Trong bài viết này, Marry Baby sẽ cung cấp cho cha mẹ tất cả thông tin về bệnh viêm phổi ở trẻ em, cha mẹ cùng đọc bài viết này nhé.
Bệnh viêm phổi ở trẻ em là gì?
Viêm phổi ở trẻ em (Pneumonia in children) là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), hàng năm, viêm phổi cướp đi sinh mạng của hơn 725.000 trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó hơn 190.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.
[key-takeaways title=”Viêm phổi ở trẻ em có nguy hiểm không?”]
Câu trả lời là có, đây là một bệnh nguy hiểm. Vì nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời, tình trạng bệnh có thể trở năng và dẫn đến tử vong; đây là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ dưới 5 tuổi. Theo Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc, cứ 43 giây lại có ít nhất một trẻ em tử vong vì viêm phổi. Điều đáng buồn là hầu hết những ca tử vong này đều có thể phòng ngừa được.
[/key-takeaways]
Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em
Nhận biết triệu chứng sớm là chìa khóa giảm nguy cơ biến chứng và tử vong ở trẻ. Dưới đây là các triệu chứng dễ quan sát theo từng giai đoạn:
Triệu chứng ở giai đoạn phát hiện sớm (nhẹ)
Nhận biết trẻ có bị viêm phổi không, phụ huynh có thể quan sát hơi thở, nhịp thở của trẻ. Triệu chứng viêm phổi ở trẻ em như thở nhanh – xuất hiện sớm nhất, có thể phát hiện dễ dàng tại nhà bằng cách đếm nhịp thở khi trẻ nằm im, không sốt:
Triệu chứng ban đầu của bệnh viêm phổi ở trẻ là thở nhanh, thở gấp. Để biết trẻ có đang thở nhanh hay không, cha mẹ có thể quan sát và đếm nhịp thở của con, khi con nằm im:
- Trẻ dưới 2 tháng: ≥ 60 lần/phút.
- Trẻ 2–11 tháng: ≥ 50 lần/phút.
- Trẻ 12 tháng – 5 tuổi: ≥ 40 lần/phút.
Ngoài ra, trẻ bị viêm phổi còn xuất hiện kèm theo các triệu chứng như: sốt cao trên 39 độ, mệt mỏi, ngủ li bì, ngủ nhiều, khó thở, ho khan, có lúc có đờm (xanh hoặc vàng), môi khô, tức ngực, tiêu chảy và kiệt sức.
Giai đoạn phát hiện muộn (nặng)
Nếu bệnh không được can thiệp điều trị ở giai đoạn nhẹ, có thể bệnh sẽ tiến triển đến giai đoạn nặng với các triệu chứng nguy hiểm như:
- Trông da trẻ xanh xao, nhợt nhạt
- Sốt cao kéo dài, kể cả khi đã uống thuốc hạ sốt
- Một số triệu chứng khác: hơi thở nặng nề, thở khò khè, đau ngực, dấu hiệu mất nước, tiêu chảy, biếng ăn.
[recommendation title=””]
Quan trọng: Nếu thấy lồng ngực của trẻ bị rút lõm lồng ngực khi hít thở (thường xuất hiện ở trẻ 2 tuổi), cha mẹ cần đưa bé đến bệnh viện, vì khả năng cao là bệnh đã tiến triển nguy hiểm.
[/recommendation]
Nguyên nhân gây viêm phổi ở trẻ em là gì?
Viêm phổi ở trẻ em thường do tác nhân truyền nhiễm gây ra, như vi-rút, vi khuẩn và nấm. Dưới đây là các tác nhân phổ biến nhất:
- Virus cúm hoặc virus hợp bào hô hấp (RSV): là nguyên nhân chính của hầu hết các ca viêm phổi ở trẻ em. Triệu chứng của viêm phổi do virus xảy ra thường có xu hướng nhẹ.
- Vi khuẩn: Đây là những trường hợp mắc viêm phổi ít gặp hơn. Vi khuẩn gây bệnh chủ yếu là vi khuẩn Streptococcus pneumoniae, Haemophilus influenzae, Staphylococcus aureus.
- Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm phổi ở trẻ: Môi trường sống ô nhiễm, trẻ có hệ miễn dịch kém, có bệnh nền hen suyễn, xơ nang, bệnh tim, trẻ có vấn đề về hô hấp, trẻ sinh non…
[key-takeaways title=””]
Những trẻ có hệ miễn dịch yếu (do suy dinh dưỡng, sinh non, bệnh mãn tính) hay mắc các bệnh hô hấp như hen suyễn, xơ nang thường có nguy cơ mắc viêm phổi cao hơn các trẻ khác.
[/key-takeaways]
Viêm phổi ở trẻ em có lây không?
Viêm phổi ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan trong không khí (khi người khác ho hoặc hắt hơi). Ngoài ra, viêm phổi còn có thể lây lan qua chất lỏng, như máu trong khi sinh nở hoặc từ các bề mặt bị ô nhiễm.
Chẩn đoán bệnh viêm phổi ở trẻ em
Bác sĩ thăm khám lâm sàng trước bằng cách nghe phổi và kiểm tra nhịp thở xem có bất thường không. Sau đó, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu thực hiện một số tiếp cận lâm sàng để chẩn đoán bệnh chính xác hơn:
- Chụp X-quang phổi
- Chụp CT ngực
- Nội soi phế quản
- Cấy dịch tiết đường hô hấp
- Xét nghiệm máu
- Đo oxy xung
- Nuôi cấy dịch màng phổi
Bên cạnh đó, còn có các trường hợp cần làm thêm các xét nghiệm khác như:
- Khí máu động mạch nếu có suy hô hấp.
- Cấy máu nếu nghi ngờ có nhiễm khuẩn huyết.
- Huyết thanh chẩn đoán trong các trường hợp viêm phổi kéo dài cần xác định rõ nguyên nhân.
Trong trường hợp bệnh nặng sẽ xuất hiện các dấu hiệu như: không uống được, tím tái, li bì, co giật, suy dinh dưỡng nặng, trẻ cần được điều trị và theo dõi nội trú tại bệnh viện.
Điều trị bệnh viêm phổi ở trẻ em
Viêm phổi ở trẻ em thường được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Đối với viêm phổi do virus, thông thường bác sĩ sẽ hướng dẫn chăm sóc và theo dõi tại nhà để hệ miễn dịch tự sinh kháng thể chống lại chủng virus gây bệnh này.
Nếu có bằng chứng cho thấy trẻ bội nhiễm do vi khuẩn, thì mới chỉ định cho dùng thuốc kháng sinh. Ngoài sử dụng kháng sinh, các bác sĩ còn kết hợp điều trị hỗ trợ dinh dưỡng, hạ sốt, giảm ho, dãn phế quản,… điều trị biến chứng nếu có.
[key-takeaways title=”Viêm phổi ở trẻ em điều trị trong bao lâu?”]
Đối với viêm phổi ở trẻ em dạng nhẹ được điều trị tại nhà thường khỏi bệnh sau khoảng 1 – 2 tuần. Còn với viêm phổi nặng cần điều trị tại bệnh viện, trẻ có thể mất 4 – 6 tuần để hồi phục hoàn toàn.
[/key-takeaways]
Cách phòng ngừa bệnh viêm phổi ở trẻ em
Tiêm vắc xin
Tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin cần thiết là cách hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất để phòng bệnh cho trẻ, theo khuyến cáo của các chuyên gia. Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) khuyến nghị trẻ từ 2 tháng tuổi trở lên nên tiêm vắc xin liên hợp phế cầu khuẩn, với lịch tiêm gồm các mũi vào lúc 2, 4, 6 và 12-15 tháng tuổi, đồng thời với các loại vắc xin khác dành cho trẻ em. Hiện có ba loại vắc-xin phế cầu khuẩn để chống lại các loại nhiễm trùng khác nhau, gồm:
- Prevenar13: Ngăn ngừa 13 loại vi khuẩn nguy hiểm nhất gây viêm phổi.
- Synflorix: Được chỉ định cho trẻ từ 6 tuần đến 5 tuổi, phòng ngừa các bệnh do phế cầu Streptococcus pneumoniae thuộc các tuýp huyết thanh 1, 4, 5, 6B, 7F, 9V, 14, 18C, 19F và 23F.
- Pneumo2: Polysaccharide của phế cầu khuẩn, phòng các tuýp huyết thanh như 1, 2, 3, 4, 5, 6B, 7F, 8, 9N, 9V, 10A, 11A, 12F, 14, 15B, 17F, 18C, 19A, 19F, 20, 22F, 23F, 33F, với liều lượng 25mcg mỗi tuýp.
Giữ vệ sinh cá nhân và môi trường sống
Trẻ em thường có thói quen đưa tay lên mặt hoặc vào miệng hoặc chạm vào các vật dụng, tạo điều kiện để tác nhân gây bệnh xâm nhập đường hô hấp, gây viêm phổi. Vì vậy, mẹ cần tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên với xà phòng khử khuẩn, đặc biệt trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, ho, hắt hơi.
Bên cạnh đó, mẹ cần đảm bảo trẻ có một lối sống lành mạnh. Điều này sẽ giúp sức đề kháng được tăng cường, chống lại các tác nhân gây bệnh:
- Chế độ ăn uống đủ chất, đủ lượng.
- Khuyến khích trẻ vận động thường xuyên
- Giữ không gian sống thông thoáng, sạch sẽ.
- Trong gia đình có người hút thuốc lá thì nên hút ở nơi không có trẻ em.
- Vệ sinh răng miệng, súc nước muối sinh lý hàng ngày.
Câu hỏi thường gặp
1. Làm thế nào để phân biệt viêm phổi với cảm lạnh thông thường?
Viêm phổi và cảm lạnh đều là các bệnh lý đường hô hấp. Cảm lạnh thường có triệu chứng nhẹ hơn, như sổ mũi, đau họng, ít khi sốt cao và không gây khó thở. Trong khi đó, viêm phổi khiến người bệnh ho dai dẳng, có đờm màu vàng hoặc xanh, sốt cao, khó thở và đau ngực.
2. Viêm phổi ở trẻ em có thể gây ra biến chứng gì?
Nếu không được điều trị kịp thời, viêm phổi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như: nhiễm trùng huyết, tràn dịch màng phổi, áp xe phổi, suy hô hấp, hội chứng nguy kịch hô hấp cấp (ARDS)…
Kết luận
Bệnh viêm phổi ở trẻ em là bệnh có thể được điều trị nhưng cũng có thể dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm và can thiệp điều trị kịp thời. Do đó, cha mẹ cần hết sức lưu ý đến con và liên tục trau dồi, cập nhật kiến thức mới về các bệnh lý ở trẻ.
Để đọc thêm bài viết về các bệnh lý ở trẻ, cha mẹ có thể xem thêm các bài viết trên Chuyên mục – Sức khỏe trẻ em cha mẹ nhé.
[related-articles title=”” articles=”324386,319605,313446,296134,295992,295474″][/related-articles]