thai kỳ.
Do đó các mẹ khi phát hiện mang thai thì trong 3 tháng đầu nên siêu âm thăm khám để dò các u bướu trong tử cung và buồng trứng. Bởi vì qua 3 tháng này, thai nhi lớn lên thì khả năng bỏ sót khối u sẽ cao hơn. Việc chỉ định mổ (nếu có) thường là qua tuần thứ 16 của thai kỳ.
Chế độ dinh dưỡng giúp giảm các triệu chứng của u nang buồng trứng
Các thực phẩm này giúp cân bằng hormone trong cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên luyện tập thể chất và uống nhiều nước. Nên kiêng thực phẩm nhiều dầu mỡ, chất béo vì có thể gây viêm và khó chịu.
♦ Chất xơ: Các thực phẩm giàu chất xơ như cam, lê, đậu lăng, đậu Hà Lan… chứa các hóa chất thực vật giúp ngăn ngừa việc tái hấp thu estrogen trong cơ thể. Chúng còn giảm nguy cơ ung thư buồng trứng.
♦ Lean protein: Các thực phẩm này cần thiết để duy trì thể trọng của bạn. Hãy chọn cá, đậu phụ và thịt gà, rất giàu dưỡng chất và duy trì sự cân bằng hormone.
♦ Omega-3: Cá, các loại đậu và hạt lanh rất giàu omega-3, giúp hạ hàm lượng androgen vốn là nguyên nhân khiến bệnh tình nặng hơn.
♦ Trà hoa cúc: Một tách trà nóng chứa các hợp chất chống viêm giúp giảm các cơn co thắt do khối u gây ra.
♦ Hợp chất indole-3-carbinol: có nhiều trong bắp cải, bông cải xanh, súp lơ trắng, cải Brussel… Hợp chất này giúp loại bỏ hormone dư thừa trong cơ thể.
♦ Ma-giê: giúp giảm đau đớn và co thắt. Ma-giê có nhiều trong chuối, hạt điều, hạnh nhân, cải thìa, bơ và rau lá xanh.
Cách phòng ngừa bệnh
U nang buồng trứng có nguy hiểm không? U nang buồng trứng sẽ lành, giảm diễn biến xấu nếu thực hiện những biện pháp phòng chống sau:
– Khám phụ khoa định kỳ 6 tháng/lần là cách tốt nhất để phát hiện ra căn bệnh này. Đồng thời tiến hành điều trị nếu có những phát hiện bất thường.
– Chú ý đến chế độ ăn hàng ngày bằng cách bổ sung vitamin C có trong dâu tây, cà chua, dứa, kiwi… tránh xa các món ăn chứa nhiều mỡ động vật, protein, chất béo bão hòa, chất kích thích; thay bằng các thực phẩm giàu vitamin A (có trong cà rốt, củ dền, bí…). Bổ sung nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc và uống nhiều nước.
– Nên dành nhiều thời gian cho cơ thể nghỉ ngơi và thư giãn, không làm việc nặng nhọc quá sức. Chị em cần tránh căng thẳng, nóng giận. Quan hệ tình dục an toàn sẽ là những biện pháp phòng tránh bệnh u nang buồng trứng.
– Tăng cường hoạt động cơ thể bằng các môn thể thao nhẹ nhàng, kéo giãn cơ thể như yoga, cầu lông, và các bài tập kéo giãn cơ.
Nói tóm lại, u nang buồng trứng thường lành tính và tự biến mất, ít có khả năng gây vô sinh. Do đó nếu bị u nang kể cả khi đang mang thai thì bạn cũng không cần lo lắng mà chỉ cần thăm khám định kì để tiến hành can thiệp kịp thời.
Xuân Thảo