Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Bệnh đường hô hấp

Mẹ đã biết phân biệt triệu chứng Covid-19 ở trẻ em với bệnh cảm thông thường

Trẻ em nhiễm Covid-19 sẽ có những dấu hiệu gì? Triệu chứng Covid ở trẻ em giống và khác gì với bệnh cảm, dị ứng thông thường?

Do Covid-19 và các bệnh cảm sốt thông thường đều do virus gây ra. Vì vậy, trẻ nhiễm Covid-19 và cảm thường có một vài triệu chứng giống nhau, khiến mẹ dễ nhầm lẫn. Mẹ cần phân biệt rõ để có hướng xử lý kịp thời.

Nguy cơ nhiễm Covid-19 ở trẻ em

Trước khi tìm hiểu về triệu chứng Covid ở trẻ em, mẹ hãy tham khảo một số thông tin dưới đây.

Covid-19 (virus corona hay nCoV – gọi tắt là Covid) là bệnh về đường hô hấp, gây ra bởi virus SARS-CoV-2. Covid-19 chủ yếu lây lan từ người này sang người khác khi tiếp xúc gần, cụ thể:

  • Khi người nhiễm bệnh ho, hắt hơi, virus Covid-19 sẽ theo các giọt bắn di chuyển trong không khí và xâm nhập vào người ở gần.
  • Virus cũng có thể lây lan thông qua các tiếp xúc thân mật như nói chuyện gần nhau, ôm nhau, ăn chung uống chung.
  • Một người bị nhiễm Covid-19 không có triệu chứng vẫn có khả năng lây cho người khác.

Trẻ em ở mọi lứa tuổi đều có nguy cơ bị nhiễm Covid-19. Tính đến tháng 2/2022, tỷ lệ mắc Covid-19 của trẻ em dưới 18 tuổi ở nước ta là 19.2%, trong đó 8% trẻ 6-12 tuổi, 2.8% trẻ từ 3-5 tuổi và 3.6% trẻ dưới 2 tuổi (theo cổng thông tin Bộ y tế).

triệu chứng covid ở trẻ em
Trẻ em là đối tượng dễ gặp nguy hiểm khi mắc Covid-19

Với biến chủng mới, việc lây nhiễm sẽ có nguy cơ nhiều hơn, đặc biệt ở nhóm trẻ chưa đủ độ tuổi tiêm phòng. Bên cạnh đó, trẻ nhỏ thường chưa tự giác trong việc đeo khẩu trang cũng như rửa tay, khử khuẩn nên dễ bị lây nhiễm.

Theo thống kê, tỷ lệ trẻ em nhiễm Covid-19 chuyển biến nặng ít hơn người lớn, nhưng vẫn có thể xảy ra. Mặc khác, các bằng chứng cho thấy trẻ em có thể có tải lượng vi rút trong đường hô hấp trên tương tự như người lớn, nên trẻ nhiễm bệnh có thể lây vi-rút cho người khác.

Vì vậy, cho dù triệu chứng Covid-19 ở trẻ em là thể nhẹ hoặc không có, thì mẹ cũng không nên chủ quan nhé.

Triệu chứng Covid ở trẻ em có gì khác so với các bệnh cảm và dị ứng

Virus Covid-19 là chủng virus mới, hiện vẫn đang được các nhà khoa học tìm hiểu, nghiên cứu. Vì là căn bệnh mới nên Covid-19 được đánh giá là tiềm ẩn nhiều nguy cơ cho sức khỏe hơn bệnh cảm hay dị ứng thông thường.

Tuy nhiên, một số triệu chứng khi mắc Covid-19 lại khá giống với các bệnh truyền nhiễm thông thường, nên khiến nhiều người nhầm lẫn. Làm sao phân biệt được triệu chứng mắc Covid ở trẻ em với bệnh cảm lạnh và dị ứng?

1. Sự khác biệt giữa triệu chứng nhiễm covid ở trẻ em và cảm lạnh thông thường

  • Nguyên nhân gây bệnh: Covid-19 do virus SARS-CoV-2 (coronavirus) gây ra, cảm lạnh thông thường do chủng rhinovirus gây ra.
  • Thời gian ủ bệnh: Triệu chứng Covid ở trẻ em thường xuất hiện sau khoảng 2 – 14 ngày tiếp xúc với nguồn bệnh, còn bệnh cảm lạnh có thời gian ủ bệnh từ 1 – 3 ngày.
  • Triệu chứng sốt: Khi nhiễm Covid-19, trẻ thường sốt cao, trong khi cảm lạnh sẽ gây ra sốt nhẹ và ngắn ngày hơn.
  • Nhức mỏi: Một trong những triệu chứng phổ biến khi mắc Covid-19 đó là cảm giác nhức mỏi, đau đầu, đau cơ. Các triệu chứng này hiếm khi xuất hiện khi bị cảm lạnh.
  • Mất vị giác: Theo thống kê, tỷ lệ người nhiễm Covid-19 có giai đoạn mất vị giác là 23%. Trong khi đó, bệnh cảm lạnh hầu như không gây ra triệu chứng này.
  • Các triệu chứng khác: Cả Covid-19 và cảm lạnh đều dẫn đến các triệu chứng như ho, chảy nước mũi, hắt hơi, đau họng. Tuy nhiên, có một vài điểm khác biệt. Cảm lạnh có ho, sốt nhưng ít khi có biểu hiện tiêu chảy hay buồn nôn. Ngược lại, Covid-19 có thể kèm theo tiêu chảy, nôn, tức ngực, khó thở, đổ mồ hôi đêm. Tùy vào từng cơ địa mà mức độ các triệu chứng này nặng nhẹ khác nhau.
triệu chứng covid ở trẻ em
Cả covid và cảm lạnh đều dẫn đến các triệu chứng như ho, chảy nước mũi, hắt hơi

2. Sự khác biệt giữa triệu chứng Covid ở trẻ em và bệnh cảm cúm

Covid-19 và bệnh cúm đều là những bệnh lây nhiễm ở đường hô hấp do virus gây ra. Covid-19 do virus SARS-CoV-2 gây ra, bệnh cúm do virus cúm A và B.

Triệu chứng Covid-19 và cảm cúm có nhiều điểm tương đồng nhau, khiến mẹ dễ nhầm lẫn.

Để phân biệt chính xác trẻ đang mắc Covid-19 hay cảm cúm, mẹ cần dựa vào kết quả xét nghiệm Covid-19. Vẫn có trường hợp, trẻ mắc cả 2 bệnh cùng một lúc. Một vài điểm khác biệt khi trẻ mắc Covid-19 và cảm cúm có thể kể đến như:

  • Các triệu chứng cúm thường xuất hiện sau 1 đến 4 ngày kể từ khi tiếp xúc với virus cúm. Thời gian ủ bệnh của Covid-19 dài hơn, thường là 2 – 14 ngày.
  • Người bị cảm cúm thường hiếm khi thấy khó thở, tức ngực, mất vị giác hay khướu giác. Đây lại là những triệu chứng thường gặp khi nhiễm Covid-19.
  • Covid-19 có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng hơn so với bệnh cảm cúm. Hội chứng viêm đa hệ và hiện tượng cục máu đông là hai biến chứng nguy hiểm của Covid-19. Trong khi bệnh cúm thường lành tính, hiếm khi để lại rủi ro, nhất là khi trẻ được tiêm phòng cúm hàng năm.

3. Phân biệt triệu chứng covid ở trẻ em và dị ứng theo mùa

Dị ứng theo mùa không do virus gây ra như bệnh Covid-19. Thông thường, trẻ bị dị ứng do tiếp xúc với các tác nhân gây dị ứng như bụi, phấn hoa.

Các triệu chứng giống nhau giữa dị ứng theo mùa và nhiễm Covid-19 như hắt hơi, sổ mũi, ngứa họng, ho, nhức đầu. Dị ứng hiếm khi gây sốt, thở gấp hay khó thở như Covid-19.

Để điều trị dị ứng theo mùa, trẻ có thể dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và tránh tiếp xúc với tác nhân gây dị ứng. Covid-19 hiện vẫn chưa có thuốc đặc trị, các loại thuốc hiện hành chỉ giúp điều trị triệu chứng.

Triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ em 

Không phải tất cả trẻ nhiễm Covid-19 đều có triệu chứng hậu Covid-19. Tuy nhiên, các triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ em đa phần tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sức khỏe. Vì vậy, dù trẻ đã khỏi bệnh, mẹ vẫn cần theo dõi thêm để kịp thời phát hiện các dấu hiệu bất thường.

  • Theo các bác sĩ, triệu chứng hậu Covid-19 ở trẻ em đa phần đều liên quan đến đường hô hấp như ho nhiều, ho dai dẳng, tức ngực, hụt hơi, khó thở.
  • Một số ít trẻ gặp các vấn đề liên quan tim mạch, cụ thể là nhịp tim không đều, viêm cơ tim.
  • Triệu chứng mất khướu giác, vị giác có thể kéo dài, khiến trẻ ăn không ngon miệng, biếng ăn.
  • Sức chịu đựng giảm sút, trẻ dễ mệt hơn bình thường khi vận động.
  • Trẻ sau khi mắc Covid-19 có thể gặp tình trạng “não sương mù” làm trẻ suy nghĩ chậm, giảm trí nhớ và thiếu tập trung.
  • Nghiêm trọng hơn, trẻ có thể mắc hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C) sau khi nhiễm Covid-19. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ 6 – 15 tuổi, vào khoảng 2 đến 6 tuần sau khi mắc Covid-19. Nếu chẳng may gặp tình trạng này, các cơ quan như tim, phổi, thận, não, da, mắt, cơ quan tiêu hóa đều có thể bị tổn thương. Triệu chứng của hội chứng viêm đa hệ thống là trẻ sốt rất cao, sốt liên tục, nổi ban, rối loạn tiêu hóa
  • Để chẩn đoán hội chứng viêm đa hệ thống hậu Covid-19, trẻ cần có sự thăm khám rất kỹ của bác sĩ. Trẻ có thể làm thêm một số xét nghiệm, loại trừ các nguyên nhân khác cũng gây triệu chứng tương tự, từ đó chẩn đoán đúng bệnh và có phương án điều trị phù hợp.

Mẹ nên làm gì khi trẻ xuất hiện triệu chứng Covid-19

Triệu chứng Covid ở trẻ em thường xuất hiện sau khoảng 2 – 14 ngày kể từ khi trẻ tiếp xúc với mầm bệnh. Khi trẻ có triệu chứng và kết quả xác nghiệm dương tính Covid-19, mẹ cần gọi ngay cho bác sĩ hoặc trung tâm y tế theo dõi điều trị Covid-19 tại địa phương. Tùy theo tình hình sức khỏe, bác sĩ sẽ chỉ định trẻ nên nhập viện hay điều trị tại nhà.

triệu chứng covid ở trẻ em
Đau bụng dữ dội là triệu chứng trở nặng của Covid-19

Trong trường hợp trẻ được chăm sóc tại nhà, nếu trẻ đột nhiên trở nặng, mẹ cần cho trẻ đến bệnh viện ngay lập tức. Một số triệu chứng bất thường mẹ cần lưu ý như:

  • Trẻ khó thở, thở nhanh, nhịp thở > 60 lần/phút ở trẻ dưới 2 tháng, thở > 50 lần/ phút ở trẻ 2-12 tháng, hoặc > 40 lần/phút ở trẻ > 1 tuổi.
  • Đau, tức ngực.
  • Da xanh xao, môi tái nhợt.
  • Không tỉnh táo, ngủ li bì khó đánh thức.
  • Đau bụng dữ dội.
  • Bỏ bú, bỏ ăn.

Triệu chứng Covid ở trẻ em rất dễ nhầm lẫn với các bệnh cảm cúm, cảm lạnh thông thường hay dị ứng theo mùa. Mẹ cần lưu ý các cách phân biệt để biết được đúng bệnh và có cách xử lý phù hợp nhé.

Xem thêm: