Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Triệu chứng và bệnh phổ biến

21 chiêu hay giúp mẹ hạ sốt nhanh cho trẻ mà không cần thuốc

Thời tiết hanh khô, ẩm thấp của mùa hè là điều kiện thuận lợi để vô số những vi khuẩn, virus gây bệnh bùng phát và “tấn công” hệ miễn dịch non yếu của trẻ, gây ra chứng cảm, sốt. Thay vì vội vã cho con dùng thuốc, mẹ có thể thử qua các biện pháp hạ sốt nhanh cho trẻ tại nhà mà Marry Baby gợi ý dưới đây.

cách hạ sốt nhanh cho trẻ tại nhà

Cụ thể, trường hợp nếu trẻ sốt nhẹ (37,5–38,5°C) thì mẹ nên áp dụng các phương pháp hạ sốt từ các nguyên liệu thiên nhiên cho bé. Bởi lẽ, việc sử dụng thuốc không được khuyến cáo cho trẻ dưới 6 tuổi.

Thêm vào đó, thuốc hạ sốt có nguy cơ gây ra nhiều tác dụng bất lợi cho sức khỏe của bé. Một số bậc phụ huynh vì quá lạm dụng hoặc sử dụng sai thuốc, không đúng liều lượng đã dẫn đến tình trạng trẻ bị sốc thuốc, nhờn thuốc và gặp khó khăn trong điều trị.

Để tránh được vấn đề trên, trong bài viết này, Marry Baby chia sẻ đến bạn 11 biện pháp hạ sốt nhanh cho trẻ hoàn toàn tự nhiên. Mời bạn cùng tham khảo ngay nhé!

Một vài sự thật thú vị về sốt ở trẻ nhỏ

Nguyên nhân trẻ nhỏ bị sốt

Để có cách hạ sốt nhanh cho trẻ, bạn cần hiểu rõ vì sao trẻ gặp phải tình trạng này. Về cơ bản, sốt là phản ứng phòng vệ của cơ thể nhằm chống lại các tác nhân gây nhiễm trùng. Một khi thân nhiệt tăng cao, hệ miễn dịch tạo ra các tế bào bạch cầu để “tấn công” và kìm hãm sự phát triển của virus hoặc vi khuẩn gây bệnh. Điều thú vị rằng việc hạ sốt có thể làm cản trở cơ chế đề kháng tự nhiên.

Chính vì vậy, nếu trẻ sốt nhẹ và vẫn sinh hoạt bình thường, bạn không cần phải can thiệp quá nhiều. Điều quan trọng cần làm là nên theo dõi lượng thức ăn và chất lỏng mà trẻ tiêu thụ, đồng thời quan sát tần suất tiểu tiện trong ngày của bé.

Nếu những điều này hoàn toàn bình thường, trẻ chỉ cần được theo dõi tại nhà mà không phải đến bệnh viện. Tuy nhiên, trường hợp nếu trẻ cảm thấy khó chịu hoặc sốt cao trên 40°C hoặc sốt cao kéo dài trong 2 ngày liên tục không thuyên giảm, bạn nên đưa bé đến bác sĩ kiểm tra.

Liệu có nên hạ sốt nhanh cho trẻ bằng thuốc?

Mặc dù cách dùng siro hạ sốt cho trẻ khá đơn giản, tuy nhiên đây không hẳn là lựa chọn tốt nhất. Theo đó, hướng sử dụng các biện pháp tự nhiên để hạ sốt cho trẻ nhỏ sẽ giúp bé tăng cường hệ miễn dịch.

Riêng về vấn đề dùng thuốc ở trẻ, khi đi vào cơ thể, thuốc cần một khoảng thời gian để chuyển hóa. Hơn nữa, các loại thuốc thường dùng để hạ sốt như paracetamol (tên khác là acetaminophen) hoặc ibuprofen có thể gây suy gan hoặc các phản ứng phụ không mong muốn như hen suyễn, xuất huyết tiêu hóa nếu trẻ dùng thường xuyên. Tốt nhất chỉ nên dùng những thuốc này nếu các biện pháp tự nhiên để hạ sốt không hiệu quả và có sự chỉ định của bác sĩ về liệu lượng cũng như thời gian sử dụng.

Cách hạ sốt nhanh cho trẻ sơ sinh tại nhà

Nếu nhiệt độ ở trẻ cao thì nên dùng hạ sốt cho bằng các cách sau:

1. Dùng nước ấm lau người cho trẻ

  • Mẹ chuẩn bị một chậu nước ấm và 5 chiếc khăn mềm.
  • Sau đó mẹ nhúng khăn vào chậu nước và vắt nhẹ.
  • Kẹp 2 chiếc vào bẹn, 2 chiếc vào nách và 1 chiếc lau khắp cơ thể bé.
  • Sau 1 đến 2 phút lại nhúng khăn vào chậu và lau cho bé.
  • Khi nước lạnh thì mẹ cần thêm nước nóng để đảm bảo độ ấm của nước.
  • Mẹ lau cho bé khoảng 10 đến 15 phút.
  • Dùng tất ướt quấn quanh chân cho bé: Dùng 2 chiếc tất bằng chất liệu cotton và hơi dài, sau đó nhúng vào nướcrồi vắt sạch. Từ từ quấn quanh từ phần mắt cá chân đến bàn chân, lặp lại nhiều lần mỗi khi tất trở nên khô do hút nhiệt.

Sau đó mẹ lau khô người và mặc quần áo thoáng mát cho bé.

Điều này không những giúp hạ sốt mà còn giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Lưu ý không được dùng nước lạnh. Sau khi lau người nên cho trẻ ngồi trong phòng thoáng, không được ngồi dưới điều hòa, trước quạt để tránh bị lạnh và sốt cao thêm.

2. Nới lỏng quần áo

Nhiều mẹ cho rằng khi con bị sốt thường có dấu hiệu lạnh như người lớn nên mặc thêm áo, đắp thêm chăn cho con nhưng không biết đó cũng là cách làm sai. Mẹ không nên quấn tã chặt cũng không ủ thêm chăm mà cần nới lỏng tã, quần áo.

3. Cung cấp đủ nước cho con

Khi trẻ sơ sinh bị sốt, cơ thể sẽ bị mất nước rất nhiều do quá trình ra mồ hôi. Đối với trẻ sơ sinh dưới 6 tháng tuổi mẹ cần đảm bảo đủ các giờ bú. Trẻ 6 tháng tuổi trở lên bị sốt cần được cung cấp thêm nước uống. Ngoài nước lọc, mẹ nên cho bé uống thêm cả sữa, nước cam hoặc loại nước mà bé thích (trừ nước ngọt). Cho bé ăn dạng lỏng, súp hoặc cháo, để bổ sung thêm lượng nước hao hụt, đồng thời giúp bé dễ tiêu hóa hơn.

4. Lưu ý chăm sóc trẻ sơ sinh bị sốt

  • Trẻ sơ sinh bị sốt, mẹ vẫn ăn uống bình thường để có sữa cho bé, việc mẹ ăn uống không ảnh hưởng tới việc sốt của con. Vì vậy mẹ cần ăn uống tốt để có nhiều sữa hơn cho con bú.
  • Trong lúc con bị sốt có thể có giai đoạn con bị lạnh chân tay vì hiện tượng co mạch. Cha mẹ sờ thấy tay chân con lạnh có thể ủ ấm cho con. Tuy nhiên cần lưu ý một lúc sau thường sẽ là giai đoạn thải nhiệt.
  • Con sẽ nóng, và lúc đó nhiệt độ tăng cao cha mẹ không được ủ cho con để tránh việc nhiệt độ của con tăng quá cao, có thể gây co giật cho trẻ nhỏ.
  • Trẻ sơ sinh 10 ngày tuổi bị sốt, bạn nên cho con đi khám ngay để xác định nguyên nhân sốt của con.
  • Với các trẻ dưới 6 tháng tuổi cách hạ sốt nhanh vẫn theo nguyên tắc của bác sĩ. Đặc biệt, các nhóm nguyên nhân gây sốt ở nhóm trẻ 1-2 tháng tuổi thường hơi khác so với trẻ 5-6 tháng tuổi. Chính vì vậy, ba mẹ cần cẩn thận hơn với trẻ sơ sinh cho con đi khám sớm.

Các biện pháp hạ sốt nhanh theo cách khác mẹ cần biết

Có nhiều nguyên nhân khác nhau khiến trẻ nhỏ bị sốt, trong đó phổ biến nhất là:

  • Trẻ bị cảm lạnh hoặc cảm cúm
  • Sốt sau khi tiêm vắc-xin
  • Nhiều bé cũng bị sốt khi mọc răng

Dưới đây là một số biện pháp tự nhiên giúp hạ sốt nhanh cho trẻ khi gặp phải những tình trạng trên:

1. Ăn một que kem

Đây là cách hạ sốt phổ biến của các bà mẹ Tây hay áp dụng cho trẻ nhỏ rất hiệu quả. Khi bị sốt, trẻ cảm thấy khó chịu trong người hay hay khô miệng và cần bồ sung thêm chất ngọt.

Một que kem không chỉ giúp trẻ giải khát mà còn giảm nhiệt cho cơ thể trẻ. Tuy nhiên cách hạ sốt này chỉ để tham khảo và áp dụng cho những trẻ trên 10 tuổi hoặc mới có dấu hiệu sốt nhẹ.

2. Xông hơi

Cách trị cảm dân gian này được lưu truyền từ rất lâu và dù người lớn hay trẻ đang độ tuổi tiểu học điều có thể áp dụng và mang lại hiệu quả bất ngờ. Sử dụng các loại lá giải cảm như sả, chanh…cho vào nồi nước đun sôi.

Cho trẻ ngồi trong phòng kín gió, cởi bỏ quần áo, trùm chăn mỏng phủ kín người bé và nồi nước xông. Hơi nước ấm trong quá trình xông hơi sẽ kích thích cơ thể tuần hoàn máu tốt hơn, thư giãn nhẹ nhàng và khiến các tuyến mồ hôi hoạt động mạnh hơn. Lau lại người bằng nước xông, trẻ sẽ hạ sốt nhanh.

3. Lá bạc hà (không thực hiện cho trẻ dưới 1 tuổi)

Loại lá gia vị này sẽ giúp hạ thân nhiệt, hấp thu bớt lượng nhiệt dư thừa trong cơ thể. Cho khoảng 5g lá bạc hà băm nhuyễn vào 200ml nước nóng ngâm 10 phút rồi lọc lấy nước, cho thêm một ít mật ong và uống từ 3 đến 4 lần một ngày để cơ thể nhanh phục hồi.

4. Bạch hoa thảo (không thực hiện cho trẻ dưới 1 tuổi)

Bạch hoa thảo hay còn gọi là cây nhọ nồi, cây cỏ mực cũng là một cách hạ sốt nhanh tại nhà hiệu quả mà bạn có thể áp dụng. Cỏ mực rửa sạch, ngâm sơ qua nước muối pha loãng. Sau đó cho vào nồi đun sôi, để nguội , vớt ra giã nát và lọc lấy nước cho trẻ uống. Mỗi lần uống khoảng 50ml.

5. Trà hoa cúc (không thực hiện cho trẻ dưới 1 tuổi)

trà hoa cúc giúp hạ sốt nhanh cho trẻ

Việc dùng trà hoa cúc cũng là một cách hay để hạ sốt nhanh cho trẻ. Đầu tiên, bạn hãy pha một lượng trà đủ dùng. Có thể thêm một ít mật ong (lưu ý không thực hiện điều này cho trẻ dưới 1 tuổi) để tăng thêm hương vị. Ngoài để hạ sốt, bạn có thể dùng trà hoa cúc để xoa bóp toàn thân cho bé giúp giảm đau nhức nhanh chóng.

6. Dùng hành tây

Ông bà ta ngày xưa đã biết tận dụng lợi ích của hành tây để chữa cảm cúm và hạ sốt nhanh cho trẻ. Trong loại thực phẩm này có hàm lượng cao quercetin, đây là một hợp chất flavonoid có đặc tính chống oxy hóa và làm giảm thân nhiệt tốt.

Cách để áp dụng bài thuốc này khá đơn giản, bạn chỉ cần cắt khoảng 2–3 lát hành mỏng, sau đó chà xát vào lòng bàn chân trẻ khoảng vài phút rồi dùng tất để giữ hành quanh chân trẻ. Nên lặp lại thao tác này 2 lần một ngày để có hiệu quả tốt nhất.

7. Dùng khoai tây hạ sốt

Đây là cách hạ sốt cho trẻ rất đơn giản nhưng mang lại hiệu quả bất ngờ. Thái khoai tây thành những lát mỏng sau đó ngâm trong nước giấm khoảng 10 phút rồi đắp lên trán, cho thêm một chiếc khăn lên trên. Để khoảng 20 phút sau rồi lấy lát khoai tây ra, mẹ sẽ thấy bé sẽ giảm sốt ngay.

8. Cho trẻ tắm bằng gừng tươi

Thực tế, gừng có khả năng tiêu diệt các vi khuẩn gây sốt ở trẻ. Bên cạnh đó, gừng giúp trẻ ra nhiều mồ hôi, nhờ vậy mà loại bỏ lượng nhiệt thừa và độc tố ra khỏi cơ thể.

Khi tắm cho trẻ, bạn thêm khoảng 2 thìa súp bột gừng tươi vào chậu hoặc bồn tắm nước ấm và khuấy đều. Suốt quá trình tắm, mẹ cần chú ý tránh để nước gừng dính vào mắt trẻ.

9. Nước chanh pha mật ong

cách hạ sốt cho trẻ bằng nước chanh

Cách hạ sốt này cũng chỉ áp dụng cho trẻ từ 1 tuổi trở lên. Chanh tươi khá giàu vitamin C, dưỡng chất này khá cần thiết giúp tăng cường hệ miễn dịch cho bé. Mật ong với hàm lượng cao các vitamin và khoáng chất mang lại khả năng phục hồi tốt cho cơ thể. Nhìn chung, sự kết hợp giữa hai loại thực phẩm này sẽ mang lại hiệu quả hạ sốt cao.

Ngoài việc cho bé dùng nước chanh, mẹ cũng có thể đắp những lát chanh tươi xung quanh phần khuỷu tay, chân và dọc sống lưng để trẻ mau hạ sốt. Khi thực hiện biện pháp này, bạn tránh đắp chanh lên vùng da bị tổn thương nhằm tránh cho bé không bị xót.

10. Đắp lòng trắng trứng lên lòng bàn chân

Lấy khoảng 3 thìa súp lòng trắng trứng cho vào chiếc bát nhỏ rồi đánh đều. Kế đến, dùng một chiếc tất ngâm vào bát lòng trắng trứng vừa chuẩn bị rồi xỏ vào chân bé. Trường hợp nếu không có tất, bạn có thể dùng khăn mặt. Phương pháp này cho hiệu quả nhanh chóng từ 10 phút đến 1 giờ.

Trẻ bị dị ứng với lòng trắng trứng, mẹ có thể đổi sang biện pháp dùng hành tây như đã gợi ý ở trên. Nên lặp lại cách hạ sốt cho trẻ này nhiều lần trong ngày để có hiệu quả cao nhất.

11. Dưa leo giúp hạ sốt (không thực hiện cho trẻ dưới 1 tuổi)

Từ 6 tháng tuổi trở lên, trẻ rất hay bị sốt mọc răng. Trong những trường hợp này, dưa chuột sẽ là giải pháp hiệu quả cho mẹ. Không chỉ có công dụng hạ sốt, dưa leo còn giúp giảm đau và giảm bớt sự khó chịu cho bé. Chọn quả dưa leo non tốt nhất là loại không hạt, cắt thành miếng nhỏ cho bé ngậm. Lưu ý, không nên cắt miếng quá nhỏ, có thể làm bé bị hóc. Tốt nhất, nên gọt một đầu hơi nhỏ và lớn dần về phần đuôi cho bé cầm ăn.

12. Nho khô (không thực hiện cho trẻ dưới 1 tuổi)

hạ sốt nhanh cho trẻ bằng nước ép nho khô

Nhờ hàm lượng dồi dào các chất chống oxy hóa cao nên nho khô rất có hiệu quả trong việc hạ sốt nhanh cho trẻ và chống nhiễm trùng. Bạn có thể ngâm khoảng 25 quả nho khô trong một cốc nước lọc trong khoảng 1 giờ. Khi nho bắt đầu mềm, bạn đem nghiền nát rồi lọc lấy phần nước. Cho trẻ uống dịch ép nho khô này hai lần một ngày để làm dịu cơn sốt.

Trường hợp nguyên nhân gây sốt ở trẻ là do siêu vi, bạn nên áp dụng “các chiêu” hạ sốt được đề cập dưới đây.

13. Dùng trà hạt thì là

Ngoài cải thiện hệ miễn dịch và giúp cơ thể thư giãn, nước hạt thì là còn giúp hạ sốt và giảm đau hiệu quả. Tác dụng này là nhờ vào monoterpene và flavonoid đóng vai trò là chất kháng khuẩn, chống virus mạnh mẽ.

Để sử dụng hạt thì là, bạn đun một cốc nước với một thìa súp hạt thì là khoảng 10 phút, lọc lấy nước. Nếu được, bạn có thể thêm một chút quế vào và cho trẻ dùng khi còn ấm.

14. Trà hạt rau mùi, còn gọi là ngò rí (không thực hiện cho trẻ dưới 1 tuổi)

hạt ngò rí giúp hạ sốt

Các dưỡng chất từ thực vật trong hạt rau mùi giúp củng cố hệ miễn dịch cho trẻ. Điều này sẽ bảo vệ bé chống lại tình trạng sốt siêu vi hiệu quả. Cách dùng khá đơn giản, bạn chỉ cần thêm hạt rau mùi vào nước đun sôi. Để dung dịch nguội đi một lát rồi lọc và có thể thêm sữa và đường để tạo vị. Loại thức uống này khá hữu ích trong việc hạ sốt nhanh cho trẻ.

15. Nước sắc lá húng quế (không thực hiện cho trẻ dưới 1 tuổi)

Một cách hữu hiệu khác để hạ sốt nhanh cho trẻ là dùng lá húng quế. Loại thảo dược này đóng vai trò như một kháng sinh tự nhiên được sử dụng để chống lại tình trạng sốt siêu vi. Muốn hạ sốt cho bé, bạn chuẩn bị khoảng 20 lá húng quế rồi nấu cùng một lít nước. Đun sôi hỗn hợp cho đến khi dung dịch giảm còn một nửa, để nguội và cho bé uống.

16. Dầu dừa (không thực hiện cho trẻ dưới 1 tuổi)

dầu dừa giúp hạ sốt nhanh cho trẻ

Dầu dừa cũng có đặc tính kháng khuẩn và kháng virus. Bạn có thể gián tiếp cho trẻ dùng bằng cách sử dụng dầu dừa trong các món ăn cho bé.

17. Dầu gan cá (không thực hiện cho trẻ dưới 1 tuổi)

Để cải thiện hệ miễn dịch cho trẻ, bạn có thể cho con dùng dầu gan cá. Nếu thường xuyên cho trẻ dùng thực phẩm này, bé sẽ tránh được các bệnh nhiễm trùng theo mùa.

Trên đây là tổng hợp những cách hạ sốt nhanh cho trẻ tại nhà. Sau khi áp dụng, nếu cơn sốt của bé vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm, bạn nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế để điều trị.

Sai lầm cần tránh khi hạ sốt cho trẻ

  • Dùng nước lạnh hay nước đá để lau, chườm mát cho con: Đây là một sai lầm lớn khi cố gắng hạ sốt cho trẻ bởi cách này chỉ giúp giảm nhiệt bên ngoài chứ không trị triệt để bên trong, đôi khi còn khiến bé sốt cao hơn.
  • Ủ ấm, đắp chăn, mặc nhiều quần áo để bé thoát mồ hôi và hạ sốt: Về nguyên tắc, khi bị sốt thân nhiệt của bé đã cao, việc làm như vậy chỉ khiến cho nhiệt độ cơ thể bé tăng lên.
  • Nặn chanh vào miệng bé: Việc làm này khiến bé bị rộp miệng, phỏng lưỡi hoặc nghẹt thở. Vì vậy mẹ cần tránh dùng cách hạ sốt này nhé!
  •  Lạm dụng thuốc đặt hậu môn: Với ý nghĩ, việc sử dụng thuốc đặt hậu môn sẽ không làm ảnh hưởng đến gan như những loại thuốc uống thông thường, nhiều mẹ “vô tư” sử dụng phương pháp này mỗi khi con có dấu hiệu sốt.Thực tế, mọi chuyện không như mẹ nghĩ đâu nhé! Thuốc đặt hậu môn cũng giống như những loại thuốc hạ sốt theo đường uống, cũng thấm qua máu, và tác dụng đến gan. Vì vậy, việc lạm dụng phương pháp này sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của bé. Đặc biệt, với những bé đang có vấn đề về gan, việc sử dụng thuốc đặt hậu môn có thể gây ngộ độc. Cẩn thận mẹ nhé!
  • Sử dụng miếng dán hạ sốt: Việc sử dụng miếng dán hạ sốt chỉ có tác dụng trong 1 tiếng. Ngoài ra, phương pháp này còn có thể khiến bé trở nên mệt mỏi, quấy khóc nhiều hơn.

Khi nào nên đưa trẻ đi thăm khám?

Mẹ nên ngay lập tức đưa bé đi thăm khám nếu phát hiện thấy những triệu chứng sau, bởi sốt như thế này có thể là dấu hiệu của bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng.

  • Trẻ sơ sinh dưới 3 tháng tuổi bị sốt.
  • Trẻ buồn ngủ bất thường và thức dậy khó khăn.
  • Da trẻ xanh tái, môi nhợt nhạt.
  • Bàn tay và bàn chân lạnh.
  • Trẻ phát tiếng thều thào hoặc khóc liên tục.
  • Trẻ khó thở hoặc thở nhanh, dồn dập.
  • Biếng ăn, buồn nôn, ói mửa.
  • Vừa sốt cao vừa phát ban.

Marry Baby

Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

12 cách trị chấy hiệu quả tận gốc cho trẻ tại nhà

Chấy rận hay còn gọi là chí theo phương ngữ miền Nam là loại ký sinh trùng thường thấy ở các bé nhỏ, nhất là các bé đi nhà trẻ. Việc nhiễm chấy khiến trẻ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy, gây cản trở sinh hoạt hằng ngày của con yêu. Bạn đang tìm cách trị chấy hiệu quả mà an toàn cho bé, hãy để Marry Baby bật mí cho bạn nhé!

cách trị chấy cho trẻ hiệu quả

Có ba loại chấy rận khác nhau mà bạn cần phân biệt rõ bao gồm: chấy bám ở da đầu, rận bám trên người và rận mu. Tuy nhiên, bài viết dưới đây chỉ tập trung đề cập đến loại chấy ở đầu.

Những nguyên nhân phổ biến khiến loài vật ký sinh này xuất hiện và làm phiền trẻ là do tiếp xúc gần với một người có mang chấy khác hay ngủ chung, dùng chung mũ, quần áo, kẹp tóc. Nếu nhận thấy việc sử dụng thuốc để loại bỏ chấy cho trẻ không an toàn, bạn có thể thử những cách trị chấy hiệu quả được đề cập dưới đây.

Những biểu hiện thường gặp ở trẻ bị nhiễm chấy

triệu chứng của trẻ có chấy trên tóc

So với 2 loại đã đề cập ở trên, chấy ở đầu thuộc loại không mang mầm bệnh. Con trưởng thành thường có kích thước bằng hạt vừng hoặc to hơn chút xíu, có 6 chân, màu nâu (đạm hoặc nhạt), đôi khi có màu sáng trông gần như trắng. Mặc dù không thể bay hoặc nhảy nhưng chấy có thể chạy với tốc độ khoảng hơn 20cm mỗi phút.

Chấy thường lây từ người này sang người khác thông qua việc tiếp xúc trực tiếp. Trẻ nhỏ sinh hoạt trong khu vực gần nhau như trường học hoặc nhà trẻ rất dễ bị lây. Bạn có thể phát hiện thấy loài vật ký sinh này trên tóc, phía sau tai hoặc đôi khi xuất hiện trên lông mi, thậm chí là quần áo của bé.

Dưới đây là một số biểu hiện phổ biến nhất khi trẻ có chấy trên đầu, tóc:

  • Chứng ngứa da đầu liên tục
  • Cảm giác nhột trên đầu
  • Khó chịu không thể ngủ yên giấc (do chấy hoạt động mạnh mẽ về đêm)
  • Có những vết loét trên đầu do trẻ gãi mạnh
  • Một số trẻ có tình trạng xuất hiện hạch bạch huyết
  • Chấy trưởng thành đẻ trứng có thể nhìn thấy trứng bám vào chân tóc…

Nếu không chắc trẻ có bị chấy hay không? Bố mẹ có thể thử bằng cách rẽ tóc trẻ ra xem hoặc dùng lược dày (lược bí) chải đầu cho bé để kiểm tra.

Lý do vì sao các bậc phụ huynh ưa chuộng cách trị chấy hiệu quả tự nhiên hơn dùng thuốc

Mặc dù bạn có thể đến bác sĩ và nhờ kê một số loại thuốc trị chấy cho bé nhưng không ít cha mẹ lại không mấy tin dùng phương pháp này vì có nhiều tác dụng phụ kèm theo. Trên thực tế, một số sản phẩm trị chấy có chứa các loại hóa chất gây nguy hiểm như pyrethrum hoặc permethrin. Hai hợp chất hóa học này thường xuất hiện nhiều trong thuốc trừ sâu.

Mặt khác, một số nghiên cứu cũng cho rằng việc điều trị chấy theo cách này có thể khiến trẻ có nguy cơ bị bệnh bạch cầu hoặc mắc khối u não. Chính vì thế, các biện pháp khắc phục tại nhà thường được ưa chuộng hơn. Trường hợp nếu bé nhà bạn bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong số những phương pháp gợi ý dưới đây, hãy linh động thay đổi hoặc tham khảo thêm ý kiến bác sĩ nhé!

12 cách trị chấy hiệu quả hoàn toàn từ các nguyên liệu sẵn có trong nhà

Dưới đây là những biện pháp khắc phục tại nhà hữu ích dành riêng cho trẻ bị chấy ở đầu. Chắc chắn rằng nếu kiên trì thực hiện thì các biểu hiện như ngứa ngáy, bứt rứt ở các bé sẽ không còn nữa.

1. Dùng giấm ăn

Ngoài những lợi ích trong làm đẹp, tẩy rửa… giấm ăn cũng mang lại nhiều tác dụng trên mái tóc. Cụ thể, giấm rất hiệu quả trong vấn đề loại bỏ chấy cho bé.

Cách thực hiện là mẹ chuẩn bị khoảng 100ml giấm trắng trộn chung với nước theo tỷ lệ 1:1. Mẹ hãy dùng dung dịch này ủ tóc bé khoảng 15 – 20 phút sau đó xả sạch và gội đầu lại thật kỹ. Lời khuyên là bạn có thể bôi một ít dầu dừa lên tóc sau khi gội, vừa thoa vừa chải tóc để tiêu diệt trứng chấy.

2. Dầu ô liu

cách trị chấy hiệu quả bằng dầu ô liu

Thoa dầu ô liu lên da dầu của bé cho đến khi dầu thấm đều. Loại dầu này khiến chấy không thể thở và làm chúng chết ngạt. Sau khoảng 15 – 20 phút, dùng lược chải tóc để loại bỏ chấy và gội lại thật kỹ với dầu gội dành cho bé để rửa trôi lớp dầu thừa.

Mẹ nên lặp lại quá trình này một vài lần cho đến khi không còn thấy chấy hoặc vết sưng đỏ trên da đầu của bé. Hãy chắc chắn bạn đã giặt sạch quần áo của trẻ sau mỗi lần thoa dầu.

3. Tinh dầu cây tràm trà

Tinh dầu tràm trà là một trong những cách trị chấy hiệu quả nhất mà bạn có thể áp dụng cho trẻ. Đơn giản bạn chỉ việc cho một vài giọt tinh dầu vào bình xịt có chứa sẵn nước, lắc đều và xịt lên da đầu của bé. Bạn có thể dùng khăn để quấn tóc để ủ trong một lúc.

Sau khi kết thúc, mẹ hãy xả sạch tóc của bé với nước. Thực hiện việc này hai lần một tuần để có kết quả tốt nhất. Ngoài cách thức trên, bạn cũng nên thêm một vài giọt dầu tràm trà vào dầu gội hoặc dầu ô liu để ủ tóc cho bé nhằm loại bỏ trứng chấy bám trên tóc.

4. Tỏi

lợi ích của tỏi trong trị chấy

Chấy rất ghét tỏi, vì thế bạn hãy tận dụng điều này để tiêu diệt chúng. Mẹ chỉ cần nghiền khoảng 8 – 10 tép tỏi tươi rồi trộn cùng nước cốt chanh, sau đó bôi đều lên da đầu của bé. Để yên hỗn hợp trên trong vòng 30 phút rồi gội sạch lại với nước ấm là được.

5. Sáp dưỡng ẩm da (vaseline)

Thêm một cách trị chấy hiệu quả là sử dụng sáp dưỡng ẩm hay còn gọi là vaseline. Loại sáp này sẽ bắt giữ chấy không cho chúng di chuyển trên da đầu bé yêu. Hãy thoa một lớp vaseline lên da đầu trẻ trước khi ngủ và dùng khăn hoặc mũ tắm để cố định lại. Sáng hôm sau, khi bé thức dậy, bạn cần gội sạch lại rồi dùng lược bí để chải sạch trứng và loại bỏ chấy chết.

6. Máy sấy tóc

máy sấy tóc

Mặc dù không thuộc nhóm các thành phần tự nhiên có sẵn trong nhà, nhưng việc dùng máy sấy tóc có thể “thổi bay” chấy khỏi da đầu nhanh chóng đấy! Lời khuyên là bạn nên thực hiện ở ngoài không gian trong nhà để đảm bảo chấy không bám vào đồ vật hoặc áo quần. Tuyệt đối không nên dùng biện pháp này với trẻ mới biết đi, bởi không khí nóng từ máy sấy hoàn toàn không tốt cho da đầu của trẻ.

7. Nước ép hành tây

Bạn có thể dùng nước ép hành tây bôi lên da đầu trẻ như một cách trị chấy hiệu quả. Sau khi bôi, mẹ nên để yên trong khoảng 3 – 4 giờ rồi gội lại với nước sạch. Bên cạnh đó, mẹ đừng quên chải tóc lại cho bé sau khi gội để loại bỏ trứng chấy nhé! Hãy lặp lại phương pháp này sau mỗi 3 – 4 ngày để có hiệu quả tốt nhất.

8. Mayonnaise

sốt mayonnaise

Ai ngờ rằng loại sốt chấm ưa thích này của cả nhà lại có thể là cách trị chấy hiệu quả! Cũng như dầu ô liu, việc sử dụng sốt mayonnaise sẽ khiến chấy bị ngạt mà chết.

Hãy thoa đều sốt lên da đầu của bé và để yên như vậy qua đêm, có thể bọc nilông hoặc quấn khăn để sốt không dính vào ra gối. Buổi sáng thức dậy, mẹ hãy gội đầu và tắm sạch lại cho bé là được.

9. Dùng hạt na (hay hạt mãng cầu)

Phương pháp này đã có từ rất lâu trước đây. Nhiều người cho rằng cách trị chấy hiệu quả này cho tác dụng ngay trong 1 lần duy nhất. Điều cần làm là đem hạt mãng cầu phơi khô, sau đó rang chín thơm rồi nghiền hoặc giã thành bột.

Trộn phần bột vừa chuẩn bị ở trên với một chút nước rồi thoa đều lên tóc. Mẹ hãy ủ tóc của bé trong khoảng 25 – 30 phút sau đó gội lại bình thường. Đảm bảo chỉ sau một lần áp dụng, da dầu bé sẽ sạch chấy không ngờ.

10. Dầu dừa

cách trị chấy hiệu quả bằng dầu dừa

Mẹ hãy dùng một ít dầu dừa nguyên chất thoa đều lên da đầu của bé, giữ yên như vậy trong khoảng hai giờ, nên dùng mũ tắm trùm lại để dầu dừa không bị dính ra ngoài. Hết thời gian, bạn chỉ việc cho bé gội sạch đầu. Sau khi gội xong và chờ cho tóc khô, bạn lại tiếp tục thoa dầu dừa theo cách như trên rồi để qua đêm. Nên lặp lại cách diệt chấy này hai lần mỗi tuần để đạt hiệu quả cao nhất.

11. Sử dụng hỗn hợp muối và giấm

Bạn có thể “đuổi sạch” lũ chấy trên da dầu trẻ bằng hỗn hợp muối và giấm. Theo đó, muối có khả năng sát khuẩn mạnh trong khi giấm lại ngăn chấy rận bám vào sợi tóc. Bạn có thể trộn đều cả hai thành phần, sau đó cho vào bình xịt rồi phun đều lên tóc của bé yêu. Chú ý là mẹ phải gội đầu cho bé thật kỹ sau khi hoàn thành.

12. Baking soda

cách trị chấy hiệu quả nhờ baking soda

Một cách hữu hiệu khác để diệt chấy trên mái tóc của bé là sử dụng baking soda. Chất này được cho là có khả năng hủy hoại hệ hô hấp của loại ký sinh trùng này. Để thực hiện, bạn trộn 1 phần bột baking soda với 3 phần dầu dưỡng tóc. Thoa hỗn hợp này lên tóc bé, sau đó gội rửa sạch lại tương tự như các phương pháp trên ngay sau đó. Để tẩy sạch chấy hoàn toàn trên tóc con, mẹ nên cho bé thực hiện khoảng một vài lần trong những ngày tới.

Hy vọng rằng những cách trị chấy hiệu quả tại nhà mà chúng tôi gợi ý ở trên có hiệu quả với tình trạng của con bạn. Bạn cũng cần chú ý vì trẻ có thể bị dị ứng với bất kỳ thành phần nào trong số những biện pháp trên. Nếu đã áp dụng mọi cách trị chấy tự nhiên mà vẫn không có kết quả, hãy mua dầu gội trị chấy hoặc đưa trẻ đến bác sĩ để có phương án điều trị tốt nhất.

Marry Baby

Categories
Chăm sóc sức khỏe gia đình Gia đình

10 tuyệt chiêu kích thích tiêu hóa giúp bé mau ăn chóng lớn

kích thích tiêu hóa cho trẻ

Nhiều chuyên gia cho rằng, hệ tiêu hóa của trẻ gắn liền với các vấn đề sức khỏe khác. Chính vì vậy, muốn kích thích tiêu hóa và giúp bé yêu khỏe mạnh mỗi ngày, mẹ cần bỏ túi ngay những biện pháp sau đây.

Quả thực, làm mẹ chẳng phải việc dễ dàng. Luôn có những thách thức bạn sẽ đối mặt trong suốt hành trình nuôi dạy con. Một trong số đó là chứng ăn uống khó tiêu, không ngon miệng của các bé.

Có nhiều nguyên nhân khác nhau lý giải cho tình trạng này, chủ yếu là do các vấn đề thường gặp như: táo bón, tiêu chảy… Ngoài ra, hệ tiêu hóa ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa hoàn thiện cũng góp phần khiến bé khó chịu mỗi khi ăn uống.

Để kích thích tiêu hóa cũng như giúp con mau ăn chóng lớn, các bà mẹ có thể áp dụng những biện pháp khắc phục tại nhà đơn giản được liệt kê dưới đây:

1. Kích thích tiêu hóa bằng cách chườm ấm

Khi bé bị đầy hơi, khó tiêu thì mẹ có thể xua tan tình trạng này bằng cách chườm ấm. Mặt khác, việc này cũng đem lại cho trẻ sự thoải mái, dễ chịu.

Tất cả những gì bạn cần là một chiếc khăn mềm và một bát nước ấm. Ngâm khăn trong nước khoảng một lúc rồi sau đó vắt kiệt và nhẹ nhàng đắp lên bụng trẻ trong khoảng từ 2 – 3 phút. Lời khuyên là bạn nên thực hiện vài lần một ngày sau bữa ăn để giảm khó chịu cho bé.

2. Cho trẻ ợ hơi đúng cách

cho trẻ ợ hơi để kích thích tiêu hóa

Ợ hơi là một trong những bước quan trọng để kích thích tiêu hóa cho trẻ nhỏ. Lý do vì trong quá trình dùng bữa, bé sẽ vô tình nuốt phải một lượng khí nhất định dẫn đến tình trạng khí mắc kẹt trong dạ dày khiến trẻ bị đau bụng, đầy hơi. Điều này làm cho các bé yêu vô cùng khó chịu và không thoải mái sau khi ăn uống.

Cách tốt nhất để khắc phục vấn đề này là thường xuyên cho trẻ ợ hơi. Với trẻ sơ sinh, bạn nên cho con ợ hơi sau khi bú. Bạn có thể bế bé ở tư thế thẳng đứng, cằm bé tì lên vai bạn, một tay đỡ mông con, tay còn lại vỗ nhẹ vào lưng bé. Ngoài ra, bạn cũng có thể để bé nằm sấp trên đùi rồi vuốt lưng nhẹ nhàng. Để hiểu rõ nét hơn về việc cho bé ợ hơi, mời bạn xem qua bài viết: Mách mẹ cách cho bé ợ hơi.

3. Cho trẻ bú sữa mẹ

Như đã đề cập ở trên, hệ tiêu hóa của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ chưa hoàn thiện nên sữa mẹ chính là thức ăn lý tưởng của bé cho đến khi con đạt mốc 6 tháng tuổi. Hầu hết bác sĩ nhi khoa đều khuyến cáo các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ cho đến khi trẻ bé vượt ngưỡng 6 tháng tuổi.

Nhấn mạnh rằng, sữa mẹ có đầy đủ các dưỡng chất cần thiết như đường, đạm, vitamin và khoáng chất, cùng các yếu tố vi lượng. Nhờ đó mà trẻ bú mẹ có thể phát triển khỏe mạnh. Hơn nữa, so với sữa bò có thành phần đạm casein làm bé khó tiêu, sữa mẹ lại thúc đẩy hệ tiêu hóa làm việc tốt.

4. Tư thế cho con bú

tư thế cho trẻ bú

Tư thế cho con bú cũng đặc biệt quan trọng trong việc kích thích tiêu hóa ở các bé. Bạn cần thực hiện những thay đổi nhỏ như vị trí cho bú, cách cho con bú.

Trường hợp bé nôn mửa liên tục thì rất có thể trẻ bị chứng trào ngược axit dạ dày. Lúc này, bạn nên giữ bé ở tư thế thẳng đứng trong khi cho con bú (cả bú mẹ lẫn bú bình). Điều này sẽ ngăn sữa trong dạ dày trào ngược trở lại thực quản. Ngoài ra, bạn nên ẵm trẻ ở tư thế này trong ít nhất nửa giờ tiếp theo để đảm bảo cơn trào ngược không tái diễn.

5. Sữa chua

Sữa chua có rất nhiều lợi khuẩn và men vi sinh cần thiết cho hệ tiêu hóa bé yêu. Vì vậy, nếu trẻ nhỏ có biểu hiện tiêu chảy, nôn mửa, táo bón thì việc cho bé ăn sữa chua khá hữu ích đấy!

Cách làm là các mẹ cho một vài thìa sữa chua vào nước rồi hòa loãng. Sau đó cho bé uống dung dịch này bằng thìa vài lần một ngày cho đến khi trẻ cảm thấy khỏe hơn. Lưu ý là với trẻ dưới 6 tháng tuổi mẹ không nên cho các bé dùng sữa chua. Mặt khác, bạn cũng nên hỏi ý kiến bác sĩ về loại sữa chua phù hợp với tình trạng của con mình.

6. Hãy thử massage

massage cho trẻ để kích thích tiêu hóa

Massage là liệu pháp vô cùng đơn giản nhưng hiệu quả để kích thích tiêu hóa. Hơn nữa, việc này cũng có thể giúp hạn chế vấn đề táo bón ở trẻ. Marry Baby giới thiệu đến bạn cách masage ở bụng, huyệt túc tam lý ở chân và huyệt trác môn.

Phương pháp xoa rốn hay massage ở bụng vốn dĩ rất đơn giản và khá quen thuộc. Hiệu quả mà nó mang lại khá nhanh chóng. Massage theo kiểu này sẽ giúp cơ bụng và ruột khỏe, đồng thời tăng cường lưu thông máu, kích thích bài tiết dịch vị. Đơn giản bạn chỉ việc dùng 2 tay để xoa vùng bụng trẻ, quanh rốn khoảng 50 lần theo chiều kim đồng hồ và ngược lại. Lưu ý là không nên thực hiện khi bé quá đói hoặc quá no và tay bạn phải ẩm, mềm mại.

Huyệt túc tam lý nằm ở phía ngoài mắt đầu gối 3 phân, cách khoảng 1 đốt ngón tay trước viền xương ống chân. Việc kích thích huyệt này sẽ giúp làm giảm đầy bụng, khó tiêu ở trẻ. Dùng ngón tay day ấn huyệt khoảng 2 phút theo chiều kim đồng hồ. Bạn nên bấm huyệt từ 1 – 2 lần/ngày liên tục từ 10 – 15 ngày.

Huyệt trác môn nằm ở đoạn sườn thứ 11, bạn có thể day bấm huyệt để kích thích tiêu hóa tốt hơn.

7. Cho trẻ dùng chuối

Chuối là loại thực phẩm khá lành mạnh mà bạn có thể cho trẻ dùng để cải thiện tiêu hóa. Hơn nữa, chuối cũng là một trong những loại thực phẩm rắn đầu tiên mà bé có thể dùng vì nó rất “thân thiện” với đường ruột của trẻ.

Với lượng chất xơ dồi dào, chuối có tác dụng tốt trong việc điều trị chứng táo bón. Trường hợp trẻ bị nôn mửa hoặc tiêu chảy, mẹ cho bé ăn chuối cũng là giải pháp tốt nhất lúc này. Tuy nhiên, bạn không nên cho bé dưới 6 tháng tuổi dùng chuối nhé!

8. Siro trợ tiêu hóa (Gripe Water)

thức uống trợ tiêu hóa cho trẻ

Với nhiều bậc phụ huynh thì khái niệm Gripe water (siro trợ tiêu hóa) có thể còn khá mới lạ. Loại siro này được nhiều bà mẹ ở các quốc gia phương Tây tin dùng như một giải pháp hiệu quả cho vấn đề đầy hơi, khó tiêu ở trẻ. Nhờ sự kết hợp của các loại thảo dược thiên nhiên, gripe water thúc đẩy hệ tiêu hóa của trẻ làm việc hiệu quả; đồng thời mang lại cho bé một giấc ngủ dài, sâu hơn. Để sử dụng, bạn có thể tìm mua ở các siêu thị dành cho mẹ và bé; hoặc trên các trang thương mại điện tử uy tín trong nước nhé!

9. Bông cải xanh

Bông cải xanh là thực phẩm vô cùng bổ dưỡng cho trẻ nhỏ. Bản thân loại rau ăn hoa này có chứa nhiều chất xơ, folate, canxi và các chất chống oxy hóa. Nhờ vậy mà nó có thể chữa lành bất kỳ tình trạng viêm nào ở đường tiêu hóa của trẻ. Hơn nữa, với hàm lượng chất xơ cao, bé nhà bạn sẽ không phải lo bị táo bón “quấy rầy”.

Tiêu thụ bông cải xanh cũng là cách giúp trẻ hấp thu chất dinh dưỡng tối ưu và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, bạn không nên cho bé dùng quá nhiều hơn mức cần thiết. Bởi lẽ, điều này có thể dẫn đến đầy hơi, khó tiêu ở trẻ.

10. Dầu thì là

dầu thì là kích thích tiêu hóa

Từ lâu đời, thì là được sử dụng như một vị thuốc kích thích tiêu hóa, nhuận tràng, trừ giun. Tương tự dầu thì là cũng mang trong mình những giá trị sức khỏe như vậy. Cách dùng đơn giản nhất là cho một vài giọt dầu thì là hòa cùng với dầu massage của trẻ hoặc các loại dầu nền khác như dầu dừa. Sử dụng hỗn hợp vừa pha thoa nhẹ nhàng xung quanh vùng bụng của trẻ. Cảm giác đau và khó chịu liên quan đến vấn đề tiêu hóa sẽ nhanh chóng tan biến.

Trên đây là một vài biện pháp khắc phục tại nhà giúp kích thích tiêu hóa, chống lại chứng đầy hơi, khó tiêu ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Mặc dù vậy, nếu nhận thấy bất kỳ phương pháp nào không tỏ ra hiệu quả hoặc tình trạng của trẻ ngày một nghiêm trọng hơn, hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra.

Marry Baby