Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

5 nguyên tắc nuôi dạy con gái dành cho mẹ

Chú ý lời ăn tiếng nói
Bạn đã bao giờ tình cờ nghe được một đoạn hội thoại giữa con và một vài người bạn gái khác để rồi kinh ngạc vì những gì trẻ nói ra? Chúng quá già so với độ tuổi của bé hoặc thậm chí khá là “chướng tai”. Đừng quên rằng càng ngày, các bé càng phát triển nhanh hơn cả về sinh lý và tâm lý, chưa kể đến trước tuổi dậy thì, con gái có xu hướng lớn nhanh hơn con trai. Đừng vội hoảng vì chắc chắn trong những ngôn từ khó nghe kia có không ít lời do trẻ bắt chước mà không ý thức được chúng thực sự có ý nghĩa gì hoặc sẽ khiến người nghe cảm thấy ra sao. Đây chính là lúc bạn cần “vào cuộc” để giải thích cho trẻ lời nói có thể khiến người khác tổn thương không kém gì hành động bạo lực.

Không được xem thường vẻ bề ngoài
Vẻ bề ngoài ở đây không chỉ muốn nói đến quần áo, tóc tai mà quan trọng hơn hết là con gái phải luôn gọn gàng và sạch sẽ. Dạy con tuyệt đối không bao giờ được tắm rửa qua loa vì việc giữ vệ sinh cơ thể không chỉ quan trọng với sức khỏe mà còn tạo nên một cô bé thơm tho và mát mẻ, điều sẽ tạo cảm tình ngay lập tức cho bất cứ ai đến gần con. Bên cạnh đó, các cô bé ngày nay thường dùng mỹ phẩm từ rất sớm và trẻ cần sự hướng dẫn của mẹ để không vô tình tàn phá làn da còn non nớt của mình.

nuoi day con gai 2
Nuôi dạy con gái nên người cần phải kiên nhẫn và tâm lý

Khích lệ con thể hiện sự nữ tính
Không ít người nghĩ rằng phụ nữ mạnh mẽ, độc lập và tự tin thì thường không nữ tính, đây quả là sai lầm! Điều quan trọng là nên thể hiện những nét tính cách nào trong tình huống cụ thể ra sao. Con gái của bạn có thể thích chạy nhảy, thể thao và chơi những trò của con trai nhưng trẻ vẫn có cách riêng để thể hiện sự nữ tính của mình. Nhiệm vụ của bạn là giúp con tìm ra và duy trì ranh giới giữa nét cá tính của con và sự nữ tính của tất cả những cô bé gái nói chung.

Cách ứng xử là rất quan trọng
Một cô gái có xinh xắn đến đâu mà ăn nói vô duyên và ứng xử kém thì khó lòng có được sự quý mến chân thành của người khác. Thái độ sống thường được hình thành từ nhỏ, do đó, nếu thấy con có những lời nói, hành động không đúng đắn, bạn cần điều chỉnh ngay bằng một cách thức phù hợp với độ tuổi và nhận thức của trẻ chứ đừng nghĩ rằng con còn nhỏ nên để từ từ rồi dạy. Chờ đến lúc chính bạn phát bực vì cách cư xử của bé thì có thể đã quá muộn để uốn nắn.

Hành động là minh chứng mạnh mẽ nhất
Cho dù con có vâng dạ và tỏ ra lắng nghe lời bạn dạy như thế nào mà trẻ không thay đổi thì rõ ràng bạn cần xem lại cách dạy của mình. Con vẫn thường nổi nóng và lớn tiếng với những người xung quanh khi bé không vừa ý? Con thích bắt nạt em nhỏ hoặc trút giận lên em mỗi khi bị người lớn la mắng? Hay con rất hay nói dối? Bạn cần giúp con hiểu rằng hành động nào cũng sẽ dẫn đến một kết quả nhất định. Nếu không, chính con sẽ phải nếm trải những khó khăn trên đường đời của mình sau này. Có thể với tư cách một người mẹ, bạn nhận ra bản chất của con không xấu nhưng hành động mới là thước đo chuẩn mực nhất để đánh giá một con người.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Bệnh về da ở trẻ sơ sinh

Biết về những bệnh về da phổ biến khi chăm sóc bé sơ sinh sẽ giúp cho ba mẹ xử lý những tình huống này một cách đúng đắn.

Bé bị viêm da đầu

Hiện tượng nổi vảy từng mảng, ngứa, da đỏ trên đầu bé là những biểu hiện của bệnh viêm da tiết bã mà dân gian hay gọi là “cứt trâu”.

Hiện tượng này xảy ra do các tuyến mồ hôi phải làm việc quá tải. Nó cũng có thể xảy ra trên lông mày và phía sau tai.Vấn đề có thể trở nên nghiêm trọng do 2 nguyên nhân sau: thứ nhất, đôi khi do cha mẹ nhìn thấy lớp vẩy bong tróc và nghĩ rằng đó da bị khô, họ thoa rất nhiều kem dưỡng ẩm lên đó, vô tình lại làm cho viêm da trở nên tệ hơnvà bong tróc nhiều hơn. Thứ hai, nhiều ba mẹ thấy phần thóp của bé đang còn mềm nên hạn chế gội đầu cho con khiến hiện tượng viêm da trầm trọng hơn. Một khi em bé bị viêm da tiết bã ở đầu thì cha mẹ cần tắm gội mỗi ngày cho bé với dầu gội dành riêng cho trẻ sơ sinh. Nếu tình hình không được cải thiện, bạn có thể thử thoa một ít dầu dưỡng ẩm hay dầu khoáng dành cho em bé để các lớp vẩy dễ bung ra rồi sau đó dùng lược chải nhẹ nhàng cho các vẩy này rớt ra, cuối cùng, gội đầu cho bé. Điều quan trọng khi sử dụng dầu dưỡng ẩm cho bé là bạn phải gội sạch cho bé trong vòng 24 giờ, nếu không, nó sẽ làm cho tình trạng viêm da thêm nặng. Thật ra hiện tượng này không hề làm cho bé đau đớn gì cả, chỉ trừ khi cha mẹ cố gắng làm cho các lớp vẩy bong ra nhanh thì có thể sẽ làm cho bé rớm máu và điều này sẽ làm cho bé dễ bị kích ứng da.

Bé bị nổi mụn

Đôi khi trẻ sơ sinh cũng bị nổi những mụn nhỏ li ti như mụn trứng cá. Lúc này, ba mẹ cũng không nên quá lo lắng hay tìm kiếm những loại thuốc chống mụn.

Mụn trứng cá ở trẻ nhỏ thường là những mụn li ti nổi trên mặt một vài ngày hay trong tháng đầu tiên chào đời. Chúng sẽ tự động biến mất mà không cần điều trị.

Bệnh về da ở bé sơ sinh
Mụn ở bé sơ sinh thường chỉ là dạng mụn nhỏ li ti

Eczema ở trẻ sơ sinh

Một số em bé sẽ bị eczema. Đó là tình trạng da khô di truyềntrong gia đình. Cách tốt nhất để điều trị bệnh này là để giữ cho da bé luôn ẩm bằng cách sử dụng kem dưỡng ẩm không mùi như Vaseline hoặc kem dưỡng da em bé. Nhưng nếu con có làn da nhạy cảm, bạn có thể phải sử dụng loại kem dưỡng da đặc biệt như Lubriderm hoặc Cetaphil cho bé. Nếu mọi nỗ lực chưa có hiệu quả, bạn cần cho bé đi bác sỹ để kiểm tra liệu bé có bị bệnh gì khác không.

Thùy Trang

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Tắm cho bé và các câu hỏi thường gặp

Hỏi: Các bậc cha mẹ thường bị ám ảnh bởi vi trùng và sự sạch sẽ, nhất là những người mới lần đầu làm cha mẹ, nên họ thường tắm cho bé bất cứ lúc nào họ cảm thấy cần. Tuy nhiên, thực sự thì trẻ sơ sinh cần tắm bao nhiêu lần trong ngày?

Đáp: Đối với trẻ sơ sinh, các bé thực sự không cần phải tắm nhiều hơn 2-3 lần mỗi tuần. Cha mẹ chỉ cần thường xuyên lau rửa mặt và những bộ phận được quấn tã thật kỹ là được, những phần còn lại của cơ thể bé như tay, chân, bụng và lưng… lúc này khá là sạch sẽ nên chúng không cần phải vệ sinh liên tục.

Khi em bé bắt đầu biết bò hay chập chững tập đi, điều quan trọng lúc này là bạn cần giữ cho bàn tay của bé luôn được sạch sẽ và nếu bé đang đi chân đất thì đôi chân của bé cũng cần được sạch sẽ. Điều đó có nghĩa cha mẹ cần tắm bé hường xuyên hơn, có thể là mỗi ngày. Tuy nhiên, vào mùa đông, cha mẹ cần cẩn thận khi tắm bé và tránh lạm dụng xà phòng và nước vì chúng có thể làm khô da của bé. Khi bé gần 1 tuổi , bé sẽ cần được tắm thường xuyên hơn, bởi vì bé lúc này khá nghịch và dễ bị lấm bẩn.

tam cho be 3
Tắm cho bé không đơn giản như bạn tưởng

Hỏi: Khi nói đến việc tắm cho tre so sinh, rất nhiều cha mẹ đã nghĩ ngay đến bồn rửa chén trong nhà bếp vì nó có độ cao phù hợp để họ có thể đứng thoải mái và thực sự vừa vặn để kiểm soát tốt việc tắm bé. Vậy họ cần vệ sinh bồn rửa chén như thế nào nếu họ có ý định dùng nó?

Đáp: Bạn cần rửa sạch nó thật kỹ và chắc chắn rằng không còn thức ăn hoặc bám bẩn của việc rửa chén trước đó còn sót lại. Và nếu bạn đã sử dụng chất tẩy rửa mạnh trong bồn thì hãy chắc chắn bạn đã rửa sạch kỹ bằng xà bông và nước, sau đó bạn hãy rửa sạch nó lần cuối bằng nước nóng để loại bỏ bất kỳ dư lượng hóa chất nào vì nó có thể gây kích ứng da ở bé. Một lựa chọn khác dành cho bạn là tắm cho em bé trong một bồn tắm trẻ sơ sinh. Loại bồn tắm này được thiết kế để tư thế khi tắm của bé sẽ có độ dốc nhẹ và tạo thành một góc so với mặt bồn, nhờ đó, nước sẽ chảy xuống khu vực mặc tã cho bé, đây chính là nơi bạn cần lưu ý làm sạch kỹ nhất.

Hỏi: Về nhiệt độ nước tắm cho bé, làm thế nào để cha mẹ biết được liệu nước có quá nóng hoặc quá lạnh hay không?

Đáp: Cách tốt nhất để kiểm tra nhiệt độ của nước chính là khuỷu tay hay cánh tay của bạn, bởi vì vùng da ở đó sẽ nhạy cảm hơn vùng ở ngón tay. Nước tắm cho bé chỉ cần hơi ấm thôi là được, đủ để bé thấy dễ chịu khi ngâm mình trong nước. Và hãy nhớ bảo vệ rốn của bé thật cẩn thận, tránh để nước thấm vào nếu nó chưa rụng. Để an toàn hơn, khi tắm, bạn để phần bụng của bé cao hơn mặt nước rồi dùng khăn thấm nước trong bồn tắm lau người cho bé. Khi rốn đã rụng, bé có thể an tâm tắm mình trong nước thỏa thích. Lúc này bạn có thể dùng bông tắm để thoa xà phòng và tắm lại cho bé.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Nên và không nên để con có giấc ngủ an toàn

Những điều mẹ nên làm
• Luôn luôn đặt bé ở tư thế nằm ngửa khi ngủ. Đối với những bé bú mẹ, bé sẽ thường nằm nghiêng một bên, vì vậy, khi bé đã ngủ say, các mẹ nhớ cho bé nằm ngửa lại.
• Đặt một tấm nệm êm và chắc chắn trong giường cũi hoặc nôi của bé.
• Nếu trẻ sơ sinh ngủ trên giường nệm của người lớn thì các mẹ nên đặt nệm xuống đất để tránh bé bị té từ trên cao xuống.
• Tháo đầu giường, chân giường và hai bên hông gường (nếu có) đem cất đi vì những phần này thường không an toàn cho bé. Ngoài ra, các mẹ cần chắc chắn là không có khoảng trống giữa giường, tường hoặc đồ nội thất khác.
• Tháo các dây rèm cửa hay bất cứ dây nào có ở cửa sổ, xung quanh giường và đảm bảo đồ ngủ của con không có sợi dây dài nào vì chúng có thể vô tình siết cổ bé.
• Bọc nệm với một tấm drap vừa vặn để nệm luôn căng, phẳng.
• Để chăn của bé ở cuối giường nhằm hạn chế bé túm được nó và vô tình phủ lên mặt của bé.
• Nếu bé ngủ chung với ba mẹ thì chỉ nên để mẹ ngủ cùng bé để tránh tình trạng người lớn khi ngủ mê sẽ vô tình để tay lên mũi bé hay đè lên bé làm cho bé bị nghẹt thở. Các bà mẹ thừa cân sẽ có nguy cơ cao mắc phải lỗi này.

giac ngu an toan 1
Mẹ cần tuân theo một số nguyên tắc nhất định để con có giấc ngủ an toàn

Những điều mẹ cần tránh
• Không đặt bé nằm trên nệm nước , ghế sofa hoặc những bề mặt quá mềm khác.
• Không bao giờ đặt gối, chăn – mùng – mền hoặc các vật dùng mềm khác trên đầu hoặc dưới chân bé.
• Không bao giờ được hút thuốc khi trong nhà có trẻ sơ sinh vì khói thuốc có thể làm tăng nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh.
• Đừng bao giờ ngủ với trẻ sơ sinh một khi bạn vừa hút thuốc, uống rượu bia hay uống thuốc vì bạn sẽ thường ngủ sâu ngay sau đó, khó có thể chăm sóc và đảm bảo an toàn cho bé.
• Không nên cho bé mặc đồ quá kín hay rườm rà khi đi ngủ.
• Không nên để phòng ngủ của bé quá nóng
• Không nên đội/ che đầu của trẻ sơ sinh khi ngủ vì lúc này bé có thể vung tay chân của mình một cách vô thức và làm cho nón hay khăn che đầu bé sụp xuống mũi khiến bé nghẹt thở.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

16 lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ (Phần 1)

1. Giảm nguy cơ ung thư vú
Theo các nghiên cứu y khoa, mẹ cho con bú có thể giúp giảm nguy cơ ung thư vú khoảng 4%. Con số này không lớn nhưng rõ ràng việc cố gắng giảm nguy cơ ung thư vú bằng bất kỳ phương pháp nào chắc chắn là một quyết định đúng đắn.

2 . Sữa mẹ rất bổ dưỡng cho bé
Sữa mẹ được tạo ra đặc biệt dành cho cơ thể tí hon của trẻ sơ sinh. Trong vài ngày đầu tiên sau khi sinh, mẹ sản xuất ra sữa non, đó là nguồn dinh dưỡng cao hơn hẳn sữa mẹ trong những ngày sau đó.

Sữa non cực kỳ tốt cho gan, ruột và hệ thống miễn dịch của bé. Có thể nói sữa non là nguồn dinh dưỡng giúp bé chuẩn bị “đối phó” với thế giới bên ngoài bệnh viện.

3 . Có ích cho quá trình phục hồi sau sinh của mẹ
Sau khi sinh, các cơ quan sinh dục có thể hơi “lộn xộn” một chút, nhưng cho con bú có thể giúp cân bằng mọi thứ trở lại bình thường. Cho bé bú ngay sau sinh kích thích tử cung của người mẹ sớm trở về trạng thái cũ. Vì vậy, cho con bú càng sớm thì các hormone được điều chỉnh về trạng thái cân bằng càng nhanh, các mẹ sẽ chảy máu ít hơn và tử cung trở lại bình thường nhanh hơn.

nuoi con bang sua me 1
Có nhiều bà mẹ cảm thấy tự hào khi đã nuôi con bằng sữa mẹ

4 . Bé bú giúp sản xuất nhiều sữa hơn
Đừng lo lắng về việc không có sữa! Miễn là bé của bạn vẫn bú, ngực sẽ tiếp tục sản xuất nhiều sữa hơn. Tổ chức Y tế thế giới khuyến khích trẻ sơ sinh bú sữa mẹ liên tục trong sáu tháng, nhưng nhiều bà mẹ ngày nay muốn cho con bú lâu hơn. Vì vậy, mẹ đừng quá lo lắng, cơ thể của mẹ sẽ tự điều tiết để giữ sữa cho đến lúc mẹ muốn cai sữa bé.

5 . Giúp bé phát triển hệ thống miễn dịch
Em bé mới sinh ra thực sự không có hệ thống miễn dịch. Các kháng thể trong sữa mẹ giúp trẻ sơ sinh hình thành hệ thống phòng thủ tự nhiên trong cơ thể nhanh hơn.
Đặc biệt là giai đoạn sáu tháng đầu, nếu được uống sữa mẹ hoàn toàn, bé sẽ ít có nguy cơ bị nhiễm trùng tai, nhiễm trùng dạ dày. Vì tất cả các kháng thể tuyệt vời trong sữa mẹ giúp bé chống chọi lại với môi trường xung quanh nên bé sẽ ít bệnh vặt hơn.

6 . Giảm nguy cơ ung thư buồng trứng ở mẹ
Hơn 50% phụ nữ có nguy cơ hình thành và phát triển ung thư buồng trứng. Với các triệu chứng ban đầu thường không rõ ràng, ung thư buồng trứng khó tầm soát và được mệnh danh là ” sát thủ thầm lặng”. May mắn thay cho các bà mẹ là việc cho con bú sẽ giảm nguy cơ ung thư buồng trứng đến 27%.

7. Xây dựng kết nối tuyệt vời giữa mẹ và bé
Sau khi sinh con, không ít mẹ cảm giác tách biệt với trẻ một cách sâu xa và không thể giải thích được. Đôi khi thật khó khăn để xây dựng kết nối với nhóc con sơ sinh. Nếu mẹ lo sợ mẹ không gần gũi với bé thì cho con bú là giải pháp tốt nhất. Đối với một số bà mẹ, cho con bú đồng nghĩa với việc xây dựng mối dây liên kết sâu sắc hơn và có thời gian chơi đùa nhiều hơn với nhóc con của mình.

8. Tạo ra các hormone hạnh phúc
Hormone có ảnh hưởng to lớn đến tâm trạng của các mẹ. Và bạn có biết rằng các hormone sản sinh ra trong quá trình cho con bú giúp mẹ thấy vui tươi hơn? (còn tiếp)

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Tay chân miệng và những câu hỏi thường gặp

Nguyên nhân trẻ bị tay chân miệng?

Tay chân miệng là bệnh do các virus thuộc nhóm Enterovirus mà chủ yếu là Coxsackie gây ra. Đặc biệt nếu trẻ nhiễm virus Enterovirus 71 thì nguy cơ gặp biến chứng như viêm màng não, viêm cơ tim, phù phổi,… dẫn đến tử vong là rất cao. Đây là bệnh lây lan nhanh qua đường miệng khi trẻ lành vô tình nuốt phải các phân tử nước bọt hoặc nước mũi chứa virus của trẻ bệnh được phát tán trong không khí. Ngoài ra, trẻ cũng sẽ mắc bệnh nếu chạm tay vào những đồ vật đã “dính” virus, sau đó đưa tay vào miệng. Như vậy, chỉ cần trong lớp học hoặc khu phố có một bé bị tay chân miệng và bé hắt hơi hoặc ho, khả năng các trẻ xung quanh bị lây bệnh là rất cao.

Các triệu chứng bệnh tay chân miệng?

Một trong những lý do khiến bệnh tay chân miệng trở nên nguy hiểm là vì các triệu chứng ban đầu của bệnh không đặc trưng, bao gồm: sốt nhẹ, mệt mỏi, chán ăn, sau đó là xuất hiện vết loét ở miệng, bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối và có thể kèm theo những nốt nhỏ màu đỏ. Đây là những dấu hiệu của nhiều bệnh thông thường ở trẻ nhỏ nên dễ bị bố mẹ xem nhẹ, không cho trẻ đi khám bệnh mà tự ý dùng thuốc. Có nhiều người khi thấy con quấy khóc, than đau miệng, bỏ ăn hoặc hay đưa tay chỉ vào miệng lại nghĩ con đang trẻ mọc răng chứ không biết trẻ đã mắc phải tay chân miệng.

tay chan mieng 2
Sốt là dấu hiệu của nhiều bệnh bao gồm tay chân miệng

Làm thế nào phát hiện sớm biến chứng của bệnh?

Hầu hết bệnh nhi tay chân miệng được chỉ định chăm sóc tại nhà, do đó, bên cạnh việc chăm sóc trẻ đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ, bố mẹ cũng cần chú ý quan sát các biểu hiện của biến chứng để đưa con nhập viện kịp thời vì các biến chứng nói trên có thể diễn tiến rất nhanh và gây tử vong trong vòng 24 giờ. Nếu trẻ có các triệu chứng co giật, khó thở, sốt cao liên tục, đứng ngồi không vững, run tay khi cầm nắm đồ vật thì cần đưa trẻ đi cấp cứu ngay. Điều cần đặc biệt cẩn thận là các biến chứng vẫn có thể xảy ra ngay cả khi bóng nước trên da trẻ đã khô và đóng vảy.

Cách phòng tránh bệnh tay chân miệng?

Bệnh chưa có thuốc đặc trị cũng như vaccine phòng ngừa nên cách cơ bản nhất để phòng bệnh là giữ vệ sinh cá nhân cho trẻ, rửa tay cho con thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, khi ra ngoài phải mang khẩu trang y tế. Bên cạnh đó còn cần giữ vệ sinh môi trường và diệt khuẩn cho tất cả những vật dụng mà bé có thể tiếp xúc với bàn tay, đặc biệt là vệ sinh đồ chơi, bình sữa và sàn nhà. Lưu ý rằng trẻ có thể nhiễm virus tay chân miệng từ chính cô bảo mẫu hoặc bố mẹ, do đó, bản thân những người lớn chăm sóc trẻ cũng cần giữ vệ sinh cẩn thận cho đôi bàn tay của mình.

[inline_article id=29257]

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Ăn cá khi đang cho con bú và những điều cần lưu ý (Phần 2)

Tại sao không nên ngừng ăn cá?

Cá là một loại thực phẩm bổ dưỡng mà chúng ta không nên bỏ qua, và hầu hết các chuyên gia đều đồng ý rằng lợi ích của việc ăn cá thường vượt trội hơn so với các nguy cơ tiềm ẩn. Thuỷ ngân hàm lượng thấp không gây hại gì cho sức khoẻ của bạn. Nếu phụ nữ đang cho con bú dừng hẳn việc ăn cá thì em bé có thể bỏ mất nhiều dưỡng chất có lợi cho sức khoẻ.

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc cho bé nạp đủ lượng Omega-3 khi còn trong bụng mẹ và lúc sơ sinh sẽ có ảnh hưởng tích cực đến tầm nhìn và khả năng nhận biết của bé sau này.

Loại cá nào có chứa làm hượng thuỷ ngân cao nhất?

4 loại cá mà phụ nữ đang cho con bú và trẻ nhỏ không nên ăn do hàm lượng thủy ngân cao là: cá mập, cá kiếm, cá thu vua và cá lớp. Bên cạnh đó, chị em cũng nên tránh các loại cá tươi hoặc đông lạnh sau: cá ngừ, cá vược, cá chỉ vàng, cá maclin.

Thế còn cá ngừ đóng hộp thì sao?

Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không nên ăn hơn 340g cá ngừ đóng hộp một tuần và không vượt quá 170g cá ngừ vằn đóng hộp một tuần. Đó là vì cá ngừ vằn là một loại cá bự và chúng chứa hàm lượng thủy ngân cao hơn.

Mặc dù cá ngừ không phải là nguồn cung cấp Omega-3 tốt nhất nhưng loại cá này cũng chứa một vài dưỡng chất có giá trị. Vì thế chúng đáng được bổ sung vào khẩu phần ăn của bạn.

cho con bu 5
Dầu cá có thể là nguồn bổ sung omega-3 cho bạn và bé

Các nguồn bổ sung omega-3 khác ngoài cá?

Nhiều loại thực phẩm như trứng, sữa tươi, sữa đậu nành, nước ép trái cây, sữa chua, bánh mì, ngũ cốc, và bơ đều chứa omega-3.

Thế còn viên uống bổ sung Omega-3 thì sao?

Để đảm bảo nhu cầu cơ bản của bạn, đặc biệt khi bạn không ăn cá, bạn có thể chọn uống bổ sung Omega-3. Cách bổ sung này cung cấp EPA và DHA cũng như đảm bảo không chứa thuỷ ngân. Bạn cũng có thể yên tâm sử dụng các loại dầu cá vì chúng không chứa thủy ngân. Bên cạnh đó, các viên uống bổ sung Omega-3 được chiết xuất từ tảo nhiều hơn là cá, vì thế chúng không có vị cá và phù hợp với người ăn kiêng.

Bạn cần hỏi bác sĩ về các loại viên uống bổ sung có sẵn trên thị trường và hàm lượng phù hợp với bạn, dựa trên nhu cầu cụ thể cũng như những loại dưỡng chất bổ sung khác mà bạn đang uống.

Lưu ý nếu bạn đang dùng dầu gan cá tuyết như là nguồn bổ sung omega-3, bạn nên kiểm tra nhãn để chắc rằng không dùng quá liều vitamin A được khuyến nghị vì vitamin A có thể có hại nếu dùng liều cao.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em

Muốn bé sau này đẹp, hãy ngắm trẻ em đẹp

Quan điểm này có vẻ chẳng có tính khoa học và căn cứ gì nhưng mẹ chồng Hàn Quốc lại luôn nhắc nhở tôi như thế đấy. Bà bảo khi mang bầu muốn sau này đứa con sinh ra được đẹp thì hãy chăm chỉ ngắm những em bé đẹp trên đường phố, trên phim ảnh hay xung quanh mình. Thậm chí, mẹ còn mua rất nhiều tranh ảnh của các em bé đáng yêu ở Hàn Quốc và treo khắp phòng tôi. Tôi thì không tin lắm nhưng việc làm này cũng chẳng gây hại gì mà tôi cũng rất thích ngắm các em bé đẹp. Và có phải vì vậy mà Mia của tôi khi chào đời đã được các bác sĩ trong bệnh viện khen nức nở rằng có làn da hồng hào, đôi môi trái tim, cằm nhọn rất đẹp. Tôi nghe xong mà thầm cảm ơn mẹ chồng.

Bí quyết để sinh ra những em bé đẹp của người Hàn Quốc là thế đấy. Thật đơn giản phải không các mẹ. Mặc dù chúng chưa thật thuyết phục nhưng cứ nhìn những cô gái Hàn Quốc, những em bé Hàn Quốc với nước da trắng hồng, đáng yêu tôi lại thấy những lời mẹ chồng mình khuyên thật chẳng vô lý chút nào!

Theo Mẹ Mia (Khampha.vn)

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Ăn cá khi đang cho con bú và những điều cần lưu ý (Phần 1)

Bác sĩ thường khuyên những chị em đang cho con bú nên cân nhắc để xác định rõ loại cá nào an toàn cho sức khỏe và nên ăn bao nhiêu là tốt nhất. Vậy bạn đã biết làm cách nào để hạn chế lượng thuỷ ngân đồng thời vẫn nhận được những dưỡng chất khác mà mẹ và bé cần?

cho con bu
Mẹ cho con bú vẫn nên ăn cá để cung cấp dưỡng chất cho bé

Thuỷ ngân ngấm vào cá như thế nào?

Có thể mẹ sẽ ngạc nhiên khi biết rằng thuỷ ngân có ở mọi nơi, thậm chí cả trong không khí mà chúng ta hít thở hằng ngày. Có một vài nguồn thuỷ ngân tự nhiên như núi lửa và cháy rừng. Thuỷ ngân cũng có thể lan tỏa trong không khí từ các cột xi măng và các loại hoá chất công nghiệp. Thuỷ ngân còn được sử dụng để sản xuất nhiệt kế và bộ điều chỉnh nhiệt, do đó, nó có thể được giải phóng khi các thiết bị này bị vỡ.

Khi thuỷ ngân ở trong nước sẽ chuyển hoá thành một dạng gọi là methyl thủy ngân. Cá ngấm methy thủy ngân từ nước khi bơi và từ loại thực phẩm chúng ăn. Methy thủy ngân bám chặt vào những tế bào protein trong thịt cá ngay cả khi cá đã được nấu chín.

Hầu hết các loại cá và tôm, cua, sò, ốc… đều chứa một lượng thuỷ ngân nhất định nhưng các loại cá ăn thịt lớn hơn thì tích trữ lượng thủ ngân nhiều hơn. Đó là vì các loại cá ăn thịt ăn thịt các loại cá khác – những loại cá này bản thân nó đã ngấm thủy ngân. Và các loại cá ăn thịt lớn hơn thì ăn nhiều cá hơn. Những loại cá lớn hơn cũng có khuynh hướng sống lâu hơn các loại cá nhỏ, vì thế càng có nhiều thời gian để thuỷ ngân ngấm vào cơ thể chúng hơn.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu mẹ ăn phải loại cá có hàm lượng thuỷ ngân cao khi đang nuôi con bằng sữa mẹ?

Trong khi các loại kim loại khác không thể ngấm vào sữa mẹ với số lượng lớn, thuỷ ngân lại có cách xâm nhập vào nguồn sữa của bạn và ngấm vào cơ thể bé bất kỳ lúc nào đặc biệt là khi bé nhạy cảm với những phản ứng của thuỷ ngân.

Methylmercury là một độc tố thần kinh, điều đó có nghĩa là nó có thể ảnh hưởng đến não và hệ thống thần kinh. Trẻ sơ sinh và kể cả thai nhi đều rất dễ bị tổn thương với hàm lượng thuỷ ngân cao bởi vì não và hệ thống thần kinh của bé vẫn đang trong giai đoạn phát triển. (còn tiếp)

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Làm thế nào để vệ sinh đồ chơi cho bé?

Đối với đồ chơi bé thường mang theo khi tắm
Bạn có thói quen cho mấy con thú bằng cao su/ nhựa dẻo vào chậu nước tắm của bé? Những con thú này sẽ được “tung tăng” trong nước một thời gian dài. Và nhờ đó, chúng sẽ là “mảnh đất màu mỡ” cho nấm mốc và vi khuẩn phát triển bên trong và bên ngoài chúng. Bạn thử hình dung điều này sẽ nguy hiểm thế nào khi con bạn thích ngậm những con thú này khi tắm?

Vậy làm cách nào để vệ sinh loại đồ chơi này?
Trước tiên, bạn pha hỗn hợp giấm và nước theo tỷ lệ 1:1. Sau đó, bạn đổ đồ chơi vào dung dịch này và ngâm qua đêm, cần đảm bảo dung dịch ngâm sẽ vào được bên trong các món đồ chơi. Hôm sau, bạn đổ và bóp hết dung dịch ngâm ra, rửa sạch lại với nước và phơi cho khô. Sau mỗi lần bé chơi, bạn cần rửa và bóp sạch nước bên trong ra rồi cho vào rổ hay giỏ có lỗ thoáng để đồ chơi mau khô, không nên cho vào thùng hay hộp vì dễ làm ứ nước trong đồ chơi.

Đối với loại đồ chơi mềm
Người bạn tốt nhất mà bé thường âu yếm chính là mấy chú thú bông. Tuy nhiên những người bạn này lại có thể là ngôi nhà của hàng ngàn con ve bụi. Bạn có muốn con mình thở trong không khí đầy những con ve bụi này mỗi khi bé cầm và ném đồ chơi? Chắc chắn là không rồi!

Làm thế nào để làm sạch những con thú bông?
Giặt mấy chú thú cưng này hai tuần một lần, tốt nhất là giặt với quy trình nước nóng của máy giặt rồi phơi nắng. Ngoài ra còn có một cách khác hiệu quả hơn là trước khi giặt, bạn để đồ chơi vào túi nhựa rồi cho vào tủ lạnh để qua đêm. Sau khi bạn lấy đồ chơi từ tủ lạnh ra, máy giặt sẽ giúp loại bỏ mấy con ve bụi đã chết và chất thải của nó.

do choi cho be 1
Cần thường xuyên vệ sinh đồ chơi cho bé để tránh lây bệnh từ vi khuẩn có trong đồ chơi

Đồ chơi điện tử và các vật dụng khác
Bạn nên thường xuyên lau sạch các loại đồ chơi điện tử mà bé hay chơi bằng khăn ướt để chùi đi mấy dấu ngón tay của bé cũng như các loại vi trùng. Ngoài ra khi bé vừa ăn vừa chơi, những đồ chơi này rất dễ bị thức ăn dính vào.

Để làm sạch những vết bẩn này, bạn có thể dùng loại khăn ướt có chất khử trùng, kháng khuẩn để lau và loại bỏ các loại vi trùng không tốt cho bé.

Loại đồ chơi bằng nhựa không có pin
Loại này có thể bao gồm đồ chơi Lego, búp bê, ô tô, bộ đồ nghề bác sĩ… Với những đồ chơi này, bạn pha nước ấm và một ít xà phòng rồi đổ vào xô hay bồn tắm để ngâm đồ chơi. Sau đó dùng khăn mềm chùi rửa, nhớ chùi kỹ các khe kẽ trên đồ chơi rồi vớt ra, rửa sạch và phơi khô, vậy là xong.

Đồ chơi bằng gỗ
Mặc dù gỗ có đặc tính kháng khuẩn nhưng vẫn sẽ tốt và an tâm hơn khi bạn có thể làm vệ sinh đồ chơi bằng gỗ thường xuyên.

Làm sạch đồ chơi bằng gỗ của bé khá đơn giản. Bạn chỉ cần ngâm một cái khăn sạch trong giấm trắng rồi lau đồ chơi cho bé. Giấm là một dung dịch lau chùi tuyệt vời vì nó tự nhiên và hoạt động như một chất khử trùng nhẹ.

Búp bê
Búp bê được làm bằng nhựa cứng nên bạn chỉ cần ngâm một cái khăn trong giấm trắng hoặc dung dịch xà phòng loãng rồi lau. Bạn có thể “gội đầu” cho búp bê bằng nước và một vài giọt dầu gội đầu, sau đó chải và gỡ rối tóc cho búp bê. Nếu đó là một con búp bê vải, sẽ càng dễ dàng hơn vì bạn có thể cho vào máy giặt, miễn là bạn thao tác đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất.

Khi nào bạn nên vệ sinh đồ chơi cho bé?
Bạn có thể vệ sinh đồ chơi cho con một tháng một lần là được. Tuy nhiên, đồ chơi khi tắm của bé nên được giũ sạch nước và sấy khô mỗi ngày hoặc sau mỗi lần sử dụng. Và khi thức ăn dính vào đồ chơi thì bạn cần làm sạch ngay. Nếu con bạn bị dị ứng hoặc hen suyễn, bạn nên giặt đồ chơi mềm của bé hai tuần một lần.

MarryBaby