Trong gần 1 giờ chia sẻ, Thạc sĩ – bác sĩ sản phụ khoa Huỳnh Kim Dung đã giúp hàng trăm chị em gỡ rối về những dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện. Trong đó có 2 phần rất thiết thực và bổ ích là: chia sẻ thông tin từ chuyên gia và giải đáp thắc mắc của khán giả đang xem livestream.
Thông tin chuyên gia: Những dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện cần lưu ý
Theo Ths – Bs Huỳnh Kim Dung, các dấu hiệu chuyển dạ không đến đột ngột và sẽ xuất hiện trước 1-2 tuần chuyển dạ thật sự. Trong đó có 4 dấu hiệu sắp sinh chuyển dạ rõ rệt nhất mẹ bầu cần chú ý:
1. Bụng bầu tụt xuống, sa bụng
Một vài tuần trước khi chào đời, thai nhi sẽ dịch chuyển xuống phía bụng dưới trong khung xương chậu.
- Đối với những bà bầu từng sinh nở thì dấu hiệu sắp sinh con thứ 2 thường khá mơ hồ. Bạn chỉ cảm nhận được khi cuộc vượt cạn thực sự bắt đầu.
- Đối với mẹ mang thai lần đầu, đây có thể là dấu hiệu sắp sinh trước 1 tuần. Vào thời điểm này, cảm giác ở khung xương chậu rất nặng nề nên việc đi lại của bà bầu khó khăn và chậm chạp hơn,tiểu nhiều hơn. Tuy nhiên, lúc này bạn lại thấy dễ thở hơn vì bé đã không còn lấn chiếm không gian phổi, nhờ vậy giảm được áp lực thai lên lồng ngực, và giảm tình trạng trào ngược.
2. Các cơn co thắt ngày càng mạnh và liên tục
Các cơn co thắt chính là những dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện rõ ràng nhất. Mẹ sẽ cảm thấy đau quặn thắt như thể các cơ trong tử cung đang siết chặt để chuẩn bị “tống” bé ra ngoài.
Tuy nhiên, mẹ cũng nên phân biệt hàng thật và hàng giả, co thắt braxton-hicks sẽ diễn ra vài tuần hay thậm chí là vài tháng trước khi sinh.
3. Dịch nhầy âm đạo thay đổi màu sắc và độ kết dính, bung nút nhầy cổ tử cung
Thông thường, vào 1 tuần hoặc vài ngày trước khi sinh, mẹ sẽ thấy âm đạo tiết dịch nhiều hơn và có thể đặc hơn một chút. Nguyên nhân là do nút nhầy có tác dụng bịt kín cổ tử cung để ngăn ngừa viêm nhiễm đã đến lúc bị bong ra trong tử cung.
Nút nhầy là một miếng lớn hoặc nhỏ trông sền sệt, màu vàng nhạt như lòng trắng trứng. Một số trường hợp nút nhầy bong ra sẽ lẫn một chút máu.
Dấu hiệu sắp sinh này được gọi là “máu báo sắp sinh”. Đây cũng là một dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện rất rõ ràng và phổ biến ở các bà bầu.
4. Vỡ nước ối
Nhiều người nhầm tưởng rằng một khi vỡ ối là bé sẽ chào đời liền ngay sau đó. Thực tế, chỉ có một số ít bà bầu sinh ngay khi vỡ ối.
Phần đông các bà bầu phải mất tới 12 giờ hoặc vài giờ sau khi vỡ ối mới thực sự lâm bồn. Dù thời gian chuyển dạ là khi nào thì đây vẫn là dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện ngay mẹ cần lưu ý.
Giải đáp thắc mắc của thành viên MarryBaby
Trong phần thứ 2 của buổi livestream, bác sĩ Dung đã giải đáp nhiều thắc mắc của các mẹ bầu về vấn đề phân biệt các dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện, thời điểm nhập viện phù hợp nhất.
Thành viên Sofia Phạm: Bác sĩ ơi có phải vỡ ối là phải nhập viện liền không và có quá sớm hay không? Khi nào là phù hợp nhất? Khi ra nước ối, ra nhớt hồng hay đau chuyển dạ thì cần nhập viện ạ?
Ths – Bs Huỳnh Kim Dung:
Về 3 dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện chảy ối, ra nhớt hồng và đau chuyển dạ thì mẹ cần phân biệt để xác định thời gian nhập viện phù hợp.
Vỡ ối, dấu hiệu chuyển dạ cần nhập viện:
Khi vỡ ối thì dù non tháng hay đủ tháng cũng phải nhập viện vì trong 12 tiếng bạn sẽ qua giai đoạn chuyển dạ. Nếu bạn vỡ ối nhưng quá giờ quy định vẫn chưa sanh bác sĩ sẽ hỗ trợ giúp bạn chuyển dạ để tránh nhiễm trùng.
Tuy nhiên bạn cần phân biệt đâu là nước ối và đâu là khí hư? Nước ối của bà bầu thường loãng, không mùi, lợn cợn trắng đục, hoặc vàng lẫn phân xu của thai nhi. Nước ối ra nhiều, ướt quần, còn khí hư đặc, nhầy, hoắc vón cục.
Mẹ bầu có thể cởi đồ, ngồi lên 1 chiếc khăn ho vài tiếng đợi vài phút nếu khăn ướt thì đó là nước ối.
Dấu hiệu ra nhớt hồng:
Trong thai kỳ, nút nhầy cổ tử cung sẽ bịt kín để bảo vệ thai khi khỏi vi khuẩn nhập nhập bên ngoài và hạn chế chuyển dạ sinh non, khi gần sanh thì nút nhầy sẽ bong ra tạo điều kiện giãn nở cổ tử cung cho em bé ra ngoài.
Lúc này sẽ ra dịch hồng. Về thời gian chuyển dạ sau khi ra nhớt hồng thì không cố định, có thể vài tiếng, vài ngày hoặc 1 tuần. Mẹ có thể chờ cơn đau chuyển dạ hoặc đến khám để xác định có cần nhập viện hay không?
Đau chuyển dạ:
Để xác định cơn đau chuyển dạ nào là dấu hiệu sắp sinh cần nhập viện nhập viện, mẹ có thể xác định đau chuyển dạ giả và thật.
Mẹ bầu có thể đặt tay lên bụng xem tử cung gò cứng hay chưa, xác định quãng đau và thời gian kéo dài của các cơn đau.
- Cơn đau chuyển dạ giả không có quãng đau cố định, cường độ như nhau hoặc giảm xuống, vị trí ở bụng dưới. Có thể biến mất khi bạn làm việc khác
- Cơn đau chuyển dạ thật đau ngày càng tăng, đau khắp bụng. Quãng đau chuyển dạ thật sẽ liên tục, cố định từ 30s trở lên, có thể tăng lên 75s và không thể tự kết thúc.
Khán giả Trương Nguyễn Diễm Phương: Khi chuyển dạ mẹ bầu có nên se đầu vú để kích thích chuyển dạ hay không? Mẹ bầu tháng cuối có nên ăn dứa và tía tô không?
Ths – Bs Huỳnh Kim Dung:
Đồng tác se đầu vú hay kích thích đầu vú được chỉ định trong trường hợp cần kích thích chuyển dạ hoặc không đủ cơn gò tử cung. Mẹ thực hiện bằng cách kéo hay vê núm vú, đồng thời massage vùng quầng ngực xung quanh.
Các kích thích này làm cơ thể tưởng rằng bạn đang cho con bú và giải phóng ra oxytocin, loại hormone gây ra sự giãn nở cổ tử cung.
Tuy nhiên trước khi bắt đầu, mẹ phải hỏi ý kiến bác sĩ hoặc nữ hộ sinh. Khi thực hiện cần nhẹ nhàng, làm từng bên để tránh kích thích quá mạnh không tốt cho mẹ bầu. Tuy nhiên mỗi người sẽ có kết quả khác nhau với biện pháp này. Khi nhập viện bác sĩ sẽ theo dõi và hỗ trợ kịp thời nên mẹ bầu không cần quá lo lắng.
Về thực phẩm tháng cuối thai kỳ thì mẹ có thể ăn khóm hoặc uống lá tía tô để kích thích chuyển dạ, mở cổ tử cung. Tuy nhiên bác sĩ chuyên khoa không khuyến khích mẹ bầu tự ý dùng các biện pháp này vì có thể không đúng liều lượng ảnh hưởng sức khỏe mẹ bầu.
Xem thêm: Bầu ăn khổ qua được không? Mẹ xem ngay nếu đang ăn nhé
Thành viên Hồng Bồng Bềnh – cộng đồng MarryBaby: Bác sĩ ơi có cách nào giảm đau đẻ không, có nên tiêm mũi không đau hay không? có ảnh hưởng gì về sau không?
Ths – Bs Huỳnh Kim Dung:
Chúng ta có một số biện pháp giảm đau khi chuyển dạ là: hít thở sâu, thư giãn, làm các việc khác để phân tán tư tưởng, mẹ có thể đứng vịn vai chồng, lắc nhẹ để đỡ đau, lắc đầu gối theo cơn đau, tư thế chống quỳ, nằm nghiêng cũng giúp giảm đau…
Ngoài ra bác sĩ sản khoa có thể áp dụng cách tiêm đẻ không đau cho các sản phụ có khả năng chịu đau kém. Biện pháp này đã được chứng minh tinh an toàn ở hàng ngàn sản phụ trên toàn thế giới. Về di chứng và tác dụng phụ của biện pháp này là thấp và rất hiếm với tỷ lệ 0,03%.
Tuy nhiên khi sử dụng thì thời gian sinh sẽ lâu hơn, phải sử dụng các thuốc kích thích cơn gò, gây buồn nôn, hạ huyết áp… Sau sinh sẽ gây đau đầu đau lưng… Tuy nhiên hiệu quả của biện pháp này là giúp mẹ vượt qua cơn đau đẻ thường, giảm đau tầng sinh môn sau sinh hoặc khi may tầng sinh môn…
Trên đây là 3 vấn đề nổi bật nhất được Ths – bs Kim Dung chia sẻ trong buổi livestream chủ đề Dấu hiệu sắp sinh cần đến bệnh viện. Độc giả muốn theo dõi đầy đủ nội dung thắc mắc và tư vấn của bác sĩ Dung có thể xem lại tại đường link: https://www.facebook.com/marry.baby.vn/videos/398900011594875
Trong thời gian tới, MarryBaby sẽ tiếp tục tổ chức các buổi livestream chia sẻ nhiều kiến thức y khoa bổ ích thiết thực cho cộng đồng bố mẹ chuẩn bị có con, mẹ bầu, mẹ sau sinh… Hãy tiếp tục theo dõi MarryBaby để chăm sóc bản thân và gia đình nhỏ của mình nhé!
Xem thêm: Làm thế nào để vượt cạn thành công?