Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Suy dinh dưỡng

Làm gì khi con không hấp thu thức ăn?

Tại sao bé sụt cân dù ăn nhiều?
Chị Mai Khanh (Q.3) cho biết: “Bé nhà mình được 6 tháng tuổi, thời gian này bé biếng ăn quá, sợ con sụt ký nên lúc nào mình cũng chỉ lo chuyện ăn uống của con, riết mà muốn trầm cảm luôn”.

Chị Khanh chia sẻ: “Vì bé không chịu ăn nên mình phải cho con ăn mọi lúc mọi nơi, không chịu uống sữa thì mình tăng cường cho bé ăn cháo xay với thịt, tôm, cua,… cho đủ dưỡng chất. Thế mà cuối tháng đi cân vẫn sụt 3 lạng”.

Còn chị Thanh Thảo (Q.10) thì băn khoăn: “Nhóc nhà mình 8 tháng tuổi, ăn khỏe lắm, một ngày 3 bữa cháo, mỗi bữa chén rưỡi gần 2 chén. Ngoài ra thêm 5 bữa sữa, mỗi bữa cũng gần 200ml, rồi còn ăn phô-mai, váng sữa bổ sung, ấy thế mà hai tháng nay chẳng lên cân. Chả hiểu làm sao?”

Nguyên nhân
Theo bác sĩ Đào Yến Thủy – Trung tâm Dinh Dưỡng TP.HCM: “Đây là tình trạng trẻ không hấp thu thức ăn. Nguyên nhân là do sự tổn thương của ruột non, hoặc do trẻ còn nhỏ, chưa có đủ men tiêu hóa ở dạ dày, gan, mật, nhưng các bậc phụ huynh lại cho trẻ ăn quá nhiều, cả những chất khó tiêu. Vì thế, trẻ sẽ kém hấp thu thức ăn”.

Bác sĩ Thủy cho biết thêm: “Khi kém hấp thu thức ăn, trẻ sẽ dễ bị rối loạn tiêu hóa, có thể là đi phân sống, ăn nhiều nhưng vẫn gầy yếu. Hoặc dẫn đến tình trạng chướng bụng, đầy hơi và có thể biếng ăn hơn. Nếu tình trạng này kéo dài thì có thể gây ra tình trạng thiếu dinh dưỡng và thiếu máu ở trẻ”.

Bé sụt cân dù vẫn ăn ngon miệng?
Bé sụt cân dù vẫn ăn ngon miệng cho thấy khả năng hấp thu chất dinh dưỡng của bé đang gặp trục trặc

Cách xử lý
Cũng theo bác sĩ Đào Yến Thủy: “Các bậc phụ huynh khi có con trong tình trạng kém hấp thu thức ăn thì nên thay đổi khẩu phần ăn của trẻ, cần cho trẻ:

  • Ăn đủ số lượng cần thiết theo nhu cầu của trẻ, trẻ hoạt động nhiều mà ăn quá ít thì cũng không tăng cân. Vì vậy, cần cho trẻ ăn đủ số lượng theo nhu cầu của từng trẻ. Bên cạnh đó, cũng cần nhớ rằng, khả năng tiêu hóa, hấp thu thức ăn của từng trẻ khác nhau nên có thể sẽ đủ với trẻ này, nhưng lại thiếu so với trẻ kia. Nên gia giảm thức ăn để trẻ có sự tiêu hóa phù hợp.
  • Ăn đủ chất: Nếu chỉ ăn nhiều mà không đủ các chất đạm, béo… cần thiết thì trẻ cũng khó tăng cân. Nhưng nếu ăn quá nhiều thì trẻ cũng khó hấp thu hết.
  • Ăn đa dạng: Nếu chỉ ăn một loại thức ăn có thể sẽ làm cho cơ thể trẻ thiếu những chất khác từ những thức ăn khác và sẽ không có sự tăng trưởng toàn diện.
  • Ăn quá dư thừa: Ví dụ: với trẻ 6 tháng đang ở giai đoạn tập ăn dặm thì mỗi ngày chỉ nên ăn thêm ½ chén bột, còn chủ yếu vẫn là sữa. Còn trẻ 8 tháng thì chỉ nên ăn ngày 2 lần cháo, mỗi bữa ½ chén. Trong cháo có 1 muỗng canh thịt xay, 1 muỗng canh rau và 1 muỗng canh dầu ăn. Không nên ăn quá nhiều vì lúc này, trẻ chưa có đủ men tiêu hóa, dẫn dến việc trẻ không hấp thu được thức ăn”.

Đứng trước nỗi băn khoăn của nhiều phụ huynh khi cho rằng có nên mua thuốc cho trẻ uống để kích thích ăn uống cho bé, bác sĩ Đào Yến Thủy khuyên rằng: “Nếu muốn bổ sung men tiêu hóa cho trẻ để trẻ dễ hấp thu thức ăn thì chỉ nên cho trẻ ăn bổ sung thêm yaourt. Còn việc sử dụng thuốc thì chỉ sử dụng khi thật cần thiết và có sự kê đơn của bác sĩ”.

Hạ My

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Khám mắt cho trẻ sơ sinh (P.2)

Khi nào con bạn cần kiểm tra mắt ngay
Khi bé phát triển trong suốt năm đầu đời, mẹ cần lưu ý khi thấy các dấu hiệu có thể là vấn đề về mắt trẻ sơ sinh hay thị lực dưới đây:

  • Lé (lác, hiếng): Một hoặc mắt hướng về hoặc cách xa mũi, hoặc chỉ một mắt có chuyển động, hoặc hai mắt chuyển động có vẻ rất khác nhau.
  • Chứng giật cầu mắt (rung giật nhãn cầu): Mắt chuyển động “nhảy múa”, giật hoặc lượn sóng vẫn tiếp tục kéo dài sau khi bé được 3 tháng tuổi.

Bất kỳ thương tổn mắt hoặc thay đổi vật lý nào ở mắt của bé khiến mẹ cảm thấy lo lắng.

Một dấu hiệu nào đó cho thấy thị lực của bé phát triển không như bình thường.

Nếu mẹ phát hiện bất kỳ những dấu hiện trên, hãy hẹn bác sĩ khám mắt cho bé ngay nhé.

Ai kiểm tra mắt cho bé?
Bác sĩ của bé (bác sĩ nhi khoa hoặc bác sĩ riêng của gia đình nếu nhà bạn có điều kiện) sẽ kiểm tra mắt cơ bản và các vấn đề thị lực vào các lần thăm khám kiểm tra sức khỏe cho bé trong suốt năm đầu cuộc đời bé. Bác sĩ của bé sẽ điều trị các vấn đề mắt không nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm nhiễm.

Nếu bạn hoặc bác sĩ của bé có những quan ngại khác về thị lực của bé, bước kế tiếp là đưa bé đến gặp chuyên gia về mắt để kiểm tra và thăm khám kỹ lưỡng hơn.

Nếu bạn cần tìm chuyên gia về mắt cho bé, cách đơn giản là:

  • Nhờ bác sĩ nhi của bé giới thiệu.
  • Hỏi các thành viên trong gia đình hoặc bạn bè tên và số điện thoại của các bác sĩ chuyên khoa về mắt của con họ.
  • Liên hệ với cơ sở ý tế gần nhà để tìm bác sĩ nhãn khoa cho bé.
mắt trẻ sơ sinh
Thường xuyên khám mắt để đảm bảo mắt bé khỏe mạnh

Bé sẽ được kiểm tra mắt như thế nào?
Trước khi cho bé khám mắt, bạn hãy ghi ra sẵn những câu hỏi mà bạn muốn hỏi. Trong trường hợp bạn cần chờ gặp bác sĩ, hãy mang món đồ chơi yêu thích hoặc thứ gì khác mà bé nhà bạn có thể chơi trong yên lặng. Một món ăn nhẹ cũng được.

Mỗi đợt thăm khám cho bé thường gồm:
Tiền sử gia đình về các vấn đề mắt và thị lực.
Kiểm tra mi mắt và nhãn cầu bằng đèn pin: Hai đồng tử có cùng kích cỡ? Mi mắt có vững không, có bị rũ xuống hay không? Có bất kỳ dấu hiệu viêm nhiễm, bệnh tật, bị rách hay dị ứng nào không? Mắt, mi mắt và lông mi có bình thường không?

Kiểm tra chuyển động mắt (từng mắt một và cả hai mắt cùng lúc): Bé dõi theo một món đồ (thường là đồ chơi) được bác sĩ di chuyển như thế nào? Nếu cả hai mắt có phản xạ không giống nhau, rất có thể mắt bé có vấn đề.

Kiểm tra phản ứng ánh sáng: Bài kiểm tra này được thực hiện trong phòng tối để đồng tử của bé mở to ra, giúp bác sĩ nhìn tốt hơn bên trong mắt. Chuyên viên về mắt sẽ sử dụng kính soi đáy mắt (ophthalmoscope) hoặc kính soi màng lưới (retinoscope) để tìm phản xạ đỏ trong đôi mắt – mỗi mắt mỗi lần và sau đó là cả hai mắt cùng lúc. Một phản ứng bất thường có thể gợi ý đến các vấn đề như đục thủy tinh thể hay khối u mắt.

Mặc dù hầu hết các bác sĩ đều biết cách khám mắt cho bé và trẻ, nhưng bác sĩ khám cho bé có thể yêu cầu con bạn làm thêm các xét nghiệm, dù với mục đích là tìm hay không tìm các vấn đề về mắt và thị lực. Các chuyên gia có các quan điểm khác nhau trong việc kiểm tra và xét nghiệm thị lực cho bé. Hãy trao đổi với bác sĩ để biết điều gì là đúng cho bạn.

Linh Lan

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Vượt qua khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3

Nỗi lo lắng chung
Cu Bin nhà chị Nga được 32 tháng tuổi, nhưng theo lời chị thì cu cậu rất lì và bướng, lại thêm cái tật ăn vạ. Chị kể: “Đi học thì thôi, về nhà là đòi hết thứ này đến thứ kia. Không cho thì gào lên ăn vạ. Nhiều khi đồ chơi để chán chê chẳng thèm ngó, đến lúc thằng anh lấy chơi thì đòi cho bằng được, không được thì khóc ăn vạ. Thậm chí đánh cả anh. Tối ở nhà nội chơi, bảo đi về thì không chịu về, bảo mặc quần áo về thì khóc rồi chạy trốn. Bực quá cho ở lại luôn với ông bà thì lúc bố mẹ về lại gào thét ăn vạ. Lúc bướng lên thì bảo làm cái gì cũng “Không”.

Chị Nga còn cho biết nhiều lần đã có ý định đưa con đi chuyên gia tâm lý vì chỉ sợ sau này con lớn mà cứ như thế sẽ đâm hư.

Không chỉ chị Nga mà rất nhiều bậc cha mẹ khác khi có con bước vào độ tuổi này đều cảm thấy con mình thật khó dạy. Lúng túng và lo lắng cho việc hình thành tính cách của con sau này. Tuy nhiên, đây chỉ là những biểu hiện thường gặp ở lứa tuổi này.

Biểu hiện thường gặp
Trong cuốn “Về nhân cách trẻ 3 tuổi”, nhà tâm lý học V. Keler đã mô tả những biểu hiện thường gặp ở trẻ trong lứa tuổi này:

  • Tiêu cực: Trẻ thường có biểu hiện không chịu phục tùng một số yêu cầu của người lớn.
  • Ngoan cố: Trẻ kiên quyết nghiêng về phía sự thoả mãn đòi hỏi của bản thân, sự quyết định của mình.
  • Ngang ngạnh: Gần như sự ngoan cố và tiêu cực, nhưng nó có đặc điểm đặc trưng của ngang ngạnh là có tính công khai và thiếu cá tính hơn. Đây là sự phản kháng lại trật tự trong gia đình.
  • Tự tiện: Là xu hướng giải thoát khỏi người lớn. Trẻ muốn tự mình làm điều gì đó. Phần nào ta thấy dấu hiệu này có cả ở đợt khủng hoảng một tuổi.
  • Vô lễ với người lớn: Trẻ có biểu hiện nói trống không hoặc nói hỗn với người lớn.
  • Chống đối – nổi loạn: Hiện tượng này xuất hiện trong các cuộc cãi vã thường xuyên với cha mẹ “tất cả hành vi của trẻ đều thể hiện sự chống đối, dường như trẻ luôn nằm trong trạng thái chiến tranh với người xung quanh, trong trạng thái ẩu đả với người lớn”.
  • Chuyên quyền: ở những gia đình có độc nhất một trẻ sẽ gặp phải xu hướng chuyên quyền. Trẻ tỏ ra chuyên quyền trong quan hệ với tất cả mọi thứ xung quanh.
Vượt qua khủng hoảng tâm lý trẻ 3 tuổi
Tâm lý trẻ giai đoạn này thường không ổn định

Giúp con vượt qua giai đoạn khủng hoảng
Các nhà tâm lý học khuyên rằng, khi thấy trẻ có những biểu hiện như thế, cha mẹ không nên quá lo lắng, vì đây là giai đoạn trẻ muốn tự thể hiện mình, muốn chứng tỏ mình và muốn thể hiện mình là người lớn. Chính vì thế, hãy giúp con vượt qua khủng hoảng tuổi lên ba bằng cách:

Nếu ý muốn của trẻ là thỏa đáng thi cha mẹ nên để cho trẻ được thực hiện ý muốn của mình. Nếu trẻ có những đòi hỏi quá đáng thì cần tỏ thái độ nghiêm khắc và tuyệt đối không chiều theo ý trẻ.

Nếu trẻ ăn vạ thì nên lờ đi chỗ khác hoặc đánh lạc hướng trẻ bằng cách thu hút trẻ tham gia các hoạt động khác.

Khi cần xử phạt thì không nên đáng, mắng vì như thế sẽ làm cho cả cha mẹ và trẻ đều cảm thấy bị ức chế và có thể lần sau trẻ sẽ lại có những hành vi chống đối như thế. Có thể xử phạt bằng cách là không cho trẻ đi chơi hoặc không kể chuyện cho bé nghe.

Cho trẻ vui chơi bằng các trò chơi đóng vai. Vì lúc này trẻ muốn được khẳng định mình, muốn trở thành người lớn nên có thể cho trẻ nhập vào những vai mà trẻ thích như: làm cô giáo, bác sĩ…

Xem trẻ như người lớn, hãy cho trẻ được giúp mẹ một số việc như: lấy rổ rá cho mẹ, giúp mẹ nhặt rau, lau bàn, lấy nước cho mẹ… trẻ sẽ rất thích thú khi thực hiện.

Đừng tiếc lời khen ngợi khi trẻ ngoan hoặc biết làm cái này cái kia giúp bố mẹ để lần sau trẻ sẽ tiếp tục cố gắng.

Nên cho trẻ mở rộng các hoạt động giao tiếp bên ngoài với bạn bè cùng lứa. Nên cho trẻ đến trường để trẻ có thêm bạn bè, học thêm các kỹ năng mới và khả năng ngôn ngữ của trẻ sẽ tốt hơn.

Thảo My

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tiểu học (6-10 tuổi) Chăm sóc trẻ

Các vấn đề tâm lý thường gặp ở trẻ từ 7-12 tuổi

Hiện nay ở nước ta, đặc biệt là ở các thành phố lớn số lượng trẻ em mắc bệnh về tâm lý ngày càng cao. Ở mỗi độ tuổi khác nhau trẻ có thể mắc những bệnh tâm lý khác nhau. Trẻ ở độ tuổi từ 7 đến 12 tuổi (tức là giai đoạn bắt đầu đi học) dễ mắc bệnh tâm lý hơn cả. Sau đây là một số biểu hiện bệnh về tâm lý ứng với từng độ tuổi nhất định và nguyên nhân của bệnh.

7 tuổi
Khi trẻ bắt đầu vào lớp 1, trẻ sẽ cảm thấy xa lạ với việc phải đến lớp do có nhiều thay đổi hơn về mặt nề nếp so với lúc học ở nhà trẻ và trường mẫu giáo. Trẻ phải học cách làm việc trong môi trường có kỷ luật cao hơn, chẳng hạn như ngồi học liên tục trong nhiều giờ, đi học phải đúng giờ, phải chuyên cần, phạm lỗi phải bị phạt,… mà không được tự do vui chơi như trước đây nữa.

Nhiều trẻ rơi vào trạng thái chán ghét việc đến trường, thường xuyên quấy khóc trong một thời gian dài và liên tục. Một số trẻ ngoan ngoãn đến lớp nhưng cảm thấy xa lạ với mọi người nên luôn hạn chế tiếp xúc dẫn đến trầm cảm cho trẻ.

Các vấn đề tâm lý thường gặp ở trẻ từ 7-12 tuổi
Các vấn đề tâm lý ở trẻ thường xuất hiện và bộc lộ rõ khi bé đã đi học

8 đến 9 tuổi
Trẻ bắt đầu quen với trường lớp và hình thành ý thức kỷ luật ở nhà trường. Trẻ cũng bắt đầu nhận thức được tâm lý chủ quan của bản thân nhưng không kiểm soát được cảm xúc của bản thân và những người xung quanh.

Tâm lý trẻ rất khó ổn định, lúc thì phấn khích, khi thì chán chường và bất cần. Đặc biệt là khi bị người khác chỉ trích hay phê bình. Trẻ thường cảm thấy thiếu thốn tình cảm và không hạnh phúc khi không được quan tâm đúng mức.

10 đến 11 tuổi
Ở độ tuổi này, trẻ bắt đầu có những bộc lộ về cá tính và sở thích riêng cũng như bắt đầu biết quan tâm tới các vấn đề xã hội xung quanh mình. Trẻ dần có những biểu hiện của người lớn và cảm thấy giữa mình và bố mẹ có những khác biệt.

Trẻ có thể nói dối bố mẹ một số điều, không phải vì trẻ hư hỏng mà vì trẻ không muốn quá dựa dẫm vào bố mẹ nữa. Tâm sự như  một người bạn với trẻ có thể giúp trẻ mở lòng mình hơn.

12 tuổi
Đây là giai đoạn trẻ bắt đầu dậy thì, có những thay đổi rõ rệt về mặt thể chất và tâm sinh lý. Trẻ cũng tự nhận thức rõ về bản thân mình hơn do đó không muốn bị coi là trẻ con, muốn khẳng định sự độc lập của mình với gia đình và bạn bè. Trẻ cũng muốn khẳng định mình, xóa bỏ đi hình ảnh “trẻ con” của mình để mang vào cái vỏ của người lớn. Chính lúc này trẻ trở nên yếu đuối và dễ bị tổn thương nhất.

Ngoài ra áp lực trong hộc tập cũng cao hơn so với những độ tuổi trước cũng khiến trẻ rơi vào tình trạng mệt mỏi, căng thẳng rối loạn dẫn đến chán học, không muốn tiếp xúc với người xung quanh hoặc muốn gây gổ đánh nhau.

Phòng ngừa và điều trị

Thực tế cho thấy trẻ em sống trong gia đình càng có điều kiện tốt càng dễ mắc các bệnh về tâm lý. Một số gia đình có cha mẹ là trí thức nhưng trẻ lại thiếu thốn tình cảm, cha mẹ không có sự quan tâm đúng mức và đúng cách với con cái. Các bậc cha mẹ thường dồn trách nhiệm chăm sóc, dạy dỗ con mình cho nhà trường trong khi việc quan tâm chia sẻ với con là rất quan trọng trong việc hình thành tâm lý cho trẻ.

Bên cạnh đó, một số gia đình lại quan tâm, chăm sóc và nuông chiều con quá mức cũng gây ảnh hưởng tới sự phát triển tự nhiên của trẻ. Do không cảm nhận được sự quan tâm thích hợp của gia đình, đặc biệt là cha mẹ, các em phản ứng lại bằng thái độ thụ động, dần dần dẫn đến mắc các bệnh về tâm lý.

Gia đình cần tạo môi trường sinh hoạt, học tập và vui chơi thoải mái cho trẻ có điều kiện hòa nhập với thế giới xung quanh. Thương yêu và tôn trọng sở thích cũng như những nguyện vọng chính đáng của trẻ để trẻ luôn tin tưởng và muốn chia sẽ mọi điều với gia đình. Không ép trẻ theo ý người lớn nhưng cũng không buông lỏng trẻ, quan sát và tư vấn cho trẻ theo hướng tích cực mà vẫn tạo cảm giác thoải mái, tự do cho  trẻ.

Khi phát hiện trẻ có các  dấu hiệu của bệnh tâm lý cần điều trị sớm vì  càng để lâu, bệnh đế giai đoạn mãn tính rất khó điều trị cũng như tốn nhiều thời gian. Tìm hiểu nguyên nhân của bệnh từ đó có cách điều chỉnh môi rường sống thuận lợi cho việc điều trị.

Đối với trẻ mắc bệnh tâm lý mức nhẹ thì việc trò chuyện, an ủi, động viên thường xuyên là liệu pháp tốt nhất. Nên hạn chế sử dụng các loại thuốc nếu còn cách điều trị khác vì sử dụng nhiều thuốc có thể gây hại tới sức khỏe của trẻ.

Thu My

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tiểu học (6-10 tuổi) Chăm sóc trẻ

Bạn đã biết rửa tay đúng cách?

Đối với các gia đình có con nhỏ, việc cha mẹ, người lớn rửa tay trước khi tiếp xúc với trẻ càng có ý nghĩa đặc biệt hơn trong việc bảo vệ sức khỏe, giữ gìn cho bé một hệ miễn dịch tốt. Một lần nữa, bài viết xin đề cập đến những vấn đề tuy nhỏ nhưng lại không kém phần quan trọng trong mỗi gia đình.

Những con số biết nói
Theo một nghiên cứu của trường đại học Arizona (Mỹ), trung bình trên bề mặt da tay người có đến 4.000 loại vi khuẩn khác nhau. Trong đó có nhiều loại vi khuẩn gây hại như: Ecoli – thủ phạm chính gây các bệnh đường ruột.

Theo đại điện của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 20 giây trôi qua lại có một trẻ em trên thế giới bị chết vì điều kiện vệ sinh yếu kém.

Và trong nước ta, theo kết quả điều tra của Cục Y tế Dự phòng tại 5 tỉnh, tỷ lệ người dân rửa tay với sản phẩm diệt khuẩn (dung dịch rửa tay, xà phòng, …) rất thấp: chỉ có 6% số người trước khi ăn và 15% sau khi đi vệ sinh rửa tay với sản phẩm diệt khuẩn.

Tỷ lệ các bà mẹ đang nuôi con dưới 5 tuổi có rửa tay với sản phẩm diệt khuẩn trước khi cho trẻ ăn gần 3%, sau khi làm vệ sinh cho trẻ là 16%. Tỷ lệ số người tại các nơi công cộng như trường học, trạm y tế, UBND xã có hành vi vệ sinh cá nhân cũng rất thấp.

cách rửa tay
Rửa tay đúng cách sẽ giúp phòng tránh các vi khuẩn

Tầm quan trọng của việc rửa tay
Rửa tay sạch bằng xà phòng là một biện pháp vệ sinh rất đơn giản nhưng lại có thể ngăn chặn được 47% bệnh tiêu chảy, hơn 30% các bệnh viêm nhiễm đường hô hấp cấp và một số bệnh như H5N1, chân tay miệng…

Hầu hết các vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể qua đôi tay bẩn. Tay người cầm nắm, tiếp xúc vào các đồ vật bẩn rồi bốc thức ăn, dụi mắt, ngoáy mũi… là những đường lây truyền vi khuẩn phổ biến nhất. Nhất là với các gia đình có con nhỏ, tay mẹ bẩn khi chạm vào bé dù là những cái ôm ấp, yêu thương cũng đủ để truyền hàng trăm nguy cơ vi khuẩn tấn công vào sức để khác của trẻ. Và chỉ với rửa tay, ta có thể ngăn ngừa tất cả những điều đó.

Lúc nào cũng nên giữ đôi tay sạch sẽ nhưng đặc biệt chú trọng vào những lúc sau: Trước khi tiếp xúc với trẻ sơ sinh, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, rửa tay sau khi tiếp xúc với thú cưng, sử dụng các dịch vụ công cộng như: đi xe buýt, thang máy, đi siêu thị… vì những nơi đó là chốn lý tưởng cho vi khuẩn truyền từ người này sang người khác.

6 bước rửa tay đúng
Rửa tay bằng nước sẽ không diệt sạch hết vi khuẩn mà phải dùng xà phòng, các dung dịch diệt khuẩn. Trình tự để rửa tay sạch phải đúng 06 bước theo ban hành của bộ y tế như sau:

cac buoc rua tay_1

Bước 1: Làm ướt hai bàn tay bằng nước sạch. Thoa xà phòng vào lòng bàn tay. Chà xát hai lòng bàn tay với nhau.

Bước 2: Dùng ngón tay và lòng bàn tay này cuốn và xoay lần lượt từng ngón của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 3: Dùng lòng bàn tay này chà xát chéo lên mu bàn tay kia và ngược lại.

cac buoc rua tay_2

Bước 4: Dùng đầu ngón tay của lòng bàn tay này miết vào kẽ giữa các ngón tay của bàn tay kia và ngược lại.

Bước 5: Chụm 5 đầu ngón tay của tay này cọ vào lòng bàn tay kia bằng cách xoay đi, xoay lại.

Bước 6: Xà cho tay sạch hết xà phòng dưới nguồn nước sạch. Lau khô tay bằng khăn hoặc giấy sạch.

Cần chú ý thêm là thời gian cho mỗi lần rửa tay tối thiểu là 1 phút, các bước 2, 3, 4, 5 lặp lại tối thiểu 5 lần mỗi bước. Mỗi lần rửa tay bằng xà phòng, nhất thiết cần tuân thủ đầy đủ trình tự 6 bước như trên mới có thể đảm bảo tiêu diệt tối đa vi khuẩn, giảm xuống tối thiểu khả năng mắc bệnh và lây lan bệnh tật qua những bàn tay bẩn.

PN.

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Từ 12 – 15 tháng tuổi: Sự hình thành tính cách của trẻ

Mọi đứa trẻ khi sinh ra có những cách tiếp cận khác nhau về thế giới xung quanh Đó được gọi là tính cách của trẻ. Ví dụ, một số đứa trẻ dễ dàng thích ứng với những thay đổi. Trong khi những đứa trẻ khác thì lại phản ứng rất mạnh dù chỉ là một nhỏ, chẳng hạn như bé cương quyết không chịu mặc một bộ đồ ngủ mới.

Một số trẻ rất năng động, thích di chuyển mọi nơi. Nhưng cũng có những đứa trẻ khác lại thích ngồi nhìn thế giới xung quanh mình. Nhiều đứa trẻ thích những trải nghiệm mới và thích gặp gỡ những người mới. Trong khi những trẻ khác lại tỏ ra chậm thích nghi tình huống mới. Đây là những ví dụ về những tính cách đa dạng của trẻ.

Không có tính cách đúng hay sai, hoặc tính cách tốt hay xấu
Tính cách không phải là cái mà con bạn lựa chọn, cũng không phải là thứ mà bạn tạo ra cho bé. Có một điều rất quan trọng đối với trẻ là được nhìn nhận mình là ai. Hãy vận dụng những gì bạn biết về tính cách của bé để khuyến khích bé phát huy những thế mạnh và giúp đỡ bé khi cần thiết.

Ví dụ, nếu con bạn gặp khó khăn khi phải cô đơn không có mẹ bên cạnh thì lúc cho bé đi ngủ có thể là một thách thức lớn đối với bé. Bạn có thể giúp đỡ trẻ bằng cách tạo nên một “thủ tục” trước khi đi ngủ mỗi đêm như đọc truyện, uống sữa, đánh răng, và ​​hát ru.

Từ 12 – 15 tháng tuổi: Sự phát triển của trẻ về mặt tính cách
Từ 1 tuổi, các bé bắt đầu bộc lộ những nét tính cách đầu tiên

Sự khác nhau về tính cách của bạn và bé
Bạn có thể thích gặp gỡ những người mới và thử thách những điều mới lạ, nhưng con của bạn thì không. Điều quan trọng là phải làm sao nhận thức được sự khác biệt này. Nó sẽ giúp bạn hiểu nhu cầu của bé có thể khác biệt so với bạn. Nó cũng giúp bạn hiểu phải làm gì để giúp đỡ và tôn trọng “con người” thật sự của bé.

Bạn có biết?

Đa số các bậc cha mẹ (51%) tin rằng khi bé 15 tháng tuổi đã biết chia sẻ
Trên thực tế, hầu hết những đứa trẻ từ 2 đến 3 tuổi đều biết cách chia sẻ và thay phiên nhau thực hiện thao tác nào đó. Thậm chí sau đó, bé cần rèn luyện và được bố mẹ giúp đỡ nhiều hơn cho sự phát triển của trẻ với những kỹ năng xã hội quan trọng.

Điều này có ý nghĩa gì đối với bạn?
Khi được 15 tháng tuổi, trẻ chưa có được khả năng tự kiểm soát để biết chia sẻ hoặc nhường nhịn. Trẻ luôn đòi cho bằng được một món đồ chơi yêu thích, ngay cả khi một đứa trẻ khác đang cầm chơi. Điều này là do một phần bộ não chi phối khả năng tự kiểm soát của trẻ vẫn còn đang phát triển.

Tuy nhiên, bạn nên bắt đầu dạy trẻ biết cách chia sẻ từ bây giờ. Chẳng hạn như: ”Các con sẽ thay phiên nhau chơi chiếc xe hơi đồ chơi này. Bây giờ là bạn Tô Mì chơi trước nhé. Sau đó tới phiên Ti Ti”. Sau đó hướng sự tập trung của bé vào một hoạt động khác trong khi bạn của bé đang chơi món đồ chơi đó.

Quan trọng nhất là tập cho bé biết giữ bình tĩnh và kiên nhẫn. Chia sẻ là một kỹ năng mà trẻ bé có thể rèn luyện theo thời gian, cùng với sự hỗ trợ và hướng dẫn của bạn.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Lưu ý tác động của chất kích thích khi cho con bú (Phần 3)

Lưu ý tác động của chất kích thích khi cho con bú (Phần 3)
Cafe là một loại thức uống được sử dụng rộng rãi. Tuy nhiên bạn nên hạn chế vì ảnh hưởng xấu của cafe lên sức khoẻ của bạn và cho bé

Bảng liệt kê dưới đây sẽ cho bạn biết tác động của các chất kích thích có trong trà, cà phê, rượu hay thuốc lá… đến việc tiết sữa mẹ.

Hoạt chất Tác động lên việc tiết sữa Lưu ý khi cho con bú
Alcohol – Rượu Bé sẽ “uống” bao nhiêu rượu từ… sữa của bạn phụ thuộc vào thời điểm và dung lượng bạn uống vào.Nghiên cứu cho thấy nồng độ cồn trong sữa mẹ sẽ lên đến đỉnh điểm sau khoảng 30 đến 90 phút kể từ lần uống cuối cùng của bạn và phải mất 2-3 giờ để cơ thể giải rượu.Uống rượu sẽ gây ức chế tiết sữa, có thể gây hại cho sự phát triển thần kinh vận động của bé và có thể ảnh hưởng đến việc ăn uống và giấc ngủ của bé bú mẹ. Việc uống rượu sẽ không nguy hại nếu bạn uống ở một giới hạn cho phép và biết cách phòng ngừa.Sau khi uống, bạn phải chờ ít nhất là 2 tiếng trước khi cho con bú hoặc bạn có thể sẽ cần nặn bỏ phần sữa ngay sau khi uống hoặc bạn có thể nặn sữa và lưu trữ trước khi uống.Uống nước và ăn trước hoặc trong khi uống rượu sẽ giúp bạn bớt uống lại, nhờ đó hạn chế được lượng rượu trong máu và sữa của bạn.
Caffeine – Cà phê Mỗi ngày uống hơn 300mg cà phê sẽ có thể ảnh hưởng không tốt đến em bé. Khi cà phê vào máu của bạn, một lượng nhỏ caffeine sẽ có mặt trong sữa mẹ.Cơ thể của bé không dễ dàng hấp thu và bài tiết chất caffeine trong cà phê, đặc biệt là trong những tháng đầu đời, vì vậy theo thời gian nó có thể tích tụ trong cơ thể của bé. Trong lúc đó, nó có thể sẽ làm cho bé khó chịu và không thể ngủ được. Hạn chế việc sử dụng cà phê ít hơn 300mg mỗi ngày – thậm chí có thể ít hơn nữa nếu bạn đang cho con bú. Nhớ rằng ngoài việc uống cà phê, trà, một số thức uống bổ sung năng lượng, một số nước ngọt và sô cô la đen cũng chứa một lượng đáng kể chất caffeine.
Nicotine – Thuốc lá Hàm lượng nicotine trong sữa của người mẹ hút thuốc lá cao hơn hàm lượng trong máu. Khói thuốc lá là một phức hợp có chứa khoảng 4.000 hợp chất hóa học, trong đó có hơn 60 chất gây ung thư. Hàm lượng và mức độ tác động của các hợp chất được tìm thấy trong sữa mẹ vẫn chưa được xác định.Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng trẻ sơ sinh sẽ ngủ ít hơn khi mẹ có hút thuốc trước khi cho bú. Ngoài ra, nghiện hút thuốc lá nặng có thể làm giảm đáng kể khả năng tiết sữa của bạn.
Những đứa trẻ có mẹ hút thuốc dù có bú sữa mẹ hay không thì đều dễ bị đau bụng và mắc bệnh đường hô hấp. Hút thuốctrong khi mang thai hoặcsau khi sinh sẽ làm tăng nguy cơ mắc hội chứng đột tử ở trẻ sơ sinh.
Nên ngừng hút thuốc nếu có thể vì lợi ích của bạn và con bạn. Nếu bạn không thể bỏ thuốc lá ngay được, nên hút ít lại, càng ít càng tốt cũng như nên chuyển sang hút loại thuốc lá chứa ít nicotine hơn và tránh hút thuốc trong vài giờ trước khi cho bé bú. Hút thuốc ngay sau khi cho con bú sẽ cho bạn thêmmột vài giờ để làm giảm lượng nicotine trong sữa.Không nên hút thuốc gần con, trong nhà, xe hơi hoặc bất kỳ khu vực nào trong nhà mà bé có thể xuất hiện. Nhớ rửa tay, rửa mặt và thay áo sau khi bạn hút thuốc.Nhớ rằng ngay cả khi người mẹ hút thuốc thì sữa mẹ vẫn là tốt nhất cho em bé.
Marijuana – Cần sa Khi một người mẹ trong thời gian cho con bú hút cần sa thì hoạt chất chính THC của cần sa trong sữa mẹ sẽ cao gấp 8 lần so với lượng trong máu của người mẹ. Ngoài ra, khói thuốc cần sa sẽ làm tăng tiếp xúc của em bé với thuốc và kết quả của việc bé tiếp xúc với cần sa thông qua sữa mẹ là sẽ tiết ra THC trong nước tiểu của bé từ hai đến ba tuần sau khi tiếp xúc.Chưa có nghiên cứu nào đưa ra kết luậnvề tác động lâu dài của THC đối với trẻ bú sữa mẹ, tuy nhiên, nghiên cứu sơ bộ và nghiên cứu trên động vật cho thấy khi trẻ sơ sinh tiếp xúc với THC thường sẽ có dấu hiệu an thần, cơ bắp thiếu săn chắc và bú kém. THC cũng có thể làm giảm lượng sữa tiết ra của mẹ.Ngoài ra, việc tiếp xúc với cần sa qua sữa mẹ có thể làm giảm khả năng phát triển thần kinh vận động của trẻ trong năm đầu. Có lo ngại rằng THC cũng có thể làm thay đổi đáng kể các tế bào não trong thời gian bé đang trải qua quá trình phát triển não bộ. Lưu ý rằng cần sa mua trên đường phố đôi khi còn được trộn lẫn với các chất có hại khác. Cần tránh xa cần sa và các thuốc kích thích khác khi bạn đang cho con bú. Trong khi các nghiên cứu đang được tiến hành thì đã có một số bằng chứng cho thấy tác hại lâu dài của cần sa.Nếu bạn không thể ngừng sử dụng cần sa, bạn không nên cho con bú.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Lưu ý về các loại thảo mộc khi cho con bú (Phần 2)

Vì không được tiêu chuẩn hóa, trên nhãn mác nhiều sản phẩm thảo dược không bắt buộc liệt kê tương tác thuốc như trên dược phẩm điều trị, do đó, thảo dược ít được bảo đảm an toàn, nồng độ hay độ tinh khiết và rất ít thảo dược được nghiên cứu kỹ lưỡng về ảnh hưởng của nó đối với trẻ bú mẹ. Vì vậy, ngay cả các chuyên gia, họ cũng không hoàn toàn chắc chắn về những gì được cho là an toàn và không an toàn khi sử dụng thảo dược.

Cỏ cà ri và rau thì là là 2 loại thảo mộc đã được sử dụng trong nhiều thế kỷ với tác dụng kích thích tiết sữa ở người mẹ, nhưng có rất ít tài liệu cụ thể nói về hiệu quả của các loại thảo mộc này hoặc chúng ảnh hưởng đến trẻ bú mẹ như thế nào.

Hầu hết các loại thảo mộc được sử dụng để làm gia vị cho các món ăn như tỏi, rau thì là và lá cây xô thơm đều rất tốt để đưa vào chế độ ăn uống hàng ngày của bạn, nhưng một số sẽ không an toàn nếu bạn lạm dụng chúng.

Lưu ý về các loại thảo mộc khi cho con bú (Phần 2)
Mẹ cần biết loại thảo mộc nào tốt cho sức khoẻ của mình và cho trẻ

Ngoài ra, còn có một số tương tác giữa các loại thảo mộc với nhau cũng như thảo mộc với các loại thuốc, đây chính là việc bạn cần phải biết trước khi sử dụng. Tốt nhất, bạn nên tham khảo ý kiến của các thầy thuốc y học cổ truyền giàu kinh nghiệm về việc sử dụng của các loại thảo mộc một cách an toàn trong quá trình cho con bú.

Nhiều chế phẩm thảo dược chứa rất ít hoặc không chứa thành phần hoạt chất được tìm thấy trong các loại thảo dược.Vì vậy, bạn cần mua các sản phẩm đạt tiêu chuẩn và có nguồn gốc uy tín.

Thảo dược Những điều bạn cần biết 
Hoa cúc, gừng, tinh chất hoa cúc dại Thường được dùng như trà và có thể dùng thường xuyên. Các loại thảo mộc này được cho là an toàn với các bà mẹ cho con bú.Tinh chất thảo mộc trong trà thường đậm đặc, do đó cần thận trọng khi uống cácloại trà thảo dược, nhất là khi bạn không biết rõ tất cả các thành phần của nó.
Cỏ cà ri, hồi, tần, lá mâm xôi, thì là, tỏi, cây tầm ma, hạt cây thì là, cây cừu lý hương, rễ cây sa-pô-chê, cỏ roi ngựa Tham khảo ý kiến​​ bác sĩ chuyên môn có uy tín trước khi dùng bất kỳ loại thảo mộc nào.Dù chúng thường được sử dụngvới mục đích kích thích tạo sữa nhưng không phải tất cả chúng đều đã được khoa học chứng minh là an toàn và hiệu quả.Cỏ cà ri có mặt trong nhiều chế phẩm thảo dược để kích thích tạo sữacó thể không an toàn cho người bị tiểu đường.
Cây cúc thanh nhiệt (Feverfew) Thảo mộc này thường được sử dụng để điều trị chứng đau nửa đầu. Tuy việc dùng nó khi cho con bú hiện chưa có vấn đề gì được đề cập đến, nhưng  các chuyên gia cho rằng tốt nhất các bà mẹ đang cho con bú nên tránh dùng nó vì chưa có đủ thông tin về mức độ an toàn.
Cỏ phát ban (St. John’s wort) Thảo mộc này được sử dụng để điều trị bệnh trầm cảm. Trong một số nghiên cứu trên những trẻ bú mẹ mà mẹ đang dùng loại thảo dược này đã ghi nhận là chưa thấy tác dụng phụ nào xuất hiện.Nhưng cũng có báo cáo cho rằng trẻ bú sữa mẹ có chứa hoạt chất của thảo mộc này có thể có dấu hiệu bơ phờ hoặc buồn ngủ và đau bụng.Vì vậy, các bà mẹ đang cho con bú nên tránh dùng thảo dược này cho đến khi có thông tin chính thức về những ảnh hưởng đối với trẻ bú mẹ. Ngoài ra, cỏ phát ban còn có thể tương tác với nhiều loại thuốc khác và có thể làm giảm hiệu quả của thuốc tránh thai.
Cây trinh nữ châu Âu Trong khi loại thảo dược này từ lâu đã được sử dụng để kích thích sản sinh sữa thì vẫn có nguy cơ được cho là không an toàn và một số nghiên cứu cho thấy loại thảo dược này sẽ làm giảm hơn là tăng tiết sữa.
Lô hội (nha đam), tiểu hồi, vỏ và quả cây hắc mai, cây dâu xanh, dầu thì là Ba Tư, lá cây se, cây hoa chuông, cây tía tô đất, cây chữa rắn cắn Ấn Độ, rễ cây tất bạt, trà giảm béo, cây chùm gửi, tinh dầu bạc hà, thực vật thuộc họ hoa cúc, rễ đại hoàng, cây xô thơm, cây cỏ long ba, thực vật có hoa thuộc họ Thạch Nam Các bà mẹ đang cho con bú nên tránh các loại thảo mộc này vì một số loại sẽ cản trở quá trình tiết sữa và một số có thể gây hại cho bé.

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Ảnh hưởng của gối đến sự phát triển của trẻ sơ sinh

Trẻ dưới 2 tuổi không nên cho nằm gối
Không nên cho trẻ dưới 2 tuổi nằm gối, hãy gối đầu cho trẻ bằng chiếc khăn mềm mại cao khoảng 1mm hoặc đặt bé lên một chiếc nệm vừa đủ êm để trẻ có những giấc ngủ sâu. Đó là lời khuyên mà các chuyên gia chăm sóc sức khỏe gửi đến các bậc cha mẹ. Bởi theo các chuyên gia, trẻ dưới 2 tuổi, xương đầu của trẻ vẫn còn rất mềm nên rất dễ bị biến dạng như bị chứng bẹp đầu, xương đầu bị méo khi bé nằm gối ngủ quá lâu với một tư thế nhất định.

Vì xương sống của trẻ lúc mới sinh là đường thẳng, tức là đầu và lưng phải thẳng với nhau nên khi gối đầu, cổ sẽ bị quẹo, xương sống bị thay đổi hình dạng, ảnh hưởng đến sự phát triển xương sống của trẻ và nguy cơ dị tật xương sống ở trẻ là rất cao. Nguy hiểm hơn, ở giai đoạn này xương cổ và sụn còn rất mềm vì thế bé không có khả năng tự nhấc cổ, do đó khi gối đầu bé không hợp lý, cổ bé sẽ bị gập lại và vùng hầu họng sẽ bị chẹn khiến cho bé dễ bị sặc, dẫn đến ngạt thở.

Đó là chưa kể đến việc làn da nhạy cảm của bé có thể bị kích ứng, mẫn ngứa với chất liệu ruột gối và gây ảnh hưởng xấu đến giấc ngủ, khiến bé khó ngủ, quấy khóc.

sự phát triển của trẻ sơ sinh
Xương bé còn yếu nên khi ngủ nên để bé duỗi chân thoải mái

Tác động của gối đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ nhỏ
Lựa chọn cho con trẻ một chiếc gối phù hợp giúp bé ngủ ngon là điều mà cha mẹ nên quan tâm vì giấc ngủ đối với bé là vô cùng quan trọng.Một chiếc gối êm ái, phù hợp với trẻ ở từng giai đoạn phát triển sẽ mang đến cho trẻ giấc ngủ thoải mái, dễ chịu, giúp cho hệ mạch máu chạy dọc cột sống cổ lên nuôi não không bị chèn ép, đặc biệt tránh được các nguy cơ biến dạng xương sống, khó thở, trặc vẹo cột sống cổ.

Thế nên, việc lựa chọn cho trẻ một chiếc gối thích hợp là một trong những bí quyết giúp trẻ sở hữu một thể chất, trí não lý tưởng trong suốt quá trình phát triển.

Cách chọn gối cho trẻ
Chọn chất liệu gối
Ruột gối, bao gối với chất liệu mềm mại là điều quan tâm đầu tiên trong bí kíp chọn gối cho con trẻ. Ngày nay, chất liệu ruột gối rất đa dạng, từ các chất liệu tự nhiên đến các loại sợi nhân tạo, cho nên các bậc cha mẹ nên chọn những nhãn hàng có uy tín chất lượng để đảm bảo an toàn cho sức khỏe cho con trẻ. Nên chọn những ruột gối nhẹ, thông thoáng, dễ khô để tiện cho việc thường xuyên giặt giũ, làm vệ sinh ruột gối, bởi trẻ nhỏ thường hay khóc, nhỏ dãi và đổ nhiều mồ hôi nhiều trong lúc ngủ.

Nhưng các gia đình cũng không nên chọn ruột gối quá mềm đến mức khi đặt trẻ nằm lên, gối lún hẳn xuống. Cần chọn ruột gối có độ cứng vừa tới, độ mềm vừa phải. Vì gối cứng sẽ không tốt cho hộp sọ của trẻ, còn gối mềm và lún quá có thể sẽ áp sát vào mũi bé, gây ngạt thở. Đặc biệt những bé đang tập lẫy, khi bé úp mặt xuống thì sẽ rất khó để bé lật lại và khả năng bé bị ngạt thở rất cao.

Kích thước gối phù hợp
Khổ gối không nên quá rộng, chỉ chọn vừa đủ đầu trẻ để tránh gây ngạt thở cho trẻ.
Không chọn những chiếc gối quá cao hay quá thấp vì sẽ gây tác động đến hệ hô hấp và quá trình tuần hoàn máu ở cổ, khiến trẻ khó ngủ.

Cách đặt gối cho trẻ
Theo các chuyên gia, việc đặt gối sâu về phía gáy, sát với cổ vai, cổ hơi ưỡn, ngửa ra sau 10 – 15 độ sẽ cho trẻ tư thế nằm dễ chịu nhất và an toàn nhất.

Ngoài ra, tuyệt đối không nên cho trẻ nằm gối của người lớn vì dễ ngây ngạt thở và lún đầu khi ngủ và không nên dùng quá nhiều chăn gối, hay các tấm chắn mềm trong giường bé, bởi nếu bé vô tình quờ tay, vít vào mặt sẽ có nguy cơ gây cho bé khó thở.

Trà My

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Cột mốc phát triển của trẻ tập đi và mẫu giáo

Sự phát triển của bé từ 18 đến 24 tháng tuổi

Sự phát triển của bé từ 18 đến 24 tháng tuổi
Một trong những điểm nổi bật trong sự phát triển của bé giai đoạn này là bé bắt đầu biết tưởng tượng

 

Bé biết làm gì Mẹ xử trí ra sao

Mỗi ngày con học thêm nhiều từ mới.

  • Con có thể nói được 50 đến 100 từ mới trước khi tròn 2 tuổi.
  • Thậm chí con còn biết ghép 2 từ với nhau để tạo thành một câu hoàn chỉnh.

Hãy chuyển những từ hay cụm từ của bé thành một câu hoàn chỉnh. Ví dụ, khi bé nói: “Sữa”, bạn có thể lập lại ý của bé bằng: “Con muốn uống sữa mẹ ơi”.

Khi đọc truyện tranh cho bé nghe, bố mẹ có thể vừa đọc vừa trò chuyện với bé về nội dung của truyện, như đặt câu hỏi về hình ảnh, con vật, màu sắc trong truyện

Con cần được bố mẹ hướng dẫn để học cách kiểm soát bản thân.

  • Con biết là con không được phép làm một việc nào đó (bò ra khỏi nhà, chơi dao, kéo…) nhưng con vẫn không thể kiểm soát được cảm xúc và hành động của con.
  • Con sẽ la khóc, “làm mình làm mẩy” khi không làm được điều gì đó. Bố mẹ hãy kiên nhẫn hơn với con nhé!
Biến những cảm xúc của bé thành từ ngữ. Mẹ biết con không vui khi mẹ tắt TV. Nhưng bây giờ tối rồi, chúng ta sắp đi ngủ. Hay là mẹ con mình cùng đọc truyện một chút trước khi lên giường ngủ nhé!

Con bắt đầu biết tưởng tượng

  • Con biết “giả bộ” đút cho búp bê ăn, hệt như khi mẹ cho con ăn.
  • Khi chơi với chiếc xe đồ chơi, con biết “giả giọng” tiếng xe nổ máy “brừmmm brừmmm”

Hãy biết “giả bộ” khi chơi với bé. Bạn có thể “giả” làm chú cún con, biết sủa “gâu gâu” và chạy theo một quả banh đang lăn.

Tạo điều kiện cho trí tưởng tượng của bé phát triển bằng những món đồ chơi như quần áo cho búp bê, con thú đồ chơi, khối lắp ráp, bộ đồ chơi bán đồ hàng.

Con là nhà khoa học “nhí’, luôn thích thử nghiệm và khám phá!

  • Con thích xếp lại rồi dở ra, đóng lại rồi mở ra để xem mọi thứ hoạt động ra sao.
  • Con còn biết phân loại đồ vật theo màu sắc, hình dáng, kích thước… Con biết xếp xe lửa để riêng với xe hơi.

Giúp bé tập sắp xếp, phân loại. Ví dụ như khi phân loại quần áo, bố mẹ có thể chỉ bé cách phân loại áo để riêng một chồng và vớ để riêng thành một chồng khác.

Khuyến khích bé khám phá thế giới xung quanh. Có thể cho bé chơi nghịch cát ngoài trời (trộn cát với nước, nén vào một cái khuôn rồi lấy ra để làm bánh)…

Con có thể xử lý được tình huống khéo léo hơn trước

  • Con biết thổi cho nguội thức ăn khi mẹ nói rằng đồ ăn còn nóng hoặc con biết tự mặc áo khoác.

Giúp bé xử lý tình huống, tránh làm thay bé. Bé càng làm nhiều thì càng học hỏi được nhiều điều.

Chơi các trò chơi cần phải sử dụng đến kỹ năng giải quyết vấn đề. Ví dụ cho bé các khối lắp ráp để bé tự xây nhà cao tầng hoặc chơi xếp hình bằng 3-4 mảnh ghép.