Categories
Sự phát triển của trẻ Sức khỏe bé sơ sinh Năm đầu đời của bé

Trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm: Khi nào mẹ cần lo?

Không phải tất cả những trường hợp trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm đều là dấu hiệu nguy hiểm. Chỉ những trường hợp trẻ đổ mồ hôi do bệnh lý, mẹ mới nên đưa bé đến bệnh viện kiểm tra. Vậy, làm sao phân biệt đổ mồ hôi trộm sinh lý và bệnh lý?

Trong quá trình chăm sóc trẻ sơ sinh, nếu thấy bé đổ nhiều mồ hôi, kèm những biểu hiện bất thường, mẹ nên đưa bé đến bệnh viện để kiểm tra ngay. Đây có thể là dấu hiệu bé cưng đang gặp vấn đề về sức khỏe như thiếu can-xi, rối loạn thần kinh cảm giác… Hơn nữa, trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm nhiều nếu không được chữa trị cũng có thể gây tác động tiêu cực cho sức khỏe.

Trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm: Khi nào cần lo?
Trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm sẽ làm ảnh hưởng chất lượng giấc ngủ

Đổ mồ hôi trộm là một từ khá quen thuộc trong dân gian, dùng để chỉ những trường hợp trẻ ra mồ hôi nhiều ở vùng lưng, bàn tay, bàn chân, gáy, nách. Những vùng cơ thể khác như bụng, cánh tay, đùi đều không đổ mồ hôi. Thậm chí, trong thời tiết lạnh, bé mặc quần áo thoáng mát cũng vẫn đổ mồ hôi, nhất là trong lúc nằm ngủ.

Theo các chuyên gia, trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thường đổ mồ hôi trộm nhiều hơn so với người lớn, bởi hệ thống điều chỉnh nhiệt độ còn hoạt động kém. Hơn nữa, tỷ lệ tuyến mồ hôi so với kích thước cơ thể của bé cũng khá cao.

Phân biệt trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm do sinh lý và bệnh lý

1. Trẻ ra mồ hôi trộm sinh lý

Do sự trao đổi chất diễn ra mạnh mẽ hơn người lớn nên trẻ nhỏ cũng thường đổ nhiều mồ hôi hơn. Nếu bị kích thích vì nguyên nhân nào đó, trẻ sẽ tự điều hòa thân nhiệt bằng cách ra nhiều mồ hôi. Ngoài ra, trẻ cũng dễ đổ mồ hôi nếu môi trường xung quanh tăng nhiệt độ.

Thông thường, mồ hôi sinh lý sẽ xuất hiện nhiều ở vùng đầu, cổ khoảng 30 phút trước khi bé ngủ và sẽ biến mất sau khoảng 60 phút. Mẹ không cần quá lo với những trường hợp này, bởi mồ hôi trộm do sinh lý không gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe trẻ.

2. Đổ mồ hôi trộm bệnh lý

Trẻ đổ mồ hôi nhiều kèm những dấu hiệu như tóc rụng hình vành khăn, quấy khóc, khó chịu, sổ mũi… có thể là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm, mẹ nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra và điều trị ngay. Dưới đây là những nguyên nhân thường gặp làm trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm nhiều, mẹ lưu ý nhé!

– Thiếu can-xi: Ngoài đổ mồ hôi trộm, trẻ thiếu can-xi còn thường quấy khóc về đêm, trẻ hay vặn mình khi ngủ, ọc sữa, tóc rụng hình vành khăn sau gáy… Trẻ thiếu can-xi trong thời gian dài có thể gây còi xương, thóp chậm liền, đầu bẹp, chậm mọc răng, chậm phát triển các kỹ năng vận động.

[inline_article id=44516]

– Lao sơ nhiễm: Đa phần những trường hợp lao sơ nhiễm đều có dấu hiệu “âm thầm”: sốt nhẹ về chiều, biếng ăn, sút cân, đổ mồ hôi, ho dai dẳng. Trong một số trường hợp trẻ cũng có thể bị đau bụng, tiêu chảy kéo dài…

– Rối loạn thần kinh thực vật: Là tình trạng mất cân bằng của hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Bé biếng ăn, thường xuyên buồn nôn, khó chịu, mệt mỏi toàn thân, rối loạn giấc ngủ…

Trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm nhiều, liên tục sẽ làm cơ thể mất đi một lượng nước đáng kể, từ đó làm người mệt mỏi, dễ đau ốm, suy nhược. Hơn nữa, trẻ đổ mồ hôi trong lúc ngủ có thể bị lạnh, dẫn đến các chứng bệnh về hô hấp. Vì vậy, nếu trẻ ra nhiều mồ hôi, dù không biết rõ sinh lý hay bệnh lý, mẹ cũng nên đưa bé đến bệnh viện để tìm hiểu nguyên nhân và chữa trị kịp thời.

Mách mẹ cách chữa mồ hôi trộm ở trẻ

Với những trường hợp trẻ đổ mồ hôi trộm nhưng vẫn ăn uống, ngủ nghỉ bình thường, mẹ có thể lưu ý đến môi trường xung quanh trẻ. Cho bé ngủ ở nơi thông thoáng, quần áo chọn chất liệu thoải mái, có khả năng thấm hút cao. Khi trẻ bị đổ nhiều mồ hôi, mẹ nên dùng khăn lau người cho con, đồng thời thay áo cho trẻ, tránh để mồ hôi thấm ngược vào cơ thể gây cảm lạnh.

Nếu trẻ đổ mồ hôi trộm do thiếu can-xi, cách chữa tốt nhất là tăng cường bổ sung can-xi cho bé. Ngoài can-xi, mẹ cũng nên thường xuyên cho bé tắm nắng để bổ sung vitamin D. Nhờ vitamin D, cơ thể sẽ hấp thụ can-xi tốt hơn. Nếu có ý định cho trẻ uống vitamin bổ sung, mẹ nên tham khảo thêm ý kiến bác sĩ.