Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

Ảnh hưởng của vaccine COVID-19 với phụ nữ chuẩn bị mang thai, mang thai và cho con bú

Tiêm vaccine COVID-19 là cách để có thể bảo vệ bạn tránh khỏi nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như giảm thiểu khả năng bệnh chuyển nặng nếu chẳng may mắc bệnh. Tuy nhiên, việc tiêm vaccine có ảnh hưởng đến sức khỏe  phụ nữ chuẩn bị mang thai, mang thai và cho con bú là điều khiến nhiều người lo lắng.

Trước khi tiêm vaccine phòng ngừa COVID-19, nhân viên y tế sẽ thực hiện khám sàng lọc và hỏi liệu bạn có đang mang thai hay không. Liệu việc khám sàng lọc này mang ý nghĩa gì và người chuẩn bị mang thai, đang mang thai hoặc đang cho con bú thì có được tiêm vaccine? 

Hãy cùng MarryBaby và Thạc sĩ – Bác sĩ – Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn, Trường đại học Y dược Hải Phòng, Bệnh viện Việt Tiệp Hải Phòng tìm hiểu ngay!

Nguy cơ nhiễm COVID-19 của phụ nữ mang thai

MarryBaby: COVID-19 có gây ảnh hưởng đến thai phụ? Liệu mẹ đang mang thai nhiễm COVID có ảnh hưởng tới thai nhi không?

Thạc sĩ – Bác sĩ – Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn: Theo các chuyên gia y tế, phụ đang mang thai có nhiều khả năng bị bệnh nặng do COVID-19 so với những người không mang thai.

Ngoài ra, nếu bị nhiễm COVID-19 trong khi mang thai, sẽ có nguy cơ cao hơn bị các biến chứng hoặc diễn biến nặng có thể ảnh hưởng đến thai kỳ và thai nhi đang phát triển, chẳng hạn như sinh non hoặc thai chết lưu.

Do đó, việc tiêm vaccine COVID-19 mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giúp phụ nữ mang thai tránh khỏi nguy cơ mắc bệnh hoặc bệnh chuyển nặng sau khi mắc COVID-19.

vaccine COVID-19
Tiêm vaccine phòng COVID-19 giúp bảo vệ khỏi nguy cơ mắc bệnh hoặc bệnh chuyển nặng sau khi mắc COVID-19

Phụ nữ chuẩn bị mang thai, mang thai và cho con bú có thể tiêm vaccine COVID-19 hay không?

MarryBaby: Vaccine COVID-19 có an toàn với phụ nữ chuẩn bị mang thai, mang thai và cho con bú?

Thạc sĩ – Bác sĩ – Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn:

Trên các diễn đàn sức khỏe, nhiều phụ nữ quan tâm việc chuẩn bị mang thai có nên tiêm vaccine COVID-19 hoặc đang cho con bú có tiêm vaccine COVID-19 được không.

Theo Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), phụ nữ đang mang thai, đang cho con bú hoặc đang cố gắng/có ý định mang thai hoàn toàn có thể tiêm vaccine này. Thậm chí, những người đang mang thai nên tiếp tục tiêm đầy đủ các mũi vaccine phòng COVID-19, bao gồm cả việc tiêm các mũi vaccine tăng cường khi đã đến thời gian.

Tính đến thời điểm hiện tại, các bằng chứng đều cho thấy tiêm chủng phòng COVID-19 trong thai kỳ là an toàn cho thai nhi và có hiệu quả bảo vệ đối với sức khỏe của người mẹ.

Hơn nữa, các loại vaccine COVID-19 không gây nhiễm COVID-19, kể cả ở những người đang mang thai hoặc trẻ sơ sinh (trong trường hợp mẹ đang cho con bú có tiêm ngừa) bởi không có vắc xin COVID-19 nào chứa virus sống.

Do đó, vaccine sẽ không gây nhiễm COVID-19 với bất kỳ ai, dù cho bạn có đang mang thai hay không. Do đó, bạn có thể yên tâm nếu quyết định tiêm ngừa COVID-19.

Vaccine COVID-19
Vaccine COVID-19 không gây nhiễm COVID-19

Trước khi và sau khi tiêm vaccine covid-19 thì các đối tượng phụ nữ có thai, và cho con bú cần chuẩn bị gì và chú ý gì để đảm bảo sức khỏe?

Thạc sĩ – Bác sĩ – Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn: Trước, trong và sau khi tiêm phòng vaccine Covid-19 phụ nữ có thai và đang cho con bú cần chuẩn bị các thuốc và dụng cụ theo dõi sức khỏe sau tiêm như: nhiệt kế, thuốc hạ sốt giảm đau, lưu số liên lạc của nhân viên y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất để có thể liên hệ trong trường hợp cần thiết.Và vẫn cần thực hiện các biện pháp để bảo vệ bản thân và những người xung quanh khỏi bị nhiễm SARS-Cov-2 theo khuyến cáo của Bộ Y Tế

  • Thường xuyên đeo khẩu trang
  • Rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, hoặc khử khuẩn bằng các dung dịch sát khuẩn tay nhanh.
  • Duy trì khoảng cách với người xung quanh, tránh tụ tập đông người

Tiêm phòng trong thời kỳ mang thai tạo ra các kháng thể có thể bảo vệ em bé

Một số nghiên cứu cho thấy, việc mẹ tiêm phòng vaccine trong giai đoạn đang mang thai có thể giúp cơ thể có kháng thể để chống lại sự “xâm nhập” của virus SARS-CoV-2.

Không chỉ vậy, các kháng thể được tạo ra sau khi một người mang thai được tiêm vaccine COVID-19 còn được tìm thấy trong máu dây rốn. Điều này cho thấy, việc mẹ bầu tiêm chủng vaccine phòng ngừa COVID-19 trong khi mang thai có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh chống lại COVID-19. 

Một nghiên cứu gần đây về hiệu quả của việc mẹ tiêm vaccine COVID-19 khi mang thai đối với trẻ sơ sinh cho thấy, khi được 6 tháng tuổi, có đến khoảng 57% trẻ sơ sinh có mẹ tiêm chủng ngừa COVID-19 trong thai kỳ có kháng thể có khả năng chống lại COVID-19. Tỷ lệ trẻ sơ sinh có kháng thể chống COVID-19 do mẹ nhiễm COVID-19 trong khi mang thai là 8%. 

Ngoài ra, một số thống kê cho thấy, có đến 84% trẻ sơ sinh nhập viện vì COVID-19 do mẹ chưa được tiêm phòng trong thai kỳ. Các chuyên gia cho rằng, việc người mẹ tiêm hai mũi vaccine COVID-19 trong thời kỳ mang thai có thể giúp bảo vệ trẻ sơ sinh tránh khỏi việc nhập viện do nhiễm COVID-19.

Tuy cần có thêm dữ liệu để xác định xem những kháng thể chống lại COVID-19 có trong cơ thể trẻ sơ sinh sẽ hoạt động như thế nào nhưng nhìn chung, việc mẹ bầu tiêm ngừa COVID-19 có thể bảo vệ sức khỏe cả mẹ và bé.

MarryBaby: Có rủi ro với trẻ nếu mẹ tiêm vaccine COVID-19 trong thai kỳ hoặc khi đang cho con bú?

Thạc sĩ – Bác sĩ – Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn:

Tính đến thời điểm hiện tại, chưa có nghiên cứu khoa học nào có thể chỉ ra rủi ro đối với thai nhi và trẻ sơ sinh nếu mẹ tiêm ngừa COVID-19 trong thời gian mang thai hoặc khi đang cho con bú.

Dựa trên cách hoạt động của các loại vaccine trong cơ thể, các chuyên gia y tế tin rằng, vaccine COVID-19 không có khả năng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thai nhi và trẻ sơ sinh.

Mẹ tiêm vaccine COVID-19 trong thai kỳ không gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của trẻ sơ sinh

Nên tiêm vaccine COVID-19 vào thời điểm nào thì tốt?

CDC và các tổ chức y tế uy tín, chẳng hạn như Đại học Sản phụ khoa Hoa Kỳ (American College of Obstetricians and Gynecologists) và Hiệp hội Y học Bà mẹ-Thai nhi (Society for Maternal-Fetal Medicine), khuyến nghị tiêm phòng COVID-19 vào bất kỳ thời điểm nào trong thai kỳ.

Ngoài ra, nếu mẹ bầu đã tiêm vaccine COVID-19, đừng chần chừ mà hãy tiêm liều nhắc lại ngay khi đủ điều kiện để bảo vệ sức khỏe của mẹ tốt nhất trong thai kỳ.

MarryBaby: Trong các loại vaccine Covid-19 thì đâu là vaccine phù hợp nhất dành cho mẹ bầu và mẹ cho con bú?

Thạc sĩ – Bác sĩ – Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn: Hiện nay hầu hết các loại vaccine được cấp phép sử dụng cho phòng bệnh Covid-19 đều cho thấy có hiệu quả và an toàn đối với phụ nữ có thai và cho con bú. Theo đó, các vaccine trong danh sách dưới đây được khuyến cáo bởi WHO đối với phụ nữ đang mang thai và cho con bú:

  • Pfizer–BioNTech BNT162b2
  • Moderna mRNA-1273
  • AstraZeneca AZD1222 Vaxzevria™, SII COVISHIELD™ ChAdOx1-S [recombinant]
  • Janssen Ad26.COV2.S
  • Sinopharm BIBP
  • Sinovac–CoronaVac
  • Bharat Biotech BBV152 COVAXIN® 
  • Novavax NVX-Co2373

MarryBaby: Cách xử lý khi mẹ bầu và mẹ cho con bú bị sốt sau tiêm vaccine covid-19? Họ có được dùng thuốc hạ sốt không? Nếu được thì là những loại thuốc nào?

Thạc sĩ – Bác sĩ – Giảng viên Nguyễn Văn Hoàn: Trong trường hợp bị sốt sau khi tiêm phòng vaccine Covid-19 ở phụ nữ có thai và đang cho con bú vẫn có thể sử dụng thuốc hạ sốt giảm đau có chứa Paracetamol với liều lượng 10-15mg/kg cân nặng/1 lần. Uống mỗi lần cách nhau ít nhất 4-6h. Cần lưu ý dự trữ đủ số thuốc cần thiết cho khoảng 3-5 ngày.

Vaccine COVID-19 có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

Phụ nữ đang chuẩn bị mang thai hoặc đang cố gắng mang thai và lo lắng rằng việc tiêm vaccine có làm ảnh hưởng đến khả năng sinh sản hay không thì hãy an tâm. Tiêm vaccine phòng COVID-19 sẽ không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Do đó, không cần phải tạm trì hoãn việc mang thai sau khi tiêm vaccine hoặc không tiêm vaccine vì đang có ý định mang thai.

Như vậy, có thể thấy, tiêm vaccine COVID-19 không gây ảnh hưởng xấu hay tác dụng phụ đối với phụ nữ chuẩn bị mang thai, đang mang thai hoặc đang cho con bú. Vì vậy, không có lý do gì để trì hoãn việc tiêm chủng mà hãy tiêm ngay khi có điều kiện để bảo vệ sức khỏe bản thân và trẻ sơ sinh bạn nhé!

>>> Xem thêm: 

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

Cập nhật năm 2022: Chuyên gia hướng dẫn cách chăm sóc mẹ bầu trong giai đoạn “sống chung với dịch”

Mang thai giữa lúc đại dịch COVID-19 biến chuyển khôn lường gây nên nỗi bất an đối với thai phụ. Vì vậy, làm sao để có một thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở an toàn là mối quan tâm hàng đầu của mẹ bầu trong giai đoạn “bình thường mới”. Thấu hiểu và chia sẻ với nỗi lo lắng của mẹ, MarryBaby đã nhờ bác sĩ Tạ Trung Kiên giải đáp những thắc mắc xoay quanh cách chăm sóc mẹ bầu khỏe mạnh lẫn mẹ bầu F0. 

Bác sĩ Kiên hiện hợp tác tại khoa sản Bệnh viện Đồng Nai 2, bệnh viện quốc tế Âu Cơ. Với kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực sản phụ khoa, hy vọng những chia sẻ của bác sĩ về cách chăm sóc mẹ bầu trong giai đoạn phải “sống chung” với dịch Covid-19 sẽ giúp mẹ có thêm kiến thức chăm sóc thai kỳ. Đặc biệt trong tình huống xấu nhất, chẳng may dương tính với SARS-CoV-2, mẹ vẫn đủ bình tĩnh, biết đâu là điều nên và không nên làm, nhằm đảm bảo an toàn cho hai mẹ con.

1. Những nguy cơ dịch bệnh mẹ bầu phải đối mặt khi trở lại cuộc sống ‘bình thường mới”

a. Nguy cơ lây nhiễm

Các nghiên cứu gần đây đều cho thấy phụ nữ mang thai không có nguy cơ mắc Covid-19 cao hơn những người trưởng thành khỏe mạnh khác. Thế nhưng, trong quá trình đi làm và tương tác với mọi người, thai phụ có thể phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm cao nếu:

– Mẹ bầu làm việc, sinh hoạt trong môi trường có tỷ lệ người xung quanh chích vaccine thấp.

– Môi trường sống, làm việc không thông thoáng, trao đổi không khí kém.

– Tâm lý mẹ chủ quan, cứ nghĩ “bình thường” rồi, đã chích vaccine rồi, thế là lơ là, không đeo khẩu trang, không giữ khoảng cách nơi đông người. Trong khi đó, dù đã tiêm ngừa vẫn có thể nhiễm bệnh.

Mặt khác, nếu chẳng may mẹ mắc COVID-19, tam cá nguyệt thứ 2 và thứ 3 là giai đoạn nguy hiểm hơn cả cho mẹ và bé. Vì đây là giai đoạn thai nhi đã lớn nhưng chưa phát triển hoàn thiện nên việc điều trị sẽ phức tạp hơn.

b. Nguy cơ bệnh chuyển biến nặng khi nhiễm SARS-CoV-2

Tuổi tác, tình trạng sức khỏe tác động phần nào đến mức độ nặng hay nhẹ ở thai phụ mắc COVID-19. Khi tư vấn cách chăm sóc mẹ bầu, bác sĩ không quên nhắc đến các yếu tố nguy cơ khiến bệnh diễn tiến nặng ở phụ nữ mang thai F0:

c. Nguy cơ sinh non hoặc sinh sớm nếu nhiễm COVID-19

Thống kê cho thấy mẹ bầu nhiễm COVID-19 có nhiều khả năng sinh non, thai chết lưu. Trẻ sơ sinh được sinh ra thường phải nằm ở phòng chăm sóc đặc biệt và cũng có thể bị nhiễm virus Sars-CoV-2.

Trước các yếu tố nguy cơ trên, bác sĩ Kiên lưu ý thai phụ hãy luôn tuân thủ nguyên tắc 5K (khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế), nhất là ở môi trường phòng khám, bệnh viện nơi nguy cơ lây nhiễm chéo cao. 

2. Hướng dẫn cách chăm sóc mẹ bầu khi phải “sống chung” với COVID-19

Cách chăm sóc mẹ bầu vẫn không thay đổi nhiều so với trước khi xuất hiện đại dịch. Điều cần lưu ý là thai phụ đừng vì sợ lây nhiễm COVID-19 mà trì hoãn việc khám thai và phải luôn duy trì dinh dưỡng, vận động phù hợp để tăng cường sức đề kháng. 

a. Chăm sóc phụ nữ mang thai về dinh dưỡng

– Duy trì khẩu phần ăn cân bằng, nhiều rau xanh, trái cây, thịt cá, hạn chế tinh bột, đồ ngọt để giảm nguy cơ tiểu đường thai kỳ. Vì đái tháo đường là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng nặng ở bệnh nhân mắc Covid-19.

– Ngoài việc bổ sung các vi chất cần thiết trong thai kỳ như sắt, axit folic, canxi, thai phụ cần bổ sung thêm vitamin D với hàm lượng 10mg/ngày để tăng cường cơ, xương. Hơn nữa, một số nghiên cứu cho thấy những người có nồng độ vitamin D trong cơ thể thấp sẽ tăng nguy cơ bệnh nặng khi nhiễm SARS-CoV-2.

– Để tăng cường sức đề kháng trong mùa dịch, mẹ bầu cần bổ sung thêm thực phẩm giàu vitamin C như trái cây họ cam quýt, kiwi, dâu tây, đu đủ… Nếu chế độ ăn không cung cấp đủ lượng vitamin C khuyến nghị hàng ngày, mẹ có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc dùng thêm viên sủi C. Tuy nhiên, bổ sung vitamin C bằng đường uống cần theo chỉ định của bác sĩ để tránh xảy ra tình trạng dư thừa. Thừa vitamin C có thể gây ra chứng scurvy ở trẻ (bé sinh ra bị thiếu hụt vitamin C).

Chăm sóc phụ nữ mang thai về dinh dưỡng

b. Chăm sóc thai nhi

Cần tuân thủ lịch khám thai định kỳ. Việc e sợ quá mức nơi đông người có thể làm chậm việc khám thai theo lịch, dẫn đến phát hiện trễ các bất thường ở thai nhi và can thiệp muộn. Theo đó, sức khỏe của mẹ bầu lẫn em bé trong bụng có thể bị đe dọa.

Ngoài lịch thăm khám định kỳ, mẹ cần tham khảo các mốc khám thai không thể bỏ qua tại đây

Để tiện theo dõi sức khỏe trong thai kỳ, mẹ có thể sử dụng dịch vụ telemedicine (trao đổi với bác sĩ qua điện thoại). Nếu phát hiện những bất thường trong giai đoạn mang thai, hãy nhờ bác sĩ tư vấn để có hướng xử trí kịp thời. 

Nếu đi khám thai, mẹ nên chọn những khung giờ trong ngày, những ngày trong tuần có lượng bệnh nhân thưa thớt.

Ngoài ra, mẹ nên tham gia lớp học tiền sản để tự trang bị kiến thức về thai kỳ cũng như biết cách chăm sóc bản thân trước và sau sinh một cách khoa học.

c. Nghỉ ngơi, tập luyện

Khi hướng dẫn cách chăm sóc mẹ bầu, bác sĩ cũng nhắc mẹ nên có chế độ nghỉ ngơi hợp lý và tập luyện thường xuyên. Việc tập thể dục đều đặn sẽ giúp giảm tình trạng huyết khối. Thực tế cho thấy bệnh nhân COVID-19 thường diễn tiến nặng nếu có tiền sử huyết khối.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng được khuyến khích khích nên tập yoga, tập Kegel để nhận nhiều lợi ích về mặt sức khỏe xuyên suốt thai kỳ và cả sau khi sinh.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Mách bầu 5 bài tập thể dục lý tưởng, dễ tập

 d. Làm việc

Ở nơi làm việc, mẹ bầu đừng quên áp dụng quy tắc 5K. 

– Luôn đeo khẩu trang và đeo đúng cách (không đưa tay sờ vào bề mặt khẩu trang, tháo khẩu trang chỉ cầm vào dây đeo qua tai để tháo…).

– Luôn giữ khoảng cách với đồng nghiệp xung quanh.

– Tránh tụ tập đông người.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn, nhất là khi cầm, nắm vật dụng, tài liệu vì virus có thể sống tới 72 giờ trên vật liệu thép, nhựa, thủy tinh; 24 giờ trên thùng giấy, carton.

– Thực hiện khai báo y tế theo quy định.

3. Hướng dẫn cách chăm sóc bà bầu F0

Mặc dù mẹ bầu có thể rất cẩn trọng trong việc giữ an toàn, tránh lây nhiễm, nhưng trước nguy cơ nhiễm bệnh, vẫn có tỷ lệ mẹ sẽ bị nhiễm. Và trong trường hợp xấu nhất mẹ bầu trở thành F0, lời khuyên dành cho mẹ là hãy bình tĩnh, thực hiện thông báo ngay đến cơ quan y tế phường, xã đang sinh sống để nhanh chóng được chuyển đến bệnh viện và luôn tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ. 

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, tất cả mẹ bầu F0 đều nên được theo dõi tại bệnh viện để đảm bảo an toàn ở mức cao nhất cho mẹ và bé.

Thông thường, thai phụ F0 có triệu chứng nhẹ thường có các biểu hiện như sốt nhẹ, ho, đau họng, mệt mỏi, không bị viêm phổi và thường tự khỏi sau khoảng 1 tuần.

Bên cạnh được đội ngũ nhân viên y tế chăm sóc về chuyên môn, thai phụ và người thân nên làm theo hướng dẫn cách chăm sóc mẹ bầu F0 dưới đây để hạn chế mất sức, nhanh hồi phục, ổn định sức khỏe.

  • Nghỉ ngơi tại giường.
  • Uống nhiều nước, nhất là nước ấm.
  • Ăn uống, bổ sung đầy đủ vitamin, uống thuốc điều trị theo đúng chỉ định của bác sĩ.
  • Giữ ấm đường thở, thường xuyên súc miệng, nhỏ mũi bằng nước muối.
  • Nếu bị sốt, hãy giảm nhiệt độ phòng, mặc quần áo rộng, lau mát.
  • Nếu ho, uống thêm chanh mật ong, nằm cao đầu để giảm ho.
  • Nếu cảm thấy căng thẳng, lo âu, hãy ăn uống, ngủ nghỉ và tập thể dục điều độ; trò chuyện với người thân trực tiếp hoặc qua điện thoại, video call; thở bằng cơ hoành (thở để làm phồng bụng); tìm cách thư giãn (nghe nhạc, đọc sách…); yêu cầu tư vấn tâm lý nếu cần…
  • Trong quá trình điều trị COVID-19 và kể cả khi đã khỏi, thai phụ cần được khám thai 2 – 4 tuần/lần nhằm sớm phát hiện tiền sản giật, thai chậm phát triển trong tử cung, dọa đẻ non hoặc đẻ non.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Bài tập hít thở hồi phục phổi sau mắc Covid-19

4. Các biện pháp can thiệp sản khoa đối với thai phụ F0

Các biện pháp can thiệp sản khoa đối với thai phụ F0

Nhằm mục tiêu giữ an toàn cho cả mẹ và thai nhi, trong quá trình chia sẻ kiến thức  về cách chăm sóc mẹ bầu là F0, bác sĩ Trung Kiên có đề cập đến các biện pháp can thiệp sản khoa đối với thai phụ F0 ở cả 2 trường hợp nhẹ lẫn nặng.

– Nếu thai phụ mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ hoặc trung bình:

  • Tuổi thai từ 39 tuần trở lên, xem xét ưu tiên ngả sinh âm đạo. 
  • Tuổi thai 37-38 tuần mà không có chỉ định sản khoa khác thì thai phụ sẽ được theo dõi thêm khoảng 2 tuần tính từ thời điểm có kết quả dương tính trước khi quyết định chấm dứt thai kỳ.

– Nếu mẹ bầu chuyển nặng hoặc nguy kịch, tùy từng trường hợp cụ thể mà có hướng xử trí khác nhau.

  • Nếu không đặt nội khí quản: sẽ chấm dứt thai kỳ khi thai hơn 32 tuần bằng khởi phát chuyển dạ, theo dõi sinh ngả âm đạo hoặc mổ lấy thai.
  • Nếu đặt nội khí quản: Tuổi thai hơn 32 tuần sẽ mổ lấy thai. Tuổi thai dưới 32 tuần và có khả năng sống sẽ theo dõi tiếp tục nếu tình trạng mẹ và thai ổn định, hoặc mổ lấy thai nếu tình trạng mẹ diễn tiến xấu.

5. Lây nhiễm chéo trong quá trình sinh nở

Nhân viên y tế được xét nghiệm định kỳ đầy đủ nên khá ít rủi ro lây nhiễm, dù vậy nguy cơ lây nhiễm chéo COVID-19 trong lúc sinh nở tại bệnh viện vẫn có thể xảy ra. Hai trường hợp sau có thể tăng nguy cơ lây nhiễm chéo mà mẹ cần lưu tâm: 

– Sản phụ khi nhập viện đã được xét nghiệm đầy đủ nhưng vẫn không sàng lọc hết do bệnh biểu hiện muộn.

– Một số địa phương do đã tổ chức chích vaccine đầy đủ cho người dân nên không còn quy định người đi khám bệnh hay thăm bệnh phải xét nghiệm Covid-19. Đây chính là sơ hở để F0 xuất hiện trong bệnh viện gây lây nhiễm chéo.

6. Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 cho mẹ và bé khi mới sinh

Trong thời buổi sống chung với dịch Covid-19, bên cạnh chú trọng cách chăm sóc mẹ bầu, mẹ cũng nên lưu ý cách để tránh lây nhiễm cho mẹ và bé sơ sinh.

– Hạn chế số người trong phòng sinh cũng như hạn chế số người thăm sau sinh.

– Luôn chú ý vệ sinh tay sạch sẽ trước khi chăm sóc trẻ.

– Luôn giữ khoảng cách với những người chăm nuôi khác trong bệnh viện.

– Hạn chế tiếp xúc các bề mặt trong bệnh viện khi không cần thiết.

– Cho con bú mẹ hoàn toàn giúp giảm các biến chứng bệnh tật, tử vong khác cho bà mẹ và trẻ em.

Hướng dẫn phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 cho mẹ và bé khi mới sinh

7. Mẹ sau sinh vẫn có nguy cơ biến chứng nặng nếu nhiễm Covid-19

Phụ nữ sau sinh vẫn có nguy cơ bị biến chứng nặng nếu nhiễm Covid-19. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), thai phụ nhiễm Covid-19 có khả năng cao sẽ mắc bệnh nặng hơn trong lúc mang thai và sau sinh so với những người không mang thai.

Tóm lại, trong điều kiện “bình thường mới”, thai phụ càng phải thận trọng hơn khi giao tiếp nhằm hạn chế lây nhiễm Covid-19. Để tăng khả năng chống chọi trước các tác nhân gây bệnh, mẹ đừng quên thường xuyên tập luyện và có chế độ dinh dưỡng cân bằng, giàu các dưỡng chất thiết yếu. 

Hy vọng những thông tin chia sẻ hữu ích của bác sĩ Tạ Trung Kiên về cách chăm sóc mẹ bầu trong điều kiện “bình thường mới” sẽ giúp mẹ có một thai kỳ khỏe mạnh, sinh nở “mẹ tròn con vuông”.