Categories
Sự phát triển của trẻ Cột mốc phát triển Năm đầu đời của bé

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi

Những mốc phát triển của trẻ giai đoạn 8-12 tháng tuổi
Bé tập đi: Ở giai đoạn này, bé yêu của bạn rất bận rộn. Hai bàn tay bé hoạt động liên tục, bé có thể cầm nắm nhiều thứ khá tốt và tiếp tục hoàn thiện kỹ năng sử dụng ngón tay cái và ngón trỏ. Bé đã biết tự ngồi nên có thể vịn tay vào đồ vật để giúp bé đứng dậy. Đặc biệt hơn, nhiều bé đã chập chững vài bước trước khi đón ngày sinh nhật đầu tiên đấy!

Bé bập bẹ tập nói: Từ 8-12 tháng tuổi, bé có thể nhận biết những từ thường nghe, biết nói các từ đơn giản như “baba” hay “mama” và có xu hướng “bắt chước” những hành động, cử chỉ của bạn như dùng lược chải đầu, cầm ly uống nước hay thậm chí là nói chuyện qua điện thoại. Đồng thời, bé sẽ càng cảnh giác với người lạ hơn, bắt đầu xuất hiện nỗi sợ hãi chia ly khi bạn có việc rời xa bé.

Các mốc phát triển của trẻ: Giai đoạn 8 – 12 tháng tuổi
Mốc phát triển của trẻ mà ba mẹ trông đợi nhất giai đoạn này: bé tập đi

Mẹ nên làm gì để khuyến khích bé phát triển?
Trò chuyện với con thường xuyên hơn vì đây là thời điểm quan trọng cho sự phát triển ngôn ngữ của bé. Tỉ tê cùng con hằng ngày sẽ giúp con phát triển cảm xúc rất nhanh. Mẹ cũng nên duy trì việc đọc truyện và chơi cùng con như trước đó.

Bé đã hiếu động hơn nên mẹ cần chú ý độ an toàn của không gian chơi đùa hơn nữa. Để giúp bé tự do phát triển các giác quan và khám phá mọi thứ, các mẹ mua giấy, bút chì màu, các khối hình, hộp rỗng… cho con vừa vẽ vừa chơi.

Đừng tiếc lời khen thưởng nếu con làm tốt. Tuy nhiên, khi con nghịch ngợm, mẹ cần biết nói “không” và hướng dẫn lại cách làm cho con. Mặc dù bé vẫn còn non nớt và chưa hiểu khuôn phép là gì, nhưng mẹ có thể bắt đầu chỉ bảo con những chuyện không nên làm để bé có cách hành xử đúng.

Xây dựng lòng tin với bé bằng cách cho bé thời gian làm quen với cô bảo mẫu hay người giúp việc và luôn tạm biệt bé mỗi khi bạn có việc phải đi ra ngoài.

Mẹ cần lưu ý những dấu hiệu bất thường nào?
Mỗi trẻ phát triển với tốc độ khác nhau, nhưng mẹ cần theo dõi sự phát triển của con và lưu ý nếu bé đã tám tháng tuổi và:

  • Không biết bò hoặc trườn
  • Chỉ bò/trườn theo một hướng duy nhất trong vòng 1 tháng hoặc hơn
  • Không thể đứng nếu thiếu người hỗ trợ
  • Không tìm kiếm những đồ vật bạn giấu dù nó ngay trước mặt bé
  • Không nói bất kỳ từ nào
  • Không dùng các cử chỉ như lắc đầu báo hiệu “con không đồng ý” và chỉ trỏ

Khi trẻ có những dấu hiệu này, mẹ nên tham khảo ý kiến bác sĩ và những chuyên gia tâm lý, dinh dưỡng để được tư vấn giải pháp và can thiệp cần thiết.

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Dinh dưỡng khi mang thai: 3 nguyên tắc ăn uống cần nhớ

Điều chỉnh chế độ dinh dưỡng khi mang thai

Hầu như tất cả phụ nữ mang thai đều cần thêm chất đạm, vitamin, khoáng chất như axit folic và sắt, cùng nhiều calorie để cung cấp năng lượng. Nếu trước đây bạn duy trì một chế độ ăn nghèo nàn, nên chuyển ngay sang bữa ăn giàu dinh dưỡng. Đó là cách tốt nhất bạn có thể làm vì sức khỏe của con bạn.

Tuy nhiên, ăn tốt hơn không có nghĩa là ăn nhiều. Nếu bắt đầu tăng cân, bạn không cần thêm calorie trong 3 tháng đầu. 3 tháng sau cần thêm khoảng 300 calories một ngày. Khoảng 450 calories một ngày cho 3 tháng cuối.

Nếu bị dư cân hoặc nhẹ cân, bạn sẽ cần thêm hoặc ít hơn thế này. Bạn có thể cân đối dựa theo trọng lượng mong muốn.

Bỏ qua các món sushi, rượu và phô mai mềm

Khi mang thai, bạn nên tránh dùng hải sản sống, sữa không tiệt trùng và phô mai mềm làm từ sữa không tiệt trùng, đặc biệt là các loại thịt và gia cầm chưa qua nấu chín. Tất cả đều có thể là nguồn chứa vi khuẩn gây nguy hiểm đến bạn và bé yêu.

Tìm hiểu về cách phòng tránh nhiễm khuẩn Listeria, một loại bệnh lây qua đường ăn uống đặc biệt nguy hiểm trong khi mang thai.

Hầu như tất cả loại cá đều chứa một lượng nhỏ metyl thủy ngân. Kim loại này nếu dùng với liều lượng cao sẽ gây tác hại đến quá trình phát triển não của thai nhi. Các chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo khi mang thai, bạn nên giới hạn lượng tiêu thụ cá vào khoảng 350 gram một tuần, cho 2 phần ăn.

dinh dưỡng khi mang thai
Trong chế độ dinh dưỡng khi mang thai, bạn nên chú ý đến hàm lượng dinh dưỡng của các món ăn hơn là cố gắng ăn thật nhiều

Bên cạnh đó, bạn cũng nên từ bỏ các buổi tiệc cocktail sau giờ làm. Uống rượu khi mang thai có thể gây ra các khuyết tật về thể chất, rối loạn khả năng nhận thức và các vấn đề về cảm xúc của trẻ. Nên nhiều chuyên gia khuyên rằng bạn nên bỏ rượu trong suốt giai đoạn mang thai.

Bạn cũng có thể cân nhắc việc bỏ qua thức uống chứa caffeine. Điều này có thể khó khăn trong 3 tháng đầu tiên của thai kỳ nếu bạn có thói quen dùng cà phê hay các thức uống chứa caffeine mỗi ngày. Bạn nên giảm từ từ để tránh tác dụng phụ như nhức đầu, chóng mặt.

Một vài nghiên cứu cho biết phụ nữ dùng khoảng 200 hay hơn 200 mg caffeine mỗi ngày có nguy cơ sẩy thai cao gấp đôi phụ nữ không dùng caffeine. Một lượng lớn caffeine có thể khiến trẻ sinh ra bị nhẹ cân hơn một chút, thậm chí thai bị chết lưu.

Ngoài cà phê, caffeine còn tìm thấy trong trà, cola, các thức uống có ga khác, cacao, và chocolate.

Tốt hơn hết là nên thay thế các món thiếu dinh dưỡng khi mang thai bằng các lựa chọn tốt cho sức khỏe hơn như sữa không béo, nước ép trái cây 100%, nước cam, chanh vắt. Một ly sữa nóng thơm ngon có thể thay cho một ly latte vào buổi sáng.

Không ăn kiêng khi mang thai

Ăn kiêng trong giai đoạn mang thai vốn là nguy cơ tiềm ẩn với bạn và con. Nhiều chế độ ăn giảm cân không những có thể khiến bạn giảm calorie mà còn giảm cả sắt, axit folic, các loại vitamin và khoáng chất quan trọng khác.

Tăng cân là một trong những dấu hiệu tích cực của một sản phụ khỏe mạnh. Phụ nữ ăn uống tốt và tăng cân vừa đủ có khả năng sinh em bé khỏe mạnh.

Nếu bạn dùng thực phẩm tươi ngon và đang dần tăng lên vài kg, bạn cũng cứ thư giãn và yên tâm vì đây là điều bình thường, cần thiết cho sự phát triển khỏe mạnh của bé.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 34 tháng tuổi: Chú ý đến cân nặng

Bác sĩ nhi khoa sẽ theo dõi quá trình tăng trưởng và cho bạn biết chỉ số chiều cao và cân nặng của trẻ so với mức trung bình của các bé 2 tuổi rưỡi khác.

Bé 2 tuổi rưỡi còn quá sớm để lo lắng về vấn đề dư mỡ hay cân nặng, dù nhìn trẻ khá mũm mĩm. Khi lớn lên, tham gia các hoạt động vui chơi sẽ giúp trẻ cải thiện điều này. Trẻ tròn trĩnh khi còn nhỏ không có nghĩa sẽ tròn trĩnh khi lớn lên. Khi trẻ lên ba, cơ thể của trẻ sẽ dài ra và bớt vẻ mũm mĩm khi mới sinh.

Tuy vậy, tỷ lệ trẻ béo phì ngày càng cao khiến cho chỉ số cân nặng tiêu chuẩn trở thành vấn đề khiến nhiều bậc cha mẹ quan tâm. Các bác sĩ nhi khoa ngày càng chủ động hơn trong việc xác định các dấu hiệu của trẻ nào có nguy cơ béo phì cao, từ đó có thể khuyến nghị ba mẹ theo dõi và điều chỉnh lối sinh hoạt phù hợp cho trẻ.

Lý do phổ biến khiến trẻ ở tuổi mẫu giáo thừa cân do trẻ được uống quá nhiều nước ép hoặc sữa. Bạn có thể hạn chế lượng sữa của trẻ thừa cân xuống khoảng 454ml/ngày và nước ép khoảng 15ml/ngày, tránh cho trẻ uống soda. Nên cho trẻ uống bằng ly và pha loãng nước ép ra.

Mặt khác, bạn không nên giới hạn chế độ ăn uống của bé 2 tuổi rưỡi mà không có sự tư vấn của bác sĩ. Các bé 2 tuổi rưỡi cần một chế độ dinh dưỡng phong phú, lành mạnh, đầy đủ chất để nuôi dưỡng bộ não đang phát triển và cơ thể của trẻ hiện tại cũng như sau này.

Bé 2 tuổi rưỡi: Chú ý đến cân nặng ở 34 tháng
Từ khi bé còn nhỏ cho tới hết bậc tiểu học, ba mẹ nên chú ý nhiều tới biểu đồ tăng trưởng của bé

Cuộc sống của mẹ với bé 2 tuổi rưỡi
Có lẽ bạn không bao giờ muốn lâm vào tình huống “dở khóc dở cười” khi trẻ vô tình nhìn thấy cha mẹ đang ân ái. Mặc dù chuyện đó khá xấu hổ, nhưng cũng không phải vấn đề gì quá lớn lao. Vì nhiều khi ban đêm, trẻ có thể còn đang quá buồn ngủ và sẽ không chú ý nhiều đến điều “bất thường” đang xảy ra. Hãy cư xử tự nhiên.

Nếu trẻ có hỏi bạn đang làm gì, bạn chỉ cần trả lời đơn giản là: “bố mẹ đang ôm và thương nhau!”, sau đó hướng sự chú ý của trẻ đến một thứ khác như cho trẻ uống nước hoặc xoa lưng cho trẻ ngủ.

Cũng có khi những âm thanh không kiểm soát được trong cuộc vui, hoặc khi trẻ làm cho bạn giật mình, có vẻ “đáng sợ”. Nếu trẻ không vui, bạn chỉ cần tỏ ra ngạc nhiên khi thấy trẻ thức giấc và giúp trẻ ngủ trở lại

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Bé 33 tháng tuổi: Mọc những chiếc răng hàm cuối cùng

Bé 2 tuổi rưỡi mọc những chiếc răng hàm cuối cùng
Những chiếc răng sữa cuối cùng, cụ thể là bốn chiếc răng hàm dưới, còn gọi là răng cối sữa, thường mọc lên khi bé được 20 đến 33 tháng tuổi. Tuy vậy, một số trẻ vẫn còn mọc răng cho đến lúc 3 tuổi.

Mọc răng hàm thường rất đau vì chúng có kích thước lớn, đôi khi còn kèm theo sốt nhẹ và có thể làm bé thức giấc vào ban đêm. Tuy nhiên, thật may là cơn đau chỉ kéo dài một hoặc hai ngày cho mỗi chiếc răng.

Bạn có thể cho bé ngậm một món đồ chơi, nút tay hoặc ngậm một chiếc khăn lạnh, đã bỏ trong tủ đá, hoặc khăn ấm cho đến khi cơn đau qua đi. Nhiều bác sĩ phản đối việc cho bé 2 tuổi rưỡi dùng kem bôi nướu vì chúng làm cho trẻ mút hoặc ngậm nướu răng quá lâu dẫn đến đau nướu răng, vì thế nếu bạn muốn dùng kem cho bé 2 tuổi rưỡi, nên hỏi ý kiến của bác sĩ nha khoa hoặc bác sĩ nhi.

Bé 2 tuổi rưỡi: Mọc những chiếc răng hàm cuối cùng ở 33 tháng
Ba mẹ nên tập cho bé thói quen đánh răng từ nhỏ

Làm gì khi bé 2 tuổi rưỡi tè dầm?
Việc bé tè dầm ban đêm sẽ làm gián đoạn giấc ngủ của bé và của cả bạn nữa. Thật khó để xác định lý do khiến bé tè dầm nhưng hiện tượng này khá phổ biến và thường xuất hiện, nhất là ở các bé trai hoặc những bé vừa mới học ngồi bô. Nguyên nhân có thể là do bé ngủ quá sâu và không thức dậy kịp hoặc bàng quang và hệ thần kinh trung ương của bé 2 tuổi rưỡi còn chưa phát triển hoàn thiện. Có thể bạn chưa biết điều này: tè dầm còn mang tính di truyền nữa đấy.

Ba mẹ không nên la mắng hay chọc quê khi bé tè dầm. Bạn có thể cho bé uống ít nước sau khi ăn tối để xem tình trạng có cải thiện hơn không. Tuy nhiên, cách tốt nhất là cho bé mang tã đến khi bé hết hẳn tè dầm và nhớ lót một miếng chống thấm ở chỗ ngủ của bé. Bạn nên để sẵn một bộ đồ ngủ và một tấm trải nệm khác ngay gần chỗ bé để có thể nhanh chóng dọn dẹp chỗ ngủ cho bé mà không làm mất giấc ngủ của bé và của bạn.

Nhưng bạn đừng quá lo lắng, tình trạng tè dầm ban đêm thường tự hết khi bé được 5 hoặc 6 tuổi.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Bé 33 tháng tuổi: Dạy bé tập đếm

“Một, hai, ba!”
Khi bé 2 tuổi rưỡi, khả năng đếm sẽ dần hình thành dù mới chỉ ở những bước khởi đầu. Trước tiên, bé có khả năng phân biệt giữa một và nhiều hơn một, mặc dù bé vẫn chưa thể phân biệt được số lượng cụ thể. Trước khi được hai tuổi, bé có thể đếm được đến hai và khi bé được ba tuổi, bé có thể đếm đến ba. Tuy nhiên, bé có thể bắt chước các anh chị lớn và đếm được tới 10 nhưng thật ra bé vẫn chưa thể hiểu và phân biệt được số lượng mà bé đang đếm.

Cách tốt nhất để chuẩn bị cho con học toán sau này không phải là hướng dẫn bé cách tính toán mà là cho bé biết khái niệm về những con số. Cũng tương tự như việc đọc sách nhiều là nền tảng để phát triển kỹ năng đọc sau này, khái niệm về những con số giúp bé nhận biết những ký hiệu nhất định trên trang giấy có một ý nghĩa nào đó. Việc đếm bước chân hay những khối gỗ khi đang chơi xếp gạch là một cách hay để cho bé 2 tuổi rưỡi làm quen với số học.

Bé 2 tuổi rưỡi: Dạy bé tập đếm ở 33 tháng
Các bé 2 tuổi rưỡi đã có thể làm quen với việc tập đếm nhưng đừng thúc ép bé quá nhé

Làm gì khi bé 2 tuổi rưỡi từ chối cử chỉ yêu thương?
Bạn yêu bé biết chừng nào, tại sao bé lại lảng tránh khi bạn muốn ôm và hôn bé? Lý do là những bé con năng động không thích ngồi yên để được ôm ấp, trừ khi lúc đó bé đã chơi mệt. Đối với một số bé, thoát ra khỏi vòng tay đang cố ôm lấy bé còn là một cách thể hiện sự độc lập. Vì vậy, ba mẹ không nên cảm thấy như mình đang bị từ chối và cũng đừng ép buộc bé. Nhớ là khi cần an ủi, bé vẫn sẽ chạy đến chỗ bạn. Ngay cả trong trường hợp bé từ chối, bạn vẫn có thể chạy theo bé như đang chơi trò rượt đuổi và ôm chầm lấy bé.

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh: Bé 1 tháng tuổi

Mẹ cần lưu tâm vấn đề sức khỏe nào của bé giai đoạn 1 tháng tuổi?
Trong lần khám sức khỏe định kỳ cho bé 1 tháng tuổi, bác sĩ có thể quan tâm đến những vấn đề sau:

  • Cân nặng và số đo của bé để chắc chắn rằng bé đang phát triển bình thường, khỏe mạnh
  • Kiểm tra nhịp tim và nhịp thở của bé
  • Kiểm tra mắt và tai của bé
  • Số đo kích cỡ đầu của bé để đánh dấu sự phát triển của não bé
  • Kiểm tra xem dây rốn đã teo rụng và cuống rốn có đang lành dần? Nếu là bé trai và bé đã được cắt bao quy đầu, bác sĩ cũng sẽ khám bộ phận sinh dục của bé
  • Chích ngừa viêm gan B mũi 2 cho bé
  • Cho trẻ đang bú mẹ uống vitamin D. Trẻ uống từ 17 đến 32 giọt mỗi ngày là đủ lượng vitamin D cần thiết cho trẻ.
  • Đề cập đến bất kỳ vấn đề gì liên quan đến sức khỏe mà mẹ bé đã ghi chú
  • Mang lại nhận thức về sự phát triển của bé, việc cho ăn và việc ngủ
Khám sức khỏe định kỳ cho trẻ sơ sinh: Bé 1 tháng tuổi
Khi bé 1 tháng tuổi sẽ là lần khám sức khỏe định kỳ đầu tiên của bé

Chuẩn bị cho những câu hỏi của bác sĩ trước khi khám sức khỏe định kỳ:

  • Giấc ngủ của bé? Giấc ngủ thất thường là biểu hiện phổ biến của các bé 1 tháng tuổi. Hầu hết trẻ sẽ ngủ các giấc ngắt quãng từ 2 đến 3 tiếng trong ngày với tổng số giờ khoảng 15 tiếng. Cho đến giờ, thời kỳ trẻ có thể ngủ dài hơn những thời kỳ khác. Đó là bước đầu để đến với một đêm trọn cho bé và bạn.
  • Bé ngủ với tư thế nào? Để hạn chế nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh (SIDS), đặt bé nằm ngửa khi ngủ.
  • Bé ăn khi nào? Ăn thế nào? Thường ăn gì? Hầu hết bé 1 tháng tuổi cứ cách 2 đến 3 tiếng lại ăn 1 lần. Bác sĩ hỏi những câu hỏi này để xác định xem bé có bú đủ để phát triển khỏe mạnh không và để hiểu nếu bạn có bất cứ vấn đề gì liên quan đến việc cho bé ăn.
  • Vấn đề tiêu hóa của bé như thế nào? Phân mềm là tốt nhất, nhưng màu phân có thể biến đổi. Phân nhão hay phân vón cục là dấu hiệu của thiếu nước hoặc dấu hiệu của táo bón. Nói với bác sĩ nếu bạn lưu ý điều này.
  • Bé có thức lâu? Không có kết luận chính xác nào về thời gian thức, nhưng quan sát từ các bé cho thấy thời kỳ thức lâu hơn là dấu hiệu cho thấy con bạn đang phát triển bình thường.
  • Bé có hay “ọ ẹ” khi thoải mái và tỉnh táo? Vẫn còn vài tháng trước khi bé cất tiếng nói đầu đời, những âm thanh hạnh phúc và đáng yêu của bé sẽ là bước khởi đầu.
  • Bạn có lưu ý bất kỳ điểm bất thường nào về mắt hay cách nhìn của bé không? Bác sĩ có thể sẽ kiểm tra cấu trúc, sự liên kết của mắt và khả năng dịch chuyển đúng của mắt trẻ.
  • Bé có hay gắt hơn vào cuối ngày? Đây là biểu hiện thường thấy ở bé 1 tháng tuổi, đặc biệt vào khoảng từ 6h tối đến đêm. Khi bắt đầu thức lâu hơn trong ngày, bé sẽ mệt và dễ cáu kỉnh, gắt ngủ vào buổi tối.
  • Cho bé tập nằm sấp mỗi sáng? Bắt đầu ngay từ ngày đầu sau sinh khi bé thức giấc vào buổi sáng, tất nhiên với sự canh chừng của mẹ. Thời gian nằm sấp sẽ trợ giúp bé yêu trong quá trình học lẫy, lật và thậm chí biết bò nhanh hơn. Điều này cũng giúp tránh cho đầu và gáy của bé bị bè ra.
  • Bé có nhỏm đầu dậy khi nằm sấp? Kiểm soát cử động đầu là một trong những mốc phát triển quan trọng của bé 1 tháng tuổi. Nếu con bạn không thể giữ vững đầu của bé trong thời gian ngắn, lưu ý với bác sĩ.

Bạn có thể tải mẫu câu hỏi tại đây

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

6 cách kiểm soát cảm giác thèm ăn vặt khi mang thai

Nếu sự thèm ngọt và chất béo của bạn khi mang thai quá mãnh liệt, cứ tự nhiên mà thưởng thức ở mức vừa phải. Nghĩ về em bé đang lớn lên trong bụng và những dưỡng chất mà bé cần. Vì bé, bạn cần cố gắng kiềm chế sự thèm ăn của mình. Nếu bạn bị tiểu đường loại 1 hay loại 2 trong khi mang thai, nên theo chế độ ăn kiêng của bác sĩ.

Dưới đây là 6 cách để kiểm soát cảm giác thèm ăn vặt khi mang thai

Ăn sáng mỗi ngày: Nếu bắt đầu bằng một ngày đầy đủ chất dinh dưỡng, bạn sẽ ít ăn vặt vào giữa buổi sáng. Sự kết hợp tuyệt vời đó là một quả trứng luộc, một quả cam, nửa cái bánh muffin và một ly sữa ít chất béo.

6 cách kiểm soát cảm giác thèm ăn vặt khi mang thai
Thói quen ăn uống lành mạnh khi mang thai không chỉ tốt cho giai đoạn này mà cho cả sau khi sinh bé nữa đấy

Tập thể dục thường xuyên: Tích cực hoạt động khi mang thai là cách để kiềm chế cơn đói và đánh lạc hướng bạn khỏi cơn thèm ăn. Tập thể dục thường xuyên như đi bộ hàng ngày cũng là một cách giữ gìn phù hợp.

Tránh ăn vặt: Lên kế hoạch cho những món snack tốt cho sức khỏe, ăn khi bạn đi làm về hoặc trước khi tan sở. Nếu về nhà trong khi bụng đang đói mà không nghĩ được sẽ ăn món gì, bạn sẽ ăn những thứ mà mình không cần.

Tìm sự hỗ trợ tinh thần: Những thay đổi về hormone trong quá trình mang thai có thể làm bạn dễ bị xáo trộn tâm lý. Có thể bạn sẽ ăn trong khi thứ thật sự bạn cần là tìm một người để nói chuyện.

Thử những món ăn nhẹ: Thử một muỗng kem còn hơn dùng cả ly hoặc bạn chỉ nên ăn một góc chocolate thay vì ăn cả thanh chocolate.

Thay vì Thử
Kem Sữa chua đông lạnh không béo hay ít đường, kem ít chất béo, nước trái cây, kem chanh
Lon cola Nước khoáng với nước trái cây hay nước chanh ép
Bánh rán hay bánh mì ngọt Bánh mì ngũ cốc nướng hay ½ cái bánh vòng với kem phô mai dâu không béo
Bánh kem Bánh bông lan phủ dâu tươi hoặc các loại hạt
Chất ngọt, ngũ cốc ít chất xơ Ngũ cốc nguyên hạt với một chút đường nâu và quế, nho khô,…
Khoai tây chiên Khoai tây nướng hay lát bánh mì, bắp rang không bơ, hay bánh quy cây
Kem chua Kem chua không béo hay sữa chua không béo
Kem rưới sốt si-rô Trái cây tươi, chuối cắt lát, hay nước ép trái cây
Trái cây đóng hộp với si-rô đường Trái cây tươi hay trái cây đóng hộp hay đông lạnh không đường
Chocolate Ca cao nóng không béo hay sữa ít béo. Bạn có thể tự làm hỗn hợp với nho khô, trái cây khô, các loại hạt và một ít miếng chocolate
Bánh quy Bánh quy lạt, mặn, hay bánh quy ít đường khác không quá 3gr đường/bánh. Bạn có thể thêm một ít bơ đậu phộng nếu thích
Bánh phô mai hay các món kem tráng miệng khác Những lát bánh mì có chút bơ, vani ít béo, bánh gạo, hay một số kem phô mai ít béo và thoa một chút trái cây trên bánh quy mặn
Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Dinh dưỡng khi mang thai: “Ăn cho hai người”

Khi mang thai có nên ăn nhiều gấp đôi bình thường?

Thỉnh thoảng bạn có thể không cầm lòng được và ăn nhiều gấp đôi bình thường, tuy vậy đó không phải là điều bác sĩ yêu cầu.

Cơ thể bạn trở nên hiệu quả hơn khi mang thai và có thể hấp thu nhiều dưỡng chất hơn khi ăn. Vì vậy, tiêu thụ lượng thức ăn gấp đôi cũng không nhân đôi xác suất sinh ra một em bé khỏe mạnh mà còn dễ khiến bạn thừa cân, dẫn đến nguy cơ về các biến chứng trong thai kỳ.

Nếu bạn có cân nặng hợp lý, không cần bổ sung thêm calorie trong ba tháng đầu của thai kỳ. Bạn nên bổ sung thêm 300 calories mỗi ngày trong ba tháng tiếp theo và 450 calories trong ba tháng cuối. Nếu bạn đang thừa cân hoặc thiếu cân, có thể tăng giảm lượng calorie bổ sung tùy theo thể trạng.

Chỉ cần vài ly sữa ít béo và một ít hạt hướng dương hay một cái sandwich kẹp cá ngừ mỗi ngày là đủ để bổ sung thêm calorie cho ba tháng cuối của thai kỳ.

Dinh dưỡng khi mang thai
Chế độ dinh dưỡng khi mang thai tốt không có nghĩa là ăn gấp đôi mà bạn cần ăn uống lành mạnh và hợp lý hơn

Hấp thu đủ dinh dưỡng khi mang thai mà không phải ăn thêm nhiều calorie

Sau đây là một số lời khuyên để tăng tối đa dinh dưỡng khi mang thai:

  • Lên kế hoạch ăn cho các bữa ăn chính và ăn vặt dựa trên yêu cầu dinh dưỡng khi mang thai.
  • Để đáp ứng đủ nhu cầu hàng ngày về chất đạm, calorie, carbohydrate, chất béo có lợi, các vitamin và chất khoáng thiết yếu, hãy ăn nhiều loại thức ăn. Thậm chí trong cùng nhóm thức ăn (như rau củ) cũng phải chọn các loại có màu sắc, tính chất khác nhau.
  • Cố gắng ăn thật ít các loại thức ăn phụ chứa nhiều calorie nhưng lại ít dưỡng chất như nước uống có đường, thức ăn chiên xào, thức ăn chứa nhiều đường và chất béo. Chọn các loại thức ăn và đồ ăn vặt có nhiều dưỡng chất và ít calorie.
  • Bổ sung vài loại thực phẩm giàu dinh dưỡng như sữa chua, trứng luộc, hoa quả tươi vào thực đơn hàng ngày là một cách hiệu quả để cung cấp calorie có lợi cho sức khỏe.
  • Chọn các loại thức ăn ở trạng thái tự nhiên nhất có thể. Chẳng hạn, ăn bánh mì làm từ ngũ cốc nguyên hạt hoặc gạo lứt thay vì bánh mì trắng hoặc gạo trắng, ăn trái cây tươi hoặc đông lạnh thay vì trái cây đóng hộp.
  • Mỡ, dầu và chất ngọt không được ăn chung. Nhớ chọn các loại chất béo có lợi cho sức khỏe.

Thức ăn được phân chia giữa mẹ và con như thế nào?

Các bác sĩ vẫn chưa thể xác định chính xác cách mà bạn và thai nhi phân chia dưỡng chất. Dinh dưỡng cho bé được lấy từ chế độ ăn uống của bạn cùng với các chất dinh dưỡng hiện đang được lưu giữ trong xương và mô của bạn.

Trước đây, người ta cho rằng bào thai đang phát triển là một “vật ký sinh hoàn hảo”. Nghĩa là nó lấy tất cả chất dinh dưỡng cần thiết cho bản thân từ người mẹ cho dù người mẹ ăn gì cũng không quan trọng. Theo quan niệm này, nếu chế độ ăn uống của bạn thiếu một vi chất nào đó như canxi chẳng hạn,  bào thai sẽ không bị ảnh hưởng vì nó có thể lấy canxi dự trữ từ xương và răng của mẹ.

Ngày nay các chuyên gia tin rằng nếu chế độ dinh dưỡng khi mang thai không đầy đủ, em bé sẽ bị ảnh hưởng. Thiếu dưỡng chất trong thai kỳ được cho là có ảnh hưởng suốt đời đối với sức khỏe của bé.

Tóm lại: Sức khỏe của bé có liên quan trực tiếp tới những gì bạn ăn trước và trong thai kỳ. Vì vậy chế độ dinh dưỡng khi mang thai rất quan trọng. Khi cơn thèm ăn chiếm lĩnh bạn, hãy nhớ rằng bạn đang ăn cho một em bé chứ không phải một người trưởng thành. Hãy chọn chất lượng thay vì số lượng!

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Bé 3 tuổi rưỡi: Làm gì khi bé cáu giận?

Làm gì khi bé 3 tuổi rưỡi cáu giận?
Bé giờ đã 3 tuổi nhưng đôi lúc vẫn còn những cơn cáu giận. Thậm chí ngay cả khi bé lớn hơn, lúc buồn chán bé vẫn tồn tại những cảm xúc nguyên sơ như hồi còn là một đứa trẻ mới chập chững. Chắc chắn không có gì bất thường khi trẻ thỉnh thoảng giận dỗi như vậy cả.

Khi con bạn đang trong trạng thái cáu giận, đừng cố tìm hiểu nguyên nhân, không có ngôn ngữ nào lúc này có thể giải thích rõ được cả.

Nên giữ bình tĩnh, thậm chí là “để cho bé yên”. Những tiếng la mắng hoặc cơn thịnh nộ của bạn chỉ khiến tình hình trở nên xấu hơn. Nếu có thể, bạn nên mặc kệ bé. Nếu bạn ở nơi công cộng, cố di chuyển bé đến một nơi riêng tư hơn, ít bị dòm ngó hơn.

Có nhiều cách khác nhau để giải quyết cơn giận của trẻ lên ba, điều quan trọng là nếu bạn cứ chiều theo ý bé và tự nhủ: “Chỉ lần này thôi”, sự cáu giận của bé rất có thể sẽ trở thành thói quen. Đây có lẽ không phải là điều mà bạn muốn dạy dỗ bé.

Một phương pháp ngăn chặn hiệu quả việc này là khen thưởng khi con bạn kiểm soát được sự chán nản hay thất vọng như một đứa trẻ biết suy nghĩ.

Bé 3 tuổi rưỡi: Làm gì khi bé cáu giận?
Với các bé 3 tuổi trở lên, cơn cáu giận bất thường sẽ ít xuất hiện hơn trước

Để bé tiếp thu tốt hơn
Cùng đọc sách với con để bé có thể tiếp thu tốt hơn. Bạn cũng không cảm thấy chán khi phải tự mình đọc đi đọc lại hàng trăm lần cùng một câu chuyện.

Nên đặt những câu hỏi về hình ảnh để phát triển kỹ năng phân biệt số lượng và màu sắc của trẻ và để trẻ đoán xem điều gì sẽ xảy ra ở trang tiếp theo. Bạn cũng có thể thay thế tên nhân vật chính là tên của bé trong khi đọc và kể chuyện để bé cảm thấy thích thú và dễ ghi nhớ hơn.

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

Bé 3 tuổi rưỡi: Vượt qua nỗi sợ hãi

Giúp con vượt qua nỗi sợ hãi
Nỗi sợ trước giờ đi ngủ thường xảy ra đối với trẻ ở độ tuổi mẫu giáo. Các bé 3 tuổi rưỡi có thể sợ sệt bất kỳ thứ gì từ những âm thanh lớn đến ý nghĩ sẽ bị ba mẹ bỏ rơi. Khi trẻ trở nên độc lập hơn và có thể rời mắt khỏi bạn, trẻ cũng nhận ra rằng bạn có thể rời xa chúng.

Ba mẹ cần phải tập dần dần để trẻ có thể quen với việc này. Ba mẹ muốn vỗ về bé, nhưng cũng muốn bé tự vượt qua nỗi sợ hãi.

Bé 3 tuổi rưỡi: Vượt qua nỗi sợ hãi
Muốn giúp bé vượt qua nỗi sợ hãi, bạn cần tôn trọng nỗi sợ của bé

Việc vượt qua nỗi sợ hãi hoàn toàn phụ thuộc vào tính cách của trẻ
Một số trẻ có thể được trấn an nếu bạn kiểm tra dưới gầm giường của bé xem có “quái vật” hay những con vật có vòi phun “nộc độc” không.

Nếu cách trên không hiệu quả, thử nói chuyện thẳng thắn về nỗi sợ của bé: “Mẹ biết rằng một căn phòng tối rất đáng sợ. Ngày xưa khi bằng tuổi con bây giờ, mẹ cũng cảm thấy như vậy”. Đề nghị một giải pháp thiết thực như bật đèn ngủ hoặc ở bên cạnh chờ cho đến khi bé bớt sợ và đi vào giấc ngủ.

Một số điều nên tránh khi giúp bé 3 tuổi rưỡi vượt qua nỗi sợ hãi

  • Đừng cố giảm nỗi sợ hãi của con bằng cách thẳng thừng tuyên bố rằng: “Không có điều gì như vậy đâu” hay: “Không có gì đáng phải sợ hãi cả”. Đối với trẻ nhỏ, những con quái vật là có thực, việc của bạn là giúp đối phó, trấn an bản thân bé và chắc chắn rằng bé cảm thấy thoải mái khi tâm sự với bạn.
  • Không đe dọa quái vật sẽ bắt trẻ nếu trẻ không làm theo ý bạn.
  • Đừng quá ép buộc trẻ phải đối mặt với nỗi sợ hãi. Trẻ không được trang bị để sẵn sàng làm điều đó ở độ tuổi này.
  • Đừng nói với một đứa bé 3 tuổi rưỡi rằng: “Con đã lớn rồi không nên sợ hãi nữa” vì điều này không hề làm tan biến nỗi sợ hãi. Nó chỉ tạo thêm áp lực và khiến trẻ cảm thấy khó khăn hơn để tâm sự với bạn.

Làm gì khi bé 3 tuổi rưỡi cáu gắt?
Khi bé 3 tuổi rưỡi trở nên cáu gắt, đừng cho rằng bé đang bị mệt. Đối với trẻ mẫu giáo, cáu gắt thường rơi vào ba nguyên nhân phổ biến sau: đói, bệnh, thất vọng khi không làm được điều gì đó và thấy buồn vì sự kỳ vọng quá cao của bạn.

Giải pháp tốt nhất là không phản ứng gì cả, nên cho trẻ thời gian để hạ hỏa, nếu cần phải hành động hãy ôm và vỗ vào lưng trẻ.