Categories
3 tháng đầu Mang thai

Thai nhi 3 tuần tuổi: Kích thước và sự phát triển của bé

Tuần thai thứ 3 đánh dấu thời điểm tinh binh mạnh mẽ nhất gặp được trứng. Tới lúc này thai 3 tuần rồi, thời điểm thụ thai đã bắt đầu với một tế bào cực nhỏ chính là túi phôi. Vậy sự phát triển của thai nhi 3 tuần tuổi có gì đặc biệt?

Sự phát triển của thai nhi 3 tuần tuổi

1. Thai nhi 3 tuần sẽ phát triển như thế nào? Thai nhi 3 tuần tuổi đã vào tử cung chưa?

Thai nhi 3 tuần tuổi giống như một quả bóng nhỏ xíu, được gọi là phôi nang; chứa đến hàng trăm tế bào đang nhân lên và chui vào niêm mạc tử cung. Các tế bào ở giữa sẽ trở thành phôi. Các tế bào ở bên ngoài sẽ trở thành nhau thai; cơ quan có hình dạng bánh kếp cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho em bé và loại bỏ các chất thải.

Ngay bây giờ, bé là một phôi thai nhỏ bé; bao gồm hai lớp: nội bì và biểu bì. Từ đó tất cả các cơ quan và bộ phận cơ thể của bé sẽ phát triển.

Nhau thai sơ khai cũng tạo thành hai lớp. Các tế bào của nhau thai tạo đường nối vào niêm mạc tử cung; tạo đường dẫn cho máu chảy để cuối tuần này khi nhau thai hoàn chỉnh sẽ bắt đầu hoạt động và cung cấp chất dinh dưỡng, oxy cho bé.

Các tế bào phát triển thành nhau thai bơm ra hormone thai kỳ hCG (human chorionic gonadotropin). Nội tiết tố này làm cho buồng trứng ngừng giải phóng trứng và tiếp tục sản xuất progesterone; ngăn tử cung khỏi bị bong lớp niêm mạc và giữ thai nhi ở lại, cũng như kích thích sự phát triển của nhau thai. Khi có đủ hCG trong nước tiểu, mẹ sẽ có kết quả thử thai dương tính.

Có mặt đồng thời là túi ối, ngôi nhà đầu tiên của bé cùng nước ối sẽ bao bọc bé cho đến khi lớn lên. Túi noãn hoàng xuất hiện, trong đó sản sinh các tế bào hồng cầu, giúp cung cấp chất dinh dưỡng cho đến khi nhau thai phát triển hoàn chỉnh sẵn sàng để tiếp nhận nhiệm vụ này.

Chỉ số hCG bao nhiêu thì thai vào tử cung? Theo bác sĩ chuyên khoa sản cho biết thông thường xét nghiệm nồng độ beta HCG 1000-1500 mIU/ml thì có nghĩa là bạn đang mang thai. Tuy nhiên, siêu âm có thấy thai vào tử cung chưa thì bạn cần chờ đến khi trễ kinh mới thấy rõ được. Thai 3 tuần còn quá nhỏ, nên khó để bạn thấy thai trong tử cung qua siêu âm.

Hình ảnh của thai nhi 3 tuần tuổi
Hình ảnh của thai nhi 3 tuần tuổi

2. Thai 3 tuần tuổi có kích thước bao nhiêu?

Nếu như 2 tuần đầu, việc mang thai chỉ là những hình dung rất mơ hồ thông qua việc cảm nhận về sự thay đổi nho nhỏ của cơ thể thì ở tuần thai thứ 3 đã có bước chuyển biến rõ ràng.

Thai nhi thực sự tồn tại, dẫu cho đó chỉ là sự tồn tại rất nhỏ của một hợp tử. Kích thước của thai nhi 3 tuần tuổi chỉ từ 0,1-0,2mm. Nói chung hình ảnh thai 3 tuần tuổi chưa có gì, mẹ chỉ có thể thấy hợp tử nhỏ xíu.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai nhi 3 tuần tuổi

Cơ thể mẹ sẽ trải qua rất nhiều sự thay đổi khi thai nhi 3 tuần tuổi. Các dấu hiệu mang thai 3 tuần đầu mẹ cần lưu ý bao gồm:

Chảy máu: Nếu phôi thai nhỏ của mẹ đã đến ngôi nhà mới của chúng; mẹ có thể thấy một chút đốm máu khi trứng đã thụ tinh chui vào niêm mạc tử cung của mẹ.

Buồn nôn: Khi hormone thai kỳ hCG bắt đầu xâm nhập vào cơ thể lúc mới mang thai, mẹ có thể nhận thấy một số cảm giác buồn nôn – hoặc thậm chí mẹ có thể nôn mửa.

Thay đổi vú: Ngực của mẹ có thể bắt đầu đau và núm vú có thể thâm đen lại khi cơ thể mẹ bắt đầu chuẩn bị để tạo sữa.

Mất kinh nguyệt: Nếu chu kỳ của mẹ thường ngắn hơn 28 ngày, mẹ có thể nghi ngờ mình đã mang thai. Tuy nhiên, cách duy nhất để biết chắc chắn là đi thử thai.

Thử thai tại nhà cho kết quả dương tính: Hầu hết các que thử thai đều có độ chính xác hơn 99%; và một số nhãn hiệu hứa hẹn sẽ phát hiện ra các hormone thai kỳ trong nước tiểu của mẹ sớm hơn. (Ví dụ: khi mẹ mang thai 3 tuần 5 ngày hoặc thậm chí mang thai 3 tuần 4 ngày.) Tuy nhiên, lượng hormone thai kỳ hCG trong cơ thể mẹ có thể không đủ để xét nghiệm phát hiện ngay lập tức; nhưng nó tăng gấp đôi sau mỗi 48 giờ. Nếu mẹ nhận được kết quả âm tính; hãy theo dõi một vài ngày. Sau đó một tuần, mẹ dùng que thử thai khác để chắc chắn kết quả.

Que thử máu dương tính: Trong một số trường hợp, chẳng hạn như nếu mẹ có nguy cơ sẩy thai hoặc chửa ngoài tử cung; bác sĩ có thể yêu cầu mẹ đến bệnh viện để lấy máu. Xét nghiệm máu có thể phát hiện lượng hCG nhỏ hơn so với xét nghiệm nước tiểu; vì vậy mẹ có thể phát hiện ra mình có thai sớm hơn bằng xét nghiệm máu so với xét nghiệm tại nhà.

Vậy là mẹ đã biết dấu hiệu mang thai 3 tuần rồi đó! Mẹ đọc tiếp để tham khảo thêm lời khuyên từ bác sĩ trogn giai đoạn thai kỳ này nhé!

Lời khuyên của bác sĩ để thai nhi 3 tuần tuổi phát triển tốt

1. Chế độ dinh dưỡng: có bầu 3 tuần nên ăn gì và không nên ăn gì?

Có bầu 3 tuần nên ăn gì và không nên ăn gì

Đây là thời điểm thích hợp để mẹ lên kế hoạch dinh dưỡng cho tam cá nguyệt đầu tiên. Mẹ nên bổ sung món ăn giàu axit folic, sắt và vitamin B1 – ba dưỡng chất cần thiết cho cơ thể trong giai đoạn mang thai sớm. Mẹ có thể bổ sung theo dạng viên uống hoặc thông qua chế độ ăn hàng ngày.

  • Nếu mẹ đã bổ sung axit folic 400mcg/ngày trước khi mang thai, bây giờ sẽ cần nhiều hơn một chút, 600mcg mỗi ngày.
  • Khi có bầu, lượng sắt cần cho cơ thể sẽ tăng gấp đôi khoảng 30mg/ngày. Nếu không cung cấp đủ, mẹ sẽ mắc chứng thiếu máu, ảnh hưởng tới sức khỏe của cả thai nhi.
  • Dưới sự hướng dẫn của bác sĩ, mẹ nên uống thêm thuốc có chứa vitamin B11, mỗi ngày khoảng 0,4mg.
  • Khi biết tin có thai, nhiều mẹ đã ngay lập tức bổ sung rất nhiều dinh dưỡng cho cơ thể. Quá nhiều vào thời điểm này là không cần thiết. Theo các chuyên gia, bà bầu nên bổ sung khoảng 300 calo cho khẩu phần bình thường là đủ.

Một số món ăn cần kiêng cữ: Những món như thịt chưa nấu chín, hải sản hun khói hay trứng lòng đào… thì nên tránh vì chúng có thể gây nguy cơ nhiễm khuẩn coliform, toxoplasmosis và salmonella. Những loại khuẩn này không có lợi cho thai nhi.

Bổ sung sắt và canxi theo chỉ định của bác sĩ

Mẹ bầu chỉ uống nếu có sự chỉ định của bác sĩ khi thai nhi 3 tuần tuổi nhé. Thông thường, nếu thiếu cả sắt và canxi, mẹ sẽ phải tìm cách bổ sung đồng thời; một vào buổi sáng và một vào đầu giờ chiều.

Để uống sắt hiệu quả, mẹ nên uống thêm thức uống chứa nhiều vitamin C như cam hay chanh. Đồng thời, mẹ nhớ cung cấp chất sắt qua thực phẩm như thịt bò, rau muống, cải bó xôi, gan heo…

>> Mẹ xem thêm Làm thế nào để bổ sung sắt và canxi cho bà bầu đúng cách?

2. Chế độ vận động: Mẹ mang thai nhi 3 tuần tuổi nên tập thể dục như thế nào?

Các quy tắc quan trọng nhất nếu bạn tập thể dục khi mang thai 3 tháng đầu là chú ý đến những giới hạn về năng lượng và tránh té ngã. Hãy chắc chắn rằng bạn nói chuyện với bác sỹ về những gì bạn thực hiện nhé!

  • Tập một số bài tập cường độ nhẹ: Tháng đầu của thai kỳ là thời điểm tốt để tập luyện các bài tập tác động thấp. Ví dụ, nếu mẹ chạy thể dục 3 lần/ tuần; hãy thay thế bằng những buổi tập thể dục dưới nước.
  • Đi lại nhẹ nhàng khi thai nhi 3 tuần tuổi: Đây là giai đoạn nhạy cảm nên nếu mẹ đang tập các môn thể thao vận động mạnh thì cần tạm thời ngưng lại.
  • Những loại hình tập thể dục phù hợp với mẹ mang thai nhi 3 tuần tuổi bao gồm: Pilates, Yoga, Bơi, Đạp xe cố định.

Lời khuyên cho mẹ khi mang thai 3 tuần

Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai nhi 3 tuần tuổi

1. Bà bầu mang thai tuần thứ 3 bị ra máu có sao không?

Đây là một trong những dấu hiệu mang thai sớm nhất thường bị nhiều phụ nữ bỏ qua. 3 tuần đầu, mẹ có thể thấy một vài giọt máu giống như triệu chứng kinh nguyệt trong vòng 6 đến 12 ngày sau khi thụ thai thành công do phôi đang bám vào tử cung. Thông thường máu ra rất ít và kéo dài từ vài giờ đến vài ngày.

Tuy nhiên, ra máu cũng có thể là một dấu hiệu bất thường của dọa sảy thai, thai ngoài tử cung… Nếu ra máu kèm đau bụng nhiều, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám.

2. Mang thai 3 tuần có quan hệ được không?

Với phụ nữ mang thai lần đầu thường có tâm trạng lo lắng, đặc biệt sợ quan hệ tình dục mạnh sẽ ảnh hưởng đến thai nhi, kiểu như có thể “làm tổ trứng sẽ rơi mất”. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, trong thời gian đầu thai kỳ, nếu không có dấu hiệu hoặc tiền sử dọa sảy thai, sảy thai… thì vẫn có thể quan hệ tình dục bình thường.

3. Thai 3 tuần siêu âm có thấy không?

Thai nhi 3 tuần tuổi chỉ có những phôi bào nên chưa hình thành nên một cơ thể nhất định nào cả. Những phôi bào này có kích thước rất bé mà mắt thường không thể nhận ra nên kết quả siêu âm thai 3 tuần không thấy được hình ảnh bào thai.

>> Mẹ có thể quan tâm: Thai 3 tuần siêu âm có thấy không?

4. Thai 3 tuần siêu âm đầu dò có thấy không?

Đây là khoảng thời gian quá sớm để siêu âm đầu dò bởi sẽ không cho kết quả chính xác. Sự khảo sát của đầu dò còn có thể gây ảnh hưởng đến sự phát triển của bào thai bên trong tử cung của người mẹ.

5. Mang thai tháng đầu vẫn có kinh nguyệt bình thường không?

6 tuần tiếp theo sẽ rất quan trọng cho sự phát triển của thai nhi. Nhau thai và dây rốn đã hoạt động để cung cấp dinh dưỡng và oxy cho bé. Qua nhau thai, bé nhận dưỡng chất từ cơ thể mẹ, hãy chắc chắn mẹ cung cấp những thứ tốt nhất cho cả mình và bé.

Nếu kết quả thử que âm tính, hãy thử lại vào tuần sau nếu vẫn chưa thấy kỳ kinh. Nhiều kết quả thử nước tiểu không đủ để phát hiện ra sự thụ thai ở tuần thứ 3.

Nếu mẹ cố gắng để có thai nhưng chưa thành công trong một năm hoặc hơn (hoặc 6 tháng nếu mẹ trên 35 tuổi), nên gặp bác sĩ kiểm tra cho cả vợ và chồng để tìm hiểu các vấn đề về khả năng sinh sản. Nên tìm hiểu vấn đề càng sớm càng tốt để giúp mẹ bắt đầu việc điều trị và sớm có thai.

6. Có thai 3 tuần thử que được không?

Tuần này, mẹ có thể biết mình có thai hay chưa? Để có kết quả chính xác nhất, mẹ nên đợi đến cuối tuần rồi hãy dùng que thử. Tuy nhiên, mẹ vẫn có thể thử bây giờ nếu muốn.

Nếu kết quả dương tính, nên đến bác sĩ để được kiểm tra chính xác hơn.

Mẹ không nhất thiết phải đến gặp bác sĩ thường xuyên đến khi thai 8 tuần tuổi, trừ khi có vấn đề về sức khỏe, có vấn đề với lần mang thai trước hoặc đang có những triệu chứng bất thường. Nếu đang dùng bất kỳ loại thuốc nào, có chỉ định hoặc không kê toa, mẹ cần trao đổi với bác sĩ ngay để được tư vấn.

>> Mẹ có thể tìm hiểu thêm: Giải mã bí ẩn thử que 1 vạch mà vẫn có thai

[inline_article id=2432]

Như vậy mẹ đã biết thai nhi 3 tuần tuổi đã vào tử cung chưa cũng như sự phát triển của thai nhi 3 tuần tuổi. Chúc mừng mẹ đã có tin vui nhé!

Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Sự phát triển của thai 37 tuần tuổi & lời khuyên của bác sĩ cho mẹ bầu

Thai 37 tuần tuổi, bé yêu nhà mẹ đã như thế nào rồi? Sự phát triển của bé trong tuần thai thứ 37 rất quan trọng để mẹ tìm hiểu; và có những điều chỉnh kịp thời trong lối sống; hướng tới những điều tốt đẹp nhất cho bé nhé!

Sự phát triển của bé khi thai 37 tuần

1. Thai 37 tuần nặng bao nhiêu kg là chuẩn?

Theo Hiệp hội Sản phụ Hoa Kỳ (American Pregnancy Association – APA), bước vào tuần thai thứ 37, bé thật sự đã tròn trĩnh lên rất nhiều rồi. Bé nặng khoảng 2,85 kg và dài 48,5cm, có kích thước cỡ như quả đu đủ lớn.

Sau khi biết thai 37 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn, mẹ cũng có thể cần chú ý thêm các chỉ số thai nhi 37 tuần khác như:

  • Đường kính lưỡng đỉnh (BFF): 85-97 mm, trung bình 91mm.
  • Chiều dài xương đùi (FL): 66- 80mm, trung bình 71mm.
  • Chu vi bụng (AB): 292-374mm, trung bình 331mm.
  • Chu vi đầu (HC): 316-355mm, trung bình 335mm.
  • Cân nặng ước tính (EFW): 2587-3647g, trung bình 3117.

Vậy mẹ đã biết thai 37 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn rồi! Mẹ đọc tiếp một số thông tin để được giải đáp câu hỏi thai nhi 37 tuần phát triển như thế nào nhé!

2. Thai nhi 37 tuần phát triển như thế nào? Phổi và các cơ quan của bé

Thai nhi tuần thứ 37 có phổi đã phát triển, dù chưa hoàn thiện. Thực tế, cho đến cuối tuần 38, phổi bé mới bắt đầu hoàn chỉnh để chuẩn bị cho cuộc sống sau khi ra đời.

Bé có thể nắm tay rất chặt và mẹ sẽ sớm cảm nhận được điều này khi nắm tay bé lần đầu tiên! Các cơ quan của bé đã hoàn thiện gần thiện và sẵn sàng cho cuộc sống bên ngoài bụng mẹ.

3. Thai 37 tuần, bé đạp ít hơn nhưng vẫn cử động

Lúc này, tử cung cũng chật chội nên thai nhi ít đạp hơn trước nhưng mẹ vẫn cảm thấy được con vẫn thường ngọ nguậy. Nếu cảm thấy bé quá im ắng trong giai đoạn này, mẹ cần lập tức đến bác sĩ để được kiểm tra.

thai 37 tuần
Thai 37 tuần phát triển như thế nào? Bé đã quay đầu xuống tử cung chuẩn bị chào đời.

4. Tập luyện giây phút chào đời

Thai nhi 37 tuần đang tập luyện cho lần ra mắt lớn của mình. Bé bắt đầu hít vào và thở ra nước ối, mút ngón tay cái, chớp mắt, mở mắt lớn dần và xoay người từ bên này sang bên kia.

5. Cử động tay khéo léo

Nói về sự phát triển của thai nhi tuần thứ 37, mẹ chắc chắn phải biết rõ lúc này các ngón tay bé đã biết phối hợp nhịp nhàng hơn. Bé học cách nắm, giữ những thứ như dây rốn và bàn tay của bé.

6. Bé ở kỳ thai 37 tuần đã biết mút tay

Thai 37 tuần tuổi đã biết mút ngón tay cái mẹ nhé. Đây cũng là cách để bé chuẩn bị cho việc bú sữa sau khi được sinh ra.

7. Đầu bé lớn dần lên

Đầu của em bé vẫn đang phát triển. Khi sinh ra, đầu em bé sẽ có cùng chu vi với ngực.

8. Vào lúc thai 37 tuần, bé đã quay đầu chưa?

Sự phát triển thai nhi tuần 37 được đánh dấu bằng tình trạng thai nhi quay đầu. Đầu của bé có thể bắt đầu di chuyển vào vùng xương chậu của mẹ và gây ra hiện tượng sa bụng. Nếu bé vẫn chưa quay đầu, các bác sĩ sẽ cho bạn biết và đưa ra các cách để giải quyết vấn đề này.

9. Mang thai 37 tuần là mấy tháng?

Mẹ có đang băn khoăn liệu mang thai 37 tuần là mấy tháng không? Nếu mẹ mang thai 37 tuần, mẹ đang ở tháng thứ 9 của thai kỳ. Chỉ còn vài tuần nữa thôi là mẹ gặp bé rồi!

Sự thay đổi của cơ thể mẹ ở tuần thai thứ 37

1. Mẹ bị phù chân khi thai 37 tuần

Sự thay đổi của cơ thể mẹ ở tuần thai thứ 37: Mẹ bị phù chân

Nhiều mẹ bị phù chân khi mang thai tuần 37. Trong những tuần cuối của quá trình mang thai, vết sưng ở mắt cá chân là dấu hiệu bình thường. Tuy vậy, nếu mẹ bị sưng quá mức ở chân, lòng bàn tay, sưng mặt và mắt bị húp hay tăng cân đột ngột, hãy báo cho bác sĩ.

Bị phù chân khi mang thai tuần 37, khi nào mẹ cần báo cho bác sĩ? Mẹ cần báo cho bác sĩ biết ngay nếu có những dấu hiệu sau:

  • Bị đau đầu nghiêm trọng hoặc liên tục.
  • Thay đổi thị lực, chẳng hạn như nhìn một thành hai hoặc bị mờ mắt, nhìn thấy đốm hoặc nhấp nháy, nhạy cảm với ánh sáng hay mất thị lực tạm thời.
  • Đau bụng trên dữ dội, buồn nôn và ói mửa.

Đây là những dấu hiệu của một tình trạng nghiêm trọng gọi là tiền sản giật.

2. Kiểm tra độ giãn nở của tử cung

Để chuẩn bị cho việc đón bé chào đời, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ tử cung từ độ giãn, mở cho tới vị trí của thai nhi. Ngoài ra, khoảng cách của em bé với xương chậu cũng được xem xét.

>> Xem thêm: 8 cách làm cổ tử cung mở nhanh để đẻ thường nhẹ tênh

3. Đốm máu

Khi thai nhi 37 tuần tuổi, cổ tử cung của bạn dễ bị kích thích. Do đó, một vài đốm máu trong giai đoạn cuối của quá trình mang thai là bình thường, đặc biệt là sau khi quan hệ. Tuy nhiên, nếu bạn nhận thấy nhiều máu, hãy đến bác sĩ ngay vì đó là dấu hiệu cho thấy có vấn đề ở nhau thai.

4. Đầy hơi

Do lượng hormone progesterone trong cơ thể gia tăng, bạn sẽ cảm thấy đầy hơi. Hãy thử giảm tình trạng khó chịu này bằng cách chia làm nhiều bữa ăn nhỏ trong ngày và uống nhiều nước.

5. Vết rạn da

Sự thay đổi của bà bầu ở thai 37 tuần tuổi có thể dễ dàng nhận thấy với một số vết sọc (rạn) mới trên bụng, hông, đùi, cánh tay. Nguyên nhân do làn da bị căng quá mức khi bạn đang tăng cân nhanh.

Ngoài ra, di truyền cũng là 1 trong những yếu tố được kể đến. Để giảm thiểu tình trạng này, bạn nên uống nhiều nước và thoa dầu hoặc kem chống rạn da.

6. Khó ngủ

Phụ nữ mang thai 37 tuần thường khó ngủ

Rất nhiều phụ nữ mang thai khó ngủ trong giai đoạn cuối của quá trình mang thai. Các hoạt động như yoga và thiền hoặc tập thể dục nhẹ nhàng có thể giúp ích cho bạn trong giai đoạn này.

7. Buồn nôn hoặc tiêu chảy

Sự phát triển của thai 37 tuần tuổi có thể chèn đường tiêu hóa của bạn. Từ đó, bạn dễ mệt mỏi, đồng thời cũng dễ cảm thấy buồn nôn hoặc tiêu chảy. Đây còn có thể là dấu hiệu chuyển dạ sớm.

8. Các cơn co thắt Braxton Hicks

Các cơn co thắt cổ tử cung diễn ra thường xuyên hơn khi quá trình mang thai bước vào tuần thứ 37. Một số bác sĩ tin rằng những cơn co thắt lẻ tẻ này đang làm săn chắc cơ, hỗ trợ cho quá trình trẻ thoát khỏi cổ tử cung của bạn.

Đôi khi, các cơn co Braxton Hicks có cường độ và nhịp độ khó phân biệt với các dấu hiệu của chuyển dạ sớm.

Nếu mẹ thấy thai 37 tuần gò cứng bụng nhiều; theo các bác sĩ, mẹ mang thai 37 tuần gò cứng bụng nhiều như vậy cần kiểm tra xem cơn gò kéo dài trong bao nhiêu giây và bao lâu sau thì cơn gò này cứng lại.

Việc kiểm tra này nhằm phân biệt giữa những biểu hiện của chuyển dạ giả với dấu hiệu chuyển dạ thực sự. Mẹ có thể phân biệt cụ thể như sau:

Nếu cơn gò là trường hợp chuyển dạ giả:

  • Cơn đau không theo quy luật.
  • Cường độ đau giữ nguyên hoặc giảm dần.
  • Thường đau bụng dưới.
  • Khi nằm yên cơn đau sẽ giảm.

Nếu cơn gò là trường hợp chuyển dạ thật sự:

  • Cơn đau theo quy luật.
  • Cường độ đau ngày một tăng dần.
  • Thường đau khắp bụng.
  • Khi nằm yên cơn đau vẫn không giảm.

Hãy nắm chắc các triệu chứng và đừng cố tự chẩn đoán. Nếu em bé chưa đủ 38 tuần và mẹ thấy có 4 cơn co thắt trong vòng một giờ; hoặc bất kỳ dấu hiệu chuyển dạ sớm nào, hãy lập tức gọi điện cho bác sĩ hoặc tới khám tại các cơ sở y tế.

>> Mẹ xem thêm Mang thai tháng cuối bụng căng cứng do đâu?

Lời khuyên của bác sĩ để thai 37 tuần phát triển tốt

Lời khuyên của bác sĩ để thai 37 tuần phát triển tốt

1. Chế độ ăn uống: Mẹ mang thai 37 tuần nên ăn gì?

Để tránh việc bị ợ hơi (do sự gia tăng hormones progesterone). Mẹ hãy ăn một cách chậm rãi. Khi mẹ hoàn tất bữa trưa trong vòng 5 phút; mẹ không chỉ nuốt thức ăn. Mẹ cũng nuốt rất nhiều không khí; sau đó sẽ lắng xuống dạ dày dưới dạng bong bóng khí.

Ngoài ra, mẹ hãy cố gắng ăn nhiều trái cây và rau quả nhiều màu sắc. Vì chúng chứa chất phytochemical – một chất dinh dưỡng quan trọng để chuẩn bị quá trình sinh con. Mẹ cũng sẽ muốn bao gồm hoặc tiếp tục bổ sung omega-3 và choline (một chất hữu cơ quan trọng) trong giai đoạn này.

>> Mẹ xem thêm Tháng cuối thai kỳ nên ăn gì để dễ sinh thường và không rạch tầng sinh môn?

2. Chế độ vận động: Những bài tập mẹ

Mẹ mang thai 37 tuần nên lựa chọn các bài tập thể dục giúp sinh con thuận lợi. Một trong số đó là tập yoga, MarryBaby gợi ý mẹ cách tập như sau:

  • Tập hít thở sâu bằng bụng giúp ích cho lúc rặn sinh.
  • Cách tập: hít vào thật sâu 4 giây (đặt tay trước bụng, thấy tay di chuyển ra trước là đúng), thở ra thật chậm 4 giây (tương tự, thấy tay di chuyển vào trong).
  • Một số động tác giúp ích cho cơ sàn chậu: bò mèo (ngồi, quỳ), cây cầu, em bé vui đùa…

3. Lịch khám thai: Thai 37 tuần cần khám những gì?

Trong giai đoạn này, mẹ sẽ được thực hiện một số xét nghiệm cần thiết như:

  • Xét nghiệm dung tích hồng cầu: Nhằm xác định xem mẹ có bị thiếu máu hay trong máu có thiếu tiểu cầu, hemoglobin hay không. Ngoài ra, xét nghiệm này còn giúp bác sĩ chuẩn bị trước nhóm máu phù hợp để cung cấp kịp thời nếu trong quá trình sinh nở mẹ gặp phải tình trạng mất máu.
  • Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ: để xác định lượng đường trong máu có đang trong ở mức cho phép hay không.
  • Xét nghiệm kháng thể Rh (nếu trước đó chưa làm): được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm đường huyết nhằm xác định cơ thể mẹ mang kháng thể Rh nào; điều này cũng giúp ngăn ngừa tình trạng nếu không may máu của bé lẫn vào máu của mẹ và gây nguy hiểm cho sự phát triển của thai nhi.
  • Xét nghiệm các bệnh lây qua đường tình dục như giang mai, lậu, HIV: Bác sĩ sẽ tiến hành lấy mẫu dịch ở cổ tử cung hoặc xét nghiệm máu để cho kết quả chính xác nhất.
  • Xét nghiệm liên cầu khuẩn nhóm B: Nếu xét nghiệm dương tính với vi khuẩn, bác sĩ sẽ cho mẹ dùng kháng sinh để tránh việc em bé bị nhiễm liên cầu khuẩn nhóm B, từ đó sẽ phòng tránh được những bệnh lý như viêm màng não, nhiễm trùng huyết, viêm phổi, thậm chí là tử vong, v.v.

4. Cách chăm sóc bản thân cho mẹ: Massage tầng sinh môn

Việc massage tầng sinh môn (vùng da giữa âm đạo và trực tràng) có thể giúp kéo giãn nhẹ nhàng vùng đáy chậu, từ đó có thể tránh được tình trạng rạch tầng sinh môn trong quá trình sinh bé.

Trước tiên, hãy đảm bảo tay của bạn (hoặc tay người massage) sạch sẽ và móng được cắt ngắn. Tiếp theo, bôi trơn ngón tay trỏ và ngón tay cái bằng dầu ô liu – không được dùng dầu khoáng hay vaseline – và đặt chúng vào bên trong âm đạo của mẹ bầu, sâu khoảng 5-6 cm. Trượt ngón tay từ từ về phía hậu môn. Mở hai ngón tay thành hình chữ V để kéo căng đáy chậu (khi nào thấy ngứa ran nhẹ thì ngưng).

Điều này giúp kéo căng da, giống như cách mà đầu bé chui ra khỏi âm đạo. Bạn có thể massage tầng sinh môn hàng ngày cho đến khi đến lúc sinh con.

5. Cách sử dụng hiệu quả thời gian sắp sinh

Với nhiều phụ nữ, những tuần tiếp theo trong quá trình mang thai dường như là một trò chơi chờ đợi.

  • Chuẩn bị phòng cho bé: Sử dụng khoảng thời gian này chuẩn bị phòng cho bé hoặc để mắt đến những việc cần thiết mà mẹ có thể sẽ không làm được ngay sau khi sinh.
  • Thư giãn: Mẹ hãy ngủ, đọc sách và dành thời gian riêng với bố khi có thể.
  • Bắt đầu đọc sách về chăm sóc trẻ. Nếu chưa bắt đầu, bây giờ là lúc lý tưởng để mẹ chuyển từ đọc về việc mang thai qua tìm hiểu về chăm sóc trẻ sơ sinh. Mẹ sẽ không có nhiều thời gian để đọc một khi bé chào đời nên hãy học hỏi tất cả những gì có thể về những tuần đầu tiên của con.

Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai 37 tuần

Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai 37 tuần

Thai 37 tuần mổ được chưa?

Ở tuần 37, em bé đã sẵn sàng để “chui’ ra bất cứ lúc nào.

Không hề hiếm gặp trong thực tế các trường hợp phụ nữ mang thai sinh con ở tuần 37 vì lý do sức khỏe hoặc tình trạng bất khả kháng, cũng có những mẹ bầu chọn sinh mổ ở tuần 37 vì các lý do khác.

Thế nhưng việc sinh con ở tuần 37 vẫn được gọi là sinh sớm, em bé vẫn còn có thể phát triển não và phổi để hoàn thiện toàn bộ. Các chuyên gia và bác sĩ cũng khuyến cáo nên sinh sớm ở tuần 38 hoặc tuần 39 là tốt nhất trừ những trường hợp bất khả kháng.

>> Mẹ lưu ý thêm về Các loại rau thơm bà bầu không nên ăn vì dễ gây sảy thai, sinh non

Thai 37 tuần nước ối bao nhiêu là đủ?

Chỉ số nước ối tuần 37 của mẹ là 65mm là ở giới hạn bình thường (bình thường 6 – 8cm). Tuy nhiên mẹ cần theo dõi thai kỳ thường xuyên nhằm phát hiện sớm những nguy cơ có thể xảy ra cho mẹ và bé.

Thai 37 tuần độ trưởng thành 3 là gì?

Theo các chuyên gia y tế, vôi hóa bánh nhau cấp độ 3 từ tuần 37 trở đi được coi là bình thường; bởi vì lúc này em bé đã phát triển khá hoàn thiện như lúc bé chào đời, có thể ra khỏi bụng mẹ và có khả năng thích nghi với cuộc sống bên ngoài. Vậy nên mẹ không cần phải lo lắng khi thai 37 tuần canxi hóa độ 3.

Thai 37 tuần bị dây rốn quấn cổ 1 vòng: mẹ phải làm sao?

Ở 3 tháng cuối, khi thai nhi quay đầu xuống dưới; dây rốn mềm trơn cũng dễ bị quấn vào thai nhi. Nếu dây rốn quấn vào thân thai nhi thì có thể tự tháo được, còn khi bị quấn vào cổ là một khe hẹp giữa đầu và vai nên dây rau không thể tự tháo được mà ngày càng bị quấn chặt hơn.

Mẹ vận động, lao động quá sức là nguyên nhân chính của hiện tượng dây rốn quấn cổ. Điều này đã được khoa học chứng minh, khi mẹ làm việc quá sức, thai nhi sẽ có xu hướng quay đầu xuống nhiều hơn khiến dây rốn rất dễ cuộn quanh người và quấn vào cổ con. Bởi vậy, mẹ bầu hãy chú ý trong thai kỳ chỉ nên vận động nhẹ nhàng, tránh quá sức. Khi mệt mỏi hãy dành thời gian nghỉ ngơi và nhờ mọi người trong gia đình giúp đỡ những việc lặt vặt.

>> Mẹ xem thêm Thai 37 tuần canxi hóa độ 3 có nguy hiểm không?

[inline_article id=2471]

Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Sự phát triển của thai nhi 28 tuần tuổi và những thay đổi của mẹ

Thai 28 tuần nặng bao nhiêu? Sự phát triển của thai 28 tuần như thế nào? Giai đoạn này con nặng bao nhiêu, biết làm gì và có gì thú vị? Mẹ hãy cùng khám phá trong bài viết này nhé!

Sự phát triển của thai 28 tuần

1. Thai 28 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

Thai 28 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn? Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ (American Pregnancy Association – APA), ở tuần thai thứ 28, bé đã đạt trọng lượng 1kg và dài hơn 37,6cm, kích cỡ bằng một bắp cải thảo.

Ngoài cân nặng và chiều dài, bạn cũng có thể cần chú ý thêm các chỉ số khác của thai nhi 28 tuần trở đi như:

  • Chu vi bụng (AC): 216 – 275mm, trung bình là 246mm.
  • Chu vi đầu (HC): 251 – 281mm, trung bình là 266mm.
  • Đường kính lưỡng đỉnh (BPD): 65 – 77mm, trung bình là 71mm.
  • Cân nặng ước tính (EFW): 1004g – 1416g, trung bình là 1210g.
  • Chiều dài xương đùi (FL): 49 – 59mm, trung bình là 52mm.
  • Chiều dài xương mũi (FNBL): 6.3mm – 8.5mm

Vậy mẹ đã biết thai 28 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn và những chỉ số thai nhi 28 tuần rồi đó. Bạn hãy đọc tiếp những thông tin dưới đây để hiểu hơn về các cột mốc phát triển của con nhé!

>> Bạn có thể xem thêm: Trọng lượng thai BPV là gì? Trẻ nhẹ cân hay nặng cân từ đây mà ra đó mẹ!

2. Thai nhi 28 tuần phát triển như thế nào?

Các cơ bắp của thai nhi đã trở nên vững chãi hơn. Phổi đang dần phát triển hoàn thiện để có thích nghi với việc hít thở ở môi trường bên ngoài. Đặc biệt, bộ não bé đang phát triển hàng triệu neuron thần kinh.

Để đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng ngày càng tăng của bé, bạn sẽ cần bổ sung rất nhiều protein, vitamin C, axit folic và sắt trong thực đơn hàng ngày đấy nhé. Dưới đây là những thắc mắc liên quan đến sự phát triển của bé ở tuần 28.

2.1 Thai 28 tuần đã quay đầu chưa?

Nhiều mẹ thắc mắc không biết thai 28 tuần đã quay đầu chưa? Trong tuần này, em bé đang cố định vị trí thích hợp để chào đời; con sẽ hướng đầu xuống về phía ống dẫn sinh để chuẩn bị cho ngày chào đời.

>> Bạn có thể xem thêm: Thai nhi bao nhiêu tuần thì quay đầu & dấu hiệu ngôi thai ngược là gì?

2.2 Đôi mắt của bé đang tiếp tục hoàn thiện

Khi thai 28 tuần, em bé rất thích thú với việc chớp mắt để chuẩn bị cho việc chào đời. Hành động chớp mắt là điều cần thiết để giúp tránh các vật lạ ra khỏi mắt của em bé khi đã chào đời.

Bên cạnh việc chớp mắt, thai nhi cũng đang tập rất nhiều hành động phản xạ để tập luyện cho ngày chào đời; chẳng hạn như ho, mút ngón tay, nấc cụt và có lẽ quan trọng nhất là cách hít thở.

2.3 Thai nhi 28 tuần tuổi biết làm gì?

Trong quá trình tìm hiểu sự phát triển của thai 28 tuần, nhiều phụ huynh thắc mắc thai nhi 28 tuần tuổi biết làm gì?

  • Em bé vẫn có thể vặn mình và thay đổi tư thế trong tử cung: phần lớn thời gian đầu bé sẽ hướng xuống ống dẫn sinh và chân hướng lên ngực mẹ điều này sẽ tăng thêm áp lực lên cơ hoành của người mẹ.
  • Em bé có thể đang mơ về mẹ của mình: Hoạt động sóng não được đo ở thai nhi đang phát triển cho thấy các chu kỳ giấc ngủ khác nhau, bao gồm giai đoạn chuyển động nhanh của mắt (Rapid Eye Movement – REM) – đây là giai đoạn xuất hiện giấc mơ.

>> Bạn có thể xem thêm: Em bé trong bụng mẹ ngủ khi nào? 11 mẹo giúp thai nhi ngủ đúng giờ để mẹ đỡ cực khi con quấy đêm!

2.4 Xương của bé đang hấp thụ nhiều canxi

Thời điểm này xương của bé đang hấp thụ rất nhiều canxi, do đó bạn hãy nhớ uống sữa hoặc bổ sung nhiều thực phẩm giàu canxi như phô mai, sữa chua, rau xanh; có thể uống canxi dạng viên hoặc dạng nước .

Ở giai đoạn cuối của quá trình phát triển thai kỳ, mỗi ngày bé cần khoảng 250mg canxi để hỗ trợ bộ xương phát triển cứng cáp. Do đó, bạn cần bổ sung lượng canxi từ 500-1000 mg/ngày, có thể lên đến 2000mg/ngày nếu không bổ sung từ nguồn thực phẩm khác.

2.5 Thai nhi 28 tuần tuổi đạp như thế nào?

Thời gian này con rất hiếu động. Vì vậy, bác sĩ sẽ hướng dẫn cho mẹ cách theo dõi cử động đạp của em bé trong những khoảng thời gian nhất định mỗi ngày. Nếu bạn nhận thấy em bé  ít hoạt động hơn thì cần đi khám thai để được bác sĩ kiểm tra và theo dõi nếu có vấn đề nguy hiểm nhé.

2.6 Cách đếm cử động thai

  • Thai nhi khỏe mạnh khi có ít nhất 4 đợt cử động trong 1 giờ.
  • Bạn cần đi tiểu để làm trống bàng quang trước khi đếm cử động thai.
  • Sau đó, bạn đặt tay lên bụng để cảm nhận và đếm số đợt cử động của thai nhi trong vòng 1 giờ.
  • Bạn nên chọn 1 thời điểm nhất định trong ngày và sau bữa ăn 15-30 phút để thực hiện đếm cử động thai.
  • Nếu có ít hơn 4 cử động thai, bạn đứng dậy đi 1 vòng, uống 1 ngụm nước lọc rồi tiếp tục đếm trong 1 giờ tiếp theo hoặc đếm trong 2 giờ. Nếu trong 2 giờ có ít hơn 10 cử động, nghĩa là có giảm cử động thai.

3. Thai 28 tuần là mấy tháng?

Nếu mẹ đang mang thai 28 tuần, mẹ đang ở tháng thứ 7 của thai kỳ. Chỉ còn khoảng 2 tháng nữa là mẹ gặp mặt bé rồi. Vậy là mẹ đã biết mang thai 28 tuần là mấy tháng rồi đó!

>> Bạn có thể xem thêm: Đau nhói bụng dưới khi mang thai 7 tháng có nguy hiểm?

thai 28 tuần
Thai 28 tuần của bé, các cơ bắp đã vững chãi hơn. Phổi cũng đã có thể hít thở được không khí. Đặc biệt, bộ não bé đang phát triển hàng triệu neuron thần kinh.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai nhi tuần 28

1. Có thể bị đau thần kinh tọa

Khi em bé đã ổn định vị trí sinh, đầu của bé và tử cung của bạn đang lớn dần có thể đè lên dây thần kinh tọa ở phần dưới của cột sống. Do đó, bạn có thể cảm thấy đau nhói, ngứa ran hoặc tê nhức bắt đầu ở mông và lan xuống mặt sau của chân; tình trạng được gọi là đau thần kinh tọa.

Cơn đau thần kinh tọa đôi khi có thể khá dữ dội nhưng có thể giảm nhẹ nếu em bé thay đổi tư thế. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể kéo dài cho đến khi bạn sinh xong.

[key-takeaways title=””]

Để giảm bớt sự khó chịu và cơn đau thần kinh toạ, bạn hãy sử dụng đệm sưởi, ngâm mình trong bồn nước ấm, nằm dài hoặc nghỉ ngơi trên giường nhé.

[/key-takeaways]

2. Làn da trở nên nhạy cảm hơn

Làn da của bạn có thể trở nên nhạy cảm hơn khi mang thai; ngay cả đối với những người chưa từng có làn da nhạy cảm trước đó. Một số vùng da trên cơ thể có thể bị khô và bong tróc. Một số vùng da khác cũng có thể bị phát ban nhiệt hoặc ảnh hưởng bởi tác nhân kích ứng bên ngoài; chẳng hạn như bị kích ứng kem dưỡng da mà bạn đang sử dụng. Vùng da nhạy cảm nhất có lẽ là da bụng, vì nó bị căng ra. Một số nơi khác bao gồm hông và đùi của mẹ cũng có thể bị ảnh hưởng.

Điều này là do sự thay đổi hormone khiến da của bạn trở nên nhạy cảm hơn khi tiếp xúc với các chất mà bình thường có thể không ảnh hưởng đến mẹ; chẳng hạn như ánh sáng mặt trời, nhiệt, chất tẩy rửa, clo và thậm chí một số loại thực phẩm nhất định. Nếu bạn đã từng bị bệnh chàm có thể sẽ bị tái lại trong giai đoạn này.

Đối với những nốt ngứa, mẹ nên thoa một chút kem dưỡng da calamine. Nếu bất kỳ vùng da nào bị phát ban hoặc kích ứng kéo dài hơn vài ngày; bạn hãy đi khám bệnh và xin tư vấn từ bác sĩ. Tốt nhất, bạn nên tránh các sản phẩm chứa nhiều chất phụ gia, thuốc nhuộm hoặc hương thơm, bất kỳ chất nào trong số đó có thể làm tình trạng da của bạn trở nên nghiêm trọng hơn.

>> Bạn có thể xem thêm: Dưỡng da cho bà bầu: Thành phần, sản phẩm phù hợp là gì?

3. Tình trạng ợ nóng và táo bón

Một số triệu chứng như ợ nóngtáo bón có thể quay lại làm phiền bạn khi thai nhi 28 tuần. Tình trạng giãn cơ ở đường tiêu hóa do hormone thai kỳ (đặc biệt khi bạn ăn nhiều) sẽ làm chậm quá trình tiêu hóa, gây ra đầy hơi và ợ nóng dễ dẫn tới táo bón.

Để ngăn ngừa táo bón, bạn hãy ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước và tập thể dục đều đặn. Mặt khác, khi tử cung to ra cũng có thể góp phần gây ra bệnh trĩ thai kỳ khiến cho những mạch máu sưng lên ở vùng hậu môn dẫn đến táo bón thai kỳ. May mắn thay, tình trạng táo bón này thường mất đi vài tuần sau khi sinh.

Nếu bị ngứa hoặc đau hậu môn, bạn hãy thử ngâm mình trong bồn tắm hoặc chườm lạnh kết hợp thoa thuốc chống sưng ở vùng đau ngứa. Bạn cần tránh ngồi hoặc đứng quá lâu. Nếu có ý định dùng thuốc để cải thiện tình trạng này, bạn đừng quên hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng nhé. Đặc biệt, nếu búi trĩ làm bạn chảy máu thì nên trao đổi với bác sĩ ngay.

>> Bạn có thể xem thêm: Bà bầu bị trĩ có tự khỏi được không và cách điều trị hiệu quả như thế nào?

4. Hội chứng hạ huyết áp khi nằm ngửa

Trong thời kỳ mang thai, một số mẹ cũng có thể bị “hội chứng hạ huyết áp khi nằm ngửa”. Đây là hiện tượng thay đổi nhịp tim và huyết áp khi nằm ngửa. Nó khiến mẹ cảm thấy chóng mặt cho đến khi thay đổi tư thế. Mẹ cũng có thể thấy chóng mặt nếu đứng lên quá nhanh. Để tránh chóng mặt, hãy nằm nghiêng và từ từ thay đổi tư thế từ nằm chuyển sang ngồi rồi đứng.

5. Tiền sản giật khi mang thai

Tiền sản giật là một biến chứng của thai kỳ có thể dẫn đến huyết áp cao, tình trạng lượng protein trong nước tiểu cao gây tổn thương thận (protein niệu) hoặc các dấu hiệu tổn thương nội tạng khác.

Tiền sản giật thường bắt đầu sau 20 tuần mang thai ở những phụ nữ có huyết áp trước đó ở mức bình thường. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng; thậm chí gây tử vong cho cả mẹ và bé.

6. Hội chứng chân không yên (Restless legs syndrome RLS)

RLS là một chứng rối loạn giấc ngủ phổ biến có thể liên quan đến thai kỳ. Các nghiên cứu đã phát hiện ra rằng tỷ lệ mắc RLS ở phụ nữ mang thai dao động từ 10 đến 34%. Thông thường, các triệu chứng sẽ thuyên giảm hoàn toàn ngay sau khi sinh. Tuy nhiên, ở một số bệnh nhân, tình trạng này có thể tiếp tục xảy ra sau khi sinh.

7. Tâm trạng thay đổi

Khi thai nhi 28 tuần, tâm trạng của bạn có thể trở nên lẫn lộn với cảm xúc buồn, lo lắng và căng thẳng. Điều này có thể là do sự thay đổi nội tiết tố gây ảnh hưởng đến tâm trạng và năng lượng của bạn. Sẽ có những bạn cảm thấy khó chịu hoặc cáu kỉnh và điều này hết sức bình thường.

Tuy nhiên, những thay đổi về mặt cảm xúc của bạn kéo dài có thể gây ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của vợ chồng bạn. Nếu bạn nhận thấy tình trạng này ngày càng nghiêm trọng thì hãy đi khám sức khoẻ. Vì đôi khi đó có thể là dấu hiệu của sự lo lắng trước khi sinh, trầm cảm khi mang thai hoặc một số vấn đề về tâm lý khác.

8. Chuẩn bị nghỉ thai sản

Khi thai được 28 tuần, bạn có thể bắt đầu nghĩ đến việc nghỉ thai sản. Bạn có thể sắp xếp và bàn giao công việc cho đồng nghiệp để chuẩn bị nghỉ thai sản bắt đầu từ tuần thứ 34-36. Tuy nhiên, bạn cũng có thể nghỉ sớm hơn hoặc trễ hơn khoảng thời gian này, miễn là bạn thấy ổn.

thai 28 tuần
Ở mốc thai 28 tuần, đôi mắt của bé đang tiếp tục hoàn thiện.

Lời khuyên của bác sĩ dành cho mẹ mang thai 28 tuần

1. Chế độ dinh dưỡng: Mang thai 28 tuần nên ăn gì?

  • Uống thật nhiều nước mỗi ngày để hạn chế nguy cơ tăng huyết áp, sinh non, táo bón,…Trung bình mẹ bầu nên nạp khoảng 2,5-3 lít nước/ngày là đảm bảo vừa đủ cho cơ thể và đồng thời cũng giúp tăng lượng nước ối cần thiết.
  • Bổ sung sắt: Thai nhi hấp thụ phần lớn lượng sắt dự trữ trong tam cá nguyệt thứ ba. Vì vậy, ở tuần thai 28 này, mẹ hãy tăng cường ăn những thực phẩm giàu chất sắt như thịt gà, rau chân vịt, đậu phụ, rau muống, gan, thịt bò và ngũ cốc giàu dinh dưỡng.
  • Bổ sung thêm axit folic và vitamin để tạo máu và phát triển cơ thể. Do đó, bạn nên ăn nhiều rau củ như cải bó xôi, rau chân vịt, ngũ cốc, các loại đậu,… Ngoài ra, bạn cũng nên bổ sung thêm nhiều trái cây để tăng cường vitamin C, giúp cơ thể có sức đề kháng tốt nhất khi mang thai như quả cam, quýt, bưởi,….

>> Bạn có thể xem thêm: Bà bầu nên ăn gì trong 3 tháng cuối để con chào đời khỏe mạnh?

2. Chế độ vận động dành cho mẹ bầu 28 tuần

Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ lưu ý rằng, phụ nữ mang thai có thể tiếp tục thực hiện tập thể dục nếu nhịp tim duy trì dưới 140 nhịp/phút. Điều đó có nghĩa là hầu hết các bài tập cardio đều phù hợp với thai phụ, miễn là họ không gắng sức quá mức nhịp tim tối đa của mình.

Mẹ bầu cũng cần đặt mục tiêu dành 30 phút mỗi ngày cho các bài tập thể dục an toàn, chẳng hạn như bơi lội, đi bộ, thể dục nhịp điệu trước khi sinh và khiêu vũ. Hãy bỏ qua các bài tập thể dục có thể khiến bạn gắng sức quá mức; hoặc mất thăng bằng như kickboxing và lướt ván nước.

Bạn cũng cần tránh các động tác giãn cơ hoặc nằm ngửa. Khi thực hiện bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng cuối, bạn phải trang bị áo ngực thể thao để ngăn bị tổn thương cơ do ngực đang tăng size.

>> Bạn có thể xem thêm: Bài tập thể dục cho bà bầu 3 tháng cuối để dễ sinh con

3. Chăm sóc bản thân khi mang thai

3.1 Mua sắm vài thứ cần thiết

Hãy lên danh sách từ mốc thai 28 tuần những thứ cần chuẩn bị trước cho một vài tuần đầu tiên sau sinh khi bạn không thể ra ngoài mua sắm được:

  • Bột giặt an toàn cho trẻ sơ sinh.
  • Tã bỉm sơ sinh, quần áo và khăn em bé.
  • Khăn giấy và chén đĩa giấy để tiện dọn dẹp sau bữa ăn.
  • Quần lót giấy, băng vệ sinh cho mẹ (vì mẹ sẽ chảy sản dịch trong vài tuần sau sinh).
  • Đồ dùng cho trẻ sơ sinh như bấm móng tay, nhiệt kế, hút mũi cao su, nước muối sinh lý, kem chống hăm.

3.2 Tận hưởng sự tự do

Hãy tận hưởng những tuần cuối trước khi sinh để làm những việc bạn yêu thích như xem phim, chăm sóc da hoặc một bữa tối lãng mạn với chồng chẳng hạn.

Những lưu ý khi thai 28 tuần

1. Tìm hiểu về Rh

Bạn có biết tình trạng rhesus (Rh) của mình không? Nếu không, điều quan trọng là phải tìm hiểu. Nếu bạn là Rh âm, chồng Rh dương mà mẹ chưa có kháng thể với Rh, bạn sẽ cần tiêm globulin miễn dịch Rh giống như vắc-xin, được gọi là RhoGAM, vào tuần này để ngăn chặn sự phát triển của các kháng thể.

2. Hỏi về những thay đổi ở vú

Nếu có những cục u ở vú, bạn nên đi khám sức khoẻ ngay. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, mắc ung thư vú khi mang thai là rất hiếm, đặc biệt là nếu mẹ dưới 35 tuổi. Song cẩn tắc vô áy náy, đi khám cho chắc nhé bạn.

thực đơn cho bà bầu 3 tháng cuối

Một số câu hỏi thường gặp khi mang thai 28 tuần

1. Thai 28 tuần cần làm xét nghiệm gì?

  • Xét nghiệm nước tiểu: Thai 28 tuần cần làm xét nghiệm gì? Bạn cần làm xét nghiệm nước tiếu nếu có dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc tăng huyết áp.
  • Tiêm uốn ván: Bạn có thể tiêm mũi uốn ván nếu chưa tiêm đủ 5 mũi trước khi mang thai. Tiêm uốn ván khi mang thai nên tiêm sau 22 tuần và trước khi sinh ít nhất 30 ngày mới có hiệu quả.
  • Xét nghiệm dung nạp glucose: Đây là xét nghiệp giúp bạn sàng lọc bệnh tiểu đường thai kỳ. Huyết sắc tố có thể được kiểm tra lại để xem xét các dấu hiệu cảnh báo sinh non hoặc huyết áp cao sớm.
  • Xét nghiệm máu: Xét nghiệm này giúp kiểm tra thiếu máu và nồng độ tiểu cầu trong máu. Bạn cũng có thể kiểm tra lại bệnh giang mai, viêm gan B, viêm gan C và HIV. Nếu nhóm máu của bạn âm tính Rh, có thể tiêm thuốc immunoglobulin chống D.

2. Mang thai tuần 28 có nên quan hệ không?

Tình dục là một phần tất yếu của thai kỳ nếu bạn đang mang thai. Sự thâm nhập và chuyển động khi giao hợp không gây hại cho em bé. Vì thai nhi được bảo vệ bởi bọc nước ối và thành cơ bụng của tử cung.

Đa số gần tới ngày sinh, cơ thể chị em luôn trong trạng thái mệt mỏi vì lúc này bụng bầu đã khá lớn, phần khác thì do đau lưng, nóng trong người, chân tay bị sưng phù,…Vì những điều đó mà chị em hoàn toàn không còn hứng thú để “yêu” nữa.

Một số thai phụ khác lại cực kỳ khỏe mạnh, do đó bạn có thể yêu trong giai đoạn này nếu có nhu cầu nhé. Vì điều này không hề có sự khuyến cáo y tế từ phía bác sĩ nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm để gần gũi chồng kể cả khi đã bước vào tháng thứ 7 của thai kỳ.

>> Bạn có thể xem thêm: Khi mang thai có nên quan hệ không? Các tư thế quan hệ khi mang thai

Trên đây là những lưu ý khi thai 28 tuần. MarryBaby hy vọng mẹ đã khám phá được những điều thú vị về bé yêu giai đoạn này, từ đó biết cách bổ sung dinh dưỡng hợp lý để bé yêu phát triển khỏe mạnh nhé.

Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Sự phát triển của thai nhi 26 tuần và thay đổi của cơ thể mẹ

Thai nhi 26 tuần có những phát triển rõ rệt. Từ đó, cơ thể mẹ cũng có nhiều thay đổi để thích ứng. Mời mẹ xem đó là những thay đổi như thế nào nhé!

Sự phát triển của thai nhi 26 tuần

1. 26 tuần là tháng thứ mấy?

Nếu mang thai 26 tuần, mẹ đang ở tháng thứ 6 của thai kỳ. Chỉ còn khoảng 3 tháng nữa là bé chào đời. Tuy vậy, mẹ hãy từ từ chăm sóc thai kỳ trong giai đoạn này thật tốt nhé!

2. Cân nặng thai 26 tuần 

Ở tuần thai thứ 26, cân nặng thai nhi 26 tuần khoảng 0,77kg (bằng cỡ một cây súp lơ) và dài khoảng hơn 35,56cm nếu duỗi chân. Như vậy, mẹ đã biết thai 26 tuần nặng bao nhiêu rồi nhé.

>> Mẹ có thể tham khảo: Thai bao nhiêu tuần thì máy?

3. Thai nhi tuần 26: Não phát triển

Thai nhi 26 tuần tuổi có nhiều mô não phát triển hơn, não của bé hoạt động rất tích cực.

4. Giấc ngủ

Thai nhi 26 tuần đã ngủ và thức đều đặn, biết mở và nhắm mắt, thậm chí mút ngón tay.

thai 26 tuần nặng bao nhiêu
Hình ảnh sự phát triển của thai nhi tuần 26

5. Phổi hoạt động

Khi thai nhi 26 tuần, phổi của bé đang phát triển các mạch máu; các tế bào tiết surfactant trong giai đoạn bà bầu 6 tháng. Do chưa phát triển hoàn thiện nên những bé sinh non ở tuần thai này thường mắc phải các vấn đề hô hấp.

Để ý các chuyển động nhỏ nhịp nhàng rất thường xảy ra lúc này, mẹ sẽ thấy bé giống như bị nấc cụt. Mỗi đợt thường chỉ kéo dài một vài phút và không hại gì cho bé nên mẹ chỉ cần thư giãn và tận hưởng cảm giác nhột nhột này.

>> Mẹ có thể tham khảo: Mang thai tháng thứ 7 bé đạp nhiều, mẹ nên làm gì

6. Mạch máu và hệ tuần hoàn đã đủ chức năng

Tim của thai nhi 26 tuần đã bơm máu, mạch máu đã phát triển và thực hiện vai trò của mình. 

7. Dây rốn dày

Dây rốn dày và khỏe hơn để cung cấp cho bé nhiều chất dinh dưỡng cần thiết. 

Nhau thai và dây rốn sẽ khỏe mạnh khi mẹ bổ sung đầy đủ chất sắt. Nguồn dinh dưỡng này có trong nhiều rau xanh như rau chân vịt, bông cải xanh, dưa chuột, thịt nạc… 

8. Những chuyển động nhẹ

Thai nhi tuần thứ 26 sẽ thực hành những chuyển động sau khi sinh, cụ thể như đạp vào bụng mẹ như một cách thức luyện tập kỹ năng đi bộ.

Ở thời kỳ này, hệ thần kinh của bé phát triển hơn. Nhờ vậy, thai nhi thực hiện được nhiều chuyển động phối hợp, có những chuyển động mạnh hơn và đôi khi còn gây đau đớn cho mẹ.

Để giảm đau trong những lần bị thai nhi 26 tuần “tấn công” như thế, mẹ thử thay đổi tư thế hoặc thực hiện một số động tác duỗi tay hoặc chân.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai 26 tuần

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai 26 tuần

Mẹ đang lo lắng không biết mình có đang tăng cân nhiều hay ít, theo bảng chuẩn cân nặng của bà bầu thì khi mang thai 26 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg? Những vấn đề khác mẹ có thể đối mặt là gì? Mẹ hãy tìm hiểu những thông tin dưới đây nhé.

1. Cân nặng của mẹ khi thai nhi ở tuần 26

Thai 26 tuần mẹ tăng bao nhiêu kg? Cân nặng của mẹ bầu khi mang thai 26 tuần phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm:

  • Chỉ số khối cơ thể (BMI) của mẹ bầu trước khi mang thai (Chỉ số BMI = cân nặng (kg) / [chiều cao x chiều cao] (m))
  • Số lượng thai nhi mẹ đang mang
  • Tình trạng sức khỏe của mẹ bầu
  • Chế độ ăn uống và sinh hoạt của mẹ bầu

– Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nếu chỉ khối cơ thể của mẹ bầu trước khi mang thai ở mức bình thường (BMI= 18,5-24,9) thì mức tăng cân của người mẹ nên đạt là 10-12kg. Mức tăng cân cụ thể như sau:

+ 3 tháng đầu (quý I): 1 kg

+ 3 tháng giữa (quý II): 4-5 kg

+ 3 tháng cuối (quý III): 5 – 6 kg

– Tình trạng dinh dưỡng gầy (BMI <18,5): Mức tăng cân nên đạt 25% cân nặng trước khi có thai.

– Tình trạng dinh dưỡng thừa cân, béo phì (TC, BP) (BMI ≥25): Mức tăng cân nên đạt 15% cân nặng trước khi có thai

– Đối với mẹ bầu mang đa thai, mức cân nặng tăng thêm sẽ cao hơn, dao động từ 16-20kg.

Cân nặng của mẹ trước khi có thai và sự tăng cân trong thai kỳ ảnh hưởng rõ rệt đến cân nặng của trẻ sơ sinh. Mẹ có cân nặng trước khi có thai dưới 40 kg, cân nặng trước khi đẻ dưới 47 kg và tăng cân trong khi có thai dưới 5 kg có nguy cơ đẻ con nhẹ cân < 2.500g.

Mẹ bầu nên theo dõi cân nặng của mình thường xuyên để đảm bảo cân nặng tăng thêm phù hợp với chỉ định của bác sĩ. Nếu cân nặng tăng quá nhiều hoặc quá ít thì mẹ bầu cần điều chỉnh chế độ ăn uống và sinh hoạt cho phù hợp.

2. Đau lưng, chuột rút bắp chân

Thai 26 tuần dễ đau lưng, chuột rút bắp chân

Ba tháng giữa của quá trình mang thai sắp kết thúc. Và khi cơ thể đang chuẩn bị cho giai đoạn cuối của thai kỳ, mẹ có thể bắt đầu cảm thấy một số triệu chứng mới như đau lưng hoặc thỉnh thoảng bị chuột rút cơ bắp chân. Nguyên nhân do tử cung của mẹ lớn và nặng thêm, gây áp lực lên tĩnh mạch chủ dưới đưa máu từ chân trở lại tim, cũng như lên các dây thần kinh từ thân đến chân.

Tình trạng chuột rút này có thể trở nên tồi tệ hơn khi thai kỳ tiếp diễn. Chuột rút ở chân phổ biến hơn vào ban đêm nhưng cũng có thể xảy ra trong ngày. Khi bị chuột rút, duỗi căng cơ bắp chân sẽ giúp mẹ giảm đau phần nào. Duỗi thẳng chân, sau đó nhẹ nhàng co ngón chân lại. Đi bộ vài phút hoặc xoa bóp bắp chân đôi khi cũng có hiệu quả.

Ngoài các biện pháp cải thiện như trên, khi gặp phải tình trạng chuột rút bắp chân mẹ bầu cũng cần phải xem lại việc bổ sung canxi trong thai kì của mình như nào; hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để điều chỉnh liều lượng canxi bổ sung cũng như cách uống đúng nhé.

>> Mẹ có thể tham khảo: Mẹo hay giảm chuột rút khi mang thai

3. Rốn nhô ra

Khi mang thai 26 tuần, mẹ đã đi được 2/3 chặng đường của thai kỳ và tử cung của mẹ cao hơn rốn khoảng 1 cm. Tử cung phình ra đủ để đẩy bụng của mẹ bầu về phía trước, làm cho rốn của mẹ nhô ra. Tuy nhiên, nó sẽ trở lại vị trí ban đầu sau khi sinh.

4. Mất ngủ

Chứng ợ nóng và chuột rút ở chân, đi tiểu thường xuyên khiến mẹ khó đi vào giấc ngủ. Để giảm thiểu tình trạng này, mẹ có thể tập thể dục nhẹ nhàng với những bài tập an toàn dành cho bà bầu. Đồng thời, mẹ cũng không nên uống nhiều nước trước khi đi ngủ.

5. Bị phù chân khi mang thai 26 tuần

Tuần 26 của thai kỳ là thời điểm thai nhi bắt đầu phát triển nhanh chóng, trọng lượng thai nhi tăng lên, tử cung cũng lớn hơn, chèn ép lên tĩnh mạch chủ dưới, khiến máu khó lưu thông về tim. Đây là một trong những nguyên nhân chính gây phù chân ở bà bầu.

Ngoài ra, trong thai kỳ, cơ thể mẹ bầu sản xuất nhiều hormone progesterone, có tác dụng giãn mạch, khiến máu lưu thông chậm lại. Điều này cũng góp phần gây phù chân.

Tình trạng phù chân khi mang thai 26 tuần thường là hiện tượng sinh lý bình thường, không gây nguy hiểm cho mẹ và bé. Tuy nhiên, mẹ bầu cần lưu ý theo dõi tình trạng phù chân của mình và nên đi khám bác sĩ khi phù chân xuất hiện ở mức độ nặng, kèm theo các triệu chứng khác như đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, nôn,…

>> Xem thêm: Bà bầu bị xuống máu chân sớm có gây nguy hiểm cho thai nhi hay sinh non không?

Lời khuyên của bác sĩ khi thai nhi 26 tuần

thai 26 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn
Bầu 26 tuần nên ăn gì?

1. Dinh dưỡng cho mẹ bầu tuần thứ 26

Lựa chọn cho mẹ khi muốn bổ sung vitamin C: Ngoài nước cam, mẹ bầu 26 tuần cũng có thể lựa chọn trái cây tươi hoặc các món salad rau củ. Ớt chuông cũng là một lựa chọn tốt vì chứa gần gấp đôi lượng vitamin C có trong cam.

>> Mẹ có thể tham khảo: Ăn gì để thai nhi tăng cân nhanh và đều, mẹ bầu đọc ngay nhé!

2. Đối phó với tình trạng đau xương sườn

Đau xương sườn khi mang thai khiến mẹ cảm thấy vô cùng khó chịu. Để giảm bớt, mẹ hãy:

  • Chuyển sang một vị trí giúp mẹ thấy thoải mái hơn.
  • Tập yoga khi mang thai để có sức khỏe tốt hơn.
  • Nhẹ nhàng ấn vào bụng để thai nhi di chuyển.
  • Chọn áo ngực thoải mái, dễ chịu.
  • Đeo băng hỗ trợ bụng.
  • Duy trì cân nặng hợp lý. Tránh tăng cân quá nhiều.
  • Dùng thêm gối hỗ trợ khi mẹ ngồi hoặc nằm để thoải mái hơn.
  • Hỏi bác sĩ về liệu pháp châm cứu hoặc trị liệu thần kinh cột sống.
  • Hỏi bác sĩ về việc dùng thuốc giảm đau an toàn, nếu cần thiết.

[inline_article id=2458]

3. Đối phó với tình trạng rạn da 

Nguy cơ bị rạn da phụ thuộc vào một số yếu tố như di truyền, tuổi tác và cân nặng của mẹ. Mẹ có thể áp dụng các cách sau để giảm thiểu tình trạng rạn da trong thời kỳ mang thai, gồm:

  • Tăng cân từ từ và đều đặn.
  • Duy trì dinh dưỡng tốt bằng cách ăn các bữa ăn cân bằng, lành mạnh.
  • Giữ cho làn da ngậm nước (uống đủ 2 lít nước/ngày) và dưỡng ẩm.
  • Thoa kem ngăn ngừa rạn da.

Theo thời gian, màu sắc vết rạn da sẽ mờ đi một cách tự nhiên. Sau sinh, mẹ có thể nhờ bác sĩ kê kem bôi, điều trị bằng laser và điều trị bằng ánh sáng để giảm bớt vết rạn.

Thai nhi 26 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

4. Giảm phù chân khi mang thai 26 tuần

Dưới đây là một số biện pháp giúp mẹ bầu giảm phù chân khi mang thai 26 tuần:

  • Nghỉ ngơi hợp lý, tránh đứng hoặc ngồi quá lâu.
  • Kê cao chân khi nghỉ ngơi, đặc biệt là vào buổi tối trước khi đi ngủ.
  • Ăn uống đủ chất, tránh ăn mặn.
  • Uống nhiều nước, khoảng 2-2,5 lít nước mỗi ngày.
  • Tập luyện nhẹ nhàng, thường xuyên, chẳng hạn như đi bộ, bơi lội,…

Nếu mẹ bầu áp dụng các biện pháp trên mà tình trạng phù chân vẫn không cải thiện hoặc có dấu hiệu nặng hơn, cần đi khám bác sĩ để được tư vấn và điều trị phù hợp.

5. Xoa dịu cảm giác đau lưng khi mang thai

Mẹ có thể hỏi bác sĩ để tư vấn một số bài tập giúp hỗ trợ giảm đau lưng khi mang thai. Khi làm việc, bạn cũng không nên ngồi một chỗ quá lâu, hãy đứng dậy đi lại sau 45 phút đến 1 tiếng làm việc để giãn gân cốt.

6. Nghĩ về các biện pháp kế hoạch hóa gia đình

Nghe có vẻ xa vời vào lúc này nhưng cũng không là quá sớm để nghĩ đến chuyện kế hoạch hóa gia đình. Mẹ hãy cân nhắc về việc ngừa thai sau sinh trước khi bé chào đời. Một số biện pháp ngừa thai cần được bác sĩ tư vấn và yêu cầu ký giấy đồng ý trước khi thực hiện như thắt ống dẫn trứng – thủ thuật sẽ được thực hiện cùng lúc khi mổ lấy thai. Vì vậy, nếu mẹ muốn thực hiện các biện pháp kế hoạch hóa gia đình sau khi sinh em bé nên thảo luận với bác sĩ từ sớm.

7. Đăng ký một lớp học cho con bú

Nếu đây là bé đầu lòng, mẹ hãy tham khảo bác sĩ, chuyên viên y tế, mẹ hoặc bạn bè để biết thêm thông tin hoặc tham dự các lớp hướng dẫn kỹ năng cho con bú nhé.

Các câu hỏi thường gặp khi mang thai 26 tuần

1. Thai nhi 26 tuần tuổi đã quay đầu chưa?

Thông thường, thai nhi sẽ bắt đầu quay đầu từ tuần thứ 32 đến tuần thứ 36 của thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp thai nhi quay đầu sớm hơn ở tuần 28 hoặc muộn hơn.

Ở tuần thứ 26, em bé của bạn vẫn còn nhiều không gian để thay đổi tư thế. Điều này có nghĩa là còn quá sớm để lo lắng về việc em bé 26 tuần đã quay đầu chưa vì em bé của bạn khó có thể giữ một tư thế nào quá lâu trong giai đoạn này.

Nếu đến tuần thứ 37 mà thai nhi vẫn chưa quay đầu, bác sĩ có thể chỉ định mẹ bầu thực hiện các biện pháp xoay thai.

>> Xem thêm: Thai nhi bao nhiêu tuần thì quay đầu & dấu hiệu ngôi thai ngược là gì?

3. Mang thai 26 tuần bị ra máu có sao không?

Mang thai 26 tuần bị ra máu có thể là cảnh báo một số dấu hiệu nguy hiểm như chuyển dạ sinh non hoặc một số biến chứng thai kỳ khác. Lúc này, bạn cần đến bệnh viện sớm để có được sự can thiệp từ bác sĩ.

>> Xem thêm: Ra máu khi mang thai tháng thứ 5: Vấn đề nguy hiểm mẹ nên cẩn thận!

4. Thai nhi 26 tuần đạp ít có sao không?

Thai nhi giảm cử động trong khoảng thời gian này có thể là dấu hiệu em bé gặp vấn đề. Khuyến cáo rằng tất cả phụ nữ mang thai nên bắt đầu theo dõi cử động của con mình hàng ngày từ khoảng tuần thứ 26 của thai kỳ. Hãy thử tìm một nơi yên tĩnh để bạn có thể tập trung cảm nhận những cú đạp của bé. Ngả người dựa lưng trên ghế hoặc nằm nghiêng về bên trái và đặt tay lên bụng. Nếu cảm thấy con ít chuyển động, bạn nên đến bệnh viện để xin bác sĩ tư vấn.

Thai nhi 26 tuần, đây cũng là giai đoạn tam cá nguyệt thứ 3 hay còn gọi là mang thai tháng thứ 7 nên mẹ có thể tham khảo chế độ dinh dưỡng khi mang thai cho mình từ những người đã có kinh nghiệm hoặc bác sĩ dinh dưỡng để khỏe mẹ an thai.

Categories
Thụ thai

Quá trình thụ thai: Hoàn thành sứ mệnh thụ tinh

Quá trình thụ thai diễn ra như thế nào? Đó là một quá trị kỳ diệu của tạo hóa. Nếu đang mong con, bạn hãy tìm hiểu kỹ để sẵn sàng chuẩn bị cho chặng đường làm bố mẹ sắp đến

Có thể làm gì để hỗ trợ quá trình thụ thai hay không?

Sau khi quan hệ tình dục và xảy ra quá trình xuất tinh, hai bạn không thể làm được gì ngoại trừ hy vọng phép màu kỳ diệu sẽ xảy ra bên trong cơ thể bạn!

Một số chuyên gia khuyên rằng, lúc này người phụ nữ nên nằm ngửa với một cái gối kê dưới hông, ít nhất là 20 hoặc 30 phút để lợi dụng lực hấp dẫn có thể giúp tinh trùng bơi nhanh đến gặp trứng đang đứng đợi sẵn.

Quá trình thụ thai diễn ra như thế nào
Quá trình thụ thai diễn ra như thế nào bạn biết chưa?

Quá trình thụ thai diễn ra như thế nào?

Trong khi bạn và chàng đang say sưa với niềm vui sau khi “lâm trận”, bên trong cơ thể bạn lúc này cũng đang diễn ra rất nhiều hoạt động. MarryBaby sẽ mô tả quá trình thụ tinh và thụ thai cho bạn. Lúc này, hàng triệu tinh trùng đã bắt đầu cuộc tìm kiếm của mình để tìm đến trứng. Đây không phải là một cuộc hành trình dễ dàng.

1. Cuộc đua của tinh trùng

Trở ngại đầu tiên là độ axít trong âm đạo của bạn có thể giết chết tinh trùng. Tiếp đến là chất nhầy ở cổ tử cung giống như một mạng lưới không thể xuyên thủng, ngoại trừ trong một hoặc hai ngày khi bạn dễ thụ thai nhất. Mạng lưới này sẽ được nới lỏng và ngay cả khi đó, chỉ một vài trong số những tinh binh bơi khỏe nhất mới có thể xuyên qua lưới.

Chưa hết, các tinh binh còn sống sót này còn cả một đoạn đường dài phía trước. Những tinh trùng này cần phải “đi du lịch” đoạn đường dài khoảng 20cm từ cổ tử cung thông qua tử cung đến ống dẫn trứng với tốc độ khoảng 2-3mm/phút. Đây quả là một chuyến đi không hề ngắn!

Quá trình thụ thai diễn ra trong bao lâu? Tinh binh bơi nhanh nhất có thể gặp được trứng trong ít nhất là 45 phút, trong khi những tinh binh chậm nhất có thể mất đến 12 giờ. Nếu chưa tìm thấy một quả trứng nào trong ống dẫn trứng tại thời điểm giao hợp, chúng có thể đợi ở đó thêm tối đa 72 giờ nữa.

quá trình thụ thai diễn ra như thế nào
Quá trình thụ thai diễn ra như thế nào? Hành trình của tinh trùng đến trứng để thực hiện quá trình thụ thai là cả một chặng đường đầy thử thách

Chỉ có vài chục tinh trùng có thể tìm gặp được trứng, phần còn lại bị mắc kẹt, bị thất lạc, có thể do đi vào ống dẫn trứng không có trứng rụng hoặc đã chết trên đường đi.

Đối với số ít chàng tinh binh may mắn được đến gần trứng, cuộc chiến để giành quyền thực hiện quá trình thụ thai vẫn chưa kết thúc. Chúng phải làm việc điên cuồng để có thể thâm nhập vào lớp vỏ bọc bên ngoài của trứng và tiến vào bên trong trước khi đối thủ của mình làm được việc này.

2. Quá trình thụ tinh với trứng

Một khi đã có tinh trùng xuyên thủng lớp vỏ trứng, ngay lập tức trứng sẽ làm lớp vỏ kiên cố trở lại khiến cho tinh trùng khác không thể xâm nhập được nữa.

Nó giống như một lá chắn bảo vệ đặt lên trên quả trứng ngay sau thời điểm tinh trùng đầu tiên đã an toàn “đặt chân” vào bên trong cho quá trình thụ thai. Như vậy là bạn đã hình dung quá trình thụ thai diễn ra như thế nào rồi phải không? Cực kỳ cam go và khắc nghiệt.

Tinh trùng gặp trứng
Chỉ duy nhất 1 tinh trùng xuyên thủng được lớp vỏ của trứng để tiếp tục quá trình thụ thai.

Bây giờ phép lạ của cuộc sống thực sự bắt đầu. Lúc này quá trình thụ thai diễn ra trong bao lâu bạn biết chưa? Quá trình thụ thai sẽ diễn ra trong vòng 24 giờ khi các thông tin di truyền trong tinh trùng kết hợp với các thông tin di truyền trong trứng để tạo ra một tế bào mới và bắt đầu phân chia nhanh chóng.

Bạn sẽ chưa thực sự mang thai cho đến khi nhóm các tế bào mới này, gọi là phôi thai, được đưa xuống ống dẫn trứng và đến khoang tử cung để bám vào thành tử cung “làm tổ”.

Tuy nhiên, có khả năng bạn sẽ có thai ngoài tử cung nếu phôi thai làm tổ ở một nơi khác ngoài tử cung, chẳng hạn như ống dẫn trứng. Thai ngoài tử cung không tốt và bạn cần phải dùng thuốc để ngăn chặn nó phát triển hoặc. Nếu thai đã lớn, bạn phải phẫu thuật để lấy nó ra nhằm ngăn ngừa nó bị vỡ, gây tổn thương ống dẫn trứng của bạn.

Quá trình thụ thai diễn ra như thế nào? Giai đoạn cuối cùng của quá trình thụ thai có thể mất thêm ba ngày hoặc lâu hơn. Nó có thể mất thêm một vài tuần cho đến khi bạn thấy mình bị trễ hay mất kinh và có thể nghi ngờ rằng bạn sẽ có em bé.

Nếu bị trễ, mất kinh hay nhận thấy một trong những dấu hiệu của thai kỳ, bạn có thể sử dụng que thử thai tại nhà để kiểm tra xem liệu bạn có đang mang thai hay không.

Minh Sang

Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Thai 34 tuần nặng bao nhiêu và sự phát triển của thai nhi

Thai nhi 34 tuần là thời điểm mẹ đã vượt qua một chặng đường dài để sắp cán “đích” và gặp em bé. Lúc này, mẹ và thai nhi đối mặt với những thay đổi ra sao? Thai 34 tuần sẽ nặng bao kg?

Sự phát triển của thai nhi 34 tuần tuổi

1. Thai 34 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

Thai 34 tuần thai nặng bao nhiêu? Theo Hiệp hội Mang thai Hoa Kỳ (American Pregnancy Association – APA), vào tuần thứ 34 trong quá trình phát triển thai kỳ, bé đã dài hơn 45cm và nặng khoảng 2,13kg (1900g – 2600g), cỡ bằng một bó cần tây. Đây là cân nặng tiêu chuẩn của bé. Vậy là bạn đã biết thai 34 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn rồi nhé!

2. Thai nhi 34 tuần phát triển như thế nào?

2.1 Thai nhi 34 tuần đạp nhiều không?

Sau khi biết thai 34 tuần nặng bao nhiêu, bạn cũng đã biết lúc này tử cung giờ đã không có nhiều chỗ để bé cử động. Bé cũng ít nhào lộn trong bụng mẹ nhưng số lần đạp thì vẫn như cũ.

>>> Bạn có thể quan tâm: Thai 34 tuần ra dịch màu nâu và những điều mẹ bầu cần biết

2.2 Thận và gan đã phát triển

Không chỉ biết thai 34 tuần nặng bao nhiêu, bạn cũng nên biết thận của bé đã phát triển đầy đủ. Gan cũng có thể sản sinh chất thải. Hầu hết các phát triển về thể chất đều đã hoàn tất. Bé sẽ dành vài tuần tiếp theo để tăng cân.

2.3 Tinh hoàn xuống bìu nếu thai nhi là bé trai

Nếu thai nhi là con trai, cân nặng thai nhi 34 tuần cũng quan trọng như việc bạn biết rằng lúc này, tinh hoàn sẽ di chuyển từ bụng xuống bìu.

thai 34 tuần nặng bao nhiêu
Thai 34 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn?

2.4 Hormone giới tính xuất hiện

Biết thai 34 tuần nặng bao nhiêu là chưa đủ. Bạn phải biết hormone giới tính lúc này đã xuất hiện. Tại thời điểm thai nhi 34 tuần, thai nhi trai hoặc gái cũng đã sản sinh nhiều hormone giới tính. Sự hiện diện của các hormone này có thể khiến một số trường hợp bé trai sinh ra có bộ phận sinh dục lớn hoặc sưng hơn các bé khác hoặc bìu có màu sẫm trong vài tuần đầu.

2.5 Lớp sáp bảo vệ da tiếp tục dày lên

Khi thai nhi 34 tuần tuổi, lớp phủ sáp trắng bảo vệ da bé khỏi nước ối và cung cấp chất nhầy giúp bôi trơn để sinh nở đang dày lên, chuẩn bị cho quá trình chào đời.

>>> Bạn có thể quan tâm: Thai nhi 34 tuần tuổi sinh non: Nguyên nhân và những biến chứng xảy ra

2.6 Hệ tiêu hóa và hệ hô hấp đã được hoàn thiện

Hệ tiêu hóa đã được hoàn thiện để cơ thể bé hấp thu sữa mẹ dễ dàng sau khi chào đời.

2.7 Hệ thần kinh đang hoàn thiện

Hệ thần kinh trung ương đang trong quá trình hoàn thiện. Trẻ chào đời trong các tuần thứ 34 – 37 không gặp rắc rối nào về sức khỏe khác thường cho thấy các cơ quan này đã hoàn thiện sớm. Bé hình thành một số phản xạ sơ sinh trong khoảng thời gian này.

2.8 Hệ miễn dịch và xương phát triển

Thai 34 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn? Cân nặng cũng như sự phát triển của bé lúc này có ảnh hưởng đến hệ miễn dịch và xương của bé. Xương của bé ngày càng cứng hơn. Tuy nhiên, xương trong hộp sọ sẽ vẫn mềm cho đến sau khi bé chào đời.

2.9 Chân bé có thể bị cong

Không chỉ quan tâm thai 34 tuần nặng bao nhiêu mà bạn cần biết sự phát triển của bé nữa. Thai nhi ngày càng lớn nên không gian trong bụng mẹ trở nên chật chội khiến chân bé phải co lại, dễ bị cong. Bạn còn có thể cảm thấy bé ít hoạt động hơn nhưng các cử động ngày càng rõ rệt, chẳng hạn như bàn chân hoặc bàn tay di chuyển dọc theo bụng của bạn.

>>> Bạn có thể quan tâm: Thai 34 tuần nặng 2kg có nhỏ không? Mẹ đang bầu bí nên biết điều này

2.10 Ngoài thai nhi 34 tuần nặng bao nhiêu, bạn cần biết móng tay và móng chân đã xuất hiện

Trong những phát triển khác liên quan đến thai nhi 34 tuần, như thai nhi 34 tuần nặng bao nhiêu thì những móng tay nhỏ bé đã dài ra đến đầu ngón tay và đã sẵn sàng cho việc làm móng sau khi chào đời.

2.11 Mắt phát triển

Mắt của thai nhi đã phát triển ở mức con ngươi có thể giãn ra và có những phản ứng ban đầu với ánh sáng.

thai 34 tuần phát triển như thế nào
Thai 34 tuần nặng bao nhiêu? Thai phát triển như thế nào trong bụng mẹ?

2.12 Nhận biết giọng nói

Thú vị hơn cả thông tin thai 34 tuần nặng bao nhiêu, thai nhi 34 tuần tuổi đã nhận biết giọng nói quen thuộc và lời hát. Điều này là do tai đã phát triển có thể truyền thông điệp âm thanh đến não.

Nghiên cứu cho thấy rằng nếu bạn thường xuyên hát một bài cho thai nhi nghe. Sau khi chào đời, bé cũng sẽ cảm thấy dễ chịu, thư giãn mỗi khi nghe bài hát ấy.

Việc hát cho thai nhi 34 tuần tuổi nghe cũng là một cách tuyệt vời để làm bạn với con, gắn kết với bé từ trong bụng mẹ.

3. Mang thai 34 tuần là bao nhiêu tháng?

Chắc chắn nhiều mẹ sẽ muốn biết mang thai 34 tuần là bao nhiêu tháng bên cạnh thông tin thai 34 tuần nặng bao nhiêu.

Nếu bạn mang thai 34 tuần, bạn đang ở tháng thứ 8 của thai kỳ. Chỉ còn 1 tháng nữa là con yêu chào đời rồi!

>>> Bạn có thể quan tâm: Mang thai 34 tuần mẹ bầu vẫn nâng tạ 60 kg bất chấp “gạch đá” trên mạng xã hội

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai nhi 34 tuần

1. Tử cung phồng lên

Tử cung vốn nằm khuất hẳn bên trong xương chậu khi thụ thai, nay đã chạm đến khung xương sườn. Tử cung phồng lên chèn ép các cơ quan nội tạng khác nhất là bàng quang và dạ dày, ruột non, đó là lý do mẹ phải đi tiểu thường xuyên hơn, có thể phải đối mặt với chứng ợ nóng và các vấn đề về đường tiêu hóa. Chỉ một số ít những phụ nữ mang thai may mắn không phải vật lộn với những phiền toái này.

2. Mắt bị mờ tạm thời

Nếu chỉ biết thai 34 tuần nặng bao nhiêu, bạn có thể giật mình khi nghe rằng mắt của mẹ bầu có thể bị mờ tạm thời. Thỉnh thoảng, bạn có thể không nhìn thấy bình thường như trước đây. Ngoài ra, mắt cũng có thể bị khô, khó chịu. Sự thay đổi này là do thay đổi hormone trong thai kỳ gây ra.

Nếu bạn đeo kính sát tròng vì cận thị hoặc viễn thị, tình hình khó chịu này có thể nghiêm trọng hơn.

Song, tình trạng thay đổi này chỉ tạm thời xảy ra trong thai kỳ. Sau khi sinh, mắt bạn sẽ trở lại bình thường.

Lưu ý, nếu mắt bạn gặp những vấn đề nghiêm trọng hơn, hãy thận trọng vì đó có thể là dấu hiệu của chứng tiền sản giật. Bạn cần nhanh chóng liên hệ với bác sĩ để được kiểm tra.

>>> Bạn có thể quan tâm: 11 điều chị em cần kiêng cữ trong 3 tháng cuối thai kỳ để mẹ tròn con vuông

3. Đầy hơi

Mẹ đừng chỉ quan tâm đến thai nhi với thai 34 tuần nặng bao nhiêu, mà còn cần để ý sức khỏe của mình. Mẹ bầu 34 tuần, vào cuối thai kỳ, dễ gặp tình trạng đầy hơi. Đây có thể do sự lo lắng, căng thẳng thái quá gây ra.

Để khắc phục tình trạng này, bạn hãy thử hít sâu – thở ra qua mũi vài lần trong thời gian 1 – 2 phút/lần.

4. Khó tiêu

Chứng khó tiêu có thể làm bạn khó chịu. Hãy tiếp tục ăn nhiều bữa nhỏ và cố gắng không nằm liền ngay sau bữa ăn. Thay vào đó, bạn nên đi lại nhẹ nhàng để việc tiêu hóa dễ chịu hơn.

5. Cân nặng thai nhi 34 tuần ảnh hưởng táo bón

Vì sao cần biết thai 34 tuần nặng bao nhiêu? Bởi đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến mẹ bị táo bón. Thai nhi ngày càng lớn, chèn ép trực tràng khiến mẹ bầu tuần 34 dễ bị táo bón.

Bạn cần bổ sung vào chế độ ăn uống hàng ngày nhiều chất xơ có trong rau quả, ngũ cốc. Nếu muốn dùng thuốc để khắc phục tình trạng này, bạn nhớ chắc chắn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi dùng.

Chế độ ăn giàu chất xơ để ngăn ngừa chứng táo bón cho mẹ mang thai 34 tuần

6. Bệnh trĩ

Tình trạng táo bón kéo dài có thể khiến mẹ bầu tuần thứ 34 bị bệnh trĩ. Để giảm tình trạng này, bạn có thể thực hành các bài tập Kegel để tăng cường sự săn chắc, dẻo dai của các cơ vùng chậu.

7. Lồi rốn

Mẹ sẽ biết mình vì sao bị lồi rốn khi trả lời được câu hỏi thai 34 tuần nặng bao nhiêu.

Điều này là hiện tượng bình thường của thai kỳ. Bởi khi bé phát triển, tử cung lớn sẽ chèn ép mô đệm dưới rốn làm rốn của bạn lồi lên.

>>> Bạn có thể quan tâm: Bà bầu 3 tháng cuối có nên uống nước dừa?

8. Đau lưng

Sức nặng của thai nhi khiến trọng tâm của cơ thể dịch chuyển từ lưng xuống bụng. Áp lực này gây ra tình trạng đau thắt lưng.

Để giảm thiểu sự khó chịu này, mẹ bầu nên đi bộ hoặc tập thể dục nhẹ nhàng.

9. Chuột rút ở chân

Thai nhi 34 tuần tăng cân nhanh, mẹ thiếu hụt canxi, mệt mỏi khiến bạn dễ đối diện với chứng chuột rút ở chân.

Khi bị chuột rút, bạn hãy chườm lạnh hoặc massage nhẹ vùng chân đang đau để khắc phục tình trạng này.

thai 34 tuần nặng bao nhiêu là chuẩn

10. Vết rạn da

Mẹ bầu tăng cân nhanh có thể đối diện với tình trạng rạn da những vùng như bụng, mông, đùi… Ngoài ra, di truyền cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng này.

11. Tóc mọc nhanh

Mang thai tuần thứ 34, tóc mẹ bầu ngày càng mọc nhanh và trơn bóng hơn. Một số trường hợp còn bỗng dưng có lông mọc ở má, cằm, lưng.

>>> Bạn có thể quan tâm: Thai 34 tuần nặng 2kg có nhỏ không?

Lời khuyên của bác sĩ để thai 34 tuần phát triển tốt

1. Tăng tiết dịch âm đạo

Từ thai nhi tuần thứ 34 trở đi, bạn sẽ thấy dịch âm đạo tăng tiết nhiều hơn. Nguyên nhân là do hormone thai kỳ gây ra để lưu lượng máu đến vùng xương chậu dồi dào và kích thích màng nhầy.

Bạn nên mặc quần lót cotton thoáng khí để cơ quan sinh dục luôn khô thoáng và hạn chế mùi hôi.

2. Sưng phù bàn chân, mắt cá chân

Thai nhi 34 tuần ngày càng phát triển, cơ thể mẹ giữ nước ngày càng nhiều. Đồng thời tử cung to lên cũng gây chèn ép tĩnh mạch chủ dưới làm máu từ chân khó về tim, gây phù chi dưới. Từ đó, bạn dễ bị sưng phù ở mắt cá chân, bàn chân, ngón tay. Tuy nhiên nếu bạn phù chân kèm theo tăng huyết áp thì đó là dấu hiệu của bệnh lí tiền sản giật, vì vậy khi có phù chân bạn cần được đo huyết áp để kiểm tra sức khỏe.

Để cải thiện vấn đề này, bạn có thể  nằm ngủ nghiêng trái giúp máu từ chân về tim tốt hơn và bạn nên chọn những đôi dép thoải mái để chân dễ chịu hơn.

>>> Bạn có thể quan tâm: 3 tháng cuối thai kỳ nên làm gì và những điều mẹ cần chuẩn bị

Thai nhi 34 tuần phát triển như thế nào?

3. Khó thở và thở nông

Khi thai nhi tuần thứ 34 to hơn, chèn ép làm đẩy cơ hoành lên cao, khiến dung tích phổi nhỏ hơn làm bạn khó thở hơn và thở nông hơn.

Bạn có thể ngủ nghiêng bên trái để giảm tình trạng khó thở này.

4. Sữa non

Ở tuần thai thứ 34, một số bạn sẽ thấy đầu vú có sữa non màu vàng rò rỉ. Đây là hiện tượng bình thường, chuẩn bị cho công việc cho con bú sau khi sinh.

5. Liên cầu khuẩn nhóm B

Sự phát triển của thai nhi đang đi đến giai đoạn quan trọng và mẹ sẽ bắt đầu phải đi khám hàng tuần. Trong khoảng thời gian từ bây giờ và tuần thai thứ 37, bác sĩ sẽ kiểm tra liên cầu khuẩn nhóm B (GBS) trong âm đạo và ruột thẳng của mẹ.

GBS thường vô hại đối với người lớn, nhưng nếu đang tồn tại trong cơ thể mẹ và truyền sang cho bé trong quá trình sinh, GBS có thể gây nên những biến chứng nghiêm trọng, chẳng hạn như viêm phổi, viêm màng não hoặc nhiễm trùng máu.

[inline_article id=60893]

Có đến khoảng 10-30% thai phụ có loại vi khuẩn này mà không biết nên việc kiểm tra là rất quan trọng. Vi khuẩn tự đến và tự đi – đó là lý do vì sao mẹ không được kiểm tra trong giai đoạn trước của thai kỳ. Nếu có GBS, mẹ sẽ được cho uống kháng sinh IV trong quá trình sinh, có tác dụng giảm đáng kể nguy cơ bé bị nhiễm trùng.

6. Tham gia lớp học nuôi con

Để chuẩn bị tốt cho công việc nuôi con sau sinh, mẹ bầu nên tham gia các lớp học tiền sản. Điều này giúp mẹ có tâm lí và kiến thức chào đón những thiên thần nhỏ.

>>> Bạn có thể quan tâm: Thai nhi đạp nhiều vào ban đêm: Những điều con muốn nói

7. Trầm cảm khi mang thai

Phụ nữ có thể bị trầm cảm trong giai đoạn mang thai khi phải đối diện với các yếu tố như khó chịu khi mang thai, lo lắng, thiếu sự quan tâm từ chồng và người thân,… Nếu bạn nhận thấy các dấu hiệu trầm cảm khi mang thai thì hãy nhanh chóng đi khám sức khoẻ để được bác sĩ tư vấn và điều trị nhé.

8. Đừng ăn quá nhiều

Các bác sĩ thường khuyên, thai phụ nên ăn chế độ ít natri trong thai kỳ. Chế độ ăn với một lượng muối vừa phải có thể giúp cơ thể phụ nữ điều tiết dịch lỏng tốt và giảm đáng kể lượng natri không tốt cho em bé. Nếu bạn ăn quá mặn có thể gây ra nhiều bất lợi cho sức khoẻ và  làm tình trạng phù nặng thêm. Biện pháp để cắt giảm muối là bạn nên bỏ qua các món ăn nhẹ có muối và tập thói quen nếm thử trước khi thêm gia vị nhé.

9. Tăng cường sức khoẻ

Hoạt động thể chất sẽ giúp cơ thể của bạn tăng lưu lượng máu, tăng cường endorphin, ngủ ngon và giúp chống lại sự mệt mỏi khi mang thai. Bạn có thể chọn tập thể dục với các môn thể thao phù hợp khi mang thai như đi bộ, tập yoga, bơi lội,…

Bí quyết cho mẹ bầu tuần thai thứ 34

Đây cũng là thời điểm tốt để mẹ lên kế hoạch sinh con. Kế hoạch này cũng là điểm khởi đầu để thảo luận các mong muốn của mình với đội ngũ y tế. Sinh con là việc không thể đoán trước, rất có thể sẽ không theo kế hoạch đã định trước đến từng chi tiết, nhưng việc nghĩ trước về những lựa chọn của mình từ sớm và chia sẻ với bác sĩ sẽ giúp giảm đi nhiều lo lắng.

Chuẩn bị thức ăn để ăn sau khi sinh. Nếu bạn tự nấu ăn, hãy nấu gấp đôi và cất một nửa vào tủ lạnh. Nếu tự chăm con, bố mẹ sẽ mệt đến không thể nấu nướng được gì trong những tuần đầu tiên sau khi đưa bé về nhà và sẽ rất mừng nếu chỉ cần hâm nóng nhanh là đã có những bữa ăn bổ dưỡng. Nếu không nấu ăn, hãy tìm sự giúp đỡ từ người thân, bạn bè, hoặc dịch vụ giao đồ ăn tận nơi sẽ là những lựa chọn rất hữu ích.

Ngoài ra, mẹ bầu cũng nên tập lắng nghe tình trạng sức khoẻ của bản thân trong giai đoạn này. Bên cạnh đó, bạn hãy tập phân biệt các dấu hiệu bất thường của thai kỳ để kịp đến bệnh viện nhé. Các dấu hiệu bạn cần phân biệt rõ là:

  • Theo dõi lượng nước ối thường xuyên, liên tục.
  • Phân biệt cơn gò sinh lý, gò chuyển dạ và thai máy để đến bệnh viện kịp thời.
  • Phân biệt rỉ ối và chảy dịch âm đạo để xử lý kịp thời; tránh gây sinh non, suy thai, thai chết lưu.
  • Dấu hiệu chuyển dạ giả và dấu hiệu chuyển dạ thực sự để đến bệnh viện kịp thời không gây ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.
  • Nhận biết xuất huyết âm đạo bất thường  trong 3 tháng cuối thai kỳ cần được cấp cứu khẩn cấp để đảm bảo sức khoẻ cho cả mẹ và bé.
  • Theo dõi cân nặng của thai nhi 3 tháng cuối để đánh giá sự phát triển của bé và tiên lượng các nguy cơ có thể xảy ra khi sinh.
  • Nhóm theo dõi đặc biệt như nhau tiền đạo, thai nhi chậm phát triển cần được bác sĩ theo dõi sát sao và có chỉ định phù hợp.

[inline_article id=2468]

Như vậy, chúng ta đã biết thai 34 tuần nặng bao nhiêu và sự phát triển của thai khi bước vào tuần 34 rồi. Hy vọng những thông tin trên sẽ giúp ích cho mẹ bầu nhé!

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh chuẩn theo từng tháng tuổi

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh theo từng độ tuổi đều không cố định, không theo nhịp ngày đêm. Điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ mệt mỏi với thời gian biểu bất thường của bé. Bạn sẽ phải thức dậy nhiều lần trong đêm để thay tã, cho bú và dỗ bé ngủ.

1. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh quan trọng như thế nào?

thời gian ngủ của trẻ sơ sinh 1
Ngủ nhiều được coi là “mặc định” cần thiết trong những tháng đầu sau sinh của bé

Trước khi biết thời gian ngủ của trẻ sơ sinh; mẹ cần hiểu vì sao giấc ngủ quan trọng đối với bé.

Ngủ đủ giấc là cách tốt nhất giúp trẻ sơ sinh lớn nhanh hơn, phát triển trí não tốt hơn. Trẻ sơ sinh chỉ thức khi đói hoặc cần đi tiêu, đi tiểu. Thời gian còn lại, bé sẽ dùng để ngủ; lý do là vì chưa quen với ánh sáng bên ngoài và thói quen nhắm mắt như còn trong bụng mẹ.

Lợi ích của giấc ngủ đối với trẻ sơ sinh:

  • Phát triển trí não.
  • Hệ miễn dịch khỏe mạnh.
  • Giúp trẻ thoải mái hơn về tinh thần.
  • Đảm bảo cho sự phát triển của hệ thần kinh trung ương.
  • Những giấc ngủ ngon có thể giúp bé trở nên năng động, thích tương tác với mọi thứ xung quanh.

2. Giấc ngủ của trẻ sơ sinh khác gì so với người lớn?

Chu kỳ giấc ngủ của trẻ sơ sinh ngắn hơn so với người lớn, trẻ sơ sinh ngủ nhiều ở tình trạng chuyển động mắt nhanh (REM).

Đây điều cần thiết cho sự phát triển đặc biệt của bộ não bé. Đặc điểm của giấc ngủ với chuyển động mắt nhanh (REM) là không sâu như giấc ngủ không chuyển động mắt nhanh (non-REM). Kết quả, trẻ sơ sinh dễ dàng thức giấc.

Khi được 6 đến 8 tuần tuổi, hầu hết trẻ sơ sinh bắt đầu ngủ ít hơn vào ban ngày và ngủ dài hơn vào ban đêm; mặc dù vẫn thức dậy để bú suốt đêm. Giấc ngủ của bé đang dần chuyển sang trạng thái ngủ sâu (non-REM) nhiều hơn trước. Như vậy thời gian thức của trẻ sơ sinh vào ban ngày sẽ nhiều hơn.

Trong giai đoạn 4 đến 6 tháng tuổi, hầu hết thời gian ngủ của bé sơ sinh kéo dài từ 8-12 giờ suốt đêm. Một số bé đã ngủ được lâu vào ban đêm ngay từ khi 6 tuần tuổi, nhưng nhiều bé khác phải chờ tới 5 hoặc 6 tháng tuổi.

2.1 Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh nhiều có tốt không?

Ngoài biết thời gian ngủ của trẻ sơ sinh; nhiều mẹ cũng thắc mắc liệu bé ngủ nhiều quá có tốt không.

[key-takeaways title=””]

Trẻ sơ sinh ngủ nhiều nhưng trong khoảng thời gian được khuyến cáo thì vẫn là tốt cho sự phát triển. Mẹ chỉ cần lo lắng khi giấc ngủ của bé ảnh hưởng đến việc bú sữa. Lúc này, tốt nhất mẹ nên nói chuyện với bác sĩ nhi khoa để hiểu rõ tình trạng ngủ nhiều của bé.

[/key-takeaways]

[inline_article id=203434]

2.2 Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh ít có ảnh hưởng gì không?

Em bé khó ngủ, ngủ ít trong giai đoạn từ 0-3 tháng tuổi sẽ ảnh hưởng rất nhiều tới sự phát triển não bộ và chiều cao của trẻ.

Trẻ cần được ngủ sâu vào 22-24-2 giờ vì đây là thời điểm hormone chiều cao phát triển tốt nhất; trẻ ngủ sâu được thời gian này sẽ phát triển chiều cao tối ưu. Nếu trẻ bỏ lỡ, con có thể sẽ không cao như những trẻ khác.

Đối với giấc ngủ của trẻ, việc ngủ nhiều ngủ ít cũng không quan trọng bằng ngủ sâu ngủ ngon. Vì vậy, mẹ cần tạo không gian thoáng, nhiệt độ phòng vừa phải để trẻ ngủ ngon, ít giật mình.

>> Mẹ có thể xem thêm: Vì sao trẻ sơ sinh ngủ không sâu giấc, hay quấy khóc khi ngủ?

3. Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh khoa học

Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh
Bảng thời gian ngủ của trẻ sơ sinh khoa học

Dưới đây là trung bình thời gian ngủ của trẻ sơ sinh và giờ ngủ của trẻ sơ sinh mỗi ngày; bao gồm giấc ngủ ban ngày và ban đêm.

Trẻ 0-2 tháng:

  • Ngủ 15-16 tiếng/ngày.
  • Bé có 3-5 giấc ngủ ngắn.
  • Thời gian ngủ ngày: 7-8 tiếng.
  • Thời gian ngủ ban đêm: 8-9 tiếng.

Trẻ 3-5 tháng:

  • Ngủ 14-16 tiếng/ngày.
  • Bé có 3-4 giấc ngủ ngắn.
  • Thời gian ngủ ngày: 4-6 tiếng.
  • Thời gian ngủ ban đêm: 8-9 tiếng.

Trẻ 6-8 tháng:

  • Ngủ 14 tiếng/ngày.
  • Bé có 2-3 giấc ngủ ngắn.
  • Thời gian ngủ ngày: 3-4 tiếng.
  • Thời gian ngủ ban đêm: 11 tiếng

Trẻ 9-12 tháng:

  • Ngủ 14 tiếng/ngày.
  • Bé có 2 giấc ngủ ngắn.
  • Thời gian ngủ ngày: 3-4 tiếng.
  • Thời gian ngủ ban đêm: 11 tiếng.

Lưu ý: Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh vào ban ngày lâu hơn thì ban đêm bé sẽ ngủ ít hơn và ngược lại.

4. Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh từ 0 đến 6 tháng tuổi

Thời gian ngủ của mỗi bé mỗi khác vì phụ thuộc vào độ tuổi, giờ ăn cũng như thói quen sinh hoạt của mỗi gia đình. Giai đoạn 0-6 tháng tuổi mẹ có thể tham khảo một số thông tin sau:

4.1 Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh từ 0-3 tháng

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh dưới 1 tháng: Bé sẽ ngủ gần như cả ngày và chỉ dậy vài giờ để ăn. Trung bình, thời gian ngủ của một đứa trẻ sơ sinh 1 tháng tuổi sẽ ngủ từ 15-16 giờ mỗi ngày.

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh từ 1-3 tháng:

  • Từ 2 tuần đến 2 tháng tuổi, bé ngủ trung bình 15,5-17 giờ tổng cộng mỗi ngày, trong đó khoảng 8,5-10 giờ vào ban đêm và 6-7 giờ trong ngày trải dài khoảng 3-4 giấc ngủ ngắn.
  • Trong tháng thứ 3, thời gian ngủ của trẻ sơ sinh 3 tháng tuổi cần trung bình 15 giờ để ngủ, 10 giờ vào ban đêm và 5 giờ ban ngày.

Vậy mẹ đã biết trẻ 3 tháng tuổi ngủ bao nhiêu là đủ rồi chứ.

4.2 Giấc ngủ của trẻ 3 tháng tuổi – 6 tháng tuổi

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh từ 3 tháng tuổi – 6 tháng tuổi giao động trong 12-16 giờ. Mỗi sáng bé dậy vào khoảng 6-8 giờ, ban ngày có 2-4 giấc ngủ ngắn, mỗi lần từ 30 phút – 3 giờ đồng hồ. Bé đi ngủ vào buổi tối lúc 6-8 giờ. Ban đêm, giấc ngủ của trẻ sơ sinh kéo dài 4-10 giờ 1 lần và tổng cộng là 9-12 giờ.

thời gian ngủ của trẻ sơ sinh
Bé sơ sinh cần ngủ đủ giấc vào ban đêm và cả thời gian ban ngày

4.3 Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh 6 – 8 tháng tuổi

Hầu hết trẻ 6 tháng đều đã có thể ngủ suốt đêm (khoảng 6 – 8 tiếng) mà không thức dậy đòi bú. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một số bé thức giấc 1 – 2 lần.

Đối với thời gian ngủ của trẻ sơ sinh vào ban ngày, số giấc ngủ ngắn của bé có thể giảm so với những tháng trước nhưng mỗi cữ ngủ của bé có thể dài hơn, khoảng 3 – 4 tiếng.

6 – 8 tháng cũng là thời điểm mà bé sẽ có nhiều bước phát triển nhảy vọt quan trọng. Do đó, tình trạng thụt lùi giấc ngủ cũng tiếp tục xuất hiện.

4.4 Giấc ngủ của bé 9 – 12 tháng tuổi

Ở thời điểm 9 – 12 tháng, nhiều bé đã học được thói quen tự ngủ mà không cần đến sự hỗ trợ của người lớn. Thời điểm này, bé có thể liên tục ngủ trong suốt 9 – 12 tiếng mỗi đêm. Vào ban ngày, bé sẽ có 2 giấc ngủ ngắn khoảng 3 – 4 tiếng.

Trong thời gian 8 – 10 tháng tuổi, tình trạng thụt lùi giấc ngủ vẫn tiếp tục xuất hiện, thậm chí là xuất hiện nhiều lần. Nguyên nhân là do trong khoảng thời gian này sẽ có nhiều giai đoạn phát triển nhảy vọt quan trọng như mọc chiếc răng đầu tiên, trẻ bắt đầu chuyển từ ngồi sang đứng hay trẻ bắt đầu học nói.

>> Mẹ có thể xem thêm: Trẻ sơ sinh ngủ ít, khó ngủ và cách khắc phục hiệu quả

5. Làm thế nào để thiết lập thói quen ngủ tốt cho trẻ sơ sinh?

Để đảm bảo thời gian ngủ của trẻ sơ sinh; cha mẹ nên xây dựng một số cách để bé nhanh chìm vào giấc ngủ.

5.1 Tìm hiểu những dấu hiệu cho thấy bé mệt

Trong 6 đến 8 tuần đầu tiên, hầu hết các bé không thể thức lâu hơn 2 tiếng mỗi khi tỉnh giấc. Ngược lại, nếu thức lâu hơn 2 tiếng, có thể bé bị mệt và gặp khó khăn khi đi vào giấc ngủ.

Đây là lúc mẹ cần kiểm tra xem bé có mệt mỏi hay không. Bé có dụi mắt, bứt tai hoặc tỏ vẻ bứt rứt hơn bình thường không?

Nếu thấy những biểu hiện này, thử đặt bé nằm xuống. Mẹ sẽ sớm phát triển giác quan thứ sáu về các thói quen và nhịp điệu hàng ngày của bé. Bản năng sẽ giúp mẹ biết khi nào bé sẵn sàng cho một giấc ngủ.

5.2 Bắt đầu dạy cho bé sự khác biệt giữa ngày và đêm

Một số trẻ sơ sinh là cú đêm sẽ thức khi mẹ muốn đi ngủ. Trong vài ngày đầu tiên; mẹ sẽ không thể làm được gì nhiều để thay đổi điều này. Khi bé được khoảng 2 tuần tuổi; mẹ có thể bắt đầu dạy bé phân biệt ngày và đêm.

Khi bé còn tỉnh vào ban ngày, mẹ nên dành thời gian tương tác với bé nhiều nhất có thể, giữ cho ngôi nhà và phòng bé đầy ánh sáng. Mẹ cũng không cần cố gắng giảm thiểu những tiếng ồn ban ngày quen thuộc như điện thoại; tiếng nhạc; hoặc máy giặt. Nếu bé có vẻ buồn ngủ khi đang bú, nhẹ nhàng đánh thức bé dậy.

Vào ban đêm, nếu bé có thức dậy cũng đừng chơi đùa với bé. Để đảm bảo thời gian ngủ của trẻ sơ sinh, mẹ nên giữ cho ánh sáng, độ ồn ở mức thấp; không nói chuyện với bé. Chẳng bao lâu bé sẽ bắt đầu nhận ra rằng ban đêm là thời gian ngủ của trẻ sơ sinh.

>> Mẹ xem thêm: Trẻ sơ sinh đói có ngủ được không?

5.3 Xem xét việc tập cho bé một số thói quen vào giờ đi ngủ

Tập thói quen ngủ cho bé
Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh có thể giao động từ 15-21 giờ

Không bao giờ là quá sớm để bắt đầu một thói quen trước khi đi ngủ. Đó có thể là thay đồ ngủ, hát một bài hát ru và cho bé một nụ hôn chúc ngủ ngon.

>> Mẹ xem thêm: 6 câu thần chú giúp trẻ ngủ ngon thẳng giấc xuyên đêm

5.4 Cho bé cơ hội để tự đi vào giấc ngủ một mình

Mẹ tập cho bé tự đi ngủ một mình sẽ giúp con yêu ngủ đủ giấc và đảm bảo được thời gian ngủ của trẻ sơ sinh.

Ngay khi bé được 6 đến 8 tuần tuổi, mẹ có thể bắt đầu cho bé cơ hội để tự đi vào giấc ngủ một mình. Nhưng làm thế nào?

Mẹ hãy đặt bé nằm xuống khi bé buồn ngủ, tránh lắc lư để cho bé ngủ. Các bậc cha mẹ có thể nghĩ rằng những gì họ làm lúc này không có ảnh hưởng gì. Nhưng thực ra, bé đang hình thành thói quen ngủ. Nếu lắc lư bé trong tám tuần đầu tiên, bé sẽ có thói quen đó trong thời gian sau.

Tuy nhiên, một số phụ huynh chọn lắc lư hoặc cho bé của mình bú để ngủ vì họ tin rằng đó là bình thường. Họ thích điều đó vì nghĩ con sẽ phát triển mạnh và ngủ ngon, hoặc họ cho rằng cách này hiệu quả hơn. Họ muốn thức dậy cùng với em bé nhiều lần trong đêm để giúp bé quay trở lại giấc ngủ.

>> Mẹ có thể xem thêm: Mẹo giúp trẻ sơ sinh ngủ ngon và sâu giấc vào ban đêm

Thời gian ngủ của trẻ sơ sinh phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Em bé khó ngủ cũng tương tự. Mẹ nên tham khảo bảng giờ ngủ dành cho bé dưới 1 tuổi để đảm bảo bé ngủ đủ giấc mỗi ngày.

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Nuôi con bằng sữa mẹ: Khi bé thích bú bình hơn bú mẹ

Đừng quá lo lắng vì chính tâm trạng của mẹ cũng ảnh hưởng đến chất lượng sữa, hãy tìm hiểu nguyên nhân khiến bé lười bú. Tìm hiểu nguyên nhân khiến trẻ quen bú bình bỏ bú mẹ ngay nhé.

Nguyên nhân trẻ không chịu bú mẹ

Do trẻ sơ sinh biếng bú bẩm sinh

Trẻ lười bú bẩm sinh sẽ thể hiện dấu hiệu từ sớm mà không đợi đến khi được mẹ cho bú thêm sữa bình. Cữ sữa của các bé lười bú bẩm sinh sẽ ít hơn và thời gian bé bú cũng ít hơn, thường ngậm ti mẹ. Khi thấy những dấu hiệu này mẹ nên tham khảo tư vấn của bác sĩ.

Do mùi vị của sữa mẹ

Nhiều người nghĩ bé thích bú bình hơn ti mẹ là do uống sữa bình dễ hơn hay khi bé bú bình bỏ bú mẹ lâu ngày dần “quên luôn” cách bú sữa từ ti mẹ. Tuy nhiên, cách giải thích này không hợp lý vì bú sữa mẹ thiên về bản năng của bé. Vị giác của bé rất nhạy bén với sữa mẹ, khi nguồn sữa yêu thích của mình có vị khác bé không chịu bú mẹ nữa.

Trong thời gian mang thai để chuẩn bị cho bé bầu sữa mẹ bổ dưỡng và có hương thơm yêu thích của bé, mẹ có thể uống bổ sung vitamin tăng cường chất lượng sữa. Tham khảo mua sản phẩm tại đây.

Do trẻ mắc bệnh về đề kháng

Khi bé mọc răng hay đang bệnh, sức đề kháng suy giảm, hệ tiêu hóa làm việc kém, cảm giác ngon miệng của bé giảm cũng là nguyên nhân khiến bé lười bú.

[inline_article id=64328]

Do hệ tiêu hóa của em bé sơ sinh

Hệ tiêu hóa quyết định 70% sức khỏe miễn dịch ở trẻ, khi hệ tiêu hóa làm việc không hiệu quả, hấp thụ không tốt cũng là nguyên nhân chính dẫn đến việc trẻ biếng bú.

 

bé lười bú 1
Tình trạng bé lười bú mẹ xảy ra lâu ngày, lượng sữa của mẹ sẽ dần dần giảm đi

Trẻ sơ sinh lười bú mẹ phải làm sao?

Làm mẹ là hành trình nuôi dạy con bắt đầu từ việc chăm con từng miếng ăn, giấc ngủ. Mẹ cần xác định nguyên nhân khiến bé không chịu bú mẹ. Nguyên nhân trẻ lười bú có thể do bé không thích, do mẹ không đủ sữa hay mẹ đang bị trầm cảm… Liên hệ với bác sĩ để tìm ra giải pháp sớm nhất. Ngoài ra, mẹ có thể giúp bé điều chỉnh thói quen bú để hạn chế việc bé lười bú.

Xây dựng thói quen bú mẹ đúng giờ

Thời gian cho trẻ sơ sinh bú đúng giờ sẽ giúp cho đồng hồ sinh học của bé ổn định, bé sẽ đói và đòi bú sữa mẹ vào một giờ cố định. Cữ bú và cữ ngủ của bé có khoảng cách rõ ràng, tránh trường hợp bé đang ăn lại buồn ngủ không tốt cho sức khỏe của con.

Cho con bú đúng cách

Ngay sau khi chào đời mẹ nên cho bé bú sữa mẹ ngay 72 giờ sau sinh, cho bé bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Sau thời gian nghỉ thai sản, mẹ có thể tiếp tục duy trì cho bé bú mẹ bằng cách hút sữa trữ đông ở nhà, đến cữ sẽ hâm lại cho vào bình để bé bú.

Với cách này mẹ nên chọn mua một loại máy hút sữa phù hợp với kích thước bầu ngực và cơ địa để đảm bảo chất lượng sữa mẹ sau khi hút. Tham khảo và mua sản phẩm tại đây.

Không nên ép bé bú hoặc cho bé bú trong khi bé đang ngủ, khi cho bú hãy cho bé bú hết bầu sữa này rồi mới sang bầu sữa khác.

bé lười bú 2
Cho bé bú trong khi bé đang ngủ sẽ khiến bé không thể hấp thụ tối đa dinh dưỡng

Không cho bé dùng bình sữa và núm vú giả ngay khi bé còn đang loay hoay học cách “bám” vào người mẹ để bú sữa hoặc khi mẹ đang có chút rắc rối với nguồn sữa. Mẹ cũng không nên cho bé nút núm vú giả trước 4 tuần tuổi.

Cách cho con bú cũng là một nguyên nhân dẫn đến việc trẻ lười bú. Mẹ cần cho bé bú trong tư thế thoải mái cho mẹ và con.

Bú bình có ảnh hưởng gì đến bé không?

Chắc chắn sẽ ảnh hưởng nếu bé thích bú bình trong một thời gian dài. Điều này khiến bé “giảm nhu cầu” bú sữa mẹ và lượng sữa mẹ tiết ra cũng ít hơn.

Bú bình cũng làm thời lượng các bữa ăn trở nên ngắn lại. Bé không nhận được đủ chất dinh dưỡng quan trọng từ dòng sữa cuối rất cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

“Chiến đấu” với tình trạng bé lười bú mẹ rất khó khăn nhưng không phải là không “hạ gục” được nó. Mỗi khi bé đói, cho bé bú sữa mẹ chính là bước đầu tiên ngăn chặn tình trạng trên.

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

“Cứu nguy” cho bà bầu bị trĩ khi mang thai

Bà bầu bị trĩ khi mang thai sẽ gây ra tình trạng khó chịu, ảnh hưởng sức khỏe thai kỳ. Bà bầu bị sa búi trĩ cần tìm hiểu kỹ về căn bệnh này cũng như cách điều trị để bảo vệ sức khỏe khi mang thai nhé. bà bầu bị bệnh trĩ

Tại sao phụ nữ mang thai rất dễ bị bệnh trĩ?

Mang thai dễ khiến bạn bị trĩ vì nhiều lý do:

  • Tử cung lớn dần: Tử cung của bạn phát triển gây áp lực lên các tĩnh mạch vùng chậu và tĩnh mạch chủ dưới. Điều này có thể làm chậm sự tuần hoàn máu từ phần thân dưới gây tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở tử cung khiến tử cung bị sưng lên.
  • Táo bón: Táo bón là “thủ phạm” gây ra hoặc góp phần làm bệnh trĩ thêm trầm trọng khi mang thai. Khi bị táo bón, bà bầu phải gắng sức rặn để đi đại tiện làm căng cơ và phát triển trĩ.
  • Tăng nội tiết tố progesterone: Sự gia tăng nồng độ nội tiết tố progesterone trong thời gian mang thai khiến các thành tĩnh mạch dễ bị sưng. Progesterone làm chậm nhu động ruột và khiến bạn dễ bị táo bón, dẫn đến bệnh trĩ.

Dấu hiệu của bệnh trĩ khi mang thai

1. Triệu chứng bệnh trĩ điển hình nhất là đại tiện ra máu

Trĩ là bệnh ít gây nguy hiểm đến mức chết người nhưng lại khiến người bị phải sống khổ sống sở vì những triệu chứng khó chịu kéo dài dai dẳng nếu không điều trị. Có hai loại trĩ bao gồm trĩ nội và trĩ ngoại.

Hai loại trĩ chỉ khác nhau ở vị trí hình thành búi trĩ. Trĩ ngoại là búi trĩ thò ra ngoài hậu môn còn trĩ nội là búi trĩ ở bên trong hậu môn. Cả hai loại trĩ đều có các biểu hiện như sau:

  • Đại tiện ra máu, thường là máu có màu đỏ tươi và xảy ra trong hoặc ngay sau khi đại tiện.
  • Phân có máu
  • Sau khi quan hệ có cảm giác đau nhói vùng đáy

Nguyên nhân là do tình trạng căng giãn quá mức của các tĩnh mạch ở hậu môn – trực tràng, gây viêm sưng và dẫn đến chảy máu. Tình trạng xuất huyết thường kéo dài dai dẳng và khi chuyển biến nặng máu có thể chảy ra ồ ạt thành giọt hoặc phun thành tia. Nếu không điều trị, bạn có thể bị thiếu máu.

Phụ nữ bị giãn tĩnh mạch âm hộ thường dễ bị bệnh trĩ hơn. Thừa cân trước khi mang thai, đa thai; thừa nhiều nước hoặc ít vận động, tất cả sẽ góp phần gây nguy cơ bị trĩ khi mang thai.bà bầu bị bệnh trĩ

2. Đau rát và ngứa hậu môn

Tình trạng đau rát thường xuất hiện kèm với triệu chứng đại tiện ra máu, nhất là khi bạn rặn nhiều, phân to cứng do táo bón. Khi rửa bằng nước hoặc lau bằng giấy vệ sinh bạn có cảm giác đau rát.

Tình trạng ngứa hậu môn thường diễn ra sau khi bạn cảm thấy đau rát. Nguyên nhân là do hậu môn bị trầy xước, nứt khi rặn đại tiện, khiến vùng da ở xung quanh hậu môn của bạn ẩm ướt và bị viêm, dẫn đến ngứa ngáy khó chịu.

Triệu chứng này thường xuất hiện ngắt quãng nên bạn dễ nhầm sang táo bón hay nứt kẽ hậu môn. Thực chất đây là lúc búi trĩ đang phát triển ngày một to lên, sau một thời gian sẽ lòi ra ngoài.

3. Cảm giác như đại tiện chưa hết

Tình trạng này là khi bạn đi đại tiện và cảm thấy như chưa đi hết nên lại cố gắng rặn nhưng không được. Không ít người dùng đến dung dịch bơm hỗ trợ tống phân hoặc tự móc phân để giải tỏa bức bối khiến hậu môn bị tổn thương làm bệnh thêm trầm trọng.

Nguyên nhân gây ra tình trạng này là do lớp mô ở bên trong hậu môn bị phù nề hoặc búi trĩ xuất hiện chèn ép, làm hẹp đường ra của phân khiến bạn không đi đại tiện hết.

4. Sa búi trĩ là triệu chứng bệnh trĩ nặng nề nhất

Sa búi trĩ là tình trạng khi đi đại tiện bạn sẽ sờ thấy một túi nhỏ “thò” ra ngoài (trĩ nội) hoặc phồng lên ở hậu môn (trĩ ngoại).

Lúc đầu, búi trĩ chỉ thò ra ngoài khi đi đại tiện, sau đó có thể tự thụt vào trong hoặc xẹp xuống. Tuy nhiên, càng về sau thì búi trĩ càng sa ra ngoài nhiều hơn và thường xuyên bị sưng phồng, chảy máu, rỉ dịch khiến bạn cảm thấy đau rát, nhất là khi ngồi.

Ở giai đoạn đầu, bệnh trĩ xuất hiện các triệu chứng điển hình như đại tiện ra máu, đau, ngứa hậu môn và cảm giác đại tiện chưa hết rất dễ nhầm lẫn với các bệnh lý khác ở đại – trực tràng như viêm đại tràng, táo bón, nứt kẽ hậu môn. Hoặc những bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư đại tràng, ung thư hậu môn. Vì vậy, ngay từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên, bạn nên đi khám để rà soát bệnh và chữa trị kịp thời.

Ngoài ra, khi bị bệnh trĩ bạn còn gặp các dấu hiệu sau:

  • Nhu động ruột (hội chứng ruột kích thích)
  • Một vùng da nổi lên gần hậu môn
  • Ngứa
  • Nóng
  • Sưng tấy
  • Búi trĩ lòi ra kèm chảy máu, khó chịu nếu bệnh nặng
  • Bệnh trĩ còn có thể biểu hiện dưới dạng cục máu đông, được gọi là bệnh trĩ huyết khối. Loại bệnh trĩ này thường có tình trạng hậu môn bị cứng, viêm và đau đớn. bà bầu bị bệnh trĩ

Bà bầu bị trĩ có sinh thường được không?

Bà bầu bị trĩ nên đẻ mổ hay đẻ thường tùy thuộc vào mức độ bệnh như thế nào. Đối với những bà bầu bị trĩ nhẹ thì có thể đẻ thường, tuy nhiên tình trạng trĩ vẫn ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bạn, nhất là khi bạn đi đại tiện.

Nếu bị trĩ nặng, búi trĩ thò ra ngoài, táo bón, có thể có hiện tượng chảy máu, ngứa hậu môn và thai đã nhiều tuần tuổi thì cách tốt nhất là bạn nên đẻ mổ.

Sở dĩ bà bầu bị trĩ nặng không nên đẻ thường vì sẽ phải rặn nhiều, dồn sức để rặn, từ đó búi trĩ tụt xuống làm cho bệnh càng ngày càng nặng thêm, rất nguy hiểm cho bà bầu.

[inline_article id=220463]

Mẹ bầu bị trĩ có nguy hiểm không?

Theo các bác sĩ sản khoa, nhiều chị em mắc bệnh trĩ khi mang thai có nguyên nhân từ việc táo bón thai kỳ. Song vì quá chủ quan nên táo bón đã chuyển sang bệnh trĩ. Do đó, bạn nên cảnh giác với chứng táo bón thai kỳ nếu không muốn mắc phải căn bệnh trĩ nhé.

Nếu phân không được thải ra ngoài sẽ bị trực tràng hút ngược vào cơ thể, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của mẹ và thai nhi. Khi bị bệnh trĩ bạn rất dễ gặp phải tình trạng này. Ngoài ra, bệnh trĩ còn khiến sản phụ đau đớn, ảnh hưởng đến quá trình sinh nở.

Bác sĩ khuyến cáo, bà bầu cần hạn chế để xảy ra tình trạng trĩ khi mang thai và nếu bị, cần chữa trị ngay khi mới xuất hiện.

Bà bầu bị trĩ phải làm sao? Cách ngăn ngừa bà bầu bị sa búi trĩ

1. Những việc cần làm để ngăn ngừa bệnh trĩ

Để ngăn ngừa bị trĩ khi mang thai, thai phụ có thể tham khảo những biện pháp sau:

  • Thai phụ cần chú ý tránh táo bón. Bà bầu bị táo bón sẽ làm đại tràng cứng, khó khăn khi thải phân và điều này góp phần gây ra bệnh trĩ ngoại.
  • Bà bầu bị trĩ phải làm sao? Uống nhiều nước – ít nhất là 2,5 lít một ngày. Nước giúp giữ phân mềm và dễ thải ra ngoài.
  • Nước ép trái cây, trà thảo dược và các chất lỏng khác… có thể giúp bạn tránh táo bón.
  • Tránh ngồi xổm để vệ sinh trong thời gian dài. Hãy ở lại trong khoảng thời gian bạn cảm thấy cần nhưng tránh đặt áp lực không cần thiết, kéo dài lên ruột và trực tràng.
  • Đặt bàn chân của bạn trên một chiếc ghế khi bạn đi vệ sinh. Điều này giúp giảm áp lực lên khung chậu.
  • Tránh căng thẳng về việc đi vệ sinh. Nếu bạn cảm thấy không cần, hãy đứng dậy và ra khỏi nhà vệ sinh.
  • Không nên nhịn đi đại tiện.
  • Ăn nhiều chất xơ và thức ăn thô. Trái cây, rau, cám, yến mạch, ngũ cốc nguyên cám… có thể giúp tạo hình cho phân và dễ thải ra ngoài hơn.
  • Tránh ăn nhiều thịt đỏ, bánh mì trắng và thực phẩm đã chế biến kỹ.bà bầu bị trĩ

2. Biện pháp khắc phục bệnh trĩ tại nhà cho bà bầu 

  • Dùng khăn lau nhẹ nhàng hoặc dùng vòi xịt khi bạn đi vệ sinh.
  • Ngâm mình trong nước ấm sạch khoảng 10 phút/lần. Thực hiện vài lần mỗi ngày.
  • Tắm muối Epsom và nước ấm.
  • Chườm đá lạnh vào vùng trĩ vài phút. Mỗi ngày thực hiện 2-3 lần.
  • Thường xuyên đi lại và cố gắng không ngồi quá lâu. Điều này để tránh gây áp lực cho hậu môn khiến tình trạng trĩ thêm nghiêm trọng.
  • Uống nhiều nước và ăn thực phẩm giàu chất xơ để giúp phân mềm.
  • Tránh ngồi lâu khi đi vệ sinh để tránh gây áp lực cho hậu môn.
  • Thực hiện các bài tập kegel để tăng cường sức khỏe các cơ ở vùng này.
  • Nằm nghiêng thay vì nằm ngửa để giảm áp lực lên hậu môn.
  • Dùng baking soda pha nước để rửa hoặc tắm sẽ giảm ngứa ở búi trĩ.
  • Cố gắng đi bộ 15 phút mỗi ngày để cải thiện lưu thông máu.bà bầu bị trĩ

Phương pháp chữa trị bệnh trĩ khi mang thai

Bà bầu bị trĩ khó điều trị bằng thuốc tây vì sợ ảnh hưởng tới em bé, nên phương pháp an toàn nhất vẫn là thảo dược. Theo Đông y, việc các búi trĩ hình thành là do khí huyết ứ trệ. Nếu chỉ phẫu thuật cắt búi trĩ thì mới chỉ giải quyết được phần ngọn, sau đó một thời gian sau bệnh trĩ sẽ lại tái phát.

Điều trị bằng phương pháp dân gian là điều trị tận gốc rễ của trĩ. Tuy nhiên, người bệnh cần phải có lòng kiên trì. Bà bầu bị trĩ nên tham khảo bài thuốc dân gian dưới đây:

1. Rau diếp cá (dấp cá) điều trị trĩ cho bà bầu

Tinh dầu diếp cá chứa decanonyl acetaldehyde có tác dụng kháng viêm, kháng khuẩn mạnh. Vì vậy diếp cá được dùng trị táo bón, bệnh trĩ rất hiệu quả và để chữa viêm ruột, kiết lỵ, bí tiểu tiện, mụn nhọt, lở ngứa…

Cách thực hiện:

  • 100g lá diếp cá tươi rửa sạch, ngâm nước muối loãng
  • Bà bầu ăn sống hoặc đun lấy nước uống hàng ngày
  • Phần bã đắp vào chỗ búi trĩ để giảm đau đớnrau dấp cá

2. Củ nghệ tươi

Nghệ là vị thuốc có tác dụng xóa sẹo, có khả năng kháng viêm, giảm nguy cơ nhiễm trùng. Trong một số loại thuốc bôi nguồn gốc thảo dược đa phần đều chứa thành phần nghệ tươi.

Cách thực hiện:

  • Rửa sạch 1 củ nghệ nhỏ, cạo bỏ vỏ rồi giã nát
  • Đắp nghệ vào khu vực búi trĩ để giảm tình trạng đau rát và sưng, viêmbà bầu bị trĩ

Khi nào nên đến bác sĩ để khám bệnh trĩ khi mang thai?

Thông thường bệnh trĩ sẽ thuyên giảm khi bạn áp dụng những biện pháp tự điều trị như trên. Tuy nhiên, nếu các biện pháp phòng ngừa không mang lại hiệu quả hoặc bị đau, ra máu, bạn nên đến bác sĩ ngay để được khám kỹ hơn.

Đặc biệt khi bà bầu bị trĩ có hiện tưởng bệnh chuyển biến nặng như chảy máu hậu hôn hay sa búi trĩ, mẹ bầu cần đến gặp bác sĩ để được điều trị kịp thời, tránh ảnh hưởng đến quá trình sinh con.

Categories
Mang thai 3 tháng giữa

Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 17

Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 17 như thế nào? Mẹ hãy cùng MarryBaby tìm hiểu qua bài viết này để hiểu rõ về thai nhi 17 tuần tuổi và có kế hoạch chăm sóc thai kỳ thật tốt mẹ nhé.

Sự phát triển của thai nhi 17 tuần tuổi

1. Thai 17 tuần nặng bao nhiêu? Thai 17 tuần phát triển như thế nào?

Thai nhi 17 tuần tuổi phát triển như thế nào, thai 17 tuần nặng bao nhiêu? Ở tuần thứ 17, thai nhi đã nặng khoảng 140g. Từ đầu đến mông của bé dài 13cm, bằng cỡ quả bơ. Lúc này bé đã có thể liên tục co duỗi tay chân và mẹ sẽ bắt đầu nhận thấy những cử động ngày càng nhiều trong vài tuần tiếp theo.

Khi bé chuyển động, mẹ sẽ cảm thấy như trong bụng đang sủi bọt, ọc ạch, thỉnh thoảng lại gò lên. Thai nhi 17 tuần tuổi sẽ di chuyển nhiều hơn sau khi mẹ ăn, nghe nhạc lớn; khi mẹ xoa bụng và nói chuyện với con hay khi mẹ thực sự buồn ngủ.

sự phát triển của thai nhi tuần thứ 17
Thai 17 tuần phát triển như thế nào?

Mạch máu của bé hiện rõ dưới lớp da mỏng, đôi tai lúc này đã ở đúng vị trí tuy có hướng ra ngoài đầu một chút. Một lớp chất béo bảo vệ đang bắt đầu hình thành xung quanh các dây thần kinh của bé, quá trình này sẽ tiếp tục trong một năm sau khi bé chào đời.

Khi thai nhi 17 tuần tuổi, tim của bé do não điều chỉnh, vì vậy không còn đập ngẫu nhiên nữa. Tim bé sẽ đập từ 140-150 nhịp mỗi phút, nhanh gấp đôi so với người lớn.

Nếu đây là bé gái, tử cung và ống dẫn trứng được hình thành ở đúng vị trí. Nếu là bé trai, bộ phận sinh dục của bé đã có thể nhìn ra, nhưng đôi khi tư thế nằm của bé có thể che khuất bộ phận này khi siêu âm.

Dấu vân tay đang hình thành. Trong vòng một tuần tới, các miếng đệm trên đầu ngón tay và ngón chân của thai nhi 17 tuần tuổi sẽ được tô điểm bằng những đường xoáy và nếp gấp hoàn toàn riêng biệt, hay còn gọi là dấu vân tay.

Tập mút và nuốt. Con mẹ đang mài giũa kỹ năng mút và nuốt để chuẩn bị cho lần bú đầu tiên, thứ hai… Trên thực tế, hầu hết các phản xạ sinh tồn mà bé sẽ có khi chào đời đang được hoàn thiện trong tử cung ngay bây giờ.

>> Mẹ có thể tham khảo: Thai 17 tuần sao không thấy máy?

2. Thai nhi 17 tuần tuổi là bao nhiêu tháng?

Thai 17 tuần là mấy tháng? Nếu mẹ mang thai được 17 tuần thì mẹ đang ở tháng thứ 4 của thai kỳ. Chỉ còn 5 tháng nữa thôi là mẹ sẽ “lâm bồn”.

Sự thay đổi của cơ thể mẹ khi thai nhi 17 tuần tuổi

Mẹ có thể thấy liên tục thèm ăn trong thời điểm này. Nên chọn những bữa ăn chính và nhẹ giàu dinh dưỡng thay vì loại thực phẩm không chứa calo như khoai tây chiên, kẹo hoặc các chất ngọt.

Hệ tim mạch của mẹ đang có những thay đổi mạnh mẽ. Trong giai đoạn giữa thai kỳ này, huyết áp có thể thấp hơn bình thường. Thay đổi quá nhanh từ một tư thế nằm hoặc ngồi sẽ dễ khiến mẹ chóng mặt.

Từ khi thai nhi 17 tuần tuổi, tốt nhất mẹ nên nằm nghiêng một bên hoặc ít nhất là nghiêng một phần. Vì khi nằm ngửa hoàn toàn, tử cung có thể đè lên tĩnh mạch chủ dưới có vai trò dẫn máu từ phần dưới cơ thể về tim; làm giảm lượng máu chảy về tim. Thử đặt một cái gối dưới lưng hoặc hông hoặc chân cao hơn để thấy dễ chịu. Nhớ chọn mua những bộ quần áo rộng rãi và thoải mái từ giờ.

Nếu mẹ mang thai 17 tuần tuổi vẫn chưa siêu âm giữa thai kỳ, hãy thực hiện để giúp bác sĩ kiểm tra sự tăng trưởng của bé, dò các dị tật bẩm sinh nhất định, kiểm tra nhau thai và dây rốn, xác định lại ngày dự sinh và xem mình đang mang thai bao nhiêu bé. Trong lúc siêu âm, mẹ có thể nhìn thấy bé xoay chuyển hoặc mút ngón tay. Hãy để bố đi cùng và nhớ yêu cầu in một tấm hình dành cho album ảnh của bé.

>> Mẹ có thể tham khảo: Thai 18 tuần đã đạp chưa và phát triển như thế nào?

Ngực phát triển bình thường: Nội tiết tố và các tuyến sản xuất sữa đang phát triển để chuẩn bị cho quá trình nuôi con. Tất cả các hoạt động này, cộng với sự gia tăng lưu lượng máu, có thể tăng kích thước ngực của mẹ lên 3 size.

Tuy nhiên, mỗi phụ nữ mang thai sẽ khác nhau và các triệu chứng mang thai cũng khác nhau. Nếu mẹ thuộc dạng tròn trịa, mẹ sẽ thấy kích thước ngực hầu như không biến chuyển.

Ngăn ngừa đau thần kinh tọa: Dây thần kinh tọa được tạo nên trong hố chậu bởi đám rối thắt lưng – cùng; chạy xuống mông và phân nhánh xuống mặt sau của chân đến mắt cá và bàn chân.

Trong hầu hết các trường hợp, đau thần kinh tọa – đau nhói, ngứa ran hoặc tê bì bắt đầu ở lưng hoặc mông và lan xuống tận chân. Việc này xảy ra khi dây thần kinh tọa bị nén do đĩa đệm phồng, trượt hoặc vỡ, viêm khớp hoặc do hẹp ống sống. Mẹ hãy thử chườm nóng hoặc thực hiện các động tác kéo giãn lưng để giảm bớt cơn đau.

Lưu ý bất kỳ thay đổi nào ở răng: Hormone có thể ảnh hưởng đến nướu, dây chằng và xương trong miệng của mẹ, làm răng lung lay hoặc hãy. Nếu mẹ bị viêm nha chu khi thai nhi 17 tuần tuổi, hãy đi khám và chữa ngay.

Giảm đau dây chằng: Tử cung được nâng đỡ bởi các dây chằng chạy từ háng lên phía bên của bụng. Khi tử cung phát triển trong thời kỳ mang thai, các dải này sẽ giãn ra để chứa túi thai càng tăng kích cỡ nên có thể gây ra những cơn đau nhói, đau âm ỉ ở vùng bụng dưới.

Để giảm đau dây chằng, hãy nghỉ chân và giảm cường độ tập luyện, đồng thời cân nhắc đeo băng quấn bụng để hỗ trợ thêm một chút.

Lời khuyên từ mẹ có kinh nghiệm: Để tăng cường năng lượng vào buổi chiều khi thai nhi 17 tuần tuổi, mẹ hãy tìm một chỗ để nghỉ trưa trong 15 đến 20 phút. Chợp mắt một chút vào buổi trưa, mẹ sẽ thoải mái hơn khi làm việc vào buổi chiều.

Lời khuyên của bác sĩ để thai nhi 17 tuần tuổi phát triển tốt

1. Chế độ ăn uống khi thai 17 tuần tuổi 

Khi đã biết thai 17 tuần phát triển như thế nào, mẹ cần để ý chế độ dinh dưỡng để con phát triển tốt nhất.

  • Bổ sung protein dưới dạng thịt nạc, cá, đậu và đậu phụ, thịt bò… vào chế độ ăn uống.
  • Mẹ mang thai nhi 17 tuần tuổi cần ăn nhiều rau lá xanh và trái cây tươi để kiểm soát huyết áp và giảm nguy cơ thiếu máu.
  • Bổ sung canxi dưới dạng sữa, sữa chua, phô mai và các sản phẩm từ sữa khác để tăng cường sức khỏe của xương.
  • Bổ sung axit folic trong chế độ ăn uống để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh cho thai nhi.
  • Bổ sung vitamin C dưới dạng trái cây hoặc thực phẩm chức năng giúp sửa chữa mô. Song bạn cần hỏi ý kiến bác sĩ, không tự mua uống vì có thể ngộ độc do thừa vitamin C.
  • Mẹ mang thai nhi 17 tuần tuổi đừng quên bổ sung kẽm vào chế độ ăn uống để thúc đẩy thai kỳ khỏe mạnh. Kẽm có trong: thịt, hàu, cua, sò, hến, các loại đậu, sữa, trứng, ngũ cốc…
  • Mua các loại hạt và đồ ăn nhẹ ít chất béo để ăn khi đói như hạnh nhân, óc chó, macca, hạt dẻ cười…
  • Chia nhỏ bữa ăn để không bị đói và ợ nóng.

>> Mẹ có thể tham khảo: Lịch khám thai 3 tháng giữa và những điều mẹ cần biết

2. Những việc nên làm

  • Luôn luôn uống đủ nước.
  • Ăn đúng bữa với khẩu phần thích hợp.
  • Tinh thần lạc quan và không căng thẳng.
  • Tập các bài tập nhẹ nhàng như yoga và thiền.
  • Mẹ mang thai nhi 17 tuần tuổi cần ngủ đủ giấc và chợp mắt vào buổi trưa.

3. Những việc không nên làm khi thai nhi 17 tuần tuổi

  • Ăn kiêng và nhịn đói.
  • Đến những nơi nguy hiểm, đông người vì có nguy cơ nhiễm Covid-19.
  • Thức khuya, dùng thức uống có cồn hay thuốc lá.
  • Mẹ mang thai nhi 17 tuần tuổi tránh tập luyện quá sức.

>> Mẹ có thể tham khảo: Thai 17 tuần không thấy máy có sao không?

Bí quyết cho mẹ bầu khi thai nhi 17 tuần tuổi 

Tìm các lớp hướng dẫn vượt cạn. Các lớp học tốt và phổ biến nhất thường đủ số học viên nhanh chóng nên mẹ cần tìm kiếm sớm. Các lớp học có cách tiếp cận hơi khác nhau. Một số kéo dài vài tuần, số khác chỉ trong một ngày. Thử tìm gợi ý từ bác sĩ hoặc những người bạn hay những diễn đàn trên mạng dành cho mẹ sắp sinh nhé.

[inline_article id=2449]

Sự phát triển của thai nhi tuần thứ 17 như thế nào thì bây giờ mẹ đã nắm được rồi. Mẹ hãy cố gắng bổ sung nhiều dưỡng chất và luyện tập nhẹ nhàng để giúp em bé khỏe mạnh nhé.