Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Dấu hiệu tiền sản giật các mẹ bầu cần lưu ý để phát hiện kịp thời

Theo các chuyên gia sản khoa, ước tính có khoảng 3 – 5% phụ nữ mang thai bị tiền sản giật. Việc nhận biết các dấu hiệu tiền sản giật giúp chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời, giúp giảm nguy cơ biến chứng cho cả mẹ và bé.

1/ Tiền sản giật là gì?

Trước khi muốn biết dấu hiệu tiền sản giật là gì, các mẹ cùng tìm hiểu xem căn bệnh này là gì nhé.

Tiền sản giật là một hội chứng tăng huyết áp ở thai phụ, kèm tiểu đạm (tiểu protein) xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ. Tình trạng này còn có thể đi kèm với những dấu hiệu của tiền sản giật gây tổn thương các cơ quan khác như gan, thận, phổi, thần kinh.

dấu hiệu của tiền sản giật

Tiền sản giật là giai đoạn xảy ra trước khi lên cơn sản giật. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong cả mẹ và bé. Phát hiện sớm các dấu hiệu tiền sản giật là cách tốt nhất để giảm thiểu các biến chứng này.

>>> Mẹ có thể xem thêm: Tiền sản giật sau sinh và các biến chứng nguy hiểm

2/ Nguyên nhân của tiền sản giật

Đầu thai kỳ, các tế bào lá nuôi sẽ xâm nhập vào các mạch máu xoắn của tử cung, nhằm mở rộng lòng mạch máu giúp đưa máu đến nhau thai một cách hiệu quả. Ở phụ nữ gặp hội chứng này, những mạch máu này dường như không phát triển hoặc vận hành đúng chức năng. Chúng hẹp hơn các mạch máu bình thường, khiến lượng máu chảy qua bị hạn chế. Từ đó, ảnh hưởng tới sự điều tiết của cả cơ thể mẹ, biểu hiện ra thành các dấu hiệu của tiền sản giật. Nguyên nhân của sự phát triển bất thường này là do:

  • Lưu lượng máu đến tử cung không đủ
  • Tổn thương mạch máu
  • Các bệnh về hệ thống miễn dịch
  • Một số gen bất thường

Sự xâm nhập không bình thường của các nguyên bào nuôi.

3/ Yếu tố nguy cơ của tiền sản giật

Ngoài việc quan tâm tới các dấu hiệu tiền sản giật, các mẹ cũng cần biết những yếu tố nguy cơ khiến các chị em tăng khả năng mắc tiền sản giật so với một sản phụ bình thường. Các yếu tố nguy cơ của tiền sản giật đã được nhận diện, bao gồm:

  • Con so (mang thai con đầu)
  • Béo phì
  • Đa thai
  • Mẹ lớn tuổi
  • Tiền căn từng bị tiền sản giật trong lần mang thai trước
  • Tăng huyết áp mạn, đái tháo đường, bệnh thận, Lupus
  • Tiền sử gia đình có mẹ hoặc chị em gái bị tiền sản giật

4/ Dấu hiệu của tiền sản giật

Tăng huyết áp

Đây là dấu hiệu đầu tiên và phổ biến của hội chứng tiền sản giật. Huyết áp vượt quá 140/90 mmHg hoặc cao hơn và được ghi nhận trong hai lần, mỗi lần cách nhau ít nhất bốn giờ thì được xem là bất thường. Tuy nhiên, các mẹ thường ít có thói quen thoi dõi huyết áp tại nhà, nên dấu hiệu tiền sản giật này thường được phát hiện khi thăm khám thai định kỳ.

Sưng ở mặt hoặc tay

Trong thời gian mang thai, nếu mẹ bầu bị sưng ở mặt, đặc biệt là quanh mắt hoặc tay thì cần hết sức lưu tâm. Đây có thể là dấu hiệu của tiền sản giật. Tuy nhiên, triệu chứng phù còn gặp trong nhiều tình trạng khác khi mang thai, các mẹ cần được thăm khám kĩ để tìm ra nguyên nhân.

Tăng cân nhanh

Trong thời gian bầu bí, mức độ tăng cân của các mẹ bầu sẽ diễn ra tương đối chậm và đều. Thế nên nếu nhận thấy mình tăng cân quá nhanh (1.5 – 2kg/tuần hoặc 5kg/tháng) mà không có nguyên do cụ thể, hãy đến bệnh viện để được các bác sĩ thăm khám và đánh giá tình hình.

dấu hiệu tiền sản giật

Xuất hiện cơn đau đầu dai dẳng

Thực tế là có không ít bà bầu bị đau đầu khi mang thai, một số người bị đau đầu thường xuyên hơn so với người khác. Trong trường hợp bạn bị một cơn đau đầu tấn công và đã uống thuốc giảm đau nhưng không thấy bớt, đừng chần chừ gì nữa mà hãy đến bệnh viện ngay vì đây là dấu hiệu tiền sản giật phổ biến.

Tầm nhìn thay đổi hoặc mất thị lực

Tầm nhìn thay đổi và mất thị lực là dấu hiệu tiền sản giật không nên bỏ qua. Do đó, nếu mẹ bầu bỗng dưng nhận thấy mình bị hoa mắt hay nhận thấy có các đốm sáng trong tầm nhìn hoặc bị mất thị lực, hãy thông báo cho người thân biết để được đưa đến bệnh viện ngay.

Buồn nôn và nôn mửa đột ngột

Nếu bạn đã trải qua giai đoạn nghén và đã hết nôn ói nhưng lại bỗng có cảm giác buồn nôn hay nôn mửa thì nên chú ý. Buồn nôn và nôn mửa đột ngột có thể là dấu hiệu tiền sản giật khi mang thai.

Đau bụng trên, thường là dưới bờ sườn bên phải

Bạn có cảm giác bị đau bụng trên phía gan  nhưng nguyên nhân không phải do ợ nóng càng không phải là do bé cưng chòi đạp? Hãy lưu ý vì đây có thể là dấu hiệu cảnh báo tiền sản giật. Hãy đến bệnh viện nếu cơn đau không thuyên giảm trong thời gian ngắn.

Khó thở

Nếu bạn bỗng dưng thở hổn hển, cảm thấy khó thở, thở hụt hơi… hãy đến bệnh viện để được chăm sóc kịp thời. Việc bỗng dưng khó thở có thể là một dấu hiệu tiền sản giật liên quan tới phổi.

>> Mẹ bầu có thể xem thêm: Những loại rau tốt cho bà bầu và thai nhi mẹ đã biết chưa?

4/ Mẹ bầu nên làm gì khi có dấu hiệu của tiền sản giật

Trước khi mang thai, mẹ bầu nên thay đổi chế độ ăn uống (giảm mặn tối đa), tập thể dục đều đặn để giúp giảm cân, tránh béo phì, có chỉ số BMI phù hợp.

Khi có thai, các chị em cần theo dõi khám thai định kỳ thật đều đặn theo lịch.

Suốt thời gian có thai, mẹ bầu nên sắp xếp để giảm bớt công việc, có đủ thời gian nghỉ ngơi, thư giãn, ăn uống đủ chất dinh dưỡng.

dấu hiệu tiền sản giật ở bà bầu

Khi có tình trạng cao huyết áp, các mẹ cần tuân theo sự hướng dẫn điều trị và chăm sóc của các bác sĩ chuyên khoa.

Khi nằm viện, cần chú ý theo dõi các dấu hiệu nặng của  tiền sản giật mà bác sĩ dặn dò. Khi có một trong các dấu hiệu nêu trên phải báo ngay cho nhân viên y tế (nữ hộ sinh, bác sĩ) để được điều trị kip thời.

[inline_article id=297449]

Categories
Giai đoạn hậu sản Sau khi sinh

Tiền sản giật sau sinh và các biến chứng nguy hiểm

Sau sinh, sự quan tâm luôn dành cho em bé mới chào đời. Do đó rất nhiều triệu chứng xảy đến với mẹ thường ít được chú ý. Một trong số đó phải kể đến là tiền sản giật sau sinh, có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng, đặt mẹ vào tình thế nguy hiểm.

Tiền sản giật sau sinh và sản giật sau sinh

Tiền sản giật sau sinh là gì? Đây là tình trạng hiếm gặp, được đặc trưng bởi sự tăng huyết áp đột ngột và có nhiều protein trong nước tiểu ở phụ nữ mới sinh con. Nếu không được điều trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến sản giật, hội chứng HELLP (thiếu máu tán huyết)…

Như vậy, sản giật chính là một trong những biến chứng của tiền sản giật.

Tiền sản giật có nguy hiểm không?

Chắc chắn là nguy hiểm. Nếu không được phát hiện, chẩn đoán và điều trị đúng cách, bệnh sẽ trở nên nghiêm trọng, chuyển thành sản giật khiến sản phụ bị co giật, có thể tổn thương vĩnh viễn các cơ quan như não, gan, thận. Nghiêm trọng hơn, sản giật có thể khiến mẹ rơi vào trạng thái hôn mê, thậm chí tử vong. 

Ngoài ra, bệnh còn gây ra một số biến chứng nguy hiểm khác như:

– Phù phổi: Chất lỏng tích tụ trong phổi.

– Đột quỵ: Sự gián đoạn lưu lượng máu lên não gây ra đột quỵ.

Hội chứng HELLP: một chứng rối loạn đông máu và gan hiếm gặp nhưng gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Đó là lý do tại sao việc nhận biết sớm tiền sản giật để có biện pháp can thiệp, ngăn ngừa bệnh biến chứng lại vô cùng quan trọng. 

>>> Mẹ có thể xem thêm: Dấu hiệu bị hậu sản sau sinh và các bệnh hậu sản thường gặp đe dọa sức khỏe sản phụ

Dấu hiệu tiền sản giật

Trước khi bị co giật do sản giật sau sinh, hầu hết bệnh nhân đều trải qua các dấu hiệu tiền sản giật sau sinh gồm:

– Đau đầu dữ dội.

– Buồn nôn hoặc nôn mửa.

– Đau bụng vùng trên (thường ở vùng hạ sườn phải).

– Sưng tay hoặc mặt.

– Nhìn mờ, giảm thị lực hoặc nhạy cảm với ánh sáng.

– Tiểu ít.

Ngoài ra mẹ có thể nhận biết dấu hiệu tiền sản giật qua các chỉ số huyết áp hoặc protein trong nước tiểu tương tự như tiền sản giật trong thai kỳ:

– Huyết áp tăng: 140/90 mmHg hoặc cao hơn.

– Protein niệu dương tính: lượng protein trên 0,5g/L với mẫu nước tiểu ngẫu nhiên hoặc hơn 0,3g/L/24h với mẫu nước tiểu 24h.

Dấu hiệu tiền sản giật sau sinh

Tiền sản giật sau sinh thường bắt đầu khi nào?

Bệnh thường xuất hiện trong vòng 48 giờ sau khi sinh. Trong một số trường hợp, bệnh có thể xảy ra trễ hơn, khoảng 6 tuần sau sinh, được gọi là tiền sản giật muộn sau sinh.  

Nguyên nhân tiền sản giật sau sinh

Cho đến nay, nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa được xác định. Phụ nữ bị tiền sản giật khi mang thai có nguy cơ bị tiền sản giật sau sinh cao hơn. Nhưng tình trạng này vẫn xảy ra ở cả những mẹ có mức huyết áp bình thường.

Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm để xác định điều gì làm tăng tỷ lệ mắc chứng tiền sản giật sau sinh nhưng tạm thời vẫn có thể lường trước những yếu tố nguy cơ như:

– Huyết áp cao phát triển sau tuần 20 của thai kỳ.

– Mang đa thai.

– Bị béo phì hay tiểu đường thai kỳ tuýp 1 hoặc 2.

– Mắc bệnh tim do huyết áp cao.

– Sinh con trước 20 hoặc sau 40 tuổi.

– Trong gia đình có người thân từng bị tiền sản giật.

Chẩn đoán bệnh

Để chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ kiểm tra huyết áp của mẹ trước khi xuất viện hoặc đo thêm một lần nữa sau khi mẹ đã về nhà. Nếu nghi ngờ mẹ bị tiền sản giật, bác sĩ có thể cho mẹ thực hiện xét nghiệm tiền sản giật, bao gồm xét nghiệm máu và xét nghiệm nước tiểu. 

Cách điều trị tiền sản giật sau sinh

Tiền sản giật có thể nhanh chóng phát triển thành sản giật. Do đó việc điều trị tiền sản giật cần được thực hiện ngay lập tức khi phát hiện bệnh.

Bác sĩ sẽ cho mẹ dùng thuốc chữa cao huyết áp. Các loại thuốc này đều gây tác dụng phụ như đau đầu, buồn nôn hoặc nhịp tim tăng nhanh.

Ngoài ra bác sĩ có thể cho mẹ uống magnesi sulfat trong 24 giờ. Thuốc này sẽ giúp ngăn ngừa co giật. Mẹ vẫn phải tiếp tục theo dõi các triệu chứng khác sau khi kết thúc quá trình điều trị.

Khi dùng thuốc, mẹ cần tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nếu đang cho con bú.

Ngăn ngừa bệnh

Ngăn ngừa tiền sản giật sau sinh

Ngăn ngừa tiền sản giật là cách tốt nhất giúp mẹ phòng sản giật. Theo bác sĩ, chế độ ăn uống khoa học kết hợp tập luyện thể dục có thể hữu ích trong việc ngừa bệnh.

Cụ thể, bệnh có liên quan đến hàm lượng protein cao trong nước tiểu. Vậy mẹ cần ăn gì để giảm protein trong nước tiểu? 

– Thức ăn ít chất béo nhưng giàu vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa.

– Uống nhiều nước.

– Giảm lượng muối trong chế độ ăn.

– Hạn chế thức uống chứa cồn, chất kích thích.

Tóm lại việc sớm nhận biết và điều trị kịp thời chứng tiền sản giật sau sinh là cách tốt nhất ngăn sản giật sau sinh, bảo vệ tính mạng người mẹ.