Categories
Nấu ăn ngon Gia đình

6 ý tưởng món ăn độc đáo cho sinh nhật con yêu

Các món ăn cho sinh nhật của trẻ nhỏ nên là những món có thể dễ dàng cầm trên tay để bọn trẻ vừa ăn vừa nói chuyện thoải mái thay vì lỉnh kỉnh nào muỗng nào đũa và lúc nào cũng phải ngồi “dính” ở bàn tiệc.

Chicken nuggets

to chuc sinh nhat cho tre 1

Chicken nuggets là món ăn quen thuộc trong các cửa hàng thức ăn nhanh và rất được trẻ nhỏ ưa thích. Đây đơn giản là thịt ức gà cắt miếng hoặc xay nhuyễn tẩm gia vị rồi viên nhỏ, lăn qua bột chiên xù và chiên ngập dầu. Chỉ mất khoảng 15 phút là mẹ đã có một món ăn thơm ngon, giàu dinh dưỡng và tốt cho sức khỏe của các bé hơn hẳn so với loại chicken nugget làm sẵn ở bên ngoài. Mẹ cũng có thể dùng cá phi lê để thay cho thịt ức gà nếu muốn nhé.

Thịt gà xiên que nướng

to chuc sinh nhat cho tre 2
Không chỉ trẻ em mà cả người lớn cũng rất thích các món nướng xiên que phải không nào? Bọn trẻ có thể cầm lấy những que thịt thơm ngon, vừa ăn vừa nói chuyện mà vẫn sạch sẽ. Món ăn này nên dùng kèm với dưa leo, cần tây hoặc cà rốt xắt que để các bé có thể chấm vào nước sốt và thưởng thức một cách dễ dàng. Không chỉ thịt gà mà thịt heo, các loại tôm, cá, mực cũng có thể chế biến theo hình thức này.

Mini burgers

to chuc sinh nhat cho tre 3
Thêm một phiên bản “lành mạnh” nữa của loại thức ăn nhanh phổ biến toàn thế giới: hambuger. Với những nguyên liệu đơn giản như thịt nguội, phô mai lát, rau xà lách, cà chua, tương cà là bạn đã có ngay món burger quen thuộc cho các bé. Nếu có nhiều thời gian và không muốn dùng thịt nguội, mẹ có thể thay bằng, trứng chiên, thịt heo hoặc thịt gà xay được ướp và dát mỏng đem chiên vàng. Mẹ cũng có thể dùng bánh mì sandwich lạt để thay cho vỏ bánh burger nếu thích.

Cupcakes

to chuc sinh nhat cho tre 4
Món bánh thơm ngon nhiều mùi vị và màu sắc này sau một thời gian ngắn du nhập vào Việt Nam đã được trẻ nhỏ rất yêu thích. Các mẹ nào ưa thích làm bánh ngọt sẽ không thể bỏ qua món này trong sinh nhật con yêu. Làm sao có thể từ chối những cái bánh cupcake xinh xắn thế được nhỉ? Nguyên liệu và cách làm cupcakes có nhiều sự tương đồng với món bông lan truyền thống ở nước ta nên những mẹ nào chưa quen cũng có thể mạnh dạn thử tay nghề nhé.

Thạch rau câu

to chuc sinh nhat cho tre 5
Đây quả là món tráng miệng tuyệt vời cho những buổi tiệc ở xứ sở nhiệt đới như chúng ta. Có rất nhiều cách làm ra món rau câu hấp dẫn với bọn trẻ như rau câu nhiều tầng, rau câu nhiều màu, rau câu được đổ trong các khuôn có hình thù khác nhau. Các mẹ nào có thời gian hơn có thể làm rau câu trái cây, rau câu nhân bánh flan…

Xiên trái cây

to chuc sinh nhat cho tre 6
Dâu tây, lê, táo, chuối, nho, kiwi… và nhiều loại trái cây khác đều rất phù hợp cho ý tưởng này. Bí quyết ở đây là mẹ nên kết hợp những loại trái cây có màu sắc và độ ngọt khác nhau để tạo nên món tráng miệng thơm ngon, bắt mắt. Mẹ cũng có thể phục vụ món này với chocolate nấu chảy sẽ lạ miệng hơn nhé.

MarryBaby

Categories
Mang thai 3 tháng cuối

Tam cá nguyệt thứ ba và những điều mẹ cần biết

Đây là giai đoạn mẹ bầu sẽ tăng cân nhanh nhất, có thể khoảng 0,5kg – 1kg mỗi tuần. Thai nhi sẽ tăng khoảng ¾ cân nặng của mình trong 3 tháng cuối cùng này và mức tăng cân trung bình của mẹ nên nằm ở khoảng 10-12kg nếu mẹ không thuộc nhóm bà bầu thừa cân hoặc thiếu kí.

Đến khoảng tuần thai thứ 37, quá trình tăng cân sẽ chậm lại và có thể dừng hẳn. Lúc này, kích thước cũng như hình dáng của con yêu khi chào đời gần như đã được xác định hoàn toàn.

Bụng bầu ngày càng to cũng đồng nghĩa với áp lực trên khung xương tăng lên và việc giữ thăng bằng với mẹ trở nên khó khăn hơn. Các cơn đau lưng, tình trạng phù nề, giãn tĩnh mạch, đau hông, khó thở và mệt mỏi là những triệu chứng quen thuộc của tam cá nguyệt thứ ba. Do đó, mẹ cần phải nghỉ ngơi nhiều hơn, mặc quần áo rộng rãi, thoải mái, mang giày hoặc dép có đế thấp và ma sát cao, đồng thời cũng nên tập luyện một vài động tác thể dục đơn giản dành cho bà bầu để có thể vượt qua 3 tháng cuối cùng này một cách an toàn và thoải mái.

tam cá nguyệt thứ ba
Mẹ đã tìm hiểu chính sách thai sản của công ty hay chưa?

Một điều không may là với những tình trạng khó chịu kể trên, mẹ sẽ khó lòng có được những giấc ngủ trọn vẹn ban đêm mặc dù đã cố gắng dỗ giấc. Để bù lại thời gian ngủ bị thiếu hụt, cố gắng ngủ thêm vào buổi trưa hoặc bất cứ khi nào có thể vào ban ngày. Đồng thời, mẹ cần tránh uống nước trước giờ ngủ để không phải thức dậy đi vệ sinh giữa đêm vì việc ngủ lại có thể khá khó khăn đấy.

Việc mua sắm và chuẩn bị trước khi sinh nên được hoàn thành trước tuần thai thứ 36 các mẹ nhé. Bé có thể “đòi ra” bất cứ lúc nào đấy! Mẹ không chỉ cần chuẩn bị đầy đủ các vật dụng cần thiết cho trẻ sơ sinh mà quần áo sơ sinh nên được giặt sạch và phơi khô, bình sữa và các vật dụng cho bé bú cũng phải được rửa sạch và khử trùng cẩn thận.

Ở các tuần cuối của thai kỳ, mẹ sẽ nhận thấy đầu ngực rỉ sữa và xuất hiện nhiều cơn co thắt tử cung hơn, đó có thể chỉ là những cơn gò Braxton Hicks thông thường nhưng cũng có thể là những cơn gò chuyển dạ đấy. Mẹ nên chú ý theo dõi các dấu hiệu chuyển dạ khác như sa bụng hoặc vỡ ối để kịp thời nhập viện. Đặc biệt khi nhận thấy nước ối vỡ, dù ào ạt hay rỉ rả, đừng chần chừ mà nên đến bệnh viện ngay nhé.

MarryBaby

Categories
Mang thai Biến chứng thai kỳ

Cảnh giác khi bị chảy máu bất thường trong thai kỳ

Thai ngoài tử cung

Thai ngoài tử cung là tình trạng mà trứng sau khi được thụ tinh không về làm tổ trong tử cung mà phát triển ở một vị trí khác ngoài tử cung, thường gặp nhất là ở ổng dẫn trứng. Các triệu chứng thường gặp của thai ngoài tử cung bao gồm: đau nhói ở bụng, chuột rút dữ dội, xét nghiệm nồng độ hormone thai kỳ hCG thấp và chảy máu âm đạo ở những tuần đầu thai kỳ.

Thai ngoài tử cung có thể gây nguy hiểm tính mạng của mẹ nếu không phát hiện sớm, do đó, các chị em nên siêu âm kiểm tra vị trí khối thai ngay khi có kết quả dương tính với que thử thai nhé.

Nhau tiền đạo

Đây là tình trạng thường xảy ra ở tam cá nguyệt thứ hai và thứ ba khi mà nhau thai che phủ một phần hoặc toàn bộ cổ tử cung. Điều này sẽ cản trở thai nhi tiến vào đường sinh để ra ngoài khi đủ ngày đủ tháng nên các mẹ bị nhau tiền đạo thường phải sinh mổ.

Bên cạnh đó, do vị trí bám nhau bất thường nên cũng ảnh hướng tới quá trình tiếp nhận chất dinh dưỡng của thai nhi khiến thai nhi dễ bị suy dinh dưỡng. Khi thấy âm đạo ra máu đỏ tươi hoặc máu cục nhiều lần và lần sau nhiều hơn lần trước, mẹ bầu nên nghĩ ngay đến nhau tiền đạo.

ra máu khi mang thai
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc âm đạo ra máu khi mang thai

Nhau bong non

Bên cạnh nhau tiền đạo, nhau bong non cũng là một bất thường nhau thai thường gặp. Đây là một trong những nguyên nhân gây chảy máu nghiêm trọng nhất ở các bà bầu. Mẹ có thể bị ngất do mất quá nhiều máu hoặc gặp vấn đề về máu khó đông cũng như nguy cơ cao bị suy thận sau này. Nhau bong non khiến thai nhi không nhận đủ oxy dẫn đến thai chết lưu hoặc nếu may mắn hơn là sinh thiếu tháng.

Chảy máu nặng kèm đau bụng nhiều là dấu hiệu của nhau bong non mà mẹ cần đặc biệt chú ý vì tình trạng này đe dọa tính mạng của cả mẹ và bé nên không thể xem thường.

Sảy thai tự nhiên

Nghe đến sảy thai chắc hẳn chị em đều thấy sợ hãi nhưng thực tế cho thấy đây là hiện tượng rất phổ biến khi mang thai giai đoạn đầu. Có nhiều trường hợp thai bị sảy trước cả khi người mẹ biết mình có thai. Hiện tượng này được gọi là sảy thai tự nhiên, tức sảy thai sớm dưới 12 tuần thai và đa số trường hợp xuất phát từ bất thường nhiễm sắc thể khiến quá trình thụ thai giữa trứng và tinh trùng bị lỗi nên thai không phát triển được và tự đào thải ra ngoài.

Đây chỉ là tai biến của sự thụ tinh chứ không phải dấu hiệu cho thấy bố hoặc mẹ có bệnh cũng như không thể làm được gì để ngăn chặn nên chị em đừng quá thất vọng mà nên kiên trì, cố gắng có thai lại.

Bên cạnh các nguyên nhân “đáng sợ” nói trên, vẫn có những tình trạng ra máu âm đạo không nguy hiểm cho mẹ và bé như trường hợp trứng sau khi thụ tinh bám vào thành tử cung gây bong tróc dẫn đến chảy máu. Tuy nhiên, để chắc chắn bé yêu được an toàn trong bụng mẹ, chị em thai phụ nên đi khám nếu thấy xuất huyết âm đạo không rõ nguyên nhân nhé.

Lê Tú

Categories
Sự phát triển của trẻ Trẻ tập đi và Mẫu giáo Chăm sóc trẻ

Khi nào nên cho trẻ mặc quần lót?

Có nên cho trẻ mặc đồ lót từ nhỏ?
Ở Việt Nam, đa số các mẹ thường cho con gái mặc quần lót sớm hơn con trai vì vấn đề “ý tứ”. Tuy nhiên, tác dụng thật sự của quần lót là để bảo vệ và giữ vệ sinh cho vùng kín, thế nên dù là trai hay gái, các bé đều nên được làm quen với quần lót từ nhỏ. Cụ thể, khi bé đã quen ngồi bô và bỏ hẳn tã, nếu không được mặc quần lót, cơ quan sinh dục của bé có thể bị tổn thương trong lúc bé vui chơi, chạy nhảy hoặc có khi chỉ đơn giản là cọ xát với lớp quần áo cứng bên ngoài cũng có thể khiến vùng da nhạy cảm của bé bị kích ứng.

Với các bé gái thường được mẹ cho mặc váy, đầm, nếu bé không có quần lót, vùng kín sẽ dễ nhiễm khuẩn khi bé ngồi trực tiếp trên sàn nhà. Còn với các bé trai, do đặc điểm cơ quan sinh dục nằm “lộ thiên” nên dễ bị va chạm trong lúc di chuyển, chơi đùa. Bên cạnh lý do vệ sinh và an toàn, tâm sinh lý cũng là một vấn đề mà bố mẹ nên cân nhắc việc cho con mặc quần lót từ sớm vì một khi bé đã lớn mới làm quen với quần lót sẽ khó khăn hơn nhiều. Không chỉ con gái mới cần ý tứ mà con trai cũng cần mặc quần lót cho gọn gàng, kín đáo, hạn chế những tình huống ngại ngùng vì “cậu nhỏ” cương bất thình lình. Không những thế, bé trai không sớm làm quen với quần lót sẽ dễ gặp tai nạn với cái khóa kéo quần đấy mẹ nhé!

cho tre mac do lot 1
Khi con đã quen đi vệ sinh như người lớn cũng là lúc mẹ nên cho trẻ mặc đồ lót

Chọn đồ lót cho trẻ như thế nào?
Quần lót của trẻ em cũng giống như người lớn, cần vừa vặn và thấm hút tốt. Các mẹ đừng chỉ chú ý đến kiểu dáng, màu sắc thu hút để dễ “dụ” bé mặc mà quên đi hai đặc điểm quan trọng nói trên. Dù là quần lót cho bé trai hoặc bé gái, mẹ đều cần chọn loại có chất liệu thoáng mát, chẳng hạn như quần bằng cotton với độ dày vừa phải và có khả năng thấm mồ hôi. Còn về kích cỡ quần lót, phải đảm bảo bé con cảm thấy thoải mái khi mặc.

Quần lót quá chật sẽ gây hại cho quá trình phát triển bộ phận sinh dục của bé, thậm chí ảnh hưởng tới sức khỏe sinh sản cho dù là với bé trai hay bé gái. Tốt nhất là tìm mua loại quần lót không đường may để tránh gây kích ứng cho làn da nhạy cảm của bé. Mẹ nên mua quần lót ở những địa chỉ uy tín với nguồn gốc xuất xứ rõ ràng hoặc mẹ cũng có thể tự may quần lót cho bé tại nhà nữa đấy.

Các lưu ý khi cho bé mặc đồ lót
Quần lót có tác dụng giữ gìn vệ sinh là thế nhưng nếu bị ẩm ướt sẽ phản tác dụng và trở thành “ổ” vi khuẩn gây viêm nhiễm và các bệnh sinh dục cho bé đấy mẹ nhé. Do đó, một khi đã cho con mặc quần lót, mẹ cần để ý xem quần lót có bị ẩm hay không để thay cho con ngay nhé. Đa số các bé thích chạy nhảy sẽ đổ mồ hôi nhiều nên cần thay quần lót thường xuyên hơn người lớn. Bên cạnh đó, sau khi tắm hoặc đi vệ sinh, vùng kín của bé cần được rửa sạch và lau khô rồi mới mặc quần lót vào.

MarryBaby

Categories
Mang thai Chăm sóc mẹ bầu

5 dưỡng chất không thể thiếu khi mang thai và cho con bú

Lợi khuẩn Probiotics

Lợi khuẩn Probiotics là những vi sinh vật sống có lợi cho sức khỏe đường ruột của người sử dụng. Tại sao probiotics lại là dưỡng chất quan trọng cho các chị em đang mang thai và nuôi con bằng sữa mẹ? Trước hết, Probiotics sẽ giúp mẹ bầu cải thiện tình trạng táo bón và hỗ trợ hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả trong suốt hơn 9 tháng “đeo ba lô ngược”. Và khi mẹ sinh bé, Probiotics sẽ được truyền sang con thông qua đường sinh.

Đối với trẻ sơ sinh, có một đường ruột hoạt động tốt là hết sức quan trọng để bé được khỏe mạnh và việc bổ sung những vi sinh vật sống có lợi Probiotics sẽ giúp bé tránh được những rắc rối với hệ tiêu hóa còn non yếu mà trẻ sơ sinh dễ gặp phải như đầy hơi, táo bón, đau bụng, trào ngược dạ dày,… trong những năm đầu đời. Dĩ nhiên, nguồn Probiotics của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ không thể có ở đâu khác ngoài sữa mẹ.

Axit folic

Các loại rau lá xanh, ngũ cốc và ngũ cốc nguyên cám là nguồn axit folic quen thuộc với phụ nữ mang thai. Axit folic sẽ giúp em bé phát triển khỏe mạnh trong bụng mẹ và tránh được các khuyết tật ống thần kinh mà điển hình nhất là tật nứt đốt sống. Không chỉ cần bổ sung axit folic trước và trong khi mang thai, mẹ cần tiếp tục tiêu thụ khoảng 400mcg axit folic mỗi ngày trong thời gian cho con bú để giúp cơ thể thích nghi tốt với việc nuôi dưỡng trẻ sơ sinh.

cho con bú
Không chỉ khi mang thai mà sau khi sinh, mẹ vẫn cần một chế độ ăn uống riêng biệt

Canxi và vitamin D

Đừng nghĩ rằng chỉ có 9 tháng “mang nặng” mới cần một hệ xương khỏe mạnh và chắc chắn mẹ nhé. Bất cứ giai đoạn nào, bao gồm cả thời kỳ cho con bú, mẹ đều cần cung cấp đủ canxi cho cơ thể. Tuy nhiên, chỉ bổ sung canxi là không đủ mà cơ thể còn cần vitamin D vì đây là loại vitamin cần thiết cho sự hấp thụ canxi của cơ thể. Phụ nữ đang cho con bú cần khoảng 1000mg canxi mỗi ngày, có thể được bổ sung bằng viên canxi hoặc thông qua các loại thực phẩm giàu canxi như sữa và sữa chua.

DHA

Chắc hẳn hầu hết các mẹ đều đã biết đến loại axit béo omega-3 này với tác dụng giúp phát triển trí não của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Việc bổ sung DHA là quan trọng trong giai đoạn từ tam cá nguyệt thứ ba cho tới những năm đầu sau khi bé ra đời. Không chỉ tốt cho trí não của trẻ mà DHA với đặc tính kháng viêm còn thúc đẩy quá trình phục hồi sau sinh của mẹ nữa đấy.

Sắt

Sắt đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển oxy trong máu. Trẻ sinh đủ tháng với cân nặng đạt chuẩn sẽ có hàm lượng sắt đủ dùng trong 6 tháng đầu đời. Việc bổ sung sắt là cần thiết với phụ nữ mang thai còn các chị em đang nuôi con bằng sữa mẹ thì nên tránh uống thêm viên sắt cũng như tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu sắt trong 6 tháng đầu sau sinh vì sẽ cản trở khả năng hấp thu sắt của trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, nếu mẹ hay mệt mỏi, chóng mặt và khó tập trung lâu, rất có thể mẹ đang bị thiếu sắt đấy nhé.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Năm đầu đời của bé Cho con bú

Làm gì để mẹ có nhiều sữa cho con bú? (Phần 1)

Tình trạng ít sữa có thể bắt nguồn từ sự mất cân bằng hormone bên trong cơ thể mẹ dẫn đến từ khi mới sinh mẹ đã tiết ít sữa. Hoặc cũng có nhiều trường hợp mẹ ban đầu có đủ sữa cho con bú nhưng lượng sữa bị giảm dần theo thời gian.

Các mẹ đã bao giờ nghe tới prolactin hay chưa? Đây chính là loại hormone quan trọng ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa mẹ đấy. Việc thiếu prolactin có thể là nguyên nhân khiến mẹ ít sữa. Bên cạnh đó, các mẹ có núm vú ẩn cũng có thể gặp khó khăn khi cho con bú.

Tuy nhiên, không phải lúc nào mẹ tiết ít sữa cũng là do mẹ mà có khi lại do em bé mới sinh, chẳng hạn trẻ có khiếm khuyết về răng miệng như bệnh hở hàm ếch hoặc trẻ bị bệnh hiểm nghèo đều sẽ dẫn đến việc bú mớm bị cản trở. Cả trong trường hợp trẻ khi mới sinh được cho bú bình cũng có thể khiến việc bú mẹ sau đó trở nên kém thuận lợi hơn.

Khi phát hiện ra mẹ ít sữa, cần tìm hiểu được nguồn cơn để có hướng cải thiện phù hợp. Chắc hẳn các mẹ sẽ rất sốt ruột khi thấy sẽ không về hoặc về ít nhưng lo lắng cũng không giúp giải quyết được vấn đề mà chỉ khiến mẹ thêm mệt mỏi mà thôi. Cho nên cần phải thật bình tĩnh mẹ nhé.

de me co nhieu sua 3
Nuôi con bằng sữa mẹ cũng là một cách để gắn kết mẹ con

Dưới đây là các phương pháp giúp chị em thuận lợi hơn trong hành trình nuôi con bằng sữa mẹ.

Sinh con tự nhiên
Việc sinh mổ cần dùng nhiều thuốc kháng sinh để tránh nhiễm trùng vết mổ nên sẽ ảnh hưởng đến quá trình sản xuất sữa sau khi sinh. Còn khi sinh thường, hàm lượng oxytocin và prolactin được tối ưu hóa, kích thích sữa về nhanh và nhiều hơn. Bên cạnh đó, trẻ sơ sinh cũng chịu ít nhiều tác động của các loại thuốc nói trên, ảnh hưởng đến khả năng bú mẹ của bé.

Cho con bú ngay sau khi sinh
Sinh thường được coi là bước khởi đầu thuận lợi trong việc nuôi con bằng sữa mẹ nhưng như thế không có nghĩa là những mẹ sinh mổ sẽ không thể cho con bú thành công. Dù sinh thường hay sinh mổ, mẹ đều nên cố gắng cho con bú trong vòng một giờ sau sinh để tận dụng được nguồn sữa non quý giá, đồng thời có những cử chỉ âu yếm, gần gũi với con càng nhiều càng tốt. Ở bên con và cho con bú bất cứ khi nào bé muốn sẽ tạo nên phản xạ tích cực cho cơ chế sản xuất sữa của mẹ.

Tích cực cho con bú
Sữa mẹ được sản xuất theo nguyên lý cung – cầu. Mẹ càng cho con bú thường xuyên thì sữa càng tiết ra nhiều. Thế nên, mẹ cứ thoải mái cho bú khi con đòi bú mà không nhất thiết phải tuân theo một “thời gian biểu” cho bú nào cả nhé.

Hạn chế sử dụng bình sữa
Mẹ có biết rằng trẻ sơ sinh cần sử dụng những cử động lưỡi và hàm khác nhau khi bú mẹ và bú bình? Khi bé mới làm quen với việc bú mẹ nhưng cùng lúc lại “học” bú bình, việc bú mẹ của bé có thể bị ảnh hưởng theo chiều hướng xấu. Do đó, mẹ nên hạn chế việc cho con bú bình, ngay cả khi đó là sữa mẹ, cũng như việc dùng núm vú giả ở thời kỳ đầu sau sinh.

Cân nhắc khi dùng máy hút sữa
Khá nhiều mẹ thường dùng máy hút sữa ngay sau mỗi cữ bú của con vì nghĩ rằng việc này sẽ kích thích sản xuất sữa nhiều hơn. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia dinh dưỡng, thói quen này ở những tuần đầu sau sinh sẽ làm mất đi sự cân bằng tự nhiên giữa lượng sữa mà mẹ sản xuất ra với lượng sữa mà bé cần. Các mẹ sẽ mất thêm thời gian cho việc này một cách không cần thiết mà còn có thể dẫn đến tình trạng căng tức ngực hoặc nghiêm trọng hơn là áp xe vú do sữa ra quá nhiều. (còn tiếp)

MarryBaby

Categories
Sau khi sinh Vóc dáng

5 bài tập giảm vòng bụng sau khi sinh

1. Nâng tạ
Đứng thẳng, mỗi tay cầm một quả tạ khối lượng nhẹ. Nghiêng người từ phần hông trở lên về phía trước, giữ thẳng lưng, nâng chân phải về phía sau. Khi cơ thể đạt độ nghiêng 45 độ, nhấc hai tay và duỗi thẳng ra hai bên. Giữ nguyên tư thế, ép hai bả vai vào nhau. Hạ tay và chân, đứng thẳng. Lặp lại tương tự với chân bên kia.

lay lai voc dang sau sinh 1

Số lần thực hiện: 6 lần cho mỗi chân.

2. Chống đẩy kết hợp nâng chân
Chống tay lên mặt ghế, duỗi thẳng người và thực hiện tư thế chống đẩy. Làm động tác chống đẩy để ngực chạm ghế sau đó đẩy ngược về tư thế ban đầu. Tiếp theo, nâng chân phải lên đồng thời ép mông. Hạ chân xuống và tiếp tục thực hiện chống đẩy. Sau đó nâng chân trái lên.

lay lai voc dang sau sinh 2

Số lần thực hiện: Càng nhiều càng tốt, cố gằng chống đẩy hết sức.

3. Nâng hông
Nằm nghiêng qua một bên, hai bàn chân chụm vào nhau, cùi chỏ đặt dưới vai, cẳng tay duỗi về phía trước. Nhấc hông lên cho tới khi cơ thể duỗi thẳng. Dừng lại và hạ người gần mặt đất trước khi lặp lại.

lay lai voc dang sau sinh 3

Số lần thực hiện: 10 lần mỗi bên

4. Nâng hông với bóng
Nằm ngửa và đặt hai gót chân lên bóng, đầu gối gập lại 90 độ. Duỗi tay ra hai bên một góc 45 độ, lòng bàn tay ngửa lên. Đẩy chân và nâng hông lên khỏi mặt đất tới khi cơ thể tạo thành một đường thẳng. Ghì chặt hai gót chân ở phía trên. Từ từ hạ xuống và bắt đầu lặp lại.

lay lai voc dang sau sinh 4

Số lần thực hiện: 15 – 20 lần

5. Ngồi xổm kết hợp nâng tạ/bóng
Đối với bài tập này, bạn sẽ cần giữ một vật nặng. Bạn có thể sử dụng tạ hoặc những vật nặng có sẵn trong nhà như quả bóng chẳng hạn. Ngồi xổm và hạ thấp tạ xuống mặt đất, sau đó đứng lên và nâng bóng qua đầu.

Số lần thực hiện: 10 lần

Giữ bóng thẳng theo chiều dài tay trước mặt, xoay qua trái rồi xoay qua phải. Các cơ bên hông sẽ giúp điều khiển và hình thành chuyển động này.

Số lần thực hiện: 10 lần mỗi bên.

Nâng bóng lên và đưa ra phía ngoài vai phải trước khi hạ xuống và kết thúc ở phía dưới bắp chân trái. Thực hiện lặp lại với bên trái.

Số lần thực hiện: 10 lần mỗi bên.

lay lai voc dang sau sinh 5

Lưu ý giữ đầu gối thả lỏng và lưng thẳng trong suốt quá trình luyện tập.

Ngồi trên bóng
Nhiều bà mẹ thường ngồi trên bóng nảy để ru con ngủ. Tác dụng của việc này là bạn sẽ tiết kiệm được thời gian dành cho việc luyện tập. Bạn có thể ngồi trên bóng để xem TV hoặc khi cho con bú. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn ngồi thẳng người khi cho bé bú bằng cách giãn khoảng cách giữa xương ức và rốn. Ngồi trên bóng cũng có thể giúp bạn giảm các cơn đau lưng bằng cách làm chắc khỏe các cơ xung quanh và tăng cường tuần hoàn máu.

Tại sao nên tập thể dục sau khi sinh?
Không chỉ giúp mẹ nhanh chóng lấy lại cân nặng trước khi mang thai mà quan trọng hơn, việc tập thể dục sẽ cho mẹ một sức khỏe tốt để đương đầu với hành trình nuôi con mọn đầy thử thách phía trước.

Cuộc sống với trẻ sơ sinh sẽ khiến mẹ rất khó tuân theo những thời gian biểu cố định. Các bé thường đói, buồn ngủ và quấy khóc vào bất cứ lúc nào. Vì vậy, mẹ cần trong tư thế sẵn sàng luyện tập khi có cơ hội. Mẹ có thể luyện tập ngồi xổm và co duỗi chân khi đang chuẩn bị bữa tối hoặc thực hiện các bài tập nâng hông khi ru con ngủ. Mẹ cũng có thể nhờ chồng trông con trong khoảng 30 phút để có thể thực hiện việc luyện tập một cách đầy đủ và trọn vẹn.

Khi nào nên bắt đầu luyện tập?
Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào tình trạng hồi phục của từng mẹ và có thể là 6-8 tháng sau khi sinh. Tốt nhất bạn nên được sự đồng ý của bác sĩ trước khi quay trở lại luyện tập nhé.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Chăm sóc bé Năm đầu đời của bé

Các rắc rối thường gặp khi chăm sóc trẻ sinh đôi

Giờ giấc ăn ngủ khác nhau
Chắc hẳn bạn đã nghe nhiều về chuyện thiếu ngủ vì chăm con mọn của các bà mẹ mới sinh. Vậy thì bạn hãy chuẩn bị tinh thần sẵn sàng cho những ngày tháng mất ngủ nếu sắp có hai bé sinh đôi nhé vì nhiều khả năng các con sẽ có giờ ăn giấc ngủ khác hẳn nhau đấy. Thử tưởng tượng xem nào, nếu những mẹ chỉ có một bé có thể tranh thủ thời gian nghỉ ngơi trong khi bé ngủ thì những mẹ sinh đôi vẫn phải “vật lộn” với bé còn lại.

Giải pháp cho bạn là tập các bé sinh hoạt với cùng một thời gian biểu mà quan trọng nhất là ăn ngủ cùng lúc. Khi một bé đòi bú, mẹ nên đánh thức bé còn lại dậy để cho bú và khi đến giờ ngủ thì dỗ hai bé cùng ngủ. Dĩ nhiên sẽ khó khăn đấy nhưng các bé sẽ học cách thích nghi dần dần và khi đó mẹ không còn phải “xoay như chong chóng” nữa. Trẻ sinh đôi thường thích ôm hoặc chạm vào nhau và điều này có thể giúp các bé dễ ngủ hơn, do đó, mẹ nên cho các bé ngủ chung trong một cũi nhé.

cham soc tre sinh doi
Chăm sóc trẻ sinh đôi đòi hỏi nhiều sức lực và kiên nhẫn

Cho con bú cùng một lúc
Ban đầu, việc cho hai bé cùng bú sẽ khó khăn, đặc biệt với những ai lần đầu làm mẹ chưa có kinh nghiệm cho con bú. Tuy nhiên, nếu mẹ biết áp dụng một số tư thế phù hợp, cùng với sự trợ giúp của các loại gối được thiết kế cho trẻ sinh đôi, mẹ hoàn toàn có thể cho các bé bú cùng lúc. Bằng cách này, mẹ sẽ không phải mất gấp đôi thời gian như khi cho bú lần lượt nữa. Bên cạnh đó, cũng như các chị em nuôi con bằng sữa mẹ khác, bạn có thể hút sữa ra bình và nhờ chồng hoặc người nhà cho các bé bú để mẹ có thêm thời gian nghỉ ngơi. Đừng quên ghi rõ ngày vắt sữa ngoài bình hoặc túi đựng để kiểm soát hạn dùng nhé.

Đưa các bé đi du lịch
Ông bố bà mẹ nào có con nhỏ cũng phải chuẩn bị tâm lý đối diện với những cái nhìn khó chịu của người khác ở trên máy bay, tàu lửa hoặc các phương tiện giao thông khác khi có bé quấy khóc. Và bạn còn có đến hai chứ không phải một “loa phóng thanh” nữa chứ, thật sự sẽ không dễ dàng chút nào đâu. Chuyện các bé ngoan ngoãn giữ im lặng suốt chuyến đi dường như là điều hoang tưởng và thời gian di chuyển càng kéo dài thì áp lực mà bố mẹ phải chịu đựng càng lớn. Do đó, hãy chuẩn bị thật cẩn thận và chu đáo trước mỗi chuyến đi với hy vọng rằng mọi thứ sẽ ổn.

Thay tã cho các bé
Bạn sẽ cần một ai đó trong nhà và gần gũi với các bé, chẳng hạn như bà hoặc cô giữ trẻ để giúp trông một bé trong khi bạn thay tã cho bé còn lại. Trẻ sơ sinh hầu như rất bám mẹ nên các bé sẽ không thích việc mẹ rời mắt khỏi bé cho dù chỉ vài phút. Vừa thay tã cho đứa em vừa nghe tiếng la khóc của đứa anh là cảnh tượng kinh hoàng mà bạn không bao giờ muốn đối diện đâu, sẽ rất dễ nổi điên đấy! Mẹo nhỏ cho bạn là luôn chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng ở bàn thay tã hoặc trong túi tã để đảm bảo bạn sẽ thay tã cho bé một cách nhanh nhất có thể.

Chăm sóc trẻ sinh đôi chắc chắn rất vất vả nhưng niềm vui khi ngắm nhìn hai thiên thần nhỏ giống nhau như hai bản sao cũng to lớn không kém nên nếu bác sĩ đã thông báo bạn mang thai đôi thì hãy lên dây cót tinh thần và chuẩn bị mọi thứ ngay từ bây giờ nhé!

Lê Tú

Categories
Dạy con Nuôi dạy con

7 nguyên tắc dạy trẻ kiểm soát cơn giận

Giữ bình tĩnh
Nguyên tắc đầu tiên và cũng là nguyên tắc quan trọng nhất để tập cho con kiểm soát cơn giận chính là bản thân bố mẹ phải luôn giữ bình tĩnh. Điều này thật dễ hiểu: nếu người lớn như bạn không kiểm soát được cảm xúc của mình, sao bạn có thể đòi hỏi con làm được điều đó? Ông bà ta có câu “Giận quá mất khôn”, kiểm soát cảm xúc của chính mình là cách để bạn nắm thế chủ động trong những tình huống phải đối diện với con.

Hiểu rõ nguyên nhân
Không phải lúc nào trẻ nhỏ la hét ầm ĩ cũng vì tức giận hoặc có điều gì đó không vừa ý. Con nít vẫn là con nít, bé có thể làm um lên chỉ đơn giản vì bé mệt, bé đói, bé thấy không khỏe. Đứng trên góc nhìn của một đứa bé để tìm hiểu lý do cho những hành vi khó chịu của trẻ, bố mẹ sẽ dễ dàng tiếp cận và điều chỉnh hành vi của con hơn.

Đừng “mua chuộc” con
Không ít ông bố bà mẹ vì muốn được yên ổn mà mau chóng chiều theo những đòi hỏi vô chừng của con hoặc dỗ con nín khóc bằng bánh kẹo và đồ chơi. Làm như thế là bố mẹ đã vô tình hình thành trong đầu óc non nớt của trẻ suy nghĩ: Cứ việc la hét, nhõng nhẽo là sẽ được cái mình thích.

kiem soat con gian 1
Điều khó nhất khi dạy trẻ kiểm soát cơn giận là chính bố mẹ phải làm được điều đó

Ngăn trẻ tự làm bản thân bị thương
Khi một đứa trẻ nổi cơn giận dữ, bé có thể lập tức nằm lăn ra ăn vạ và có thể bị thương bởi những vật dụng xung quanh. Do đó, ngay khi thấy trẻ có dấu hiệu sắp “bốc hỏa”, mẹ cần quan sát ngay xung quanh và đảm bảo rằng không có vật nào có thể gây thương tích cho con. Với các bé còn nhỏ, mẹ có thể ẵm bé lên để tránh con bị trầy trụa vì nền xi măng hoặc sàn gỗ.

Không hưởng ứng trẻ
Nếu bạn biết con chỉ đang nhõng nhẽo một chuyện gì đó nhỏ nhặt, cách phản ứng của bạn có thể đơn giản là… bỏ đi. Thật vậy, trẻ con nhạy bén hơn chúng ta nghĩ rất nhiều đấy. Khi nhận thấy người lớn đã “biết tỏng” trò mè nheo của mình và sẽ không hưởng ứng lại, trẻ sẽ tự động điều chỉnh hành vi của mình. Bạn cũng có thể cho trẻ biết rằng bố hoặc mẹ sẽ không nói chuyện với trẻ cho tới khi nào trẻ ngừng khóc lóc.

Giải thích cho trẻ hiểu lý lẽ
Khi “cơn tam bành” của trẻ đã qua đi và con vui vẻ trở lại, bố mẹ cần dành thời gian giải thích cho trẻ hiểu tại sao cách cư xử của trẻ là không thể chấp nhận và mọi người cảm thấy như thế nào trước hành động đó của trẻ. Dùng những lời lẽ đơn giản, trực tiếp với thái độ bình tĩnh nhưng đủ cứng rắn để nói cho con hiểu, mẹ nhé.

Tìm cách để ứng phó với cơn giận
Có nhiều cách để trẻ có thể kiểm soát cơn giận của mình và tùy theo tính cách từng bé mà bố mẹ cần tìm một giải pháp thích hợp và hiệu quả. Có những bé cần được ở một mình để lấy lại bình tĩnh. Một số bé khác thích vẽ nguệch ngoạc hoặc xé giấy như một cách giải tỏa những cảm xúc tiêu cực. Cũng có những bé sẽ thấy được xoa dịu nếu mẹ ôm bé thật chặt và vỗ về bé đấy.

MarryBaby

Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe trẻ em Rối loạn hành vi và phát triển

Chẩn đoán hình ảnh phát hiện trẻ tự kỷ từ 9 tháng tuổi

Bệnh tự kỷ cần được phát hiện càng sớm càng tốt trước 2 tuổi để can thiệp kịp thời, trong khi hầu hết cha mẹ chỉ thực sự nhận ra con mình mắc bệnh khi chúng đã lên 4 thì đã quá muộn. Một số người cũng hoài nghi vì nhìn thấy các vấn đề về phát triển ở con khi chúng chưa được 1 tuổi. Tuy nhiên, khoa học lại chưa đưa ra bất cứ công cụ chẩn đoán hình ảnh nào để xác định chắc chắn tình trạng bệnh của trẻ.

Phương pháp mới dựa trên cách tính toán chu vi và phân tích các phản xạ vùng đầu sẽ giúp chẩn đoán sớm chứng tự kỷ như một phần của bước chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho trẻ. Cách xác định bằng hình ảnh này dễ dàng thực hiện, nhanh chóng và hiệu quả; đặc biệt hữu ích đối với những trẻ không có biểu hiện sớm của bệnh và không thể nhận biết thông qua các triệu chứng thông thường.

tre tu ky 2
Phát hiện và can thiệp sớm sẽ giúp trẻ tự kỷ phát triển tốt hơn

Trong cuộc nghiên cứu tại trường Đại học George Washington (Mỹ), gần 1.000 trẻ đã được chia thành hai nhóm, một nhóm chẩn đoán sớm theo phương pháp này vào lúc 9 tháng tuổi, một nhóm không chẩn đoán sớm và tiếp tục theo dõi khi chúng được khoảng 4-6 tuổi.

15 trẻ có chu vi đầu lớn hơn hoặc bằng 75 phân vị (tức là có chưa tới 75% số trẻ có chu vi đầu nhỏ hơn các trẻ này), chu vi đầu lệch chuẩn cân đối 10% so với chiều cao toàn thân, hoặc có kết quả thử phản xạ vùng đầu quá kém đã được chẩn đoán có nguy cơ mắc chứng tự kỷ (30%) hay chậm phát triển ngôn ngữ (70%). Kết quả này chính xác 93% khi các chẩn đoán vào năm các trẻ này 3 tuổi cho thấy có đến 14 trẻ thực sự biểu hiện triệu chứng của bệnh.

Trước đây các bác sĩ nhi khoa chỉ lưu ý các bậc cha mẹ đề phòng sớm trường hợp trẻ mắc chứng tự kỷ thông qua cân nặng lúc chào đời (lớn hơn 4.5 kg hoặc nhẹ hơn 2.5 kg); hoặc tiếng khóc cao, chát chúa, căng thẳng; nhưng các biểu hiện này chỉ chính xác dưới 60% mà thôi.

Còn các biện pháp theo dõi hành vi, tâm lý và khả năng ngôn ngữ của trẻ thì ít nhiều khá cảm tính, không phải cha mẹ nào đủ kiến thức để “chẩn đoán” kịp thời cho con mình. Vậy nên phương pháp chẩn đoán hình ảnh chu vi và phản xạ vùng đầu chắc chắn sẽ giúp cha mẹ và các bác sĩ nắm bắt thời điểm vàng phát hiện trẻ tự kỷ để can thiệp kịp thời.

MarryBaby