Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Những loại thuốc bà bầu không được uống: lưu ý cho mẹ bầu

Trong thời gian mang thai, bất kỳ thuốc gì mẹ dùng đều khiến thai nhi có thể bị tác động. Mặc dù việc tránh dùng thuốc khi mang thai có thể là cần thiết, điều này thường khó được thực hiện và có thể nguy hiểm. Bởi vì một số mẹ bầu có các tình trạng bệnh lý cần điều trị liên tục và theo đợt (ví dụ như hen suyễn, động kinh, tăng huyết áp). Ngoài ra trong thời kỳ mang thai, mẹ có thể gặp phải một số triệu chứng, bệnh lý và các vấn đề sức khỏe cũ có thể trầm trọng hơn (ví dụ như đau nửa đầu) đòi hỏi cần điều trị bằng thuốc.

Để điều trị các triệu chứng hoặc bệnh trong thời gian mang thai phải dùng thuốc với sự hướng dẫn của bác sĩ. Việc tự ý sử dụng thuốc sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của mẹ và bé. Bài viết dưới đây sẽ chia sẻ cho mẹ biết danh sách những loại thuốc bà bầu không được uống, mẹ nhớ đọc kỹ nhé.

Những loại thuốc bà bầu không được uống: Một số thuốc giảm đau hạ sốt

Ibuprofen – Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai

Đứng đầu trong danh sách những loại thuốc bà bầu không được uống là ibuprofen. Đây là loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt, chống viêm, ngoài ra còn có tác dụng chống tập kết tiểu cầu. Ibuprofen nằm trong nhóm thuốc không dùng cho phụ nữ có thai.

Đặc biệt ở phụ nữ mang thai giai đoạn cuối của thai kỳ, sử dụng Ibuprofen có thể gây biến chứng cho tim thai. Cụ thể là tình trạng đóng sớm ống động mạch, gây biến chứng cho tim, phổi. Nguy hiểm hơn, sử dụng Ibuprofen có thể gây tử vong ở trẻ sơ sinh hoặc dị tật tim nguy hiểm.

Những loại thuốc giảm đau bà bầu không được uống: Aspirin

Aspirin thuộc nhóm thuốc kháng viêm không steroid (NSAIDs), có tác dụng hạ sốt, giảm đau. Thuốc asprin thường chỉ định điều trị cho các trường hợp cảm lạnh thông thường, nhức đầu. Tác dụng tốt cho những cơn đau nhẹ đến đau vừa.

Tuy nhiên, loại này cũng thuộc danh mục thuốc không dùng cho phụ nữ có thai. Bởi vì, ở giai đoạn đầu thai kỳ, sử dụng aspirin liều cao có thể gây dị tật bẩm sinh và nguy cơ sảy thai. Mặt khác, nếu trong kỳ tam cá nguyệt thứ ba, mẹ bầu sử dụng aspirin liều cao quá mức cho phép sẽ có nguy cơ cao gặp phải tình trạng đóng ống động mạch sớm trong tim thai nhi.

Việc sử dụng aspirin liều cao kéo dài trong thời kỳ mang thai cũng có thể dẫn đến nguy cơ gây chảy máu não ở trẻ sinh non. Trong trường hợp bắt buộc phải sử dụng aspirin vào 3 tháng cuối của thai kỳ, mẹ bầu và thai nhi sẽ cần được theo dõi chặt chẽ để ngăn ngừa và xử lý kịp thời những rủi ro sức khỏe do thuốc gây ra. Nói tóm lại, aspirin là một trong những loại thuốc bà bầu không được uống.

Ngoài ra, một điểm cần được nhấn mạnh riêng với Aspirin. Aspirin ngoài được chỉ định nhằm mục đích hạ sốt, giảm đau thì còn một mục đích khác được đề cập đến và chiếm nhiều hơn, đó là: “Sử dụng aspirin để dự phòng tiền sản giật cho những thai phụ có nguy cơ cao mắc tiền sản giật, sử dụng duy trì trước 16 tuần cho tới 36 tuần thai kỳ “. Việc sử dụng aspirin trong trường hợp này là hoàn toàn đúng và liều aspirin được sử dụng là aspirin liều thấp theo chỉ định của bác sĩ sản khoa. Chính vì vậy các mẹ bầu có thể hoàn toàn yên tâm và sử dụng aspirin dự phòng nếu bản thân là người có nguy cơ cao mắc tiền sản giật và đã có sự chỉ định, theo dõi của bác sĩ. 

Thuốc giảm đau Naproxen – Loại thuốc gây sảy thai

Những loại thuốc bà bầu không được uống là gì? Đó là naproxen. Đây là thuốc giảm đau quen thuộc, thường dùng cho các trường hợp viêm gân, đau nhức cơ bắp, nhức đầu, đau bụng kinh, đau răng,… Là loại thuốc điều trị kháng viêm không steroid, naproxen dù vậy thuộc nhóm thuốc chống chỉ định cho phụ nữ có thai.

Vì sao mẹ bầu được khuyến cáo không nên sử dụng thuốc này? Vì thành phần của naproxen khiến thuốc này thuộc top những loại thuốc gây sảy thai với nguy cơ cao nếu dùng trong những tháng đầu thai kỳ. Đồng thời, việc sử dụng naproxen ở những tháng cuối gây giảm lưu thông máu đến bào thai, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

những loại thuốc bà bầu không được uống
Những loại thuốc bà bầu không được uống là gì? Mẹ hãy xem kỹ trong bài viết này nhé.

Những loại thuốc bà bầu không được uống hay bôi lên da: Thuốc trị mụn

Isotretinoin – Thuốc gây dị tật thai nhi

Là thuốc trị mụn thường được bác sĩ kê đơn nhằm điều trị mụn trứng cá. Tuy nhiên Isotretinoin gây dị tật cho thai nhi nghiêm trọng (trên 30%) nên đây là một trong những loại thuốc bà bầu không được uống. Cơ quan quản lý dược phẩm Pháp năm 2020 đặc biệt nhấn mạnh, phụ nữ đang mang thai hoặc có ý định mang thai không nên dùng loại thuốc này. Nguyên tắc an toàn khi dùng thuốc cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cũng được cơ quan này khuyến cáo bao gồm:

  • Nên tránh thai ít nhất 1 tháng trước khi điều trị, và tiếp tục tránh thai trong 1 tháng sau khi kết thúc điều trị (vì thuốc vẫn còn tồn tại trong máu)
  • Cần tiến hành thử thai trước khi điều trị cũng như khi cấp phát thuốc hàng tháng và sau khi ngừng điều trị 1 tháng.
  • Nếu lỡ có thai trong khi đang sử dụng isotretinoin, ngừng sử dụng và hỏi ý kiến bác sĩ càng sớm càng tốt.

Retinol – Thuốc chống chỉ định cho phụ nữ có thai

Retinol là chất đứng đầu danh sách những loại mỹ phẩm bà bầu nên tránh xa. Hậu quả gây dị tật thai nhi do có liên quan đến việc hấp thụ quá nhiều vitamin A. Các dị dạng thai nhi có thể xảy ra ở phần đầu, tim, cột sống và não.

Vì vậy, nhiều cơ quan y tế trên thế giới, trong đó có Bộ Y tế Việt Nam, khẳng định retinol thuộc nhóm những loại thuốc bà bầu không được uống hoặc bôi lên da khi có thai.

Khi mang thai, nếu dùng mỹ phẩm, mẹ bầu nên lưu ý đến các thành phần cần tránh trong mỹ phẩm để sử dụng an toàn cho mẹ và bé.

Những loại thuốc bà bầu không được uống
Mẹ cần cân nhắc dùng thuốc trị mụn khi mang thai vì một số hoạt chất gây dị tật thai nhi, sảy thai, là một trong những loại thuốc bà bầu không được uống.

Những loại thuốc trị trầm cảm bà bầu không được uống

Lexapro (escitalopram)

Thuộc một nhóm các chất ức chế tái hấp thu serotonin có chọn lọc (SSRIs). Serotonin có ảnh hưởng đến tâm trạng, giúp giảm trầm cảm. Do đó, lexapro được sử dụng để điều trị chứng lo âu, rối loạn trầm cảm và các rối loạn thần kinh khác.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu cho thấy lexapro thực sự có thể gây ra các bệnh về tim, tật nứt đốt sống, chân quẹo, sinh non và tăng nguy cơ sảy thai. Khuyến cáo của chuyên gia, đây là một trong những loại thuốc bà bầu không được uống.

Thuốc chống trầm cảm – Lithium

Một trong những loại thuốc chống trầm cảm khác mà là thuốc chống chỉ định cho phụ nữ có thai chính là lithium.

Lý do là vì, thuốc này gây dị tật bẩm sinh (chủ yếu là tim), hôn mê, giảm trương lực cơ, kém hoạt động của tuyến giáp và đái tháo nhạt do thận ở trẻ sơ sinh. Dị tật của ebstein (dị dạng van ba lá) đã được báo cáo ở một số thai nhi tiếp xúc với thuốc này.

Thuốc ngủ là một trong những loại thuốc bà bầu không được uống

Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khẳng định: Không có một loại thuốc ngủ nào hoàn toàn an toàn cho phụ nữ mang thai.

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng sử dụng thuốc an thần, dạng như thuốc ngủ, thường xuyên có thể làm giảm chỉ số thông minh của bé và ảnh hưởng đến quá trình chuyển hóa bilirubin của trẻ sau khi sinh, dẫn đến vàng da hoặc thậm chí gây tổn thương não.

[inline_article id= 246520]

Những loại thuốc kháng sinh bà bầu không được uống

Những loại thuốc bà bầu không được uống trong nhóm kháng sinh là gì? Phụ nữ mang thai không may bị nhiễm trùng sẽ cần điều trị với kháng sinh. Việc thăm khám với bác sĩ để được kê thuốc kháng sinh an toàn với mẹ bầu là cần thiết. Các yếu tố như tuổi thai, loại kháng sinh, thời gian sử dụng thuốc, liều lượng, tình trạng sức khỏe sẽ được bác sĩ lưu ý và tham vấn cho mẹ bầu.

Theo FDA Hoa Kỳ, những loại thuốc không dùng cho phụ nữ có thai trong nhóm kháng sinh là:

  • Thuốc kháng sinh sulfa kết hợp với kháng sinh trimethoprim.

  • Thuốc kháng sinh tetracycline không nên sử dụng sau tuần thai thứ 15.

  • Kháng sinh levofloxacinciprofloxacin ảnh hưởng đến sự phát triển xương và cơ bắp của thai.

  • Kháng sinh fluoroquinolones gây nguy cơ rách hoặc vỡ động mạch chủ, tăng nguy cơ sảy thai.

  • Cloramphenicol gây hội chứng xám ở trẻ sơ sinh. Hội chứng xám ở trẻ sơ sinh gây ra hạ thân nhiệt, tím da, nhão cơ và suy tuần hoàn, thường gây tử vong cho thai nhi.

Những loại thuốc bà bầu không được uống: một số thuốc kháng virus

Ribavirin

Ribavirin là một loại thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị nhiễm RSV (virus hợp bào hô hấp), viêm gan C và sốt xuất huyết.

Mặt khác, ribavirin là một trong những loại thuốc bà bầu không được uống hoặc phải ngưng sử dụng thuốc cách 6 tháng trước khi mang thai. Lý do là vì thuốc này có thể được hấp thụ qua da và phổi có thể gây hại cho thai nhi.

Molnupiravir – Thuốc không dùng cho phụ nữ có thai

Molnupiravir là một trong những loại thuốc kháng virus mà bà bầu không được uống. Nó được sử dụng để điều trị nhiễm virus SARS-CoV-2. Tuy không sẵn có dữ liệu trên người nhưng dựa trên những phát hiện từ các nghiên cứu về sinh sản ở động vật, Molnupiravir được nhận định có nguy cơ gây hại cho bào thai.

Những loại thuốc lợi tiểu bà bầu không được uống

Khi mang thai, phụ nữ thường hay phải chịu phiền toái như việc bàn chân và bàn tay bị phù lên do cơ thể tích nước, việc di chuyển và sinh hoạt của bà bầu cũng gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, một số bà bầu sẽ nghĩ rằng, việc sử dụng thuốc lợi tiểu sẽ giúp làm giảm tình trạng phù nề cơ thể. Thực ra đây là quan niệm sai lầm và vô cùng nguy hiểm.

Các thuốc lợi tiểu như: Lorothiazid, hydrochlorothiazide, furosemide, acid ethacrynic, bumetanide… thường có tác dụng lợi tiểu rất mạnh và làm mất natri nhanh. Dùng thuốc lợi tiểu không chỉ làm giảm lưu lượng máu tới tử cung mà nó còn tác động tới sự tăng trưởng của thai nhi. Nếu cơ thể bị mất quá nhiều nước, mẹ bầu có thể gặp các biến chứng nguy hiểm như buồn nôn, đau đầu và chóng mặt. Những loại thuốc bà bầu không được uống vì thế bao gồm các thuốc lợi tiểu trong danh sách này.

những loại thuốc bà bầu không được uống 3
Những loại thuốc bà bầu không được uống bao gồm một số thuốc an thần, kháng sinh, kháng virus, trị bệnh tiêu hóa, trị mụn…

Thuốc trị đau nửa đầu chống chỉ định cho phụ nữ có thai

Cùng với sự ảnh hưởng của nhiều yếu tố, không ít phụ nữ mang thai bị đau nửa đầu. Khi chứng đau nửa đầu nặng hơn, cần phải dùng đến các thuốc tác dụng mạnh hơn.

Mặc dù vậy, các thuốc chống đau nửa đầu thường chống chỉ định với phụ nữ mang thai vì thuộc nhóm những loại thuốc gây sảy thai. Thuốc có thể gây ra những cơn co bóp tử cung dễ dẫn đến sảy thai, mất thai.

Trong nhóm này, thuốc điều trị cắt cơn Ergotamin tartrat là ví dụ điển hình. Nó làm tăng nguy cơ sinh non và trẻ thiếu cân. Ngoài ra, thuốc này còn có chứa những thành phần tác động tới hệ thần kinh là loại thuốc mà bà bầu không được uống.

Những loại thuốc bà bầu không được uống: Thuốc chống động kinh

Những loại thuốc chống động kinh dưới đây được khuyến cáo là thuốc không được dùng cho phụ nữ có thai:

  • Valproat có liên quan rõ ràng với sự kém phát triển nhận thức và tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ hay rối loạn phổ tự kỷ ở thai nhi.
  • Carbamazepin, Lamotrigin, Levetiracetam và Phenytoin có tỉ lệ gây dị tật thai nhi nghiêm trọng thấp nhất. Nhưng các thuốc này vẫn có những mối liên quan nhất định với một số dị tật bẩm sinh. Tốt nhất mẹ nên tránh dùng.
  • Oxcarbazepin có liên quan đến chậm phát triển, dị tật bẩm sinh và thai chết lưu.
  • Topiramate có liên quan đến dị tật hở hàm ếch
  • Phenobarbital tăng nguy cơ gây quái thai.

Thuốc trị bệnh đường tiêu hóa

Pepto-Bismol là thuốc thường được dùng để giảm tiêu chảy và đau dạ dày. Tuy nhiên thuốc này lại thuộc danh sách thuốc không dùng cho phụ nữ có thai. Bởi vì, thành phần salicylate trong thuốc có thể gây hại đến thai nhi, đặc biệt trong 3 tháng cuối của thai kỳ.

Lưu ý với việc bổ sung vitamin

Ngoài việc nắm rõ danh sách những loại thuốc bà bầu không được uống thì bổ sung vitamin trong thai kỳ cũng luôn là điều mẹ nên cân nhắc. Việc thừa vitamin sẽ ảnh hưởng đến mẹ và bé. Cụ thể:

  • Thừa vitamin C ở tháng đầu thai kỳ khiến cản trở việc sản sinh ra hormone progesterone. Nồng độ progesterone thấp có thể dẫn tới tình trạng niêm mạc tử cung bị bong tróc gây chảy máu, dẫn tới sảy thai.
  • Thừa vitamin B1 thì mẹ bầu dễ mắc phải những triệu chứng như tim đập nhanh, hạ đường huyết, đau đầu.
  • Thừa sắt dễ gây buồn nôn, táo bón.

>>> Mẹ hãy xem thêm: Cách bổ sung vitamin cho bà bầu đúng và đủ theo từng giai đoạn thai kỳ

Một số loại thuốc được sử dụng trong thời kỳ mang thai có thể gây hại cho thai nhi là một trong những vấn đề nhức nhối trong điều trị y tế. Hi vọng bài viết đã cung cấp thông tin thiết yếu để mẹ bầu nắm được những loại thuốc bà bầu không được uống và từ đó cẩn trọng hơn trong việc dùng thuốc của mình. Nên nhớ hỏi lời khuyên hoặc chỉ định của bác sĩ chuyên khoa trước khi dùng bất cứ thuốc gì khi mang thai mẹ nhé.

By Khanh Lương

Tác giả Khanh Lương có nền tảng kiến thức từ việc tốt nghiệp khoa Dược - Đại học Nguyễn Tất Thành và từ đó "bén duyên" với việc viết lách. Cô chia sẻ việc mang đến các nội dung chăm sóc sức khỏe hữu ích, chính xác, dễ hiểu là việc cô yêu thích, cô hy vọng bạn đọc có thể tìm thấy những thông tin bổ ích cho việc chăm sóc bản thân và gia đình thông qua các bài viết mà cô truyền tải.