Vào website Ngân hàng sữa mẹ của Bệnh viện Từ Dũ, một trong những điều đọng lại chính là khẩu hiệu đầy xúc động: “Mẹ có thể chỉ sinh ra một em bé, nhưng mẹ có thể là mẹ của nhiều bé khác”. Có lẽ khi đọc slogan này, sẽ có nhiều bà mẹ muốn hiến tặng dòng sữa ngọt ngào để tất cả các em bé đều có cơ hội được nuôi bằng sữa mẹ.
Giới thiệu chung về ngân hàng sữa mẹ
Hiện tại Việt Nam có hai ngân hàng sữa mẹ hoạt động phi lợi nhuận là Ngân hàng sữa mẹ Bệnh viện Từ Dũ và Ngân hàng sữa mẹ đặt tại Bệnh viện Phụ Sản Nhi Đà Nẵng.
Hàng năm, hai bệnh viện Từ Dũ và Phụ Sản Nhi Đà Nẵng tiếp nhận, chăm sóc hàng ngàn trẻ sinh non, trẻ nhẹ cân. Đây là những trẻ luôn đối mặt với nhiều nguy cơ và chỉ có sữa mẹ mới là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo nhất cho các bé. Vì sữa mẹ dễ tiêu hóa, giàu kháng thể, chứa đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho quá trình phát triển ở trẻ sinh non.
Tuy nhiên, mẹ của trẻ sinh non thường không đủ sữa cho bé bú. Đó là một trong những lý do ngân hàng sữa mẹ ra đời.
Với nhiệm vụ thúc đẩy và hỗ trợ nuôi con bằng sữa mẹ, ngân hàng sữa mẹ sẽ lưu trữ sữa mẹ được hiến tặng đã qua thanh trùng. Nguồn sữa này sẽ cung cấp cho hàng ngàn trẻ sơ sinh non tháng với các bệnh lý đi kèm được chăm sóc tại bệnh viện. Bên cạnh đó, sữa mẹ tại ngân hàng còn đáp ứng nhu cầu cụ thể của những trẻ sơ sinh khác để trẻ có nền tảng sức khỏe ban đầu vững chắc.
Tại sao một em bé cần sữa được hiến?
Trẻ sinh non, nhẹ cân ngay khi chào đời thường phải nằm ở phòng chăm sóc sơ sinh tích cực hoặc phòng chăm sóc sơ sinh đặc biệt.
Ở giai đoạn này, mẹ sinh non tháng thường tiết sữa chậm hoặc không đủ sữa cho con bú. Cũng có khi bé sinh quá non nên chưa biết mút vú mẹ hoặc mút yếu. Vì vậy, bé sẽ được cho ăn bằng sữa hiến tặng cho đến khi mẹ bé có đủ sữa hoặc bé có thể bú mẹ trực tiếp.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh mồ côi được nuôi tại bệnh viện, trẻ sơ sinh tạm thời cần sữa mẹ (do mẹ chưa đủ sữa) cũng có thể đăng ký sữa từ ngân hàng sữa mẹ.
Lợi ích của việc hiến tặng sữa mẹ
Mặc dù y học ngày càng tiến bộ nhưng tỷ lệ sinh non vẫn còn rất cao. Trung bình cứ 100 thai phụ thì xấp xỉ 10 mẹ sinh non.
Trẻ càng non thì càng dễ gặp các biến chứng cũng như tỉ lệ nuôi sống càng giảm. Nhờ vào nguồn sữa mẹ hiến tặng, nhiều trẻ sinh non giảm biến chứng và tăng tỉ lệ nuôi sống.
Đặc biệt, những trẻ sơ sinh nhẹ cân được bú sữa mẹ sẽ giảm khả năng mắc các bệnh nhiễm trùng, nhất là nhiễm trùng đường ruột đe dọa đến tính mạng (viêm ruột hoại tử), Bên cạnh đó, trẻ sinh non cũng giảm nguy cơ bị các vấn đề sức khỏe lâu dài như huyết áp cao nhờ được nuôi bằng sữa mẹ.
Một trường hợp khác cũng cho thấy lợi ích thiết thực của ngân hàng sữa mẹ. Cụ thể, với trẻ sơ sinh bị dị ứng sữa ngoài hoặc không thể hấp thụ chất dinh dưỡng từ sữa ngoài (do một số nguyên nhân), trẻ không thể hoãn việc bú mẹ. Nhưng mẹ bé lại không có sữa. Nhờ ngân hàng sữa mẹ mà trẻ được nuôi ăn kịp thời.
>>> Mẹ có thể xem thêm: 9 công dụng tuyệt vời của sữa mẹ
Ngân hàng sữa hoạt động như thế nào?
Sữa mẹ hiến tặng sẽ được xử lý, lưu trữ và phân phối theo một quy trình nghiêm ngặt để đảm bảo tiêu chuẩn an toàn và chất lượng.
- Các bà mẹ đang cho con bú tình nguyện hiến tặng sữa mẹ sẽ được sàng lọc để đảm bảo nguồn sữa hiến tặng an toàn.
- Tiếp đến, nhân viên ngân hàng sữa mẹ sẽ hướng dẫn mẹ cách vắt sữa và bảo quản ban đầu trước khi đưa về ngân hàng lưu trữ.
- Trong vòng 24 giờ đầu, sữa mẹ được hiến sẽ lưu trữ ở nhiệt độ -8oC, sau đó đưa về ngân hàng sữa mẹ lưu trữ ở nhiệt độ -20oC.
- Khi lượng sữa hiến tặng của mỗi bà mẹ đạt đến 4 lít sẽ rã đông cho vào chai tiệt trùng và lấy mẫu xét nghiệm.
- Sữa sau thanh trùng trước khi cho vào tủ chờ sử dụng, phải đạt các chỉ tiêu xét nghiệm, đảm bảo cung cấp nguồn dinh dưỡng phù hợp và có giá trị miễn dịch cao cho trẻ.
Toàn bộ quá trình từ lúc lấy sữa đến khi cho trẻ ăn không quá 6 tháng.
Tại sao phải trả phí khi nhận sữa từ ngân hàng sữa mẹ?
Như đã nói ở trên, sữa hiến tặng sẽ được xử lý theo một quy trình nghiêm ngặt bao gồm: sàng lọc và giáo dục bà mẹ hiến tặng, xét nghiệm, thanh trùng, bảo quản sữa ở nhiệt độ âm sâu để đảm bảo an toàn. Toàn bộ chi phí thực hiện quy trình này sẽ được tính thành giá của sữa mẹ khi cấp cho người nhận.
Ai có thể hiến tặng sữa mẹ?
Ngân hàng nhận sữa hiến tặng từ hai nhóm sau:
– Các mẹ đang chăm sóc con sinh non tại bệnh viện có nguồn sữa dồi dào muốn hiến tặng.
– Các mẹ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, có khả năng hiến ít nhất 4 lít sữa trong 1 tháng.
Nếu có nhu cầu hiến tặng sữa mẹ, mẹ có thể vào website nganhangsuametudu để đăng ký hiến sữa.
Điều kiện hiến tặng sữa
Mẹ nếu muốn hiến tặng sữa phải đàm bảo các yêu cầu sau:
– Đủ 18 tuổi trở lên.
– Sức khỏe tốt.
– Không nhiễm HIV, viêm gan B, viêm gan C và giang mai.
– Không dùng các thuốc chống chỉ định trong thời gian cho con bú
– Không thường xuyên hút thuốc, sử dụng thức uống có cồn.
Hy vọng ngân hàng sữa mẹ ngày càng phát triển, xuất hiện tại nhiều tỉnh thành nhằm thúc đẩy và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ trên khắp cả nước.